NỖI NIỀM THAO THỨC

NoiNiem

 

 

 

 

Tân Thiên kỷ Thứ Ba Sẽ Đưa Nhân Loại Về Đâu?

Những ngày tháng cuối cùng của thế kỷ hai mươi đã lui vào cõi mù khơi! Lịch sử đã sang trang! Nhân loại đang hăm hở bước vào tân thiên kỷ thứ ba với nhiều mầng vui, hy vọng, cũng như với những băn khoăn khắc khoải lẫn lộn! Đã có nhiều tiên đoán, dự phóng khác nhau về thiên kỷ mới nầy: những người lạc quan tin tưởng thiên kỷ mới sẽ mang lại cho con người tự do no ấm, các dân tộc trên toàn trái đất sẽ hưởng trọn vẹn nền dân chủ. Họ cho rằng những ngày tháng tương lai sẽ chói sáng trên nhân loại như một trời mới, đất mới, vì con người đã học được nhiều ở lịch sử. Những giết chóc do chiến tranh gây ra đã làm cho nhân loại bừng tỉnh để từ đây các dân tộc sẽ chung sống trong hòa bình thịnh vượng. Tự do và no ấm là mục tiêu chính trị của các dân tộc trên tòan cầu. Họ cho rằng khoa học kỷ thuật sẽ thu gọn địa cầu làm cho thế giới trở nên như một đại gia đình đầy ắp tình thương, sẽ không còn những tang thương đẫm máu do chiến cuộc gây nên. Thế giới sẽ nhỏ lại như một ngôi làng toàn cầu (global village) trong đó mọi dân tộc sẽ nhìn nhận và kính trọng các gía trị văn hóa tôn giáo của nhau. Trong nhãn quan lạc quan tươi sáng đó, người ta đang nô nức tìm xem miền nào trên trái đất sẽ được diễm phúc nhìn thấy ánh sáng đầu tiên của tân thiên kỷchiếu sáng! Nhiều dự án du lịch và giải trí quốc tế đang có chương trình qui mô cho những cuộc giải trí liên hoan mầng tân thiên kỷ.

Bên cạnh khuynh hướng lạc quan yêu đời ấy, cũng có những người dè dặt và thận trọng hơn khi nhìn về tân thiên kỷ.Họ cho rằng thế giới và đặc biệt là giáo hội sẽ phải trải qua những biến cố xáo trộn khủng khiếp, theo một chu kỳ là năm trăm năm. Nghiã là cứ mỗi năm trăm (500) năm thế giới lại xảy ra những biến cố nghiêm trọng đại có tầm thay đổi hướng đi của lịch sử nhân loại và có một tầm ảnh hưởng sâu xa đến cuộc sống con người.

Các nhà chuyên môn nghiên cứu lịch sử chứng nghiệm rằng: Kitô giáo có hai nghìn năm lịch sử, được chia ra làm bốn chu kỳ năm trăm năm. Cứ mỗi chu kỳ năm trăm năm, lại có những đổi thay căn để trầm trọng như sau:

 

Chu Kỳ Thứ Nhất: Sự Tan Rã, Tàn Lụi Của Đế Quốc La-Mã

Trên giòng lịch sử văn minh hân loại, nền văn minh La-Mã được coi là hùng mạnh có ảnh hưởng sâu rộng trên khắp lãnh thổ Âu-Châu và Tiểu-Á. Nền văn minh và đế quốc La-Mã được quảng bá và tồn tại lâu dài đựa trên nền pháp trị và nhất là nhờ vào sức mạnh của đội quân hùng mạnh nhất thế giới. Người ta có thể nói, nơi đâu quân lính La-Mã và đoàm kỵ mạ của họ đạp lên, nơi đó khó lòng mà chống cưỡng được. Người La-Mã cai trị bằng gươm và bằng vó câu của đoàn kỵ mã,. Máu đào của các dân nhược tiểu nhuộm đỏ trên các chiến trường đã dọn đường cho sự cai trị hà khác của người La-Mã. Kitô giáo được khai sinh trong bối cảnh lịch sử và nền văn hóa đó! Sự xuất hiện của Kitô giáo như một mâu thuẩn, nói cách khác, như một nghịch lý, một cơ cấu mới, trái ngược với cơ cấu của nền văn minh Hy-La. Gọi là văn minh Hy-La( viết tắt hai chữ Hy Lạp và La-Mã) vì nền văn minh La-Mã, tụ bản chất, là một kết cấu, một diễn tả bằng sức mạnh gươm đao của nền văn minh cổ kính mang nặng nhiều chất minh triết của Hy-Lạp với các nhà hiền triết như Socrate, Platon và Aristote.Nhờ sức mạnh của gươm đao và đoàn kỵ binh, người La-Mã đã chiến thắng và đàn áp người Hy-Lạp. Nhưng kẻ chiến thắng đã trở nên người chiến bại, bởi vì trong tiến trình thời gian , người La-Mã đã bị văn minh, tư tưởng và triết lý của người Hy-Lạp đồng hóa. Nền văn minh La-Mã, với sự phụ họa tuyệt vời của tinh hoa Hy-lạp, đã tạo nên một thứ văn hóa đặc thù của Tây-phương. Với thời gian, nhưng tinh túy của văn hóa Hy-lạp bị lụi bại dần, chỉ còn lớp vỏ bên ngoài. Nét đặc trưng của văn minh Hy-La cũng từ từ biến dạng còn lại sự tôn sùng tà thần, ngẫu tượng, lòng mê say vật chất, nhục dục được suy tôn, được đưa lên hàng thần thánh. Suốt dọc năm trăm naăm lịch sử, nền vaăn minh và đế quốc La-Mã đã có nột ảnh hưởng thật sâu đậm trên các dân tộc và các nền văn minh khác. Sự tàn lụi và sụp đổ của nền văn minh ấy cũng đã có những tác động to lớn trên não trạng và cuộc sống của các dân nước trong vòng ảnh hưởng, đặc biệt là thế giới trời Âu và vùng Tiểu Á! Thánh Jêrôm, vị thánh ẩn tu chuyển dịch Kinh Thánh trong hầm núi Jêrusalem mô tả sự tan vở của đế quốc La-Mã như sự sụp đỗ cuối cùng của ngày tận thế!

Thánh Augustinô, một triết nhân lừng danh, kiêm thần học gia lỗi lạc, đã dành mười chín năm (19) cuộc đời viết lên tác phẩm để đời "The City of God"(Kinh Thành của Thiên Chúa) trong đó Ngài tìm hiểu nguyên nhân của sự sụp đổ của đê quốc và nền văn minh La-Mã. Theo tác giả The City of God, và các nhà trước tác danh tiếng thời ấy, sự sụp đổ của đế quốc và nền văn minh La-Mã vào khoảng cuối năm thứ năm trăm, như một báo hiệu, một tập dượt của ngày tận thế. Một tàn phá từ gốc rễ tất cả những gì mà thiên hạ thời ấy coi là nền tảng kiên cố, một vương quốc tuyệt trần!

 

II-Chu Kỳ Thứ Hai: Cuộc Ly-Khai Của Giáo Hội Đông-Phương

Cuộc ly giáo nầy đã xảy ra vào khoảng cuối của năm thứ một nghìn: nhưng nguyên nhân và mầm mống đã bắt nguồn và đâm rễ sâu từ thế kỷ thứ sáu trở đi. Trãi qua những thế kỷ đầu bị bắt bớ cấm cách, giáo hội công giáo được hưởng sự thanh bình thịnh trị, nhất là sau biến cố trở lại của hoàng đế Constantinô, giáo hội lấy lại được uy thế của mình.Giáo triều tại Roma được cũng cố, quyền tối thượng của đức giáo hoàng được nhìn nhận và kính trọng khắp nơi trong toàn thế giới. Tưởng nên nhắc lại về cơ chế thần linh của gióa hội công giáo. một giáo hội do Chúa Kitô Cứu-Thế đích thân sáng lập. Giáo hội của Chúa là một giáo hội duy nhất, thánh thiện công giáo và tông truyền, có nguồn gốt thần linh. Khi thiết lập giáo hội nầy, Chính Chúa đã chọn thánh Phêrô, một trong mười hai tông đồ làm thủ lãnh giáo hội, và suốt giòng lịch sử của giáo hội, các vị giáo hoàng, là giám mục La-Mã, đồng thời cũng là đấng kế vị thánh Phêrô làm thủ lãnh giáo hội. Cuộc ly giáo của giáo hội Đông phương đã manh nha trong việc Đức Giáo hoàng Lêo Cả, lấy quyền tối thượng của Thánh Tông Đồ Phêrô để giải quyết và chấm dứt vấn đề tranh cãi trong mấy thiên kỷ về Bản-Tính của Chúa Kitô. Việc bày tỏ uy quyền tối thượng nầy của giáo hoàng La-Mã đã làm cho mới liên quan giữa giáo đô La-Mã và Constantinope ngày thêm căng thẳng và sau cùng đi đến chỗ tan vỡ. Các vị giáo chủ ở Đông Phương không chấp nhận quyền tối thượng của giáo hoàng La-Mã, đi ra ly khai như một giáo hội tự trị. Cuộc ly khai kéo dài từ đó mãi cho đến ngày nay. Tóm lại, căn cơ phát sinh ra sự ly giáo của giáo hội Đông Phương hệ tại sự bất phục tùng quyền tối thượng của giáo hoàng La-Mã. Sự kiện ly giáo nầy đã ghi trên trang sử giáo hội một vết mực đen làm hoen ố sự hiệp nhất thánh thiện của giáo hội Chúa Kitô.

 

III-Chu-Kỳ Thứ Ba: Cuộc Cách Mạng Tôn Giáo
(cũng có tên là cuộc cải cách của hệ phái thệ-phản (protestant reformation)

Thế kỷ thứ mười lăm được mệnh danh là hoàng kim thời đại của triết học kitô giáo. Đây là giai đoạn đẹp nhất của lịch sử công giáo. Giáo hội phát triển về mọi mặt, đặc biệt trong lãnh vữc văn hóa giáo dục. Có nhiều hội dòng thời danh như dòng Đaminh, dòng Phanxicô, dòng Tên nắm đầu các cơ sở giáo dục tại các thủ đô danh tiếng khắp miềm Âu Châu. Các đại học công giáo với các phân khoa triết lý thần học vang lừng khắp thế giới. Nhưng trong sự phồn thịnh về muôn mặt ấy của giáo hội cũng là cơ hội phát sinh những lạm dụng, những sa đọa, hư hỏng trong hàng ngũ tu sĩ, giáo sĩ, và đặc biệt trong hàng lãnh đạo của giáo hội. Nhiều tệ trạng lan tràn trong các cơ cấu của giáo hội, đặc biệt sự lạm dũng về bí tích, sự lạm dụng quyền thế, sự lẫn lộn giữa thế quyền và thần quyền. Nhiều gia đình qúi tộc, vì quyền lợi vật chất và trần tục, đã cho con cái họ chen lấn vào giới lãnh đạo cao cấp của giáo hội. Các vị giám mục tại Âu Châu trở nên như những vị lãnh chúa(land lord) nắm vận mạng và tài sản của dân chúng. Việc giáo huấn hàng giáo sĩ trở nên lỏng lẻo. Chế độ "Nepotism"(Con ông cháu cha) rất thịnh hành thời bấy giờ.Vì thế người ta thấy xuất hiện các những vị giáo sĩ tầm thường, thấp kém, ngu dốt, vô đức đô.

Trong chính bối cảnh xã hội ấy cuộc cách mạng tôn giáo do thầy dòng Luther khởi xướng, đã như một cơn lốc ùa tràn vào tàn phá toà nhà kiên cố của giáo hội. Giáo hội công giáo, như chứng ta đã biết, có hai khía cạnh:thần linh và nhân loại. Trên phương diện vô hình và thần linh, giáo hội là một thực thể vô hình do Chúa Kitô sáng lập và gìn giữ, giáo hội ấy sẽ muôn đời tồn tại bất biến. Nhưng đứng về phương diện trần thế và hữu hình, giáo được lập ra giữa xã hội loài người, nhằm phục nhân loại và do bàn tay của những con người điều hành, cho nên trên bình diện trần thế hữu hình ấy, giáo hội không tránh khỏi những khuyết điểm, những yếu đuối và có khi cả đến những gương mù gương xấu. Vậy sự hiện hữu của những hư hỏng trong giáo hội do các nhân sự của giáo hội là đều không thể tránh được, vì các đấng lãnh đạo trong giáo hội là những con người. Là con người thì không thể có sự thánh thiện tuyệt đối hoàn hảo như thần thánh được. Việc cải tổ, sửa sai trong giáo hội là đều cần thiét và hợp tình hợp lý. Nhưng việc cải tổ , sửa sai mà thấy dòng Luther đề xướng là một cuộc cách mạng căn để(radical), không theo truyền thống và thứ tự trong giáo hội, nhưng lại là những thách đố nhằm phá vỡ tậm cội nguồn quyền bính của giáo hội. Tưởng nên nhắc lại, giáo hội của Chúa Kitô là một giáo hội có nguồn gốc và nền tảng thần linh, từ trời ban xuống, dựa theo lời Chúa phán dạy:" Như Cha Thầy đã sai thầy xuống thế gian, thì đây, Thầy cũng sai các con"( John 20,21). “Ai ghe các con là nghe Thầy, đồng thời cũng nghe chính Đấng đã sai Thầy" "Điều gì các con tha dưới đất, trên Trời cũng tha, còn điều gì các con cầm buợc dưới đất, trên Trời cũng cầm buộc"(Matt 16, 19)

Cuộc cải cách do Luther khởi xướng mang mầu sắc của một cuộc cách mạng đầy tính chất và thể cách chính trị trần thế hơn là theo truyền thống phẩm trật và lề luật trong giáo hội. Cuộc cách mạng tôn giáo xảy ra vào thế kỷ thứ mười lăm, cuối chu kỳ thứ ba của lịch sử hai nghìn năm.

Cuộc cách mạng ấy, mãi cho đến hôm nay, đã ghi lại trên chiếc áo nguyên tuyền của Thầy Chí thánh một đường xé rách trầm trọng khó có thể vãn hồi tình trạng nguyên vẹn của thời nguyên thủy.

 

IV-Chu kỳ thứ tư: Sự tàn lụi, phá sản của nền văn minh Tây-Phương,
Báo hiệu một nền văn minh mới chưa được hình thành

Đây là thời điểm hiện tại mà chúng ta đang là những nhân chứng sống động.

Đây là thời điểm tàn lụi, phá sản nền văn minh Tây phương, nền văn minh đã được xây trên nền tảng của những tư tưởng luân lý đạo đức Phúc-Âm. Những lý tưởng công bình, bác ái, lề luật, hy sinh, quảng đại, công ích, những nhân đức tự nhiên hay siêu nhiên do kitô giáo uốn nắn hằng bao thế kỷ lên trên các cọng đoàn, tập thể vá các tổ chức xã hội. Tất cả những luân lý íạo đức tốt đẹp làm mẫu mực cho cuộc sống của cá nhân và nhân quần xã hội Tây phương ấy nay đã ngã mầu hoang phế mục nát như bóng giáng những giáo đường trời tây đang trở thành hoang phế không đèn nến, vắng tiếng nguyện cầu, và không còn được loài người chiếu cố lai vảng nữa. Đạo đức gia đình, xã hội và chính trị cuả Âu-Tây nay đang trên tién trình tan rã sụp đỗ. Tất cả đang tàn lụi dần trong đóng tro tàn của lịch sử. Chúng ta chứng kiến một nền văn minh Tây-Phương đang dẫy chết, và những xác chết chứng tá của bao trăm năm lịch sử đang chồng chất lên nhau chận lối tuôn của giòng thác lũ thời gian cuồn cuộn trôi đi. Có khi thiếu những xác chết làm chướng ngại vật, người ta phải vận dụng những cái xác của kẻ sống làm bình phong cản trở trào hướng của lịch sử. Đó là thực trạng của cuộc sống chúng ta hôm nay, bên thềm của một thiên kỷ mới đang ló dạng. Người ta có lý do để thổn thức âu lo, bởi vì chúng ta đang vất vưởng sống trên những tàn lụi của một nền văn minh dẫy chết, đang bước sang giai đoạn của một nền văn minh mới chưa được hình thành! Người ta ngỡ ngàng hỏi nhau cái gì nửa đang tới và sẽ tới? Tân thiên kỷ nầy sẽ đưa nhân loại về đâu?

Những áng mây đen tối đang vây phủ lương tâm nhân loại! Đây là một giai đoạn đặc thù của giòng lịch sử, trong đó con người được mô tả dưới phạm trù sợ hãi! Vâng, con người hôm nay trong giờ phút"giao thừa" của tân thiên kỷ đang khép mình run sợ! Sợ chiến tranh ngyên tử tàn phá! Những biến cố bất ngờ xảy tới ngoài sự kiềm chế và kiểm soát của khoa học kỷ thuật! Sợ ngày thế giới bị tận diệt như lời đồn thổi về sự quảng diễn lời sấm ký của các tiên tri, đặc biệt vị tiên tri lừng danh Nostradamus và các nhà thuyết giảng hùng biện hiện nay…Theo đó thế giới phải trải qua những ngày biến loạn chưa tùng xảy ra trong lịch sử cổ kim: có những vùng địa lý trên thế giới sẽ bị rơi rớt xuống đại dương. Bên cạnh đó, những sự thay đổi ghê gớm về thời tiết khí tượng sẽ làm cho cuộc sống của con người trên trái đất ngày càng thêm khốn đốn. Sẽ có những thế lực hùng hậu về quân sự và chính trị mới nổi dậy đe dọa nền an ninh vững bền của thế giới hiện tại. Những quyền lực ghê gớ nầy sẽ xoay ngược cán cán của lịch sử. Ngoài ra, khoa thiên văn học cũng báo động về sự xuất hiện bất thình lình những khối thiên thạch khổng lồ với đường kính không thể tưởng tượng đang bay ngược qủy đạo thái dương hệ và đang bay về phía trái đất. Khoa địa chấn học cũng đã nhắc nhở chúng ta về hiện tượng va chạm cực độ của các khối thiên thạch khổng lồ vào trái đất trong qúa khứ, nghĩa là vào khoảng năm triệu năm về trước, đã có lần khối thiên thạch lớn đã rơi xuống trái đất mà kết qủa đã tận diệt một số lớn các sinh vật, đặc biệt các sinh vật có thể xác lớn. Đó cũng là lý chứng giải thích sự biến mất của thời đại khổng long trên mặt đất. Theo thiên văn học, những khối thiên thạch hiên đang trôi nổi trong không gian, nếu vào một thời điểm nào đó đụng phải trái đất, thì chắc đó cũng là ngày chấm tận cuộc sống của các loài sinh vật trên địa cầu!

Bên cạnh những âu lo về tai hoạ thiên tượng gây nên, người ta cũng chú ý đến những năm gần đây có phong trào diễn thuyết của một số các nhà hùng biện trong ngành truyền bá Phúc, đặc biêt thuộc hệ phái Tin-lành, về viễn tượng gần kề của Ngày Tận Thế, ngày mà Chúa Cứu-Thế trở lại để xét xử tràn gian. Theo tài liệu đọc được, các nhà hùng biện nầy rất qủa quyết về ngày thế mạt đã gần kề. Dựa vào những lời tiên tri của Chúa Kitô về ngày thế mạt, thì nay trong thế giới đã có vô vàn những dấu chỉ thờ đại vén màn cho con người đoán thấy những ngày cuối cùng đang đến! Họ dựa vào bằng chứng lấy từ Kinh Thánh Tân-Ước, chẳng hạn đoạn nói về ngày thế mạt trong Phúc-Âm theo thánh Mathêô chương 24 như sau:

" Dân tộc nầy sẽ nổi lên chốn dân tộc kia, vương quốc nầy chống vương quốc khác,. lại có nạn đói, ôn dịch, động đất tại rất nhiều nơi.Mọi sự ấy chỉ là khởi điểm của cơn đau bắt đầu như người thiếu phụ chuyển bụng sinh con. Rồi người ta sẽ tra tay bắt các con, đem tra tấn hành hung cho tới chết. Mọi dân tộc sẽ ghét các con vì danh Ta. Và bấy giờ nhiều người sẽ vấp phạm, họ sẽ tố cáo lẫn nhau, thù ghét lẫn nhau. Sẽ có nhiều tiên tri giả nổi dậy và lừa gạt nhiề người. Mà bởi vì tợi ác ứ đày trái đất, nên lòng yêu mến nơi lòng nhiều người bị nguội lạnh. Những ai kiên chí bền vững đến cùng sẽ được cứu thoát!

Sau những ngày khốn cùng đó, bổng chốc mặt trời tối sầm lại, mặt trăng mất sáng, các tinh tú tự trời rơi xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển, và bấy giờ dấu của Con Người tỏ hiện trên trời... (Mat 24:9-30).

Những gì đang xảy ra trong thế giới hôm nay, phải chăng là những dấu chỉ thời đại(The signs of times) về ngày thế mạt mà Kinh Thánh mạc khải cách đây hai nghìn năm?

Đối diện với viễn tượng u tối đầy đe dọa nầy, nhân loại không tránh khỏi run sợ. Cảm thông nỗi niềm lo sợ trên của con người hôm nay, Đúc giáo Hoàng Gioan-Paolô đệ nhị, vị đại diện của Chúa Kitô dưới trần gian đã gửi đến cho thế giới một sứ điệp quan trọng trong cuốn sách của ngài nhan đề " Crossing The Threshold Of Hope"( Bước Qua Ngưỡng Cữa Niềm Hy-Vọng),(Alfred A. Knopf , New York 1995). Trong cuốn sách thời danh nầy, Đức Giáo-Hoàng đã khuyến cáo nhân loại hãy đứng dậy, hãy vùng lên thoát khỏi sự kiềm toả của nỗi kinh hoàng sợ sệt, vì hai chữ sợ hãi đã ghi đậm sắc thái của con người thế kỷ hai mươi. Thoát khỏi nỗi kinh hoàng sợ hãi trở lại về ngườn Kinh Thánh tìm ngồn Kính sợ Thiên Chúa, vì sự kính sợ Thiên Chúa là khởi đầu của Minh-Triết. Ngược dòng lịch sử, nhìn lại thế kỷ hai mươi, một thế kỷ bị chi phối chế ngự bởi một nền triết lý vô đạo nghĩa, như những luồng gió độc thổi vào làm lung lạc và đảo lộn cả gia tài tinh thần của nhân loại! Thay vì sống trong mối liên hệ gia đình, cha con, anh em huynh đệ đầm ấm, nến triết lý vô đạo nghĩa của thế kỷ hai mươi đã phát minh ra một trật tự mới, một tương quan mới. Họ bắt đầu dứt điểm nền tảng triết lý gia đình trong mối liên hệ cha con tình nghĩa, và thay vào đó bằng một phạm trù liên hệ mới gọi là liên hệ chủ-tớ, mối liên hệ của ông chủ nhân bất lương với những kẻ làm nô lệ chung thân khốn cùng!

Để giải phóng con người ra khỏi vòng liên hệ ác nghiệt chủ-tơ đó, chỉ còn một con đường tất yếu phải đi: đó là con đường cách mạng gỉai phóng, con đường khởi nguyên bằng hờn căm thù hận và kết thúc trong máu lửa ngút ngàn. Kinh nghiệm của hai cuộc thế chiến, và các xung đột nóng lạnh trong thế kỷ đã qua, con người đaau đớn khi chợt nhận ra một cách trể tràng rằng:máu lửa khêu thêm máu lừa, chiến tranh mời gọi chiến tranh và thù hận càng đào sâu giòng sông thù hận. Kết qủa là một nhân loại ngày thêm nghèo nàn khánh kiệt. Sự nghèo nàn khánh kiệt về tinh thần và thể chất làm cho con người cảm nghiệm một cách sâu sa sự bất ổn đến tận cùng đáy của trái tim. Con người bất ổn, lo âu, vì con người đã vô tình trở nên xa lạ với chính bản thân và với đồng loại anh em. Vong-thân, Vong-bản và Vong-ân (Tam Vong) có thể coi như những vết hằn khó quên mà một thế kỷ chiến tranh tương tàn đã ghi lại trên tâm hồn nhân loại!

Đức giáo-hoàng Gioan-Phaolô đệ nhị gửi đến nhân loại một sứ điệp gói trọn trong hai tiếng:"Đừng-Sợ"( Do not be afraid). Đừng sợ những đe dọa hiện tại hay tương ai, một khi con người đã tìm lại về nguồn, đã khám phá ra được, đã nắm vững được đảm bảo trong mối liên hệ cha-con với Thiên Chúa, là con người đã tìm về được cội nguồn của sự đảm bảo chân thực vững bền không có gì có thể phá hủy được.

Để giải cứu nhân loại hôm nay và ngày mai khỏi những lo âu lo, sợ hãi, thì mọi người, mọi gia đình, mọi dân tộc phải khám phá cho bằng được, nhất là phải trở về ngưồn của sự kính sợ Thiên Chúa, căn cơ của Minh Triết. Hãy làm sao vun trồng cho con người, vả xã hội loài người được tinh thần của nền Minh Triết, được xây trên nền tảng vững bền là lòng kính sợ Thiên Chúa, đò là sức mạnh giúp con người thoát khỏi những đe dọa của những trận cuồng phong tương lai!.

Phấn khởi lạc quan bước vào Tân Thiên Kỷ, với sự dốc quyết tìm về ngưồn Minh Triết Kinh Thánh, chúng ta sẽ không lầm khi khẳng định rằng: không phải chính trị, kinh tế hay khoa học kỷ thuật sẽ cứu vãn nhân loại, nhưng là niềm tin tôn giáo: niềm tin vào Một Đấng Toàn Năng, Ngài Là Cha của nhân loại, và Là Đấng Thượng Đế của vũ trụ và Là Chủ Tể nắm giềng mối của giòng lịch sử nhân loại!

 

  Rev.Nguyễn Quốc Hải, Ph.D
(ĐƯỜNG VÀO CÕI PHÚC, NGUỒN VIỆT MEDIA, HOUSTON TEXAS 1997)

 


Xem các bài viết khác trong Rev. Nguyễn Quốc Hải, Khoá 7 GHHV Đà Lạt Việt Nam.