1 2 3 4 5 6

SALT Logo

 

KHÓA TĨNH HUẤN HÈ 2008
CỦA GIÁO DÂN NÒNG CỐT CÁC GIÁO XỨ/CỘNG ĐỒNG

 

VỚI CHỦ ĐỀ
“GIÁO HỘI: HIỂU VÀ THỂ HIỆN CÁCH CỤ THỂ VÀ SỐNG ĐỘNG!”

   

 

 

 ĐỀ TÀI I: GIÁO HỘI NHƯ/LÀ CƠ CHẾ

 

 

I. CẦU NGUYỆN MỞ ĐẦU

(1) Gợi ý của người hướng dẫn

Theo truyền thống tốt lành của Ki-tô giáo, trước mọi công việc quan trọng, Giáo hội và người tín hữu đều kêu cầu Chúa Thánh Linh vì Người là Thiên Chúa và là Đấng hoàn tất công trình mà Chúa Giê-su Ki-tô đã khởi sự trong mỗi tâm hồn cũng như trong mỗi cộng đoàn và trong toàn vũ trụ.

Hôm nay anh chị em chúng ta bắt đầu Khóa Tĩnh Huấn ba ngày với chủ đề: “GIÁO HỘI: HIỂU VÀ THỂ HIỆN CÁCH CỤ THỂ VÀ SỐNG ĐỘNG!” Và đề tài đầu tiên mà chúng ta sẽ học hỏi và thảo luận là “Giáo hội như/là cơ chế.” Chúng ta hãy hướng tâm trí mình về Thiên Chúa và tha thiết xin Người ban Ơn Soi Sáng cho chúng ta để chúng ta hiểu, ban Ơn Khôn Ngoan và Dũng Cảm cho chúng ta để chúng ta thể hiện những tính chất cốt yếu của Giáo hội một cách cụ thể và sống động. Để có thêm cảm hứng trước khi cầu nguyện, chúng ta hãy cùng nhau đọc và lắng nghe Lời của chính Chúa Giê-su trong Phúc âm theo Thánh Gio-an.

(2) Cộng đoàn đọc/lắng Lời Chúa trong Ga 14,16-17.26

“Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. Thầy sẽ không để anh em mồ côi… Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.”

(3) Cộng đoàn cầu nguyện với bài hát LẠY CHÚA THÁNH THẦN

ĐK: Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến. Canh tân đổi mới đời sống chúng con, tăng sức linh hồn, bồi thêm lửa mến, soi sáng trí khôn, hiệp nhất muôn lòng.

PK 1: Chúa hỡi! Khấn xin ngự đến đổ tuôn muôn ơn phù giúp chúng con. Xin thương soi dẫn nhân tâm nương theo Thần Khí bước trong bình an.

PK 2: Hãy đến! Thánh Linh từ ái suối ơn mát trong là Đấng ủi an. Xin thương nâng đỡ ủi an con chiên lạc hướng khổ đau lầm than.

 

II. TRÌNH BÀY NỘI DUNG ĐỀ TÀI

 

A. VÀO ĐỀ

Muốn hiểu Giáo hội Công giáo Rô-ma, người tín hữu phải nắm bắt 5 khái niệm hay đúng hơn là 5 tính chất/chiều kích/đặc điểm được xem là MÔ HÌNH của Giáo hội học ngày nay (tức Giáo hội học của Công đồng Vaticanô II). Trong nhiều cuốn sách được viết về vấn đề này trong những năm gần đây thì cuốn “Models of the Church” (Các mô hình của Giáo hội) của Avery Dulles có lẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất. Trong sách, tác giả tổng hợp những suy tư thần học về Giáo hội của nhiều trường phái và đúc kết thành 5 mô hình:

    1. Giáo hội như/là cơ chế.

    2. Giáo hội như/là hiệp thông.

    3. Giáo hội như/là bí tích.

    4. Giáo hội như/là tôi tớ.

    5. Giáo hội như/là cộng đoàn môn đệ.

Chúng ta sẽ lấy 5 mô hình trên thành 5 đề tài học hỏi trong Khóa Tĩnh Huấn Hè 2008 (cũng là đợt 3) này:

    Đề tài 1: Giáo hội như/là cơ chế.

    Đề tài 2: Giáo hội như/là hiệp thông.

    Đề tài 3: Giáo hội như/là bí tích.

    Đề tài 4: Giáo hội như/là tôi tớ.

    Đề tài 5: Giáo hội như/là cộng đoàn môn đệ.

 

B. MÔ TẢ QUAN NIỆM VỀ GIÁO HỘI NHƯ/LÀ MỘT CƠ CHẾ

1. Robert Bellarmine (1621) được xem là người có công lớn trong việc đưa ra một định nghĩa về Giáo hội:

“Giáo hội là cộng đoàn những người được nối kết lại, qua việc tuyên xưng cùng một đức tin Ki-tô giáo, hiệp thông cùng các bí tích, dưới quyền cai quản của các mục tử hợp pháp, đặc biệt là vị đại diện Chúa Ki-tô trên trần gian là Đức Giáo hoàng.”

2. Từ định nghĩa trên rút ra 3 yếu tố căn bản cũng là 3 tiêu chuẩn chính yếu để xác định ai thuộc về Giáo hội:

    (a) tuyên xưng đức tin chân thật,

    (b) hiệp thông các bí tích,

    (c) quy phục các vị lãnh đạo hợp pháp.

3. Và xác định ai là những người không thuộc Giáo hội:

    (a) những người không công giáo,

    (b) những người bị vạ tuyệt thông,

    (c) những Ki-tô hữu thuộc các Giáo hội Ki-tô khác (# nỗ lực đại kết).

4. Định nghĩa của Robert Bellarmine hoàn toàn dựa trên những yếu tố hữu hình đến độ ông khẳng định Giáo hội là một xã hội hữu hình và cụ thể giống như Cộng đoàn dân Rô-ma, Vương quốc Pháp hay Cộng hòa Venezia (Italia).

5. Từ giữa thời Trung Cổ cho đến giữa thế kỷ 20 khuynh hướng chiếm ưu thế trong Giáo hội học là nhấn mạnh tính hữu hình (cơ chế) của Giáo hội.

 

C. SỰ CẦN THIẾT CỦA NHỮNG CƠ CẤU TỔ CHỨC TRONG GIÁO HỘI

1. Sau Công đồng Vaticanô II các nhà thần học có khuynh hướng phê phán (đôi khi nặng lời) mô hình Giáo hội như/là một cơ chế.

2. Tham khảo Thánh Kinh:

* Chúa Giê-su đã thiết lập nhóm 12 với Phê-rô đứng đầu (1).

* Cộng đoàn tín hữu tiên khởi (2).

* Các Trưởng Lão bên cạnh các Tông Đồ (3).

* Thư Phi-líp-phê (4) là văn bản Tân Ước đầu tiên nói đến các giám mục và phó tế”. Bằng chứng đầy đủ về các giám mục, phó tế, linh mục được tìm thấy trong các thư mục vụ của Thánh Phao-lô (5).

* Các nghi thức cử hành bí tích.

3. Về mặt tổ chức, cơ cấu cần thiết để bảo vệ và duy trì sự hiệp nhất trong Giáo hội đồng thời xác nhận tính chân thực của những đoàn sủng nhằm phục vụ lợi ích chung.

 

D. NGUY CƠ CỦA CHỦ TRƯƠNG DUY CƠ CHẾ

1. Duy cơ chế là một quan niệm và chủ trương cho rằng trong Giáo hội, yếu tố cơ chế là quan trọng nhất.

2. Hậu quả: à bản chất đích thực của Giáo hội có nguy cơ bị đánh mất (6).

à hậu quả tiêu cực: giáo sĩ trị, duy lề luật và tự mãn.

(a) Giáo sĩ trị: coi giáo sĩ, nhất là cấp cao, là nguồn mọi quyền lực và sáng kiến (à kim tự tháp # mọi người trong Giáo hội có những quyền và bổn phận căn bản như nhau à linh mục khinh thường giáo dân, chỉ thích ra lệnh, ít muốn lắng nghe, giảm bớt sự tham gia của giáo dân, giáo dân thụ động…)

(b) Lối sống đạo và điều hành Giáo hội nặng tính lề luật: nhấn mạnh đền lề luật và án phạt à Tin Mừng thành một bộ luật cứng nhắc, mất đi hình ảnh Giáo hội là mẹ!

(c) Tính tự kiêu và tự mãn của Giáo hội nói chung và của những người lãnh đạo nói riêng, hoàn toàn xa lạ với hình ảnh đàn chiên nhỏ bé mà Chúa Giê-su nói tới. Với thái độ này người lãnh đạo tự coi mình là giai cấp khác, nên sống xa cách giáo dân và ít chấp nhận lắng nghe.

 

E. KẾT LUẬN

Giáo hội Công giáo Rô-ma là một tổ chức nên không thể không có cơ chế, nhưng cơ chế không phải là cứu cánh tự tại mà chỉ là phương thế cần thiết để chu toàn sứ mạng của Giáo hội.

 

F. CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Anh chị có suy nghĩ gì khi đối chiếu thực tế cộng đoạn giáo xứ của mình với nội dung đề tài I này?

2. Anh chị có thể rút ra bài học nào cho việc xây dựng cộng đoàn giáo xứ của mình?

 

III. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

(1) Gợi ý của người hướng dẫn

Trong ngày đầu tiên của Khóa Tĩnh Huấn này, anh chị em chúng ta đã học hỏi, suy nghĩ và trao đổi về mô hình Giáo hội như/là cơ chế”. Giáo hội có phẩm trật, có cơ chế nhưng là để thực thi sứ mạng mà Chúa Giê-su Ki-tô đã giao phó là loan báo và đem Tin Mừng Cứu Độ đến với hết mọi người, mọi dân tộc. Quan trọng hơn cơ chế là những tính chất có tính Thánh Kinh, thần học của Giáo hội mà chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu trong những buổi sinh hoạt kế tiếp.

Để kết thúc buổi học này, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa về sứ mạng cũng như về tính phẩm trật và cơ chế mà Chúa đã ban cho Giáo hội. Và chúng ta hãy cầu xin cho mỗi người và mỗi cộng đoàn giáo xứ, giáo hạt, và cả giáo phận chúng ta ý thức về sứ mạng của Giáo hội và biết tận dụng các cơ chế hiện có của cộng đoàn mình mà thực thi lệnh truyền của Thầy Giê-su. Chúng ta hãy thân thưa với Chúa: XIN CHỈ CHO CON đường đi của Chúa, XIN DẬY BẢO CON nước bước của Ngài, để chúng ta bước theo Chúa trong Khóa Tĩnh Huấn này và trong những tháng ngày sắp tới.

(2) Cộng đoàn cầu nguyện với bài hát XIN CHỈ CHO CON

ĐK.- XIN CHỈ CHO CON ĐUỜNG ĐI CỦA CHÚA. XIN DẬY BẢO CON NƯỚC BƯỚC CỦA NGÀI. XIN HƯỚNG DẪN CON TRONG CHÂN LÝ. XIN DẬY BẢO CON NHỮNG ĐIỀU CAO QUÝ. VÌ CHÚA LÀ ĐÂNG CỨU ĐỘ CON. LÀ ĐẤNG NGÀY ĐÊM CON CẬY TRÔNG.

1. Tất cả nẻo đường Chúa là tình yêu và chân lý. Dành cho những ai giữ trọn minh ước. Điều răn Chúa ra nghiêm chỉnh thực thi.

2. Xin mở lượng từ bi từ ngàn xưa Ngài vẫn có, mà quên hết những lỗi lầm con mắc, hồi niên thiếu vươn lên trong dại thơ.

(3) Phép lành của linh mục chính xứ hay quản nhiệm

 

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
30/9 bis Trường Chinh, Phường 15, Quận Tân Bình
Giáo xứ Nhân Hòa, Hạt Tân Sơn Nhì, Sàigòn.

 


  Ghi chú

(1) Mc 3,13-19; Mt 10,1-4; Lc 6,12-16.

(2) Cv 15,1-4 và 15,7-11.

(3) Cv 15,2.4.6.22, Cv 11,30; 14,23; 20,17.

(4) Được biên soạn năm 56 sau Công Nguyên.

(5) 1 Tm 3,1-13; 5,17-20.

(6) Thượng Hội Đồng Giám Mục Khóa đặc biệt 1985 đã cảnh cáo về chuyện này.

 


Mời đọc tiếp

1 2 3 4 5 6

Xem các bài viết khác trong Nguyễn Văn Nội, Khoá 6 GHHV Đà Lạt Việt Nam.