1 2 3 4 5 6

SALT Logo

 

KHÓA TĨNH HUẤN HÈ 2008
CỦA GIÁO DÂN NÒNG CỐT CÁC GIÁO XỨ/CỘNG ĐỒNG

 

VỚI CHỦ ĐỀ
“GIÁO HỘI: HIỂU VÀ THỂ HIỆN CÁCH CỤ THỂ VÀ SỐNG ĐỘNG!”

   

 

 

 ĐỀ TÀI II: GIÁO HỘI NHƯ/LÀ HIỆP THÔNG

 

 

I. CẦU NGUYỆN MỞ ĐẦU

(1) Gợi ý của người hướng dẫn

Trong sách Tin Mừng, nhất của của Thánh Gio-an, Chúa Giê-su đã nhiều lần nói đến mối liên hệ mật thiết của Người với Chúa Cha và với các môn đệ. Và Chúa Giê-su đã dùng nhiều cách, nhiều hình ảnh khác nhau, đặc biệt những hình ảnh hết sức sống động và gần gũi trong cuộc sống thường ngày của người Do Thái, như người mục tử và đoàn chiên (Ga 10), cây nho và cành nho (Ga 15). Nhưng Chúa Giê-su cũng nói cách trực tiếp đến mối liên hệ quan trọng ấy trong các diễn từ là một trong những đặc điểm của Tin Mừng thứ tư. Chúng ta hãy cùng nhau đọc một trong những lời khẳng định của Chúa Giê-su về mối liên hệ mật thiết của Người với Chúa Cha và với mỗi người chúng ta trong chương 14 Tin Mừng Gio-an.

(2) Cộng đoàn đọc/lắng Lời Chúa trong Ga 14,11-16.19-21

“Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó. Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.

Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy."

(3) Cộng đoàn cầu nguyện với bài hát ĐÂU CÓ TÌNH YÊU THƯƠNG

ĐK.- Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời.
Đâu có lòng từ bi, ở đấy có ân sủng Người.
Đâu có tình bác ái thì Chúa chúc lành không ngơi.
Đâu ý hợp tâm đầu, ở đấy chứa chan nguồn vui.

1. Nài xin tha thiết Thượng đế muôn tình lân ái. Xin hãy đổ đầy linh hồn tình yêu thiết tha. Yêu Chúa hết lòng, hết sức, hết cả trí khôn. Cùng yêu anh em như Chúa mến yêu chúng con.

2. Nguyện xin Thiên Chúa đoàn kết muôn người một ý. Xin hãy duy trì trí lòng hòa hợp mến yêu. Diệt tan căm thù, chia rẽ, oán hờn, ghét ghen. Gìn giữ Đức Ái: yêu Chúa mến thương anh em.

 

II. TRÌNH BÀY NỘI DUNG ĐỀ TÀI

 

A. VÀO ĐỀ

Mô hình Giáo hội như/là cơ chế là mô hình thấp nhất, dễ nhìn thấy nhất. Mô hình này được ví như cái thân, cái khung hay cái vỏ và chỉ có công dụng như một công cụ, một phương tiện mà Giáo hội sử dụng để chu toàn sứ mạng của mình. Vì thế chúng ta không dừng lại ở mô hình cơ chế và không nhấn mạnh đến tính cơ chế mà phải đi sâu vào bên trong để khám phá ra cả một kho tàng phong phú dồi dào là những tính chất cốt yếu và nền tảng của Giáo hội. Chúng ta hãy dành phần thời gian kế tiếp của Khóa Tĩnh Huấn này để học hỏi, suy nghĩ và trao đổi về đề tài 2: “Giáo hội như/là hiệp thông.”

 

B. MÔ HÌNH GIÁO HỘI NHƯ/LÀ HIỆP THÔNG

1. Trong tiếng Việt, những từ hiệp lễ, các thánh cùng thông công, hiệp thông, nghe như không có gì với nhau, nhưng trong gốc La tinh, tất cả 3 từ ấy đều là communio. (tiếng Hy Lạp là koinonia). Mô hình Giáo hội như là hiệp thông là mô hình được nhấn mạnh nhất hiện nay.

    * “Giáo hội học về hiệp thông là ý tưởng nền tảng và trung tâm của các văn kiện Công đồng” (1).

    * “Các Nghị phụ đã chọn mô tả giáo phận như là sự hiệp thông của các cộng đoàn quy tụ chung quanh chủ chăn, ở đó hàng giáo sĩ, những người sống đời thánh hiến và giáo dân đểu tham dự vào cuộc đồi thoại bằng cuộc sống và con tim được ân sủng Thánh Thần nâng đỡ” (2).

2. Thực tại sâu xa nhất của Giáo hội chính là sự hiệp thông (koinonia) bắt nguồn từ sự hiệp thông của chính Thiên Chúa Ba Ngôi. Theo nguyên nghĩa koinonia có nghĩa là sự thông phần vào những thiện hảo của ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban tặng: thông phần vào Thánh Thần, vào sự sống mới, vào tình yêu, vào Tin Mừng và trên hết là thông phần vào Thánh Thể (hiệp thông của các thánh = commuio sanctorum; hiệp lễ): “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cản tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là thông phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là thông phần vào Thân Thể Người sao?” (3). Như thế hiệp thông trước hết là sự hiệp thông của người tín hữu với Thiên Chúa, sự hiệp thông làm cho họ nên một với Thiên Chúa và được diễn tả qua những tương quan hài hòa với Chúa trong cuộc sống của họ. Điều đó khơi nguồn cho mối hiệp thông mà các Ki-tô hữu chia sẻ cho nhau trong Đức Ki-tô qua tác động của Thánh Thần. Đức Giáo hoàng đương kim Bênêđitô XVI (là nhà thần học Ratzinger) gọi là sự hiệp thông từ bên trong và từ bên trên. Đức cố Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II gọi là chiều ngang và chiều dọc của mầu nhiệm hiệp thông duy nhất.

3. Trong cụ thể, mối hiệp thông này cần được thể hiện qua sự hiệp thông giữa các giáo hội địa phương với nhau cũng như giữa các giáo hội địa phương với Giáo hội toàn cầu. Cụ thể hơn nữa, mối hiệp thông này cần được diễn tả rõ nét trong đời sống giáo phận và giáo xứ.

 

C. ĐỊNH HƯỚNG MỤC VỤ: XÂY DỰNG GIÁO HỘI THAM GIA (LÀ CỘNG ĐOÀN TRONG ĐÓ MỌI NGƯỜI CÓ PHẦN VÀ PHẢI GÓP PHẦN)

1. Mỗi Giáo hội địa phương phải trở thành một Giáo hội tham gia (a participatory church: một Giáo hội trong đó mọi người có phần và phải góp phần), trong đó mỗi thành phần dân Chúa đều có vai trò và ơn gọi riêng của mình, đồng thời cũng tham gia vào sứ mạng chung của Giáo hội.

(a) Nguyên lý: mọi tín hữu đều được chia sẻ chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế (phục vụ) của Chúa Ki-tô, nhưng thể hiện cách khác (à giáo sĩ đóng vai độc tôn, giáo dân chỉ đóng vai thụ động hoặc dửng dưng đứng nhìn).

(b) Hệ quả:

(1o) Giáo hội là một cộng đoàn đồng trách nhiệm trong đó mọi tín hữu chia sẻ trách nhiệm chung. Khi giáo dân tham gia vào việc chung họ không chỉ là cánh tay nối dài của linh mục mà đúng hơn họ chia sẻ trách nhiệm chung với linh mục, nhưng thể hiện theo ơn gọi và vị trí riêng của mình (à lãnh đạo độc đoán và thống trị).

(2o) Giáo hội là một cộng đoàn bình đẳng xét về phẩm giá cũng như công việc. Sự bình đẳng này đặt nền trên ơn gọi làm người và ơn gọi làm con Chúa trong bí tích Thánh Tẩy theo như Công đồng Vatican 2 đã dậy (4).

2. Giáo hội tham gia là cộng đoàn trong đó mọi tín hữu cảm thấy mình thực sự thuộc về Giáo hội và cùng với những anh chị em khác, thực sự được chia sẻ đời sống và sứ mạng của Hội thánh.

3. Giáo hội tham gia phải là cộng đoàn tích cực tham gia vào sứ mạng của Chúa Ki-tô, sứ mạng loan báo ơn giải thoát cho kẻ bị giam cầm, trả lại ánh sáng cho kẻ mù lòa và giải thoát những người bị áp bức (5) [à ra khỏi bốn bức tường nhà thờ để đồng cảm với con người + cộng tác với tín đồ các tôn giáo khác và mọi người thành tâm thiện chí …. để cùng xây dựng một môi trường sống tốt đẹp hơn.]

 

D. KẾT LUẬN

Hình ảnh Giáo hội tham gia là hình ảnh quá lý tưởng, một ước mơ hơn là hiện thực.. Nhưng chúng ta có quyền và phải biết ước mơ. Ước mơ vẫy gọi ta tiến lên phía trước, không cho phép ta ngủ quên trên một vài thành cộng… Chúa Ki-tô là chìa khóa làm nên Giáo hội tham gia.

 

E. CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Anh chị có nhận xét gì về mô hình Giáo hội hiệp thông và tham gia?

2. Có thể đưa mô hình này vào cộng đoàn giáo xứ của anh chị không? Bằng cách nào?

 

III. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

(1) Gợi ý của người hướng dẫn

Anh chị em chúng ta đã học hỏi, suy nghĩ và trao đổi về mô hình “Giáo hội như/là hiệp thông.” Giáo hội như/là hiệp thông là có ý nói đến mối liên hệ của Giáo hội và của mỗi tín hữu với Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần. Cũng hàm ý sự hiệp thông giữa các tín hữu với nhau là như các chi thể của một Thân Thể duy nhất là Chúa Giê-su Ki-tô.

Để kết thúc buổi sinh hoạt này chúng ta hãy dâng lời cảm tạ, ngợi khen, chúc tụng Thiên Chúa về hồng ân lớn lao mà Người đã ban cho chúng ta là được thông hiệp với Người và với nhau. Chúng ta cũng dâng lên Chúa lời cầu xin Ơn Hiệp Nhất mà cá nhân và các cộng đoàn chúng ta rất cần.

(2) Cộng đoàn cầu nguyện với BÀI CA HIỆP NHẤT

ĐK.- Xin hiệp nhất chúng con nên một trong Tình Yêu Chúa.
Xin hiệp nhất chúng con như Ngài liên kết với Cha.
Xin giải thoát chúng con xa điều bất hòa chia rẽ.
Xin kết liên muôn người trong Tình mến Chúa Cha muôn đời.

PK 1: Vì Ngài được sai đến để tìm chiên khắp nơi xa xôi. Vì rằng Cha sai đến, đến đưa về ràn chiên duy nhất. Thì này nguyện xin Chúa, hãy thương ban Thánh Linh của Ngài, hiệp nhất chúng con trong Chúa.

PK 2: Người người mọi dân nước cũng là con của Cha trên trời. Được Ngài thương cứu vớt bởi một lần hy sinh khổ giá. Thì này nguyện xin Chúa, hãy thương ban Thánh Linh của Ngài, hiệp nhất chúng con trong Chúa.

(3) Phép lành của linh mục chính xứ hay quản nhiệm

 

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
30/9 bis Trường Chinh, Phường 15, Quận Tân Bình
Giáo xứ Nhân Hòa, Hạt Tân Sơn Nhì, Sàigòn.

 


  Ghi chú

(1) xem THĐGM 1985.

(2) Đức Gio-an Phao-lô II, Giáo hội tại châu Á, số 25.

(3) 1 Cr 10,16.

(4) “Giáo hội do Chúa thiết lập được tổ chức và điều khiển theo nhiều thể thức khác biệt rất lạ lùng. "Vì như trong một thân thể, chúng ta có nhiều chi thể, nhưng mọi chi thể không có cùng một nhiệm vụ; cũng vậy, chúng ta tuy nhiều người song là một thân thể trong Chúa Ki-tô, nên mỗi người chúng ta là chi thể lẫn nhau" (Rm 12,4-5). Thế nên chỉ có một Dân Thiên Chúa được Ngài tuyển chọn: "Chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin, một Thánh Tẩy" (Ep 4,5), cùng chung một phẩm giá của những chi thể vì đã được tái sinh trong Chúa Ki-tô, cùng một ân huệ được làm con cái, một ơn gọi trở nên trọn lành, một ơn cứu độ và một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia. Vì thế, trong Chúa Ki-tô và trong Giáo hội, không còn có sự hơn kém vì nguồn gốc hay dân tộc, vì địa vị xã hội hoặc vì nam nữ, bởi lẽ "không còn là người Do Thái hoặc Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, vì anh em hết thảy đều là một trong Chúa Giê-su Ki-tô" (Gl 3,38; x. Cl 3,11). Vì thế, tuy trong Giáo hội, tất cả không cùng đi một đường, nhưng tất cả vẫn cùng được mời gọi nên thánh, và đồng thừa hưởng đức tin trong sự công chính của Thiên Chúa (x. 2 Pr 1,1). Mặc dù theo ý Chúa Ki-tô, có những người được chọn làm tiến sĩ, làm người phân phát các nhiệm tích hay chủ chăn lo cho kẻ khác, nhưng giữa tất cả mọi người vẫn có sự bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu để xây dựng thân thể Chúa Ki-tô. Thực vậy, nếu Chúa phân biệt những thừa tác viên có chức thánh với các thành phần khác của Dân Thiên Chúa thì sự phân chia này vẫn hàm chứa một sự hiệp nhất, vì chủ chăn và các tín hữu khác liên kết với nhau do những mối dây liên hệ chung. Các chủ chăn trong Giáo hội noi gương Chúa phải phục vụ lẫn nhau và phục vụ các tín hữu khác; phần các tín hữu phải sẵn lòng hợp tác với các chủ chăn và những người giảng dạy. Như thế, tuy khác biệt nhau, nhưng tất cả đều làm chứng sự duy nhất kỳ diệu trong Thân Thể Chúa Ki-tô. Thực vậy, chính sự khác biệt về ân huệ, chức vụ và hoạt động lại là mối dây kết hợp con cái Thiên Chúa làm một, vì "mọi sự ấy là công trình của cùng một Thánh Thần duy nhất" (1 Cr 12,11). Vì thế, nhờ lòng ưu ái của Thiên Chúa, giáo dân được làm em Chúa Ki-tô, Ðấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ, dù Người là Chúa tể muôn loài (x. Mt 20,28). Cũng vậy, họ làm em những người đã lãnh nhận chức vụ thánh, những kẻ đang lấy quyền Chúa Ki-tô mà giảng dạy, thánh hóa và cai quản để chăn dắt gia đình Chúa, hầu mọi người chu toàn giới luật mới là luật bác ái. Thánh Augustinô đã dùng những lời tuyệt diệu này để nói lên điều đó: "Làm giám mục cho anh em, tôi rất sợ; là tín hữu với anh em, tôi rất an tâm. Giám mục là một chức vụ, tín hữu là một ân phúc. Giám mục là một danh hiệu nguy hiểm, tín hữu là danh hiệu đem ơn cứu độ." (Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Giáo hội “Ánh sáng muôn dân”, số 32).

(5) x. Lc 4,18.

 


Mời đọc tiếp

1 2 3 4 5 6

Xem các bài viết khác trong Nguyễn Văn Nội, Khoá 6 GHHV Đà Lạt Việt Nam.