1 2 3 4 5 6

SALT Logo

 

KHÓA TĨNH HUẤN HÈ 2008
CỦA GIÁO DÂN NÒNG CỐT CÁC GIÁO XỨ/CỘNG ĐỒNG

 

VỚI CHỦ ĐỀ
“GIÁO HỘI: HIỂU VÀ THỂ HIỆN CÁCH CỤ THỂ VÀ SỐNG ĐỘNG!”

   

 

 

 ĐỀ TÀI III: GIÁO HỘI NHƯ/LÀ BÍ TÍCH

 

 

I. CẦU NGUYỆN MỞ ĐẦU

(1) Gợi ý của người hướng dẫn

Giáo hội xuất phát từ Thiên Chúa và do Chúa Giê-su Ki-tô thiết lập. Mục đích là để Giáo hội kéo dài sự hiện diện và tiếp nối hành động cứu độ của Chúa Ki-tô giữa trần gian. Từ sự kiện đó chúng ta nói đến mô hình Giáo hội như/là bí tích. Bí tích là dấu bề ngoài, diễn tả một thực tại bên trong. Bí tích vừa là công cụ vừa là dấu chỉ của Ơn Cứu độ. Nhưng trước khi nói đến Giáo hội như/là bí tích của Chúa Ki-tô thì chúng ta phải biết rằng chính Chúa Ki-tô là bí tích vĩ đại và tuyệt diệu của Thiên Chúa đối với loài người. Chúng ta hãy cùng nhau hát bài LẮNG NGHE LỜI CHÚA để cầu xin ơn biết lắng nghe và đón nhận Lời Chúa.

(2) Cộng đoàn cầu nguyện với bài hát LẮNG NGHE LỜI CHÚA

1. Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài gọi con trong đêm tối. Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con lúc lẻ loi. Xin cho con cất tiếng lên trả lời vừa khi con nghe Chúa. Xin cho con biết thân thưa: lạy Ngài, Ngài muốn con làm chi.

ĐK.- Lời Ngài là sức sống của con. Lời Ngài là ánh sáng đời con. Lời Ngài làm chứa chan hy vọng, là đường để con hằng dõi bước. Lời Ngài đượm chất ngất niềm vui, trọn vẹn ngàn tiếng hát đầy vơi. Lời Ngài đổi mới cho cuộc đời. Lời Ngài hạnh phúc cho đời con.

2. Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài gọi con trong cuộc sống. Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài từng theo bước đời con. Xin cho con biết sẵn sàng chờ đợi và vâng nghe theo Chúa. Xin cho con biết sẵn sàng thực hành Lời Chúa đã truyền ban.

3. Xin cho con bước vững đi vào đời truyền rao cho chân lý. Xin cho con biết say mê cuộc đời làm nhân chứng tình yêu. Cho môi con thắm nét cười Lời Ngài được đem cho thế giới. Cho đôi tay sáng ơn trời trọn vẹn hành lý cho ngày mai.

(3) Cộng đoàn đọc/lắng Lời Chúa trong Ga 14,5-17

“Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?" Đức Giê-su đáp: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người."

“Ông Phi-líp-phê nói: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện." Đức Giê-su trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha"? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.”

 

II. TRÌNH BÀY NỘI DUNG ĐỀ TÀI

 

A. VÀO ĐỀ

Nếu mô hình Giáo hội như/là cơ chế nhấn mạnh quá nhiều đến tính hữu hình thì mô hình Giáo hội như/là hiệp thông lại có thể bị phê phán là quá thiêng liêng. Một nỗ lực bắc nhịp cầu giũa hai bên là mô hình Giáo hội như/là bí tích, một từ ngữ thích hợp để diễn tả thực tại Giáo hội vừa mang chiều kích thần linh vưa mang chiều kích nhân loại. “Nếu Chúa Ki-tô là bí tích của Thiên Chúa, thì Giáo hội là bí tích của Chúa Ki-tô cho chúng ta. Giáo hội thể hiện Chúa Ki-tô theo nghĩa trọn vẹn. Giáo hội thực sự làm cho Chúa Ki-tô hiện diện. Giáo hội không chỉ thi hành công việc của Chúa nhưng Giáo hội chính là sự nối dài của Chúa đến nỗi có thể nói rằng bất cứ thể chế nhân loại nào (trong Giáo hội) cũng là sự nối dài của chính Đấng sáng lập” (1).

 

B. Ý NGHĨA GIÁO HỘI NHƯ/LÀ BÍ TÍCH

1. Phân tích về con người: con người là xác hồn duy nhất. Thân xác với mọi cử động và sinh hoạt của nó là diễn tả đời sống ting thần bên trong. Tinh thần thể hiện mình qua thân xác. Giữa hai bên có sự tương tác mật thiết. Những diễn tả thân xác mang lại cho tinh thần sự thể hiện cụ thể, và tinh thần định hường cũng như định nghĩa cho thân xác.

2. Cấu trúc con người là cấu trúc của tinh-thần-nhập-thể như thế nên những thực tại tinh thần chỉ có thể đến với ta thông qua những dầu chỉ. Ngôn ngữ con người sử dụng là một hệ thống những dầu chỉ và ký hiệu, và ngoài ngôn-ngữ-bằng-lời, con người thường xuyên sử dụng ngôn-ngữ-không-lời. Cũng thế trong đời sống ân sủng, ân sủng siêu nhiên vô hình được trao ban cho con người bằng cách thế của con người, chứ không theo cách thế thần linh, nghĩa là qua con đường hữu hình và mang tính xã hội. Cũng từ đó ta hiểu được ý nghĩa của bí tích là dầu chỉ của ân sủng vô hình, đồng thời là dấu chỉ hiệu nghiệm, nghĩa là trao ban ân sủng mà dấu chỉ biểu thị (signum efficax).

 

C. CHÚA KI-TÔ LÀ BÍ TÍCH CỦA THIÊN CHÚA

1. Niềm tin Ki-to giáo vào ân sủng tuyệt đối của Thiên Chúa được đặt nền trên Chúa Giê-su, một nhân vật lịch sử chứ không chỉ là ý niệm trừu tượng. Pascal đã viết: “Thiên Chúa của chúng ta không phải là Thiên Chúa của các triết gia nhưng là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-sa-ác và Gia-cóp.”

2. Nơi Chúa Giê-su tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được tỏ bày cách hữu hình và cụ thể đến nỗi Thánh Gio-an mô tả là nghe được, thấy được và sờ mó được. Nói theo ngôn ngữ thần học, nơi Chúa Giê-su có hai mặt thiết yếu: đồng hóa (identification) và đại diện (representation). Chúa Ki-tô nên một với ta khi mang lấy bản tính nhân loại, tự đồng hóa mình với ta, trở nên Đấng-Thiên-Chúa-ở-với-ta (2). Đồng thời ngài đại diện cho ta để bày tỏ sự trung tìn trọn vẹn của con người trước Thiên Chúa. Chính vì thế Chúa Ki-tô là bí tích của Thiên Chúa, là signum efficax (dấu chỉ hiệu nghiệm) cho việc Thiên Chúa kết hợp với con người và con người kết hợp với Thiên Chúa. Nơi ngài ân sủng cứu độ của Thiên Chúa được tỏ bày cách hữu hình, đồng thời thực sự Chúa Ki-tô thông ban ân sủng cho con người.

 

D. GIÁO HỘI NHƯ/LÀ BÍ TÍCH CỦA CHÚA KI-TÔ.

1. Do sự giới hạn của nhập thể, Chúa Ki-tô không thể hiện diện như bí tích cho mọi người ở mọi nơi và mọi thời. Vì thề sự hiện diện như bí tích của Ngài cần được nối dài, và Giáo hội chính là sự nối dài của Chúa Ki-tô. Giáo hội không chỉ là một tổ chức có nhiệm vụ thực hiện công việc mà Chúa Ki-tô trao phó, nhưng Giáo hội chính là Chúa Ki-tô nối dài trong lịch sử. Hơn ai hết Thánh Phao-lô là người có kinh nghiệm sống động về điều này và đã triển khai suy tư thần học về Giáo hội là Thân Mình Chúa Ki-tô.

2. Vì thế Giáo hội được gọi là “bí tích phổ quát của ơn cứu độ.” Hiến chế tín lý về Giáo hội của Công đồng Vaticanô II dậy rằng: “Khi bị treo lên khỏi đất, Chúa Ki-tô đã kéo mọi người đến với mình (3). Khi sống lại từ cõi chết (4), Người đã sai Thánh Thần ban sự sống đến với các môn đệ và qua Thánh Thần thiết lập Thân Thể Người là Giáo hội như bí tích phổ quát của ơn cứu độ. Ngày nay ngự bên hữu Chúa Cha, Người vẫn không ngừng hoạt động trong thế giới để dẫn đưa mọi người đến với Giáo hội, và qua Giáo hội, kết hợp với Người cách chặt chẽ hơn” (5).

 

E. KẾT LUẬN

Xét như là bí tích Giáo hội có mặt ngoài và mặt trong. Mặt ngoài là cơ cấu tổ chức cần thiết để Giáo hội thực sự hữu hình; mặt trong là đức tin, cậy, mến, mà nếu không có thì Giáo hội chỉ còn là xác không hồn. Mô hình về Giáo hội như/là bí tích nhấn mạnh đến cả hai mặt thực tại của Giáo hội: hữu hình và vô hình, thần linh và nhân loại.

 

F. CÂU HỎI THẢO LUẬN

Nếu Giáo hội là bí tích của Chúa Ki-tô thì những người lãnh đạo trong cộng đoàn Giáo hội phải thể hiện cung cách lãnh đạo như thế nào?

 

III. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

(1) Gợi ý của người hướng dẫn:

Hiểu Giáo hội như/là bí tích chắc chắn khiến chúng ta ý thức mạnh mẽ hơn về sứ mạng làm chứng mà Chúa Giê-su Ki-tô đã giao phó cho mỗi người và mỗi cộng đoàn là làm sao giúp người ta nhận ra gương mặt yêu thương từ ái của Thiên Chúa nơi chúng ta.

Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa về sứ mạng cao cả và cũng là trách nhiệm nặng nề ấy. Chúng ta hãy hiến mình cho Chúa Thánh Thần để Người biến đổi chúng ta và sai chúng ta đi.

(2) Cộng đoàn cầu nguyện với bài hát THẦN KHÍ SAI ĐI

ĐK.- Thần Khí Chúa đã sai tôi đi. Sai tôi đi loan báo Tin Mừng. Thần Khí Chúa đã hiến thánh tôi. Sai tôi đi, Ngài sai tôi đi.

1. Sai tôi đến với người nghèo khó, sai tôi đến với người lao tù. Mang Tin Mừng giải thoát: Thiên Chúa đã cứu tôi.

2. Sai tôi đến với người than khóc, sai tôi đến với người âu sầu. Mang Tin Mừng an ủi: Thiên Chúa đã cứu tôi.

3. Sai tôi đến với người đau yếu, sai tôi đến với người thất vọng. Mang Tin Mừng Chân Lý: Thiên Chúa đã cứu tôi.

(3) Phép lành của linh mục chính xứ hay quản nhiệm

 

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
30/9 bis Trường Chinh, Phường 15, Quận Tân Bình
Giáo xứ Nhân Hòa, Hạt Tân Sơn Nhì, Sàigòn.

 


  Ghi chú

(1) Henri de Lubac, Catholicism, London: Burns, Oate and Washbourne, 1950, trang 29.

(2) Pl 2.

(3) x. Ga 12,32, bản Hy lạp.

(4) x. Rm 6,9,

(5) Hiến chế tín lý về Giáo hội “Ánh Sáng Muôn Dân”, số 48.

 


Mời đọc tiếp

1 2 3 4 5 6

Xem các bài viết khác trong Nguyễn Văn Nội, Khoá 6 GHHV Đà Lạt Việt Nam.