DẪN NHẬP VÀO BỐN SÁCH TIN MỪNG
HAY
TỪ MỘT ĐỨC GIÊ-SU ĐẾN BỐN TIN MỪNG

1 2 3 4 5 6

MichelAnge

 

 

CHƯƠNG V (Phần 2)

 

CÁC TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG

 

VII. CÁC CHẤT LIỆU MÀ CÁC TÁC GIẢ ĐÃ SỬ DỤNG

Phương pháp phê bình hình thức cố gắng tách các đơn vị độc lập, các đoạn, các phần ra khỏi nhau (xem mục 2.2.4.4) bằng cách sắp xếp chúng theo từng loại thích hợp. Chúng có thể khác nhau trong hệ thống sắp xếp (ví dụ xem Rodulfulmann và Martin Dibelius). Ở đây chúng ta sẽ có cách sắp xếp mà Vincent Taylor đã sử dụng. Ông nói đến 6 hình thức đã được Mác-cô sử dụng trong Tin Mừng: các chuyện kể mang tính loan báo, các chuyện kể về phép lạ, các chuyện kể về Đức Giê-su, các phần do Mác-cô sáng tác, các đoạn tổng kết, và các lời nói và các dụ ngôn.

 

7.1 Các chuyện kể mang tính loan báo:

Các chuyện kể mang tính loan báo là các đơn vị dưới dạng chuyện kể với một mục tiêu đơn giản là cung cấp một cái khung, chung quanh một lời nói quan trọng của Đức Giê-su. Phần kể chuyện sẽ được thu hẹp tối đa. Có thể là một số câu chuyện đã được cộng đoàn Ki-tô tiên khởi khai triển rộng hơn là các nhân chứng mắt thấy tai nghe đã truyền lại. Một ví dụ về chuyện kể mang tính loan báo là ở Mc 2, 23-28 là câu chuyện cung cấp bối cảnh cho lời tuyên bố của Đức Giê-su: ”Ngày sa-bát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sa-bát.”

 

7.2 Các chuyện kể về phép lạ:

Có những chuyện kể mà mối quan tâm là chính phép lạ. Thông thường chúng ta sẽ thấy diễn tiến cơ bản gồm các yếu tố như sau: (1) miêu tả bối cảnh, (2) việc chữa lành, và (3) tác động trên những người chứng kiến. Nhưng trong một vài hình thức triển khai chúng ta thấy như sau: (1) mô tả bệnh, (2) niềm tin ẩn kín hay thể hiện, (3) sự can thiệp của Đức Giê-su bằng lời nói hay cử chỉ, (4) kết quả tức thời, (5) phản ứng của những người có mặt.

Không thể coi thường tính chất văn chương của Tin Mừng Mác-cô. Dường như ngài rất lệ thuộc vào Truyền Thống và ngài bảo toàn hình thức của Truyền Thống ấy.

Khác với các chuyện kể mang tính loan báo, các chuyện kể về phép lạ thường có các lời khẳng định về địa dư và thời gian đi kèm. Chúng ta cũng thấy trong các chuyện kể ấy các diễn tả sinh động trái ngược hẳn với chuyện kể mang tính loan báo. Sau cùng trong các chuyện kể mang tính loan báo, chúng ta quan sát thấy ảnh hưởng của Truyền Thồng Truyền Khẩu chung, trong khi trong các chuyện kể về phép lạ chúng ta có thể khám phá ra hoặc thông tin trực tiếp về các sự kiện hoặc về tài kể chuyện của tác giả Tin Mừng. Một ví dụ về chuyện kể về phép lạ là Mc 1, 23-28, phép lạ chữa người bị thần ô uế nhập tại Ca-phác-na-um.

 

7.3 Các chuyện kể về Đức Giê-su

Các chuyện kể về Đức Giê-su khác với các chuyện kể vể phép lạ, không những vì chúng không có một hình thức nào nhất định cả, mà còn vì chúng đòi độc giả phải chú ý tới tất cả các nhân vật trong câu chuyện. Các chuyện ấy được chăm chút nhiều hơn và cũng nhiều mầu sắc và sinh động hơn. Với các chuyện kể về Đức Giê-su chúng ta đã đi xa khỏi lời rao giảng và giáo huấn chung của Ki-tô giáo là những việc đã có tác động đáng mơ ước trong các chuyện kể mang tính loan báo. Thật ra, chúng ta đang đề cập đến các Truyền Thống có tính chất tư nhiều hơn và tiếp cận với giai đoạn của công việc biên soạn văn chương thực sự. Phần lớn các chuyện kể về Đức Giê-su là các chuyện kể hoàn chỉnh. Nhiều nhà chuyên môn Thánh Kinh cho rằng đối với một số chuyện kể ấy Mác-cô lệ thuộc vào các chứng nhân mắt thấy tai nghe, nhất là lệ thuộc vào Phê-rô, nhưng điều đó còn tranh cãi. Một ví dụ về chuyện kể về Đức Giê-su là Mc1, 1-8, Ông Gio-an Tẩy Giả rao giảng.

 

7.4 Các phần do Mác-cô sáng tác

Trong nhóm các câu chuyện này, Taylor nghĩ rằng các câu chuyện ấy không chứa đựng những dữ kiện của Truyền Thống mà là sản phẩm do bàn tay Mác-cô hay do một bàn tay khác có trước Mác-cô tạo ra. Ở đây chúng ta không có gì chắc chắn cả. Không dễ gì mà thấy được sự phân biệt giữa các phần này và các loại nói trên kia. Tiêu chuẩn phân biệt duy nhất là có thể quan sát được tính giả tạo của bản văn. Một ví dụ về phần sáng tác của Mác-cô là Mc 3, 13-19, việc Đức Giê-su lập Nhóm Mười Hai.

 

7.5 Các đoạn tổng kết

Các đoạn tổng kết tự chúng giải thích về mình. Các đoạn tổng kết quan trọng cống hiến một cái đinh cho cấu trúc của Tin Mừng như một toàn bộ là Mc 1, 14-15; 3, 7-12; 6, 6-13. Có nhiều đoạn tổng kết dẫn nhập hoặc bao gồm các nhóm câu chuyện hay được gắn vào từng câu chuyện một.

 

7.6 Các lời nói và dụ ngôn

Các lời nói và dụ ngôn thường khác biệt với các chất liệu kể chuyện mà chúng ta đã đề cập tới từ trước cho tới giờ. Thường thường chúng được xếp vào loại giáo huấn. Cũng khó mà phân biệt hoàn toàn giữa chuyện kể và giáo huấn. Phần quan trọng nhất của loại này trong Mác-cô là các dụ ngôn trong chương 4 và diễn từ cánh chung trong chương 13. Ngoài ra phần lớn chỉ là chắp vá. Ví dụ bài diễn từ về truyền giáo của Mát-thêu (chương 10) chỉ có 4 câu trong Mc 6, 8-11. Bài diễn từ về cộng đoàn (Mt 18) chỉ có 12 đến 17 câu trong Mc 9. Điều đó dường như cho thấy rằng Mác-cô không biết tới nguồn mà Mát-thêu và Lu-ca đã rút ra chất liệu cho việc giảng dậy. Dường như Mác-cô đã lấy các lời nói từ một nguồn khác.

 

7.7 Tính đa dạng

Các sự kiện nói trên cho thấy có một sự đa dạng về chất liệu Tin Mừng. Đơn giản là không thể coi thường tính chất văn chương của Tin Mừng Mác-cô. Dường như ngài rất lệ thuộc vào Truyền Thống và ngài bảo toàn hình thức của Truyền Thống ấy. Thật quan trọng hiểu rằng tác giả cuối cùng đã sử dụng và đã truyền lại chất liệu ấy với các ý tưởng hướng dẫn của cá nhân mình (điều này sẽ được nghiên cứu bởi phương pháp phê bình công việc biên soạn).

 

VIII. PHƯƠNG PHÁP PHÊ BÌNH HÌNH THỨC

Chúng ta có thể tổng kết hoạt động của phương pháp phê bình hình thức như sau:

1. Việc phê bình hình thức cắt Tin Mừng ra thành các đơn vị nhỏ độc lập hay các phần và sắp xếp chúng theo hình thức (các chuyện kể mang tính loan báo, các chuyện kể về phép lạ, vân vân…)

2. Rồi cố gắng tìm cho mỗi một loại một bối cảnh sống (đọc mục 2.2.4.5). Ví dụ, nhiều nhà chuyên môn Thánh Kinh chủ trương rằng bối cảnh sống của phần lớn các chuyện kể về phép lạ là công cuộc truyền giáo của Ki-tô giáo sơ khai.

MichelAnge

3. Sau hết phương pháp ấy cố gắng hình dung ra bối cảnh sống có thể ảnh hưởng trên hình thức của nhóm các sự kiện hay không và ảnh hưởng như thế nào.

 

IX. PHƯƠNG PHÁP PHÊ BÌNH CÔNG VIỆC BIÊN SOẠN

Phương pháp phê bình công việc biên soạn trở nên quá lớn đối với phương pháp phê bình hình thức và giả thiết và tiếp nối các quá trình của phương pháp phê bình hình thức trong khi mở rộng và làm tăng sức cho một số quá trình ấy. Phương pháp phê bình công việc biên soạn tìm kiếm xem các đơn vị nhỏ hơn – cả đơn giản cả phức tạp (các phần hay các sưu tập từng phần) - từ Truyền Thống Truyền Khẩu hay thành văn được đặt chung lại với nhau như thế nào thành các phần phức tạp hơn. Phương pháp này đặc biệt quan tâm đến việc hình thành các Sách Tin Mừng như là các tác phẫm đã hoàn thành. Phương pháp phê bình công việc biên soạn liên quan tới tác động qua lại giữa Truyền Thống kế thừa và quan điểm giải thích có sau. Mục tiêu của phương pháp ấy là hiểu được tại sao các mục của Truyền Thống lại được điều chỉnh và liên kết với nhau để đồng hóa các động cơ thần học đang thịnh hành trong việc biên soạn một Tin Mừng hoàn thành. Và làm sáng tỏ quan điểm thần học đã được trình bày trong và qua công việc biên soạn (Perrin).

 

X. PHƯƠNG PHÁP PHÊ BÌNH CẤU TRÚC

Việc chú giải cấu trúc là một cách của phương pháp phê bình văn chương, nhưng mục tiêu đầu tiên của nó không phải là cấu trúc bề mặt của bản văn. Đúng hơn phương pháp tập trung vào mối tương quan giữa cấu trúc bề mặt và cấu trúc sâu xa nằm ở dưới, ở xung quanh hay dọc theo bản văn một cách vô thức. Phương pháp phê bình cấu trúc muốn quan tâm đến cấu trúc lớn hơn ẩn đàng sau mà một cách nào đó làm phát sinh ra bản văn liên hệ. Một bản văn nhất định thể hiện tính dung nạp các khả năng văn chương như thế nào và mở rộng đến đâu? Có một hướng mà phương pháp phê bình cấu trúc qui chiếu theo, nhưng không xuất phát từ ý nghĩa của bản văn mà từ một cái gì không có tính văn chương, có thể là từ ý nghĩa lịch sử, xã hội hay tư tưởng. Phương pháp ấy cho thấy bản văn có thể có nhiều ý nghĩa (Patte).

 

XI. CÁCH TIẾP CẬN XÃ HỘI VÀ XÃ HỘI HỌC

Hiện nay chúng ta không đề cập tới một mà là hai cách tiếp cận. Một đàng, có cách diễn tả và phân tích xã hội, sử dụng những khám phá của Khoa Khảo Cổ (khai quật, nghệ thuật, chữ viết, đồng tiền), Khoa Lịch Sử và Văn Chương cùng thời với các bản văn. Thông qua phương pháp này chúng ta có thể có được những dữ kiện và khái niệm liên quan tới đời sống và cách tổ chức xã hội, đời sống chính trị, các cơ chế, các động lực xã hội, và định hướng của nhận thức.

Đàng khác việc áp dụng thuyết khoa học xã hội vào Tân Ước là một vấn đề hoàn toàn khác. Phương pháp này xây đắp phương pháp kia, dù không có thông tin chi tiết một phân tích xã hội có thể là vô phương thực hiện. Ở đây các cấu trúc của các nhà xã hội học và của các nhà nhân chủng xã hội học như Max Weber, Mary Douglas và Peter Berger đã chứng tỏ là hữu ích đối với các nhà chuyên môn về Tân Ước (Osiek).

 

XII. TỔNG KẾT- KẾT LUẬN

12.1 Việc cuốn sách Tin Mừng đầu tiên ra đời không có nghĩa là Truyền Thống Truyền Khẩu đã cáo chung. Tin Mừng Mác-cô đã được viết trong một cộng đoàn đặc biệt, nhưng Truyền Thống Truyền Khẩu về các lời nói và việc làm của Đức Giê-su vẫn tiếp tục được duy trì trong các cộng đoàn khác và ngay cả trong cộng đoàn mà Tin Mừng thứ nhất đã được viết ra.

12.2 Nhiều lời nói và việc làm của Đức Giê-su không được ghi lại trong Tin Mừng nhưng vẫn được các cộng đoàn nhắc đến. Ví dụ, lời nói sau đây của Đức Giê-su: ”Cho thì đáng được chúc lành hơn nhận” (Cv 20, 35) là lời được Phao-lô nhắc lại mà không hề được một Tin Mừng nào ghi chép cả.

12.3 Chúng ta không thể trông chờ có được một tiểu sử về Đức Giê-su trong các Tin Mừng. Cả các Ki-tô hữu đầu tiên là những người kể lại các lời nói và việc làm của Đức Giê-su, cả các tác giả Tin Mừng là những người sau này ghi chép lại Truyền Thống đều không quan tâm làm việc ấy. Vì thế chỉ là uổng công vô ích nếu như chúng ta cố gắng thiết lập một thứ tự chi tiết về cuộc sống của Đức Giê-su, hy vọng rằng có thể nói chính xác mỗi biến cố đã xẩy ra vào lúc nào và xẩy ra ở đâu. Các Tin Mừng đã không hề được viết theo cung cách ấy. Đúng hơn các Tin Mừng là sự thu tập các yếu tố rời rạc (các đoạn, các phần) từ nhiều giai đoạn trong đời sống và sứ vụ của Đức Giê-su vì các phần đó đã được truyền lại và được công bố.

Tin không chỉ là chấp nhận một số các sự kiện; Tin là chấp nhận ý nghĩa của các sự kiện ấy. Tin là hiểu tất cả những gì Tin Mừng phải nói, vì tin làm cho ta hiểu Thiên Chúa truyền thông những gì và duy trì sự truyền thông ấy như thế nào trong các sự kiện.

12.4 Một ví dụ đơn giản giúp cho hoàn cảnh của các tác giả Tin Mừng trở nên sáng sủa hơn. Giả thiết một ngày nào đó bạn lấy một cái hộp đựng hình có từ ba mươi năm trước đó hay lâu hơn từ trong cái rương bám đầy bụi. Đó là các bức hình của các người trong gia đình bạn, có một vài người đã khuất trước khi bạn chào đời. Các bức hình đó cho thấy gia đình bạn, bạn hữu, họ hàng vào nhiều độ tuổi khác nhau và trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, bức thì chụp trong nhà, bức thì chụp ngoài bãi biển, bức thì chụp trên đường, bức thì chụp trong các buổi hội họp. Thêm vào các bức hình lẫn lộn ấy là một vài cuốn an-bum nhỏ hay một mớ hình để chung lại với nhau vào một thời gian nào đó trong quá khứ và cho thấy một giai đoạn nhất định của quá khứ.

Nay bạn ước ao làm một cuốn an-bum lớn trong đó mọi kỷ niệm kia đều phải có chỗ. Bạn sẽ xếp theo thứ tự nào đây? Bạn không thể hỏi những người có hình ở trong ảnh - chắc chắn không thể hỏi tất cả những người đó - về ngày tháng chính xác, về địa điểm mà các bức hình đã được chụp. Bạn sẽ phải cố gắng có được một thứ tự tương đối gần với thực tế. Nhưng bạn cũng có thể sắp xếp các bức hình theo từng đề tài: lễ cưới, hội họp, hình chụp tại nhà, các chuyến du ngoạn vân vân… Bạn có thể xếp chung các cụm với nhau hay bạn cũng có thể tách chúng ra và sắp xếp lại chúng. Hiển nhiên là cuối cùng bạn sẽ có một số hình chẳng phù hợp với cách sắp xếp của bạn, các hình mà bạn không biết phải làm gì với chúng. Thay vì để mất các kỷ niệm quí báu ấy, bạn sẽ xếp chúng vào một chỗ nào đó trong cuốn an bum của bạn, cho dù chúng không mấy ăn khớp với các ảnh khác.

12.5 Sự kết hợp không thể tách rời của lịch sử và niềm tin trong các Tin Mừng chỉ có thể được am hiểu nếu chúng ta biết rằng lời nói của Thiên Chúa được rao truyền không phải như một chữ viết chết mà như một thực tại sống động. Các nhà truyền giáo đầu tiên của Ki-tô giáo đã thực hiện điều ấy khi họ thích ứng sứ điệp với các độc giả riêng biệt của mình, và nói với các độc giả không chỉ những gì Đức Giê-su đã nói và đã làm, mà cả những gì Người đang nói và đang làm ở chỗ này chỗ kia trong công cuộc rao giảng sứ điệp. Vì thế cho nên việc chúng ta đọc hay nghe Tin Mừng không phải là việc làm tiêu khiển, nhằm thỏa mãn tính tò mò về mặt văn chương hay lịch sử. Tự bản chất, đó là việc đặt chúng ta vào một bối cảnh trong đó các lời nói và việc làm có tính cứu độ của một Đấng Thiên Chúa có ngôi vị, sẽ thúc đẩy chúng ta chọn lựa. Tin không chỉ là chấp nhận một số các sự kiện; Tin là chấp nhận ý nghĩa của các sự kiện ấy. Tin là hiểu tất cả những gì Tin Mừng phải nói, vì tin làm cho ta hiểu Thiên Chúa truyền thông những gì và duy trì sự truyền thông ấy như thế nào trong các sự kiện. Chúng ta có diễm phúc là các tác gỉa Tin Mừng (và Giáo Hội tiên khởi) đã để lại cho chúng ta không chỉ các sự kiện, mà cả ý nghĩa các sự kiện nữa.

12.6 Do vậy, chúng ta có thể điều chỉnh cái ví dụ đơn giản của chúng ta ở trên (đọc 12.4) và nói rằng Tin Mừng là các bức chân dung của Đức Giê-su, bức chân dung nói với chúng ta về Đức Giê-su bởi vì chúng là các bức chân dung nhưng có lẽ còn hơn thế nữa. Điều hơn nữa ấy “con mắt khoa học” không nhìn thấy nhưng đã được cộng đoàn yêu thương của Đức Ki-tô nhận ra và vẽ thành các bức chân dung. Nếu chúng ta muốn nhìn thấy tất cả những gì cộng đoàn đã nhìn thấy, chúng ta phải yêu mến.

  Tp. HCM, ngày 30 tháng 9 năm 1999
Mừng Lễ Thánh Giêrônimô Bổn Mạng

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

 


Ghi chú:

Để soạn phần Dẫn Nhập này, chúng tôi đã dùng Bản văn của Hiến Chế Mặc Khải (Chương VI) của Công Đồng Vatican II để tạo thành Chương I, và dịch phần thứ nhất gồm 4 Chương của cuốn FROM ONE JESUS TO FOUR GOSPELS của Hermann Hendrickx CICM, từ trang 3 đến hết trang 55, để làm thành các Chương II, III, IV và V.

 


Mời đọc tiếp

1 2 3 4 5 6

Xem các bài viết khác trong Nguyễn Văn Nội, Khoá 6 GHHV Đà Lạt Việt Nam.