Câu Chuyện Phụng Vụ (8)

Choir

 


 Tại sao đa số thích hát bài mới?

 Để trả lời, xin được dùng lời khôn ngoan của người dân Rô-ma: “Non nova sed nove” (không phải những gì mới lạ, nhưng là cách thức mới lạ).

 Có lẽ vì hoàn cảnh chính trị hay thay đổi của Việt Nam từ mấy ngàn năm qua, hoặc vì thời tiết khí hậu không cho phép bảo trì dễ dàng lâu dài, nên chúng ta thích khuynh hướng hay chuộng mới nới cũ. Gần đây chúng ta mới thấy có khuynh hướng và cố gắng bảo tồn di tích cổ xưa, cho dù phải ‘nhái’ lại tính cách cổ xưa ấy.

Hãy nhìn vào thực tế! Chúng ta đi dự buổi hoà nhạc trình diễn ca vũ vì bài mới nghệ sĩ mới hay cũ? Thường là cũ vì đã có tiếng tăm, hoặc vì lòng ái mộ. Và những người đó có bao giờ cầm bản mà trình diễn không? Tất cả đều rất điêu luyện, thuộc nằm lòng, vì họ đã công phu tập dượt từng giờ, từng ngày, từng tháng, từng năm. Đối với họ, tất cả là cũ, ngoại trừ cách thức mới mẻ chính là tâm tình nồng nhiệt của khán thính giả.

Người ta phỏng vấn nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng, Horowitz, tưởng rằng ông thuộc loại siêu đẳng không cần thường xuyên tập dượt. Ông nói: nếu tôi bỏ một ngày không tập dượt, thì chỉ có một mình tôi biết thôi. Nếu tôi bỏ một tuần không tập dượt, thì chỉ có bạn bè tôi biết thôi. Nhưng nếu tôi bỏ một tháng mà không tập dượt, tất cả thế giới đều biết.

Tôi muốn nhấn mạnh đến nhu cầu phải tập dượt. Đây là điểm khiếm khuyết thiếu sót lầm lẫn tai hại nhất của đa số các ca đoàn mà tôi nhận thấy khi đi đây đó, đồng thời cũng là điều dễ thi hành nhất để cải thiện và tăng tiến một ca đoàn.

Nhiều ca trưởng phàn nàn rằng một số ca viên con ông cháu cha trong cộng đoàn, cứ cậy mình ta đây, chẳng chịu đi tập, thế mà đến giờ hát thực thì lại thích ‘rống to’, thích lĩnh xướng. Có lần giúp ca đoàn, tôi đã đề nghị: thà ít người mà cùng nhau chịu khó tập dượt, thế nào cũng thành công. Vậy đó mà một số ca viên có giọng bực mình bỏ ra đi.

Tôi nhớ thật kỹ kỷ niệm linh mục nhạc sư Nguyễn văn Vinh, địa phận Hànội kể lại. Lần đó ngài điểu khiển ca đoàn nhà thờ Notre Dame de Paris, trong một dịp lễ, sát tới giờ rồi, người ta hân hoan giới thiệu cho ngài một giọng ca nổi tiếng, nhưng lúc đầu ngài không chịu cho nhập đoàn để hát, sau cùng vì nể cha xứ nhà thờ chính toà, nên ngài cũng bằng lòng. Hậu quả là vừa hát được một dòng nhạc thứ nhất, người ca viên nổi tiếng đó đã hát trật lất, không giống ai. Dĩ nhiên với tinh thần hăng say của tuổi trẻ và máu đầy nghệ sĩ tính, cha Vinh đã thẳng thắn xoá bàn làm lại và bắt anh chàng kia ra ngồi ngoài bên không được hát chung nữa.

Tôi viết vậy để tha thiết xin các ca trưởng đừng quá tin vào số đông. Việt Nam có câu chữ nho “quý hồ tinh bất quý hồ đa” (quality, not quantity: cần phẩm chứ không cần lượng). Tại sao quý bạn không cố gắng xây dựng từ một vài giọng hát có năng khiếu và thiện chí trước đã? Cũng xin các ca viên ý thức mục đích mình đến ca hát thờ phượng, đóng góp vào việc chung, chứ không phải hát trình diễn để được vỗ tay. Tuy nhiên chúng ta chưa phải là nghệ sĩ siêu đẳng, chưa có tiếng hát tuyệt vời. Dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng cần hoà đồng với mọi người trong ca đoàn, cần phải tập dượt chung với nhau. Mỗi bài hát, mỗi lần hát do mỗi ca trưởng hướng dẫn có thể có những chi tiết thích thú, những ý nghĩa phong phú mà lần trước mình chưa được biết. Tại sao 70 không chịu học 71?

Tác phẩm nghệ thuật càng thưởng thức càng thấy hay ho thấy thích thú, nhưng là phải do tập dượt ôn luyện như câu nói của Việt Nam ‘văn ôn võ luyện’.

Tôi xin phân tích hai chữ nhỏ này: a.) tập luyện = practice: đây là công việc nền tảng tối thiểu, không thể sao lãng, chuẩn bị xa, b.) dượt lại = rehearsal, warm up: đây là công việc tối cần không thể thiếu, chuẩn bị gần. Phải có cả hai, vì thiếu một sẽ y như què quặt vậy.

Nếu thực sự tập dượt được như vậy thì bảo đảm hát không những sẽ hay có trình độ, mà còn giúp cho mỗi người cầu nguyện sốt sắng nữa.

L.m. Anthony Vũ Hùng Tôn
vuhungton@hotmail.com
281-458-4558.

 


 

Xem các bài viết khác trong Anthony Vũ Hùng Tôn.