NHỮNG ĐIỀU CHIA SẺ

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18 19 20

PetNguyễnVânĐông

 

 

 

 

 

 

 

 

 

7 .


MỞ NHÀ TRẺ CHO CÁC LÀNG DÂN TỘC

 

Mở các nhà trẻ cho các làng dân tộc là điều rất cần thiết. Người dân tộc vốn dĩ cho đến bây giờ vẫn sinh nhiều con, trong một làng thế nào cũng có một số gia đình có từ 8 hoặc 9 thậm chí là 10 đến 12 đứa con.

Người Việt mình ngày xưa cũng cho là: Đa tử đa tôn đa phú quí, nghĩa là Có nhiều con, nhiều cháu là hạnh phúc, là giàu sang phú quí.

Nhưng thời bây giờ vì sinh quá nhiều con, gây nên tình trạng gọi là nạn nhân mãn nên nhà nước chủ trương: mỗi gia đình chỉ có hai con, giới trẻ bây giờ cũng ý thức được điều này nên sinh ít con, vì nếu sinh nhiều con thì không đủ khả năng nuôi và dạy con. Ngày trước người Công Giáo khi lập gia đình thì mỗi gia đình có một cuốn Sổ gia đình, mỗi sổ có đến 12 tờ cho 12 đứa con. Bây giờ thì Sổ gia đình Công Giáo khi in ra số tờ đã giảm bớt, còn lại 7 tờ, nghĩa là 7 người con. Hiện giờ không ai còn dám sinh tới 7 đứa con, nhưng người dân tộc thiểu số thì chưa ý thức được điều này nên họ vẫn sinh nhiều con.

Giáo Hội Công Giáo không chủ trương sinh đẻ bừa bãi. Có một câu trong Công Đồng Vaticanô II nhắc nhở về đời sống gia đình như thế này: Sinh con có ý thức và có trách nhiệm.

Học hỏi ý nghĩa của câu nói này thì: vợ chồng phải có ý thức cũng như có quyền quyết định số con mình sẽ sinh, và sau khi sinh thì phải có trách nhiệm nuôi và dạy con nên người, nên con của Chúa.

Có một bác sĩ người dân tộc, là giám đốc sỡ y tế đã gặp tôi, ông ta nói với tôi:

-Người dân tộc chúng tôi sinh rất nhiều con. Chúng tôi biết là bên Giáo Hội cũng không chủ trương sinh đẻ bừa bãi. Về đường lối Hội Thánh Công Giáo của Linh Mục thì tôi không biết, nhưng khi Linh Mục đi sinh hoạt tôn giáo trong các làng, Linh Mục cũng có thể nhắc nhở bà con dân tộc không nên sinh nhiều con, để rồi không nuôi dạy nổi.

Sau đó tôi vào dâng lễ ở một làng dân tộc, tôi có thói quen hay dạy giáo lý trước giờ lễ . Tôi nói với anh em trong làng như thế này:

- Anh em bây giờ sinh nhiều con quá nên không nuôi nổi và không dạy được con cái của mình. Thời xưa khác, thời bây giờ khác. Thời xưa làng nào của chúng ta cũng ở cạnh rừng, mà rừng thì mênh mông bạt ngàn. Chúng ta hết lúa thì chúng ta vào rừng để săn bắt con thú này con thú nọ, rồi chúng ta hái trái này, trái nọ để ăn... Chúng ta có rất nhiều măng le, nhiều nấm... đó là lương thực nuôi sống chúng ta. Bây giờ rừng còn đâu? Anh em sống giữa đồng không mông quạnh thiếu gạo thiếu lúa, cũng đâu còn rừng để vào? Ngày xưa đất rộng người thưa, chúng ta đốt rẫy, nhà đông người thì đốt cái rẫy lớn, nhà ít người thì đốt cái rẫy nhỏ. Thế nhưng bây giờ mỗi gia đình chỉ có một lô đất thì làm sao mình đốt rẫy được? Cho nên khi không đủ lúa gạo để ăn mà mình sinh nhiều con thì cũng không thể nuôi nổi con của mình đâu. Vậy thì anh chị em phải sinh con theo đường lối của Hội Thánh là sinh con cái có ý thức và có trách nhiệm.

Nghe thế ông già làng nói với tôi:

- Cha nói giống cán bộ quá! Cán bộ vô làng là biểu đặt vòng, mỗi gia đình chỉ sinh 2 con "dù gái hay trai chỉ 2 là đủ". Nhưng mà Cha có biết không? Dân tộc chúng tôi là dân tộc thiểu số, là ít người. Nếu chúng tôi đẻ ít thì nó cứ ít miết thôi, chúng tôi đẻ nhiều thì nó mới nhiều được chứ. Mà tôi nói cho Cha biết tôi nuôi con heo, con gà mà chúng nó đẻ nhiều tôi cũng mừng. Cho nên tôi nuôi con vợ nó đẻ nhiều tôi cũng mừng. Tôi thích vợ tôi nó đẻ nhiều như cây đu đủ có nhiều trái vậy đó.

Tôi chịu thua luôn. Sau đó tôi kể câu chuyện này cho Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung và các Cha trong địa phận nghe. Ngài hỏi tôi:

- Rồi anh trả lời làm sao?

Tôi lắc đầu:

- Khi ấy con thấy ông ta nói cũng có lý nên con không biết trả lời ra làm sao cả.

Đức Cha hỏi tiếp:

- Cha là Linh Mục mà Cha không biết trả lời câu này à?

Tôi hỏi lại Đức Cha:

- Nếu là Đức Cha thì Đức Cha sẽ trả lời như thế nào?

Đức Cha bảo tôi:

- Cha phải nói với họ như thế này: " Mình nuôi con heo, con gà mà nó đẻ nhiều thì mình mừng, bởi vì khi mình nuôi nó không nổi nữa thì mình bán nó mình lấy tiền, hoặc là mình xẻ thịt nó mình ăn. Còn con mình... không lẽ mình nuôi con không nổi thì mình xẻ thịt con mình, mình ăn sao? Hay mình bán nó mà lấy tiền à?. Con người chứ đâu phải con heo con gà?"

Tôi định nói với Ngài:

"- Đức cha trả lời hay quá! như vậy mới làm Giám Mục được chứ."

Thực tế thì người dân tộc cũng có vấn đề này: số trẻ em chết ở độ tuổi mới sinh khá nhiều, nên họ mới nói:

- Người Yuan ( là người kinh) nó đẻ một đứa là nó nuôi được một đứa, nó đẻ 2 đứa là nó nuôi được 2 đứa. Còn mình đẻ 1 đứa hay 2 đứa, rủi như nó chết đi, tới lúc đó mình muốn đẻ nữa mà đẻ không được thì làm sao? Nên mình phải đẻ để dành chớ.

Tôi thấy chúng ta phải có trách nhiệm như thế nào để giáo dục từng ly từng tí cho người dân tộc hiểu được đường lối của Hội Thánh: không phải là sinh con bửa bãi nhưng là sinh con có ý thức và trách nhiệm. Đây là trách nhiệm rất nặng nề của chúng ta. Những Linh Mục cũng như các nữ tu phải biết rõ tường tận về vấn đề này để giáo dục cho người khác.

Người dân tộc sinh nhiều con thì mình biết phải làm gì bây giờ? Nói theo kiểu Đức Cha Phêrô:"- Mình đâu có bán nó được đâu, mình đâu có xẻ thịt nó được đâu", thì trước vấn đề đó ta phải làm như thế nào?

Đứng trước thực trạng này lương tâm thúc đẩy tôi phải mở các nhà trẻ trong các làng dân tộc, đúng hơn là nhà giữ trẻ. Tại sao tôi làm điều này? Bởi vì người dân tộc sinh nhiều con, mà khi đứa em được sinh ra thì anh hay chị phải giữ em, mà giữ em thì không đi học được, giữ em cho đến khi em nó vừa biết đi thì mẹ nó lại sinh thêm một đứa nữa, nó lại tiếp tục giữ em nữa. Cho nên nó lại không được đi học. Đó cũng là lý do tại sao trẻ em người dân tộc ít đi học, bởi vì nếu anh hay chị đi học thì bà mẹ phải ở nhà giữ con. Nhưng khi người mẹ phải ở nhà giữ con thì không thể đi lao động được, còn nếu đi lao động mà địu con theo thì lao động cũng không có kết quả gì cho lắm.

Cách đây 20 năm tôi đã thử mở một nhà giữ trẻ trong một làng dân tộc. Lúc đầu tôi nhờ một cô người kinh giữ trẻ cho cái nhà trẻ của tôi ở làng PleiTeng ( cô này từng đi tu nhưng sau năm 1975 thì không còn đi tu nữa. Cô rất là am hiểu về vấn đề sư phạm).

Thế nhưng người kinh không thể dạy dỗ cho trẻ em người dân tộc được vì có nhiều lý do:

1. Khác biệt về ngôn ngữ: không biết tiếng của nhau, mình nói tiếng kinh, các em là người dân tộc nên không hiểu gì.

2. Người dân tộc dạy con theo cách của họ là: không bao giờ la mắng con. Người kinh của mình hễ nói nó không nghe là la nó. Mà la nó thì nó sợ, ngày mai nó không đi học, có tới nhà nó năn nỉ thì nó trốn chớ nhất định nó không đi học nữa.

Tôi thấy bế tắc quá nên tìm một người khác, người này cũng là người kinh nhưng hiền lành hơn. Nhưng cô này chỉ làm được một tháng... các em nó đi học rồi thì dần dần chúng nó cũng ở nhà hết.

Cuối cùng thì tôi cũng có được một đứa con gái người dân tộc, em này như con nuôi trong nhà tôi, tên là H’Rưng, em còn đang đi học. Sau khi em đậu được Tú Tài thì tôi nói với em:

- Con hãy về giữ trẻ trong làng con để cho ba má các cháu được rảnh tay đi làm nương rẫy, các anh chị của chúng được đi học ở trường. Bây giờ nhà trẻ của làng mình mở ra mà không có em nào tới học.

Trời ơi! Khi em H’Rưng về làng để giữ trẻ, cha mẹ ùn ùn đem con cái tới ngày càng đông. Đã có một Linh Mục cho một người kinh giữ trẻ của làng mình đến xem thử "tại sao nhà giữ trẻ này các em nó đi học đông như thế?". Đơn giản thôi: chỉ là người dân tộc biết tính của người dân tộc. Nếu muốn đứa bé ngủ trưa thì cô giữ trẻ phải địu nó trên lưng, hát tiếng Jarai cho đến khi đứa trẻ ngủ say rồi mới đặt nó nằm xuống nền nhà, các đứa trẻ khác thấy vậy cũng đều nằm xuống ngủ (các em dân tộc không có thói quen ngủ trưa).

Khi mở nhà trẻ như vậy tôi nhận thấy có hai điều ích lợi: Thứ nhất là cho anh chị nó được đi học. Thứ hai là cho cha mẹ nó được đi lao động. Nhưng điều cần thiết và quan trọng là cô giữ trẻ đó phải là người dân tộc thì việc này mới thành công.

Tôi cảm ơn các sơ Nhà Trắng Sài Gòn. Các sơ đã có một nhà trẻ tên là Sapa, lúc đó các sơ đã nhận cho tôi một số em người dân tộc trông coi các nhà trẻ của tôi từ 3 tới 5 tháng để tập cho các em cách giữ trẻ. Khi về tới bản làng các em rất thành công trong việc giữ trẻ cho người sắc tộc của mình.

Kinh nghiệm thực tế cho tôi thấy chỉ có người dân tộc giữ và dạy được trẻ người dân tộc mà thôi.

Trong khi những em bé ở nhà trẻ được 1, 2 hay 3 năm thì nó được cái gì?

Thứ nhất: Nó được các cô giáo người dân tộc biết tiếng kinh tập hát các bài hát tiếng kinh như là: "Em có ba... em có má,.."; hoặc là bài " kìa con bướm vàng... xòe đôi cánh... " nên nó cũng làm quen được với tiếng kinh. rồi khi vào lớp một thì nó đã biết được chút ít tiếng kinh, nên nó theo học dễ dàng hơn là khi không biết một chút tiếng kinh nào.

Thứ hai: Khi ở trong nhà trẻ chúng tôi lo chăm sóc sức khỏe cho các em, nhờ các y, bác sĩ đến khám sức khỏe cho các em, xổ lãi cho các em, gặp mùa nào các em bị ghẻ là phải lo xức ghẻ cho chúng nó. Tập cho các em uống nước đun sôi, nước lọc, nước sạch... Tập cho các em biết giữ vệ sinh, biết ngồi lên cái bô, tập cho các em cách sử dụng đồ chơi, tập cho các em những điều cần thiết như là kỷ luật để khi bước vô trường nó không khóc đòi về nhà, mà chịu ở lại học và học được, hiểu được, theo được chương trình học trong sách giáo khoa. Các cô giáo lớp 1 nói với nhiều người là rất thích nhận các em đã học qua “Nhà trẻ của Cha Đông”.

Kết quả đạt được bây giờ là tôi thấy có nhiều em vào lớp 6 cấp II, nó học khá giỏi, nhờ lúc trước nó ở trong nhà trẻ của tôi. Mỗi năm đến Tết thì ba má nó đưa nó tới thăm tôi, nó nói tiếng kinh khá rành. Nó biết chào hỏi, biết cám ơn khi mình làm việc gì đó giúp nó. Có nhiều cha mẹ người dân tộc cũng không biết làm sao dạy cho con mình biết chào hay cám ơn, khi có việc gì đến nhà tôi và tôi cho nó một cái gì, mẹ nó biểu nó "cám ơn Cha đi" nó cũng không biết nói cám ơn và cũng không nhìn tôi. Nhưng những đứa bé được học trong nhà trẻ của chúng tôi thì lại khác: các em biết chào hỏi, thưa gởi và biết nói cám ơn.

Những đứa ở trong nhà trẻ khi lên lớp 1 nó có thể hòa đồng với các bạn người kinh ở trong lớp, trong trường của nó. Cho nên chúng tôi nghĩ bằng mọi cách chúng ta phải mở nhà trẻ ở tại các làng dân tộc.

Điều khó khăn nhất là phải tìm được một chỗ đất trống khá rộng rải, có đầy đủ không gian, đủ phương tiện, có nước sạch... để các em đến đó, có thầy cô dạy cho nó và còn cho nó một buổi ăn trưa có chất lượng... Rồi với sự đóng góp chút ít của các bậc cha mẹ như là 20.000 đồng hay vài lon gạo; đó chỉ là sự đóng góp chung có tính cách tượng trưng. Nhưng về phần chúng ta thì chúng ta phải vận động những nhà hảo tâm, những người có lòng tốt ở nơi này nơi nọ để họ giúp đỡ chúng ta. Mỗi tháng chúng tôi cũng trả lương cho các cô giáo để các cô có điều kiện sinh sống. Vào những ngày lễ như ngày 8 tháng 3, ngày 20 tháng 11... thì chúng tôi cũng gởi quà cho các cô. Ngày Noen hay ngày tết cũng phải gởi thêm cho cô giáo 1 tháng lương, hay ít ra là nữa tháng và đó chính là điều động viên tinh thần của các cô trong công việc. Nhưng dù sao đi nữa thì các cô giữ trẻ trong làng của mình, các cô cũng cảm thấy được niềm an ủi: đó là thấy được cái kết quả lợi ích rõ ràng mà các cô đã đem lại cho các em ở trong làng .

Mặc dù tôi cũng có gặp ít nhiều khó khăn về phía nhà nước, với chính quyền địa phương. Nhưng sau khi trình bày với các cấp lãnh đạo của tỉnh là chúng tôi không đủ điều kiện để mở nhà trẻ như của nhà nước, nhưng mục đích của tôi là như vậy... như vậy... Các cán bộ thông cảm và cũng đã vào thăm các nhà giữ trẻ. Vì vậy nên họ đồng ý cho chúng tôi mở nhà giữ trẻ theo mô hình này.

 

 

 

 


Mời đọc tiếp các bài :

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18 19 20

Xem các bài viết khác trong Rev Nguyễn Vân Đông , Khoá 6 GHHV Đà Lạt Việt Nam.