NHỮNG ĐIỀU CHIA SẺ

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18 19 20

PetNguyễnVânĐông

 

 

 

 

 

 

 

 

 

16.


NHỮNG ĐIỀU ĐÁNG LO NGẠI

 

Sống và rao giảng Tin Mừng cho anh em người dân tộc và phụ trách mục vụ cho họ, đã có những điều làm cho tôi cảm thấy thật lo lắng.

 

* Điều lo lắng thứ nhất: Uống rượu.

Từ xa xưa người dân tộc, kể cả nam lẫn nữ, đôi khi trẻ em cũng biết uống rượu. Đó là rượu cần, uống bằng cái cần, hoặc là rượu ghè, bởi vì rượu được chứa trong một cái ghè. Có thể làm rượu bằng gạo, bằng nếp, bằng củ mì, bằng bắp. bằng bo bo... v.v... Rượu tuy tương đối nhẹ nhưng lại say từ từ, ai cũng biết uống.

Nhưng rượu nào thì cũng làm cho người ta say. Người dân tộc khi đi xưng tội, thường xưng cái tội :

- Con có uống rượu...

Cấp độ nhẹ.

- ...Con uống mà con say...

Cấp độ này nặng hơn.

- ... Con say mà con còn ói mửa nữa...

Cấp độ này còn nặng hơn nữa.

-... Con say mà con còn mất luôn trí khôn...

Đây là cấp độ nặng nhất.

Thời Đức Cha Phaolô Kim, Ngài cũng biết điều này có hại cho con người nên Ngài đã ra một cái luật: "cấm bán rượu mạnh cho người dân tộc", rượu mạnh như rượu đế chẳng hạn. Thời bấy giờ là thập niên của thế kỷ XX, người kinh ở với người dân tộc thường là người Công Giáo. Mà ở trên Kontum người Công giáo kinh rất đông, cho nên ra luật này thì cũng có hiệu quả. Đối với người Công Giáo mà bán rượu mạnh cho người dân tộc là bị dứt phép thông công.

Được chừng nào hay chừng đó, và điều này cũng có hiệu quả phần nào trong việc giới hạn thói quen uống rượu của những người dân tộc. Bây giờ anh em Tin Lành cũng có cái luật là: Ai muốn trở về theo Chúa, theo Tin Mừng của Chúa thì phải quyết tâm bỏ rượu, như thế mới được theo đạo Tin Lành. Đây là điều rất đáng cho chúng ta bắt chước.

Tôi đã trông coi một làng dân tộc trong gần 20 năm. Tới Mùa Chay tôi cũng kêu gọi, nhất là cánh đàn ông đăng ký giảm rượu trong Mùa Chay, có giấy tờ ký tên đàng hoàng. Những người có quyết tâm sống Mùa Chay thì phải giảm uống rượu 75 %, 50 %, hay 25 %, và không uống rượu trong Mùa Chay. Lúc đầu cũng rất là thích thú trong nhà thờ, nhưng họ không biết giảm 75 % là bao nhiêu? Tôi phải giải thích thế nào là giảm 75 %, 50 %... Sau khi nghe như vậy họ hứa sẽ giảm, nhưng không có người nào hứa giảm 100 % cả. Rồi tôi bảo họ ghi tên mình vào tờ giấy tôi đã làm sẵn và ký tên mình vào. Tôi lấy những tờ giấy đó dán trong nhà thờ để mỗi Chúa Nhật tôi nhắc nhở họ: "Chúng ta đã ký giao kèo trong Mùa Chay là chúng ta giảm uống rượu, chúng ta bỏ bớt rượu".

Như thế cũng là có hiệu quả tốt đẹp do niềm tin đem lại.

Trong các ngày lễ hội thường có rượu cần, rượu ghè để uống, điều đó thì cũng đúng thôi. Thế nhưng mỗi ngày cánh đàn ông thường hay uống rượu đế, uống bia. Theo quan niệm của người dân tộc thì khi đã uống rượu là phải uống cho say. Nếu Linh Mục chánh xứ mà cấm uống rượu hay giảm uống rượu trong những ngày lễ thì cũng có kết quả, nhưng mà họ cũng lén uống.

Trong những dịp lễ lớn như lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh, tôi hay làm lễ tại các làng. Lễ có khi thì 8 giờ, khi 9 giờ, cũng có khi là 10 giờ. Trước lễ thì không người nào được uống rượu, có uống mừng lễ thì cũng phải uống sau lễ. Tôi nói trước buổi lễ:

- Chúng ta phải tôn trọng Thánh lễ, chúng ta phải giữ chay trong Thánh lễ.

Và giáo dân đã nghe lời tôi.

Dọc theo những con đường vào các làng, nếu chúng ta gặp một người say rượu thì y như rằng đó là người nam, vì giới nữ bây giờ cũng ít uống rượu. Có tín hiệu vui là lớp trẻ người dân tộc bây giờ có học thức nên cũng bớt uống rượu. Ta phải nâng cao trình độ ý thức cho người dân tộc và như thế th́ mới có thể kêu gọi họ bỏ bớt rượu. Phải cho họ biết uống rượu là rất nguy hiểm, nó ảnh hưởng tới thế hệ con cháu của họ sau này, vì rượu làm cho con cháu của họ không được thông minh, do vậy sự học hành sẽ bị kém đi.

 

* Điều lo lắng thứ hai: Tiêu xài tiền bạc không đắn đo.

Người dân tộc tiêu xài tiền bạc thường không đắn đo cân nhắc. Khi người dân tộc mà cố gắng biết lo làm ăn thì cũng dễ có tiền. Thứ nhất là họ có đất đai. Người kinh ở khắp nơi trong nước đến làm ăn ở các vùng thuộc tỉnh Gia Lai và Kontum, nếu cần mua đất thì mua đất của người dân tộc, dù nhà nước có luật là người dân tộc không được bán đất cho người kinh. Nếu người kinh mua đất của người dân tộc thì sẽ không được ký giấy tờ. Nhưng mà người dân tộc họ hay lắm, họ cũng chẳng cần giấy tờ: ông đưa tiền cho tôi, tôi giao đất cho ông là đủ rồi, không cần giấy tờ, anh cứ làm nhà đi, không sao đâu. Người dân tộc muốn có tiền thì hay bán đất, và người kinh cũng ưa dụ dỗ người dân tộc bán đất cho mình, bởi họ là dân buôn bán địa ốc mà.

Người dân tộc cũng bắt chước trồng cá phê, tuy không nhiều: 3 sào, 5 sào hay 1 hecta. Nhiều người dân tộc, nhất là người trẻ cũng biết làm cà phê, khi cà phê được mùa thì cũng có tiền. Họ cũng biết trồng rừng, trồng bời lời, khi cây bời lời lên giá thì người dân tộc cũng có nhiều tiền...

Như ở tnh Kontum, trên các ngọn đồi hay triền núi người dân tộc trồng mì, năm nay giá mì lát lên cao nên họ cũng có tiền. Tôi nghe một Linh Mục nọ kể: trong làng của mình đến ngày thu hoạch mì bán cho các thương buôn người kinh, xe tải tấp nập tới làng chở mì đi. Những ngày bán mì như vậy là người dân tộc trong làng có nhiều tiền, và trong những ngày này người kinh từ Kontum cách đó 50 cây số cũng có mặt, người ta lên đó để dựng những cái lều, cái trại dọc theo con đường vào làng rồi bán đủ thứ ăn nhậu: từ thịt chó cho đến khô mực, những thứ gì nhậu được thì họ bày ra bán, bia rượu thì có đủ loại. Và như thế khi bán mì xong là người dân tộc tập trung đến những quán này để ăn nhậu cho tới khuya. Cuối cùng khi ra về người nào cũng chân nam đá chân xiêu vì đã uống quá nhiều rượu bia, họ ăn nhậu mà không biết tiếc tiền. Tiền bạc làm ra từ công sức lao nhọc, từ những giọt mồ hôi của mình, ấy vậy nhưng đến khi tiêu tiền thì không hề đắn đo cân nhắc.

Tôi được Giám Mục Kontum cho biết là: "Chúng ta cần giúp đỡ cho học sinh, sinh viên người dân tộc đi học xa nhà". Nhưng Ngài cũng khuyên chúng tôi: dù có giúp đỡ nhưng cũng phải góp ý với họ là phải biết tiêu tiền một cách hợp lý. Cũng đã có sinh viên người dân tộc xài tiền điện thoại mỗi tháng tốn đến cả triệu đồng, đôi khi còn lên đến triệu rưỡi, điều này thì thật là quá đáng. Nhiều khi hết tiền họ đòi gia đình gởi thêm tiền lên cho họ, và thế là ở quê nhà cha mẹ phải bán bò, bán đất để gởi tiền cho con đi học... và tiêu xài.

 

*Điều lo lắng thứ ba: Lao động không có phương pháp không có tính khoa học.

Tôi lấy ví dụ: bên này bờ suối là vườn cà phê của người dân tộc làng tôi, bên kia suối là làng của người kinh, họ mua đất và cũng trồng cà phê. Luôn luôn là từ sáng sớm vườn cà phê của người kinh đã có người, người ta làm cỏ, tỉa cành, tưới nước... thậm chí người ta còn đi lượm phân bò trong làng của người dân tộc để bón cho vườn cà phê của họ.

Người dân tộc chúng tôi ở bên này suối cũng trồng cà phê nhưng không xanh tốt bằng cà phê của người kinh. Đôi khi làng của mình nuôi hàng 150 con bò mà không biết sử dụng nguồn phân bò dồi dào của nhà mình, lại đi mượn tiền để mua phân hóa học bón cho nhanh. Thành thử ra lao động như vậy là không có phương pháp.

Mỗi lần tưới cà phê là người dân tộc lại phải đi mướn máy, rồi mua sắm thêm đủ thứ để tưới nên tốn rất nhiều tiền. Đến khi thu hoạch thì tính ra lợi cũng không được bao nhiêu. Còn lao động thì mãi đến 8, 9 giờ sáng mới ra tới nương, rẫy của mình. Rồi mới 4 giờ chiều thì đã đi về.

Tôi đã từng nhiều lần nói với giáo dân của tôi như thế này:

- Chúng ta phải siêng năng làm việc. Bởi vì làm biếng là 1 trong 7 mối tội đầu. Cho nên chúng ta phải làm việc. Thì giờ là của Chúa ban cho chúng ta, chúng ta phải bắt chước những ai siêng năng hơn chúng ta. Nhìn vườn cà phê bên kia suối chúng ta có thấy không? Họ siêng năng nên từ 5, 6 giờ sáng là họ đã có mặt trên nương, rẫy rồi. Có siêng năng như vậy thì họ mới có tiền lo cho con cái của họ đi học được chứ. Mình cũng trồng cà phê hằng trăm cây như họ mà rồi chẳng được bao nhiêu. Vậy thì khi chúng ta lao động không có phương pháp, không có sự siêng năng thì chúng ta sẽ không có đủ điều kiện sinh sống, một khi không đủ điều kiện sinh sống thì chúng ta cũng không thể cho con cái chúng ta được học hành như mọi người. Nhất là người dân tộc chúng ta sinh nhiều con hơn người kinh.

 

* Điều lo lắng thứ tư: Người dân tộc ít lo lắng cho con cái của mình được học hành.

Xưa nay người dân tộc vẫn coi thường việc học hành. Tuy rằng bây giờ cũng có một số người biết cho con đi học, cũng thấy việc học là cần thiết. Họ cho con đi học ở nhà trường, ở trung cấp y tế, sư phạm, mẫu giáo... v.v... Nhưng đáng tiếc là số người này chưa được nhiều lắm. Đa số cha mẹ mù chữ nên cũng chưa cảm thấy tha thiết cho con họ đi học cái chữ. Con đi học nhưng một khi tới ngày mùa, mà ngày mùa thì vui lắm: lên nương lên rẫy bắt được con chuột, con cào cào... v.v... Thế thì đi học không vui, không hấp dẫn bằng đi lên nương rẫy, lên núi hay đi vô rừng... Cha mẹ cũng không ý thức được việc học của con là cần thiết, nên khi tới ngày mùa thì dễ dàng cho con bỏ học để theo cha mẹ lên nương, lên rẫy bắt con chuột, con cào cào...

Cũng may là các cha mẹ trẻ bây giờ đã có tiến bộ rõ rệt, đó là họ thấy được việc học hành của con cái là rất cần thiết và quan trọng.

 

* Điều lo lắng thứ năm: Người dân tộc không cầu tiến.

Nếu chúng ta đi dọc đường trong các thôn làng, trong các huyện, các thành phố ở Tây Nguyên, thì chúng ta thấy những đoàn người lao động đi bộ lên nương rẫy, đích thị đó là người dân tộc, vì không có phương tiện nào khác nên họ phải đi bộ. Bây giờ thì cũng có nhiều người dân tộc sắm xe độ, xe công nông để chở người nhà, hoặc người trong làng của mình lên nương rẫy. Nguyên tắc là xe công nông không được chạy trong thành phố. Nhưng khi phía chính quyền, công an giao thông có bắt thì cũng chịu thôi, bởi vì đó là phương tiện duy nhất để người dân tộc lên nương rẫy, cho nên những nơi mà người kinh không dám xử dụng loại xe đó, thì tôi thấy những người dân tộc vẫn hiên ngang đi trên những con đường mà các loại xe đó bị cấm.

Người dân tộc đa số là bằng lòng với số phận của mình. Dọc đường cát bụi, dọc đường thành phố Pleiku tôi cũng nhìn thấy nhiều người, nhiều đoàn đi như thế, đa số là phụ nữ và trẻ em. Họ đi lượm những vỏ chai nhựa, bọc nylông, rác nylông trên những con đường trong thành phố và trong những đống rác, thường thì họ bươi, móc trong các bãi rác để tìm nhôm nhựa và những đố phế liệu, rồi bán cho những nơi thu mua của người kinh, họ kiếm mỗi ngày khoảng từ 10.000 đến 15.000 đồng, và đó cũng là một cách kiếm tiền của người dân tộc nghèo.

Có lần tôi bảo với anh em người dân tộc là nếu cứ làm như thế này là chúng ta sẽ nghèo miết thôi, không thế nào giàu lên được. Thế là có một người dân tộc nói:

- Cha sợ nghèo chứ con không sợ nghèo đâu.

Tôi hỏi:

- Tại sao vậy?

- Tại vì con nghèo quen rồi nên con không sợ nghèo.

Mà thật sự nếu bảo tôi đi bộ 5, 7 cây số thì tôi cũng ngại, nhưng mà người dân tộc đi bộ từ 5 đến 7 cây số là chuyện bình thường, mà họ còn đi rất nhanh nữa là đằng khác. Cho nên điều mà tôi lo ngại là óc cầu tiến không có nơi người dân tộc, vậy nên họ bằng lòng với số phận của họ trong cái nghèo.

 

* Điều lo lắng thứ sáu: - Học điều tốt thì rất khó. - Học điều xấu thì rất dễ.

Trong khi người kinh thì áo quần hết moden này đến moden khác, rồi giày này dép nọ, tóc tai thì thay đổi đủ kiểu. Nhưng mà người dân tộc, nhất là người lớn tuổi thì không hề thấy những nhu cầu đó là cần thiết. Nhưng bây giờ thì đôi khi tôi cũng thấy thanh niên nam nữ người dân tộc cũng bắt chước những điều này. Cho nên tôi đã có sự lo lắng là: học điều tốt thì rất khó, mà học điều xấu thì rất dễ và rất nhanh, vì điều xấu dễ làm, dễ bắt chước.

* Những điều tốt như học hành, tiết kiệm tiền bạc, gìn giữ vệ sinh, uống nước sạch hoặc nước đã đun sôi để nguội rồi mới uống...v.v đó là những điều tốt có lợi cho sức khỏe của người dân tộc, nhưng cũng khó bắt chước.

Tôi tuyên bố với làng là tôi không bao giờ uống nước nếu chưa được đun sôi. Tôi vào nhà ai mà bảo là nước đó không đun sôi là tôi không uống. Nhưng mà sau này tôi cũng không biết làm cách nào để biết rằng nước đó đã được đun sôi hay chưa? Tiếng thượng chữ sôi phát âm là "srôi". Thế là tôi bảo phải pha lá chè, vì khi nước sôi thì lá chè nó mới ra chất, cho nên tôi chỉ uống nước chè mà thôi, không uống nước đun sôi nếu không có chè.

Có một chuyện làm tôi cũng hơi mắc cười: Có lần tôi ngồi tòa giải tội, một người dân tộc đi xưng tội với tôi:

- Con có ăn cắp chè của người khác.

Tôi hỏi:

- Tại sao đi ăn cắp chè của người khác?

- Thưa Cha, con đi ăn cắp chè để nấu nước cho Cha uống.

Tôi cũng mắc cở mà cũng tức cười. Tôi nói:

- Không, mình phải làm cách nào đó, không thì cha mua chè cho mà nấu chứ không đức ăn cắp chè của người khác.

Tôi thường nhắc nhở với họ:

- Khi vào nhà thờ thì tội ngủ gục cũng không nặng hơn tội không nấu nước sôi cho con mình uống, đó mới là điều có tội, vì nếu uống phải nước ô nhiễm thì cả nhà mình có thể bị bệnh đường ruột, bị đau bụng này kia nọ... Cho nên ngủ gục hoặc lo ra trong nhà thờ cũng không có tội bằng không đun nước sôi cho con mình và cả nhà mình uống. Ai làm biếng đun nước sôi cho con ḿnh uống là có tội. .

Một lần tôi có nhờ Cha Toma Lê Thành Anh giải tội ở làng tôi, trên đường về Ngài cười và bảo:

- Giáo dân của Cha Đông có nhiều loại tội nhỉ.

- Thưa Cha, tội gì cơ?

- "Tôi không đun nước sôi cho con uống 3 lần". Tôi nghe giáo dân của Cha xưng tội như thế.

Tôi gật đầu:

- Đúng, con có nói như vậy. Nếu không có ý thức đun nước sôi cho con mình uống thì đúng là cha mẹ có lỗi với sức khỏe của con cái mình.

Thậm chí tôi còn nói nếu không đi chích ngừa cho con cái là có tội. Tôi giải thích cho họ biết các bệnh như: sốt bại liệt, uốn ván, ban sởi, lao... v.v... là như thế nào, và tất cả những thứ bệnh này thì được y tế xã hội người ta chích ngừa miễn phí cho trẻ em, vậy nên các bà mẹ người dân tộc phải bế con mình đi chích ngừa. Nếu chúng ta chưa hiểu biết được thì chúng ta phải tin nhau, phải đưa con cái mình đi chích ngừa, bởi vì trong làng mình cũng có người bị sốt bại liệt. Vậy nên không chích ngừa cho con cái thì đúng là có tội và tội đó cũng có thể là tội trọng nữa. Như thế thì học được những điều tốt để thực hiện cho mình, cho dân tộc mình thì đúng là điều khó, còn những điều xấu thì rất dễ bắt chước, như là ăn cắp: ăn cắp đậu phộng, lúa trong nhà để đổi lấy tiền đi hát karaokê, đi chơi điện tử thì phổ biến rất nhanh ở trong làng. Hễ em này làm được thì em khác cũng làm được.

Điều tôi rất lấy làm lo lắng là làm thế nào để người dân tộc có được một trình độ hiểu biết là chỉ bắt chước những điều tốt đẹp cho mình, tránh xa những điều có hại cho bản thân, cho gia đình và cho dân tộc của mình nữa.

Chúng ta là những người đi rao giảng Tin Mừng Tình Thương, Tin Mừng Sự Sống. Chúng ta phải cố gắng làm thế nào cho người dân tộc giảm bớt những điều không tốt, và học những điều tốt ngày càng nhiều hơn để thực sự chúng ta là những người đi rao giảng Tin Mừng Tình Thương,Tin Mừng Sự Sống vậy.

 

 

... C̉N TIẾP ...

 

 

 

 


Mời đọc tiếp các bài :

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18 19 20

Xem các bài viết khác trong Rev Nguyễn Vân Đông , Khoá 6 GHHV Đà Lạt Việt Nam.