NHỮNG ĐIỀU CHIA SẺ

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18 19 20

PetNguyễnVânĐông

 

 

 

 

 

 

 

 

 

13.


MÓN QUÀ TUY NHỎ MÀ NIỀM VUI TH̀ RẤT LỚN

 

Tâm lý của con người thì khi trao tặng ai một món quà gì đó, mà người ta tỏ ý vui mừng đón nhận và trân trọng món quà mình tặng, xem như người ta biết giá trị món quà mà họ nhận từ mình, thì người tặng quà bao giờ cũng cảm thấy vui trong lòng.

Những câu chuyện tôi kể sau đây là: khi người dân tộc nghèo nhận một món quà họ tỏ lộ niềm vui sướng, thì tự nhiên người tặng quà cũng muốn đến với họ lần nữa, và tìm cách có gì đó để giúp đỡ cho người dân tộc ấy.. Với tâm lý đó, mình hay suy nghĩ: Khi mình có quà thì mình sẽ dành cho làng này, đem cho làng nọ, để dành cho trường hợp này hoặc cho trường hợp kia...

Bởi vì có một thời kỳ tôi luôn luôn tìm mọi cách giúp đỡ cho người dân tộc nghèo được mua những thứ nhu yếu phẩm hằng ngày với giá rất rẻ bằng cách mua sỉ giúp họ, và tôi còn tìm mọi cách để giúp họ tiêu thụ những mặt hàng họ có với giá cao nhất có thể. Tôi nghĩ đó là cách giúp đỡ họ hữu hiệu nhất. Nhiều lần tôi đã mua mắm ruốc, cá khô ở những nơi mà tôi cho là giá thấp nhất. Chẳng hạn như cá khô, mắm ruốc từ Qui Nhơn, Nha Trang. Và mỗi khi mua thì chúng tôi mua cả tấn mắm ruốc hoặc cá khô.

Mỗi một lần như vậy chúng tôi chở tới làng nhưng không tính tiền xe, chỉ tính tiền hàng theo giá sỉ cho nên người dân tộc cũng rất được nhờ, vì được mua nhu yếu phẩm với giá thấp nhất. Đôi khi các con buôn người kinh ở các làng cũng không bằng lòng lắm với công việc của chúng tôi vì phá giá của họ. Nhưng thật sự là chúng tôi không có buôn bán, chúng tôi chỉ giúp đỡ cho người nghèo mà thôi. Như là chúng tôi chở chuối về Pleiku chẳng hạn, chúng tôi nhờ chỗ này; chỗ kia mua giúp, nhất là các cộng đồng Dòng tu có nhà nội trú, để có thể mua giúp cho người dân tộc chuối hoặc các sản phẩm khác của họ ở mức giá cao nhất có thể.

Lần đó cũng là dịp gần Noen, tôi đi bằng chiếc xe tải nhỏ của tôi, chở nào là khô cá nục (nữa ký một gói), nào là ruốc sả ( chúng tôi mua mắm ruốc về rồi nhờ các bà trong giáo xứ Đức An chịu khó làm ruốc sả cho tôi, món ruốc sả gồm có: thịt heo, có mắm ruốc, có sả, có ớt... mà người dân tộc gọi là ruốc cao cấp). Chúng tôi làm một hủ ruốc chừng nữa ký và để lại cho họ với giá rẻ y như giá mắm ruốc thường vậy, còn phần "độn" thịt, sả, ớt... thì chúng tôi cho thêm vào, xem như là giúp đỡ người nghèo. Riêng những bà mẹ đã mang thai mà nghèo thì chúng tôi biếu cho họ, để họ có cái ăn mà sinh con cho mạnh khỏe.

Chúng tôi đi Kon Jơ Dreh tỉnh Kontum, trên xe có 3, 4 thầy Dòng Chúa Cứu Thế từ Sài Gòn lên tham quan Kontum. Tới giáo xứ Kon Jơ Dreh thì không có ai ở nhà. Cha Gioan Kim Nguyễn Thúc Nên và các Yá (Yá là nữ tu người dân tộc) tôi quen biết cũng đi lao động trên nương rẫy. Chỉ có 2 em trai nhỏ người dân tộc rất dễ thương, chừng 8, 9 tuổi là ở lại coi nhà. Vì không có ai ở nhà nên tôi gởi các thùng hàng cho 2 em nhỏ: một giỏ cần xé khô cá nục và các thùng đựng các lọ mắm ruốc xả.

Tôi ghi tờ giấy gởi cho Yá Gabriel là có bao nhiêu gói cá, bao nhiêu lọ mắm ruốc. Tôi chuẩn bị đi thì thấy 2 em nhỏ nhìn giỏ cần xế cá nục, tôi thấy các em có vẻ rất thích cho nên tôi lên xe lấy 2 gói đem xuống và nói:

- Cha cho các con mỗi đứa một gói.

Hai em nhìn tôi và hỏi:

- Cha cho thật?

Tôi gật đầu bảo:

- Cha cho thật mà.

Và các em lấy mỗi đứa một gói rồi cười rất tươi và rất mừng. Tôi cũng cười rất vui vì thấy các em vui mừng.

Rồi nó nói với tôi:

- Con sẽ mang về cho mẹ.

- Được rồi, con mang về cho ai cũng được vì cái này là của chúng con.

Trở lại xe đang nổ máy chuẩn bị đi. Một thầy Dòng Chúa Cứu Thế nói:

- Con định chụp một tấm hình mà không kịp, chỉ có một gói cá nhỏ thôi mà Cha cũng cười, 2 em nhỏ cũng cười, đôi mắt rất sáng. Cha ơi! Cha hạnh phúc hơn chúng con vì Cha có nhiều niềm vui hơn chúng con. Nếu vào dịp lễ Noen này mà Cha về Sài Gòn, sau đó Cha tập trung các em nhỏ khoảng chừng 7;8 tuổi ở nhà thờ rồi Cha nói: Noen này Cha không có gì để tặng cho các con, Cha chỉ tặng cho các con mỗi đứa một gói cá khô... chắc các em sẽ nói Cha bị... mát mát... hâm hâm... gì rồi, ngày lễ Noen mà tặng cá khô?... Nhưng ngược lại ở nơi đây là một niềm vui rất lớn.

Có một lần tôi giải tội trong mùa Giáng Sinh. Gần lễ Giáng Sinh nên tôi không giải tội trong nhà thờ, vì các giáo dân đang dọn dẹp trang hoàng rất ồn ào, nên tôi giải tội trong phòng khách của nhà xứ. Người xưng tội cuối cùng là một thiều nữ dân tộc chừng 12, 13 tuổi. Mùa Noen thì lạnh, mà càng về trưa trời càng lạnh.

Hôm đó em xưng tội và tôi biết em là người dân tộc. Tòa giải tội của tôi nó rung rinh như người bị sốt rét mà run vậy. Tôi cứ nghĩ chắc em này bị sốt rét và em cũng là người xưng tội cuối cùng, em đã chờ từ sáng cho tới trưa mới đến lượt của em, khi giải tội xong tôi thấy em chỉ mặc một cái áo rất mỏng. Tôi hỏi em:

- Con không có áo lạnh sao?

Người kinh gọi là áo ấm vì cái áo làm cho ta ấm, còn người dân tộc gọi là áo lạnh vì mùa lạnh mới mặc áo đó. Em trả lời tôi :

- Nhà con có một cái áo lạnh, thường thì ai đi ra ngoài mới được mặc, nhưng hôm nay mẹ con bị bệnh nên con để cho mẹ con mặc, mẹ con ở nhà.

Tôi nói với em:

- Con chờ Cha một chút.

Rồi tôi vào kiếm được một cái áo măng tô tương đối còn mới, nó dài trên đầu gối của em một chút và rất vừa với em. Tôi bảo:

- Cha cho con cái áo này.

Em nhìn cái áo và nó rất vui mừng, tôi đưa nó mặc thử, nó mặc vào sau đó nó cởi ra rồi xếp lại. Tôi bảo:

- Con mặc về đi.

Nó nói:

- Con về cho mẹ xem trước rồi con mặc sau.

Tôi nghĩ: "Thôi thì tự do mà". Em đó ra về, cũng đã hơn 11 giờ trưa rồi. Nhà thờ Đức An của tôi có hàng rào trồng bằng cây chè, tôi thấy em đó ra đứng gần bờ rào rồi nhìn qua ngó lại, không thấy ai nó bèn mặc áo vào. Tôi thầm nghĩ “con bé này nói dóc”, tưởng nó đem về cho mẹ nó xem trước như lời nó nói, nhưng không phải, nó mặc áo vào rồi ngó trước ngó sau... nó ngắm nghía, vì nó là con gái mà! Nó nhảy nó mừng. Chỉ có một cái áo cũ thôi mà đã mang đến cho em một niềm vui rất lớn, tự nhiên tôi cảm động và nghĩ rằng: Từ nay về sau chúng ta nên cố gắng vận động để những ai có nhiều áo, như người kinh chẳng hạn, hãy cho tôi những quần áo để tôi có thể giúp đỡ cho người nghèo.

Tôi thường hay kể những chuyện đó cho giáo dân của tôi nghe và tôi bảo:

- Từ nay về sau ai có những cái áo lỗi thời chẳng hạn, hoặc là mình mặc không vừa nữa thì hãy đem cho tôi, tôi sẽ chọn "người mẫu" thật vừa với cái áo mà anh chị em đã cho tôi để tôi cho người nghèo.

Và từ đó tôi cũng không ngại ngùng gì để xin đồ của người khác cho người nghèo.

Khi tôi ở giáo xứ Đức An, có người đă cho tôi một cái máy chụp hình màu. Thỉnh thoảng tôi chụp cho các trẻ em trong xứ của mình. Khi tôi cho nó xem tấm hình tôi chụp nó, chẳng những nó không nói cảm ơn mà còn bảo:

- Gì mà xấu dzữ vậy?.

Mặc dù tấm hình rất đẹp và nó cũng khá đẹp, tôi chọc nó:

- Bởi vì mày xấu hoắc mà làm sao chụp đẹp cho được.

Thế nhưng mà ngược lại, mỗi lần tôi chụp hình cho các em người dân tộc trong các làng xa, tôi cho nó xem, nó nhìn tấm hình của nó, mắt nó sáng lên, nó cầm tấm hình ấp lên ngực rồi cảm ơn tôi và reo lên:

- Đẹp quá Cha ơi !... ôi chao đẹp quá Cha ơi !... con mừng lắm...

Những đám cưới của người dân tộc về tổ chức lễ cưới trong nhà thờ của tôi, tôi biết họ nghèo nên tôi kêu thợ chụp hình tới chụp chừng 5, 10 cái h́nh để làm một tập album nhỏ thôi, bởi vì nếu mình không kêu chụp hình thì họ không bao giờ dám kêu, bởi vì họ không có tiền. Tôi đã tặng họ một tập album nhỏ chụp trong lễ cưới của họ. Trời ơi! Họ vui mừng lắm lận đó. Thấy vậy tự nhiên tôi cũng muốn 1àm điều gì đó cho những ai mà người ta cảm thấy món quà đó đối với họ là niềm vui lớn.

Trong nhà tôi có cháu Dao, bà ngoại của cháu gần 70 tuổi nhưng chưa bao giờ có một tấm hình màu, hôm đó có một Cha dòng Phanxicô chụp hình bà ngoại của cháu, và cháu kể cho tôi nghe rằng:

- Bà ngoại con cứ cầm tấm hình xem miết, ngắm nghía miết thôi, bà hỏi con là bà đây hả? Chụp sao mà đẹp thế này... v.v...

Tự nhiên tôi nghĩ:

Đối với những người nghèo món quà tuy nhỏ mà niềm vui thì rất lớn.

Có một lần kia tôi đi thăm một làng cùi và phát quà cho họ, họ vui lắm. Các nữ tu người dân tộc nói với tôi:

- Ở trong làng có một em bị sốt bại liệt, là con cái của người cùi. Em biết có Linh Mục tới nên em ao ước được gặp Cha. Cha tới thăm em một chút.

Nghe vậy tôi liền lấy theo một phần quà, tôi được các nữ tu dẫn tới nhà em. Căn nhà của em là nhà sàn, vì em bị bại liệt nên bố mẹ em làm một cái chòi trước nhà của mình cho em ở để bạn bè em đến chơi với em cho vui. Trời ơi! Cái chòi của em nó thấp lắm, mái lợp bằng tranh, vách làm bằng tre đập dập, nên khi tre khô thì nó bị nhót lại, ở ngoài nhìn vào không thấy gì, nhưng ở trong nhìn ra thì thấy được bên ngoài. Cái chõng (cái giường) em nằm, chân chõng cao chừng 2, 3 tấc thôi, mà nền thì nền đất, mỗi khi trời mưa nước nó chảy dưới chân giường của em.

Em nghe đoàn tới và đang nói chuyện xôn xao ở bên ngoài, em kêu to:

- Cha ơi! Con vui lắm vì Cha tới thăm con...

Tôi chỉ nghe tiếng nói mà chưa thấy em. Khi vào trong cái chòi của em tôi phải cúi khom người xuống, trong chòi thì tối, tôi chỉ thấy một đống mền rách. Khi mắt tôi làm quen được với bóng tối thì bỗng nhiên tôi thấy một khuôn mặt giống như thiên thần, trên môi em nở một nụ cười rất xinh làm sáng bừng cả gương mặt. Tôi thấy em nằm trong một chỗ tồi tàn như vậy, không đủ sức nhận quà từ tay tôi mà em vẫn cười tươi như vậy... Tự nhiên tôi nghĩ mình nhận được rất nhiều ơn của Chúa mà mình không biết, còn những người như em bé này bị đủ thứ thiệt thòi mà lại có nụ cười tươi ơi là tươi như thiên thần vậy. Tôi đã khóc, đó là điều tự nhiên thôi, tôi khóc vì tôi quá xúc động.

Ai đó đã chụp cho tôi một tấm hình: trẻ thì cười còn tôi thì khóc, và tôi đã ghi một câu ở phía dưới: "Người ta cười mà tôi khóc". Đó chính là tấm gương tốt cho tôi, luôn nhắc nhở tôi phải biết cám ơn Chúa vì những gì Chúa đã ban cho tôi, và tôi cũng nhắc nhở với anh chị em giáo dân của tôi như vậy. Nhiều khi mình không thấy ơn Chúa đến mỗi ngày trong đời sống của mình. Chúa ban cho mình đủ thứ ơn mà chúng ta vẫn phàn nàn, cũng như những con cái của nhà giàu, cha mẹ sắm cho đủ thứ mà vẫn trách phiền cha mẹ...

Cũng là chuyện trong làng đó: khi chúng tôi chuẫn bị ra về thì tôi thấy các trẻ em con của người cùi bu lên xe tải của tôi để rờ cái bánh xe, cái thùng xe.

Tôi hỏi các em:

- Chúng con đi xe chưa?

Chúng trả lời:

- Chúng con đã thấy xe mà chưa bao giờ chúng con được đi xe.

Tôi bảo các em lên xe, tài xế của tôi tuy là người không có đạo nhưng là một người rất thương người nghèo, anh tên là Hùng. Tôi bảo anh Hùng lái xe chạy qua chạy lại, đi lui đi tới trong làng thôi cũng được, đi từ đầu làng tới cuối xóm cho các em vui. Trời ơi! Một xe đầy trẻ em, đứa nào cũng la lối, reo cười trên xe khi xe chạy. Tự nhiên tôi cảm thấy có điều gì đó làm cho lòng tôi bùi ngùi. Bởi vì sao? Bởi vì cái nhu cầu hết sức là bình thường mà các em cũng chưa bao giờ được nếm thử.

Xe ngừng lại cho các em xuống, chúng tôi chuẩn bị về thì người lớn cũng xin tôi:

- Cha cho chúng con đi xe một chút đi.

Thế là chúng tôi cũng cho người lớn lên xe. Người nào leo không được thì phải cõng lên. Mà người lớn đi trên xe, khi xe chạy trong làng họ cũng vui vẻ nói chuyện như là trẻ em vậy. Từ đó tôi nghĩ rằng: có những cái, những điều chúng ta coi là rất bình thường khi sử dụng, nhưng những người nghèo th́ chưa bao giờ được hưởng.

Tại Kontum có nhiều nhà mồ côi mang tên là Vinh Sơn. Một lần tới thăm nhà mồ côi, tôi hỏi các em:

- Chúng con có bao giờ thấy biển chưa?

Các em trả lời:

- Chúng con chỉ thấy biển trên tivi thôi.

Thế rồi tôi mướn xe đưa các em đi, bởi vì tôi có liên lạc được với khu vực điều trị phong do các sơ nữ tu dòng Thừa Sai Phan Sinh phụ trách. Các sơ đồng ý cho các em tới chơi vài ngày để xem và tắm biển.

Rồi tôi đưa các em đi. Trời ơi! Khi xe tới một khúc quanh ở Ghềnh Ráng. Một đứa vừa thấy biển nó liền la lên:

- Biển kìa, biển kìa.

Tất cả các em ở trên xe đều đứng lên hết và reo to:

- Biển... thấy biển rồi... thấy biển rồi... biển lớn quá...

Tự nhiên tôi cảm động, chỉ mới thấy biển mà thôi nhưng đã là một niềm vui lớn cho các em rồi.

Sau đó thì vào tới chỗ của các sơ, tôi bảo các em chịu khó chờ các sơ, vì chúng nó thấy biển là nôn nóng không chịu được, chỉ muốn chạy ngay xuống biển mà thôi. Tôi nói:

- Các con hãy chờ một chút, các sơ ra mình chào các sơ rồi mình đi ra biển.

Có một số em không chờ được nữa nên đã chạy ra biển. Khi các sơ ra, tôi phải tập trung các em lại để cho các em được chào sơ, sau đó thì cho các em tắm biển, nhưng vì số trẻ em đông nên các sơ phải dặn dò:

- Các con chỉ được ra tới đó thôi, chỉ được tắm ở chỗ đó mà thôi.

Trời ơi! Lần đầu tiên trong đời các em được tắm biển nên chúng nó cứ mặc nguyên áo quần như thế mà xuống tắm, chúng nó vừa tắm vừa nô đùa. Đến chừng kêu lên thì không đứa nào muốn lên... Sau đó chúng tôi dẫn các em đi coi xe lửa vì các em chưa bao giờ thấy xe lửa. Chúng tôi xin được vào nhà ga. Các em vào nhà ga, chúng nó rờ 2 cái đường ray xe lửa rồi chúng nó hỏi tôi là làm sao xe nó chạy được mà không bị rớt ra ngoài? Tôi cũng không biết phải giải thích bằng tiếng dân tộc như thế nào để cho các em nó hiểu. Tôi bèn nói:

- Các con đi vào gặp ông xếp ga.

Bởi vì chúng tôi không được ở phía trong sân ga khi xe lửa đến. Các em đă hát tặng cho ông sếp ga một bài hát rất hay, ông thích lắm và đồng ư cho các em ở lại nhưng chỉ đứng một nơi thôi để chờ xe lửa chạy tới.

Khi xe lửa chạy tới... ôi chao ơi! Đối với các em, đây đúng là một điều rất lạ lùng: bánh xe thì như vậy, chạy trên cái đường thì như vậy mà nó không rớt ra... rồi các em chỉ chỏ với nhau như thế này, thế kia... Tôi rất sung sướng khi thấy các em thích thú, vui vẻ.

Ngày hôm sau chúng tôi chở các em đi xem một chiếc tàu thủy ở bến cảng Qui Nhơn. Các em đứng dưới bến cảng nhìn lên chiếc tàu thủy, chúng nó nói là "cái nhà lầu chạy trên nước", và các em đứng dưới hát cho các thủy thủ trên tàu nghe. Cuối cùng thì các em cũng được lên tàu một chút để xem vài thứ ở trên tàu. Đó là một điều rất mới lạ đối với các em.

Mỗi lần mướn xe đi Qui Nhơn như vậy thì tốn khá nhiều tiền, nên sau này chúng tôi quyết định tìm cách để mua một chiếc xe. Năm 2003 tôi đã mua được một chiếc xe 25 chỗ để cho những người dân tộc ở xa tận trong các rừng núi, cho những người nghèo và thậm chí cho những người cùi cũng được đi xe để thăm biển, thăm những nơi này nơi khác, những nơi mà họ rất lạ lùng và vô cùng ngạc nhiên. Chẳng hạn khi tới biển thì họ lấy chai đựng nước biển để đem về. Vì thế chúng tôi đã mua chiếc xe 25 chỗ ngồi để phục vụ người nghèo, cho tới bây giờ...

Qủa thật thì các Linh Mục và các tu sĩ đã làm rất nhiều việc như thế trong công tác mục vụ ở trong Giáo Phận Kontum cho anh em người dân tộc. Chúng tôi rất cảm phục tấm gương của các nữ tu và các Linh Mục, vì suốt cuộc đời họ đã sống cho người dân tộc, đã có lòng thương yêu và tạo rất nhiều cơ hội cũng như làm nhiều việc để phục vụ cho người dân tộc nghèo và sống gắn bó với người dân tộc.

Món quà tuy nhỏ mà niềm vui thì rất lớn là như vậy. Đây chỉ là một số ít câu chuyện trong muôn vàn câu chuyện mà tôi biết và đã chứng kiến, tôi chỉ kể vài chuyện điển hình như trên, để chúng ta thấy rằng: dù là một ly nước lã thôi nhưng cũng không mất công đâu. Chúa không đòi chúng ta cho nhiều, nhưng Chúa đòi chúng ta cho bằng cả tấm lòng chân thành.

 

 

... C̉N TIẾP ...

 

 

 

 


Mời đọc tiếp các bài :

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18 19 20

Xem các bài viết khác trong Rev Nguyễn Vân Đông , Khoá 6 GHHV Đà Lạt Việt Nam.