Bên lề Thánh nhạc (3)

Choir

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ bao nhiêu thế hệ trong hệ thống văn hoá Rôma, bình ca được gọi và được sử dụng như là thánh nhạc (musica sacra). Với công đồng Vaticanô II, Hội Thánh muốn dùng ngôn ngữ địa phương để giáo dân có thể cùng tôn vinh thờ phượng Chúa trong thông cảm với nhau và hiểu biết việc mình làm lời mình nói. Vì thế bình ca trở nên xa lạ và khó tập khó hát. Gần đây có phong trào trở về nguồn bình ca. Ngay các phân khoa nhạc ở đại học cũng phải công nhận phần đóng góp của bình ca vào kho tàng âm nhạc, nhất là về các chủ đề âm nhạc. Rất tiếc hiện nay đa số các ca đoàn Việt Nam ít chú ý tới nhạc bình ca. Ở Hoa kỳ cố gắng cũng thật là hiếm hoi.

Các bài ‘thánh ca Việt nam’ đại khái được chia thành 2 loại: loại cổ điển và loại Vào Đời. Loại cổ điển có thể gồm tóm trong thế hệ đàn anh trước công đồng như các tập Cung Thánh, Sao Mai, Hương Nam, Tiếng Chuông Nam, Hương Kinh, Ca Lên Đi, còn loại Vào Đời thuộc thế hệ sau này như nhóm Allêluia với Thành Tâm, Hoàng Đức, và một số cá nhân như Nguyễn Duy, Đỗ vi Hạ.

Trong thời kỳ cổ điển, đây đó cũng có một ít cố gắng sáng tác theo cung điệu bình ca. Gần đây mới có ít nhạc sĩ viết theo cảm hứng và thể điệu dân ca Việt Nam, như Hoàng Kim, Phanxicô. Nhiều người thắc mắc không biết có nên gọi loại nhạc mới này là thánh ca nữa hay không. Câu trả lời nằm ở chỗ loại nhạc này có giúp giáo dân nên thánh hay không, và chúng ta có hát với tâm tình thánh thiện hay không? Có một số ít người dị ứng với loại nhạc có trống phách và guitar. Ở Hoa Kỳ một số nhóm jazz ensembles cũng tạo nên bầu khí trang nghiêm và giúp giáo dân cầu nguyện thất tốt đẹp. Trong Cựu ước, Đavit cũng nhẩy muá với đàn đệm trước Hòm bia giao ước của Thượng Đế.

Trong phụng vụ mới chỉ thấy nói đến những bài ca phụng vụ (liturgical hymns) và hình như tránh từ ‘thánh ca’.

Dù sử dụng loại nhạc nào, ca đoàn nên lưu ý tới mục đích thánh thiên để tôn vinh Thượng đế, cũng như cung cách phụng vụ của toàn thể cộng đồng. Các nhạc sĩ nên cố gắng sáng tác những bộ lễ, những phần tung hô tuyên tín vì đó là những biểu lộ trung thành của đức tin, hơn là những bài hát với tâm tình uỷ mị nhất thời theo cảm hứng.

Một nhận định rất thực tế là hình như bối cảnh lịch sử đau thương của Việt Nam đã taọ nên tâm tình buồn sầu khổ não hơn là hy vọng an vui của đa số các bài hát thánh ca Việt Nam. (Bộ lễ ‘mồ’ của Mỹ Sơn, mặc dầu rất phổ thông, hình như chỉ biểu lộ tâm tình thương khóc người chết, và gieo rắc tâm tình buồn sầu cho người còn sống, hơn là tạo nên niềm tin và hy vọng vào cuộc sống mai ngày trong Đức Kitô như mọi người đều tin).

Cho đến nay sau công đồng Vaticanô đã 40 năm mà quanh đi quẩn lại chỉ thấy hát có mỗi một bài ‘Tôi tin kính’ của Hoài Đức, mặc dầu ai cũng công nhận có thiếu sót khuyết điểm trong bài hát. Hiện nay có chừng 20 bộ lễ, nhưng chỉ có bộ lễ Sêraphim là được sử dụng rộng rãi mặc dầu chưa ai dám nói đây là bộ lễ lý tưởng.

Có lần tôi nhắc khéo một ca sĩ làm CD về điểm này thì được trả lời: có nước mắt có tâm tình uỷ mị mới dễ đánh động lòng người và dễ bề tiêu thụ.

Như vậy có phải là thánh ca nữa không đây?

L.m. Anthony Vũ Hùng Tôn
vuhungton@hotmail.com

 


 

Xem các bài viết khác trong Anthony Vũ Hùng Tôn.