Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 THAO THỨC (15) -2014-

 THAO THỨC (16) -2015-
 

ĐAU KHỔ ĐÃ VÀ ĐANG ĐƯỢC BÁO TRƯỚC

 

1.

Mùa Chay kêu gọi tôi suy gẫm cách riêng về cuộc Thương khó của Chúa Giêsu. Suy gẫm của tôi từ đầu mùa Chay năm nay đến bây giờ tự nhiên hướng về một nét đặc biệt của cuộc Thương khó Chúa, đó là đau khổ của Chúa Giêsu đã được báo trước.

2.

Đau khổ của Chúa Giêsu đã được báo trước thế nào?

Để rồi, đau khổ của môn đệ Chúa Giêsu cũng được báo trước ra sao?

Sống với những báo trước quan trọng ấy, chính là nét sống tu đức của tôi hôm nay. Dưới đây, tôi xin được chia sẻ vắn tắt đôi chút kinh nghiệm của tôi.

3.

Bình thường, tôi quen sống đức tin bằng sự gặp gỡ thân mật với Chúa Giêsu, tôi để ý nhiều đến tính cách thân mật trong cuộc sống bình thường. Nhưng khi suy gẫm về cuộc thương khó Chúa, tự nhiên tôi gặp gỡ Chúa trong một hoàn cảnh rất khác, đó là hoàn cảnh Người chịu đau khổ, nhục nhã, nghèo hèn.

4.

Do thân mật, tôi nói với Chúa: “Chúa bị khinh, bị chối bỏ, bị kết án, bị giết như thế, thì còn gì là thu hút đối với những ai muốn theo Chúa?”. Cũng trong thân mật, Chúa trả lời tôi: “Con Người phải chịu khổ đau như thế, để đưa nhân loại vào Nước Thiên Chúa. Cái thu hút không phải là đau khổ, mà là hy sinh cho tình yêu. Chính vì thế, mà đau khổ Cha chịu đã được Cha báo trước”.

5.

Thế rồi, Chúa cho tôi nhớ lại những lời chính Chúa đã báo trước về cuộc thương khó của Người. Thánh sử Marcô thuật lại ba lần chính Chúa báo trước: Phải qua đau khổ, mới tới Phục sinh.

6.

Lần thứ nhất: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31).

Lần thứ hai: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời. Họ sẽ giết chết Người. Và Người bị giết chết. Rồi sau ba ngày, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31).

Lần thứ ba: “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người, và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại” (Mc 10,33-34).

7.

Chúa Giêsu đã thấy trước, và đã báo trước cuộc thương khó của Người. Có nghĩa là Chúa coi cuộc thương khó là con đường tốt nhất Người chọn, để làm chứng cho tình yêu, để đưa loài người vào Nước Thiên Chúa.

Thú thực là tôi tin hơn là tôi hiểu. Niềm tin ấy cũng là do ơn Chúa. Tôi đón nhận ơn đó, tôi cộng tác vào ơn đó với tất cả tấm lòng khiêm tốn của tôi.

8.

Rồi, cũng trong thân mật, Chúa Giêsu âu yếm nói với tôi những lời xưa Người đã nói với các môn đệ của Người. Đại khái là: con đường Người đã đi sẽ là con đường tôi phải đi. Chúa phán: “Ai muốn theo Cha, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Cha” (Mc 8,34).

9.

Đem Lời Chúa trên đây soi vào cuộc đời mình, tôi thấy đúng là chỗ nào cũng không tránh được đau khổ.

Phải từ bỏ mình” đâu có dễ.

Cái tôi xấu không hẳn chỉ gồm những thói hư nết xấu, mà cũng gồm cả những tư tưởng, việc làm, lời nói mà tôi tưởng là đạo đức, nhưng thực sự lại không hợp ý Chúa, nên bị Chúa ruồng bỏ. Thánh Phêrô xưa, khi nghe thầy mình báo về cuộc thương khó Người sẽ phải chịu, đã phát biểu một cách đầy đạo đức: “Xin Thiên Chúa thương Thầy, đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy”. Nhưng Chúa Giêsu quay lại bảo Phêrô: Satan, hãy lui lại đàng sau Thầy, tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,22-23). Tôi nay nhiều lúc cũng vậy. Từ bỏ mình luôn có khổ đau.

10.

Vác thập giá mình” cũng đâu là chuyện nhởn nhơ.

Nếu thập giá của tôi là những giới hạn của tôi, là bệnh tật của tôi, là gánh nặng tuổi tác của tôi, là những nghịch cảnh luôn có trong cuộc đời, vv... thì đau khổ tất nhiên sẽ đồng hành chặt chẽ với tôi. Nói lên thực tế đó chính là một điều lương thiện.

11.

Mà theo Chúa”, đó mới chính là chuyện chắc chắn phải khổ.

Theo Chúa, để ở bên Chúa, để cùng chia sẻ với Chúa, đâu là chuyện lúc nào cũng vui. Khi Chúa bị đánh đòn, bị khạc nhổ vào mặt, bị vác thập giá, bị đóng đinh vào đó, bị xỉ vả, chế nhạo. Lúc đó, Chúa bảo: Con hãy cùng theo Chúa mà chia sẻ thân phận như thế của Chúa. Tôi xin thú thực là tôi không luôn sẵn sàng. Nếu có sẵn sàng, thì cũng phải nhận rằng mình phải thực sự đau đớn, như Chúa đã thực sự đau đớn. Đó mới là theo Chúa thực sự.

12.

Với những gì tôi vừa chia sẻ trên đây, tôi xin đưa tới một cảm nghiệm đau đớn, mà chính tôi đã trải qua, đó là:

Đôi khi những đau đớn coi như quá tàn nhẫn cứ mãi đổ trên mình một cách vô lý, tôi thấy đời mình như đi vào thất bại. Một đàng tôi cảm thấy mình như đã trở thành gánh nặng cho người khác, một gánh nặng họ muốn loại trừ. Một đàng tôi như mất niềm tin vào lòng khoan dung của người khác. Đó là một nỗi đau lớn, gây nên thương tích trong lòng tôi. Nó ảnh hưởng nhiều đến cái nhìn của tôi về chủ nghĩa thực dụng đang tràn vào Hội Thánh tại Việt Nam.

Nhưng Chúa vẫn thương tôi. Chúa dạy tôi hãy cứ khiêm nhường cầu nguyện. Và kết quả là cho đến bây giờ tôi vẫn tin vững vàng vào Lời Chúa: “Phải qua đau khổ mới tới được Phục sinh”. Đau khổ là cái giá phải trả để cứu chuộc các linh hồn khỏi lửa hoả ngục. Đau khổ có nhiều thứ và nhiều mức độ, Chúa không thử thách ai quá sức của họ.

13.

Đau khổ đã và đang được báo trước cho các môn đệ Chúa, trong đó có tôi. Tôi không biết những gì sẽ xảy ra cho chúng ta. Riêng tôi, tôi vẫn chuẩn bị trong tâm hồn mình bằng những ước mong là được theo Chúa và ở bên Chúa, trên con đường thương khó của Chúa.

Tôi chuẩn bị như vậy. Còn thực tế cuộc đời tôi luôn ở trong tay Chúa. Tôi coi đây là điểm rất quan trọng trong việc đào tạo sống chân lý Tin Mừng đích thực. Cho dù đau khổ trăm bề, tôi tin tôi vẫn hạnh phúc, vì được ở bên Chúa. Người vẫn thương tôi. Tuy nhiên phải thú thực điều này: Rất nhiều khi, tôi đã xin Chúa đừng bắt tôi uống chén đắng. Rất nhiều khi, tôi đã vác thánh giá, mà ngã quỵ xuống đất. Rất nhiều khi, người khác đã vác thánh giá thay tôi. Rất nhiều khi, tôi đã thốt lên những lời than cô đơn, khi bị treo lên thánh giá. Vì tôi quá yếu đuối. Lạy Chúa, xin xót thương con. Con tin đau khổ là trường đào tạo con. Con cảm tạ Chúa đang đào tạo con bằng đường thánh giá.

Long Xuyên ngày 01.1.2015