Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 THAO THỨC (15) -2014-

 THAO THỨC (16) -2015-
 

XÓT THƯƠNG CHÚA GIÊSU
VÀ XÓT THƯƠNG
NHỮNG NGƯỜI ĐAU KHỔ

 

1.

Càng gần Tuần Thánh, các cộng đoàn đức tin càng tích cực chuẩn bị cho lễ kỷ niệm cuộc thương khó Chúa Giêsu. Tĩnh tâm, viếng đàng thánh giá, tập các nghi thức, sửa soạn đèn nến, tập các thánh ca, bác ái mùa Chay, hành hương vv...

2.

Phần tôi, vì hoàn cảnh già yếu bệnh tật, tuy cũng chuẩn bị, nhưng bằng một cách khác. Một cách, mà Chúa khuyên, đơn sơ chỉ có hai điều, tập trung vào trái tim:

Hãy xót thương Chúa Giêsu nhiều hơn.

Hãy xót thương những người đau khổ nhiều hơn.

Để có lòng xót thương thực sự, Chúa dạy tôi hãy mở lòng tôi ra bằng những việc sau đây:

3.

Việc thứ nhất Chúa dạy tôi làm là hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu.

Chiêm ngắm Chúa Giêsu không phải là đọc kinh nhiều, ở lâu trong nhà thờ, suy gẫm theo lý luận, làm những việc đạo đức theo chương trình hoạch định sẵn, phác hoạ những kế hoạch này nọ cho sinh hoạt cơ chế cộng đoàn.

Nhưng, chiêm ngắm Chúa Giêsu là gặp gỡ Chúa Giêsu, nhất là trước Mình và thánh giá. Gặp gỡ đó là rất thân mật, rất tư riêng, rất sống động. Gặp gỡ đó dần dần đi tới việc dâng hiến mình cho Chúa Giêsu, hoàn toàn vì yêu và vì tin, theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

4.

Đến một lúc, tôi khám phá thấy mình đã nhiều khi không thực sự sống và hoạt động cho Người, vì Người và cho Người. Tôi thấy Người đã quá khổ vì tôi. Tôi xót thương Chúa. Tôi hiểu Người đã tự nguyện chịu muôn vàn đau khổ, để cứu tôi, để đền tội thay cho tôi, để tôi được sống và được sống lại.

5.

Tôi xót thương Chúa Giêsu của tôi. Xót thương ấy gắn chặt tôi vào cuộc đời của Người. Tôi bước theo Người qua mọi gian nan thử thách, một cách hết sức tin tưởng, để cùng với Người, tôi góp phần nhỏ mọn vào chương trình cứu độ của Người.

6.

Việc thứ hai Chúa dạy tôi làm là hãy gần gũi với những người đau khổ.

Chính Chúa giúp tôi gần gũi với những người đau khổ bằng cách Chúa để tôi trở thành một người đau khổ. Từ lâu rồi, nhưng nhất là từ ít tháng nay, tôi bị các thứ cơn đau xâm chiếm một cách khác thường. Thân xác đau. Tâm hồn đau. Có những lúc tôi đau yếu, đến nỗi không còn sức cầu nguyện như thường. Chỉ còn biết kêu: Lạy Chúa, xin xót thương con. Con xin dâng cho Chúa mọi đau khổ con chịu để Chúa cứu các linh hồn.

Chính trong những tình trạng đau đớn như thế, tôi cảm thấy mình thực sự gần gũi với những người đau khổ. Tôi đau khổ, nên cảm thấy thấm thía giá trị của sự xót thương. Xót thương của Chúa, xót thương của bất cứ ai, khi tôi nhận được, đều được tôi cảm nghiệm như một quà tặng hết sức quý giá.

7.

Xót thương lúc đó như một sứ điệp thiêng liêng gởi đến cho tôi. Tôi nhận ra rất dễ. Tôi đọc được rất mau. Tôi hiểu được rất sâu. Dù xót thương chỉ trong cái nhìn, chỉ trong một lời nói, một thái độ, cũng có sức an ủi và nâng đỡ tôi.

8.

Và cũng trong tình trạng đau khổ luôn đợi chờ sự xót thương, tôi mới hiểu sự vô tâm, dửng dưng, sự xa tránh, sự bôi bác, và máy móc của các tương quan, đều có thể đẩy con người đã đau khổ vào tình trạng xấu hơn.

9.

Từ kinh nghiệm đó, tôi hiểu đức tin của tôi, nếu không được phiên dịch ra tình yêu dạt dào xót thương, thì không đúng ý Chúa.

Cái đã và đang thu hút được tôi đến với tôn giáo này, tín ngưỡng nọ, không phải là niềm tin sắt đá của những tín đồ của họ, mà là tình yêu đầy xót thương nơi họ diễn tả ra từ đức tin của họ.

Một số người Hồi giáo cực đoan hiện nay đang thực hiện những cuộc tàn sát dã man, nói là để làm chứng cho đức tin của mình, thì thực là một cách phỉ báng cho đức tin của mình.

10.

Nhìn người, mà sợ cho chính mình. Nếu không tỉnh thức, tôi cũng có thể đi vào cách sống đức tin xa rời và phản lại đức ái, mà vẫn tự phụ cho mình là chứng nhân của đức tin. Cảnh tra tấn những người bị nghi là phá đạo, cảnh đốt phá những làng bị kết án là chống đạo, cảnh sát hại những người đồng đạo không chịu theo đường lối cực đoan. Tất cả những cách đó cũng đã xảy ra đó đây trong lịch sử Công giáo. Vì thế, tôi cần sửa lại và tránh xa bằng sự tăng cường lòng thương xót.

11.

Tôi rất mừng gặp được nhiều gương sáng về lòng xót thương tại Việt Nam hôm nay.

Xót thương công khai thấy được cũng nhiều. Xót thương âm thầm không thấy được lại nhiều hơn. Xin hết lòng tạ ơn Chúa.

12.

Tuy nhiên, tôi không được phép chủ quan, coi những xót thương hiện giờ sẽ phát triển đúng hướng mãi mãi và đều khắp. Satan đang và sẽ phá lòng xót thương bằng nhiều cách tinh vi. Một trong những cách xấu đang được Satan dùng là xúi chúng ta, thay vì xót thương những con người, thì lại tập trung lòng xót thương vào các công trình đạo, các cơ chế đạo.

Nếu không tỉnh thức, lương tâm tông đồ nơi chúng ta vì thế sẽ trở nên mù quáng, coi những xót thương đó là việc ưu tiên, để rồi xót thương con người sẽ bị lu mờ dần.

13.

Đức Thánh Cha Phanxicô rất quan tâm đến việc xót thương con người, nhất là đối với những người già yếu, bệnh tật nghèo túng và các trẻ em. Ngài chủ trương xót thương thì phải cụ thể và quảng đại.

Cụ thể và quảng đại là thế nào? Tôi nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá. Người trả lời tôi: “Cụ thể và quảng đại là như Cha trên thánh giá. Rất yêu thương và rất hy sinh đến thế để cứu con và cứu đời. Con cũng hãy làm như vậy”.

Tôi hiểu, để yêu thương và hy sinh như Chúa đã làm gương, tôi phải phấn đấu rất nhiều. Tôi phải đặt lại vấn đề đào tạo chính mình và những người muốn là môn đệ Chúa, để làm chứng cho Chúa tại Việt Nam hôm nay.

Lạy Chúa, xin xót thương con, xin giúp con biết xót thương như Chúa đã xót thương.

Long Xuyên, ngày 23.3.2015.