Bên lề Thánh nhạc (7)

Choir

 

 

Các bộ lễ

Trong bài trước, trưng dẫn lời ĐGH Thánh Piô X khi còn làm Hồng Y, ước ao sao cho cộng đồng có thể cùng nhau hát những kinh Thương Xót, Vinh Danh, Thánh! Thánh! Thánh! để cùng cầu nguyện, chúng tôi chỉ mong sao những người quan tâm đến Thánh nhạc hoặc sinh hoạt trong lĩnh vực Thánh nhạc thực sự hiểu tầm mức quan trọng của những bài hát này và hát những bài này với tâm tình cầu nguyện.

Chúng tôi muốn nói tới trọn bộ lễ, tiếng Mỹ gọi là ‘service music’ (nhạc phục vụ):

1.- Kyrie (kinh Thương xót),

2.- Gloria (kinh Vinh danh),

3.- Alleluia (tiền xướng phúc âm: gospel acclamation),

4.- Credo (kinh Tin kính),

5.- Sanctus (kinh Thánh! Thánh! Thánh!),

6. - Anamnesis (mầu nhiệm đức tin),

7.- Amen,

8.- Pater Noster (kinh Lạy Cha),

9.- Doxologia (vì Chúa là vua),

10.- Agnus (kinh Chiên Thiên Chúa).

Theo tinh thần phụng vụ, bộ lễ quan trọng hơn những bài ca khác, vì những bài ca khác thay đổi còn bộ lễ hiện diện như là thành phần chủ chốt trong mọi Thánh lễ để giáo dân tích cực tham dự hữu hiệu vào Thánh lễ do chủ tế dâng. Ngay trong kho tàng thánh nhạc la-tinh, toàn bộ lễ cũng không phải theo cùng một chủ đề, một cung điệu 1-8. Do đó có lẽ cũng không chói tai và chia trí lắm khi hát một bài của bộ lễ này đi với một bài của bộ lễ khác, kể cả pha phôi giữa bình ca, dân ca, tân ca và nhạc vào đời.

Nhìn vào kho tàng Thánh nhạc Việt Nam hiện thời, có người vẫn ước mơ sao có được những bộ lễ như Kyrie VIII (De angelis), IX (Cum jubilo), XI (Orbis factor), hoặc Kyrie Du Mont, hay bộ lễ Requiem.

Đi đây đó, tôi vẫn chỉ thấy ca trưởng xin bài hát mới, chứ ít khi thấy ai nói tới bộ lễ mới. Nhân tiện, tôi cũng muốn gióng lên lời mời gọi các nhạc sĩ hãy cầu nguyện và làm việc xin ơn Chúa hướng dẫn sáng tác thêm nhiều bộ lễ nữa để chúng ta cùng sử dụng mà tôn vinh danh Chúa.

Thời kỳ tập hát cho ca đoàn, tôi cố ý sắp xếp để tuỳ theo mỗi mùa, cộng đoàn hát một bộ lễ khác cho dù không được hoàn hảo như ý, nhưng cũng là để tạo nên bầu khí thích hợp để cầu nguyện.

Xin cũng nên lưu ý rằng những bài Kyrie (kinh Thương xót) và Agnus (kinh lạy chiên Thiên Chúa) là những kinh cầu (litaniae), nên cách hát thích hợp nhất là có một người xướng ca viên/quản ca (cantor) hoặc ca đoàn lĩnh xướng hát trước rồi cộng đoàn lặp lại sau.

Riêng câu Alleluia và Amen là những lời tung hô, nên cần một người như quản ca ‘tung’ (xướng) trước rồi mọi người mới ‘hô’ (đáp) sau cho đúng ý nghĩa.

Nên hát hai bài kinh dài như Vinh danh và Tin kính theo hình thức đối đáp: xướng ca viên hoặc ca đoàn với cộng đoàn, dành phần giọng hát lên cao cho ca đoàn/xướng ca viên, còn phần giọng hát xuống thấp dành cho cộng đoàn. Như vậy tránh được tình trạng kéo dài lê thê vì không phải thêm giờ để lấy hơi.

Kinh Lạy Cha giữ một vai trò rất quan trọng trong phụng vụ, dù là trong phụng vụ các giờ kinh hay trong phụng vụ Tạ ơn/Thánh lễ, ngay cả mỗi khi hội đoàn nhóm họp cầu nguyện, nhưng ít được những người làm Thánh nhạc chú ý tới và ít thấy có trong các bộ lễ hiện thời. Bản kinh la-tinh không thấy gì thay đổi qua bao thế hệ. Bản Anh ngữ có hình thức ‘Thou’ và ‘You’. Bản Pháp ngữ có hình thức ‘Vous’ và ‘Tu’. Còn bản Việt ngữ của chúng ta đã trải qua 4 lần chuyển ngữ: 1.- bản kinh cổ đọc thường ngày, 2.- bản dịch năm 1972 và 4.- bản dịch năm 2005 (giống nhau), 3.- bản dịch năm 1992. Cho đến nay một số từ vẫn còn chịu số phận bị tranh cãi, và có những nơi vẫn đọc kinh Lạy Cha hoặc phần thường lễ, theo ý riêng của cha xứ.

Hy vọng Công giáo và Tin lành mau có chung được cùng một bản văn thì tốt cho đại kết và đại cuộc biết mấy.

L.m. Anthony Vũ Hùng Tôn
vuhungton@hotmail.com

 


 

Xem các bài viết khác trong Anthony Vũ Hùng Tôn.