MỤC VỤ VĂN HÓA
GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13

 

gxvnparis

 

 

CHƯƠNG 2

 

 

MUC VỤ VĂN HOÁ THUYẾT TRÌNH HỘI HỌC

Lập được một chính sách mục vụ văn hoá, quả là một công việc quan trọng. Nhưng chính sách sẽ vô nghgĩa và trống rỗng, nếu không có những hành động mục vụ văn hoá cụ thể. Nói khác đi, nếu câu hỏi thứ nhất hỏi rằng « Làm thế nào để phác thảo một chính sách mục vụ văn hoá ? » là quan trọng để đưa ra được những nguyên tắc căn bản để hành động, thì loạt câu hỏi thứ hai liên hệ đến sự thực hiện những hành động mục vụ văn hoá mới là quyết định, thực tế và hữu hiệu. Những hành động văn hoá nào đã được thực hiện, có thể được thực hiện, phải được thực hiện, theo ưu tiên nào ? Nên thiết lập một chương trình hành động mục vụ như thế nào, theo những tiêu chuẩn nào, trong lãnh vực nào ?

Biên khảo « Cây Văn hoá Việt Nam trồng tại Giáo Xứ Paris » có thể coi là một tóm lược tổng hợp những sinh hoạt mục vụ văn hoá đã được thực hiện ở Giáo Xứ Việt Nam Paris trong 25 năm, từ năm 1980 đến năm 2004. Trên căn bản khái niệm văn hoá rộng mở « bao gồm tất cả những khía cạnh ‘văn’ vẻ đã góp phần giáo ‘hoá’ con người, từ cách ăn uống, may mặc, cư trú, hành nghề, ngủ nghỉ, giao thiệp, tín ngưỡng, suy tư, ăn nói, viết lách, cười tươi, khóc thảm, liên đới,… », biên khảo này đã trình bày những sinh hoạt mục vụ văn hoá chung quanh 3 trục chính : xã hội, giáo dục và văn học nghệ thuật. » và đã cung cấp nhiều dữ liệu thực tế và căn bản chi tiết về những gặp gỡ cơ bản hàng tuần, những lễ hội chung, những lễ giỗ tư, những liên đới xã hội và nghề nghiệp ; về văn nghệ, báo chí, mạng lưới tin học, thảo luận, xuất bản ấn loát, thư viện ; về giáo dục căn bản cho Ấu Thiếu nhi, cho Kha Tráng niên, từ những khoá trình tiếng việt, giáo lý , qua những khoá trình chuẩn bị trưởng, trại hè tiếng việt, khoá trình tổng quát trẻ, ca nhạc, cầu nguyện và sống đạo, chuẩn bị hôn nhân, tìm hiểu ơn gọi tận hiến, đến những khoá trình liên tục về đức tin và văn hoá việt nam, tiếng pháp, huấn luyện cán bộ mục vụ, bồi dưỡng đời sống gia đình trẻ, kỷ niệm hôn phối, mừng kính thượng thọ

Trong loạt bài rất xuất sắc và đầy đủ về « Hoạt Động Văn Hóa của Giáo Xứ Việt Nam tại Paris » đăng trên http://vietcatholic.net/news/ vào năm 2004 và hiện còn đăng trên http://www.dunglac.net, ký giả Nguyễn Long Thao đã hiểu từ văn hoá theo nghĩa hẹp và đã đề cập đến ba sinh hoạt nổi bật nhất là báo chí, xuất bản sách và tổ chức các buổi thuyết trình.

Trong loạt bài trình bày này về những sinh hoạt hoạt mục vụ văn hoá, tôi xin giới hạn khái niệm văn hoá theo một nghĩa trung dung với những sinh hoạt văn học đã được thực hiện từ năm 1980, năm mà tôi bắt đầu tham gia vào những sinh hoạt ở Giáo Xứ và xin dùng khung thời gian để giới thiệu 5 sinh hoạt đặc biệt văn hoá của sinh hoạt mục vụ văn hoá sau đây : thuyết trình hội học tập thể (1981), nguyệt san ‘Giáo Xứ Việt Nam’ (1984), thư viện (1990), tu thư (1997) và mạng lưới tin học (2002). Chúng ta hãy khởi sự với những sinh hoạt mục vụ thuyết trình hội học tập thể

 

1. VĂN HOÁ LÀ MỘT TRONG BA LÃNH VỰC CỦA DỰ ÁN MỤC VỤ 1980

Ðược Toà Tổng Giám Mục Paris bổ nhiệm làm Giám Ðốc Giáo Xứ Việt Nam theo văn thư ngày 28.11.1980, cha Mai Ðức Vinh đã qui tụ ngay được một nhóm gồm giáo sĩ và giáo dân để cùng nhau làm mục vụ, gọi là nhóm ‘Thần học Giáo Dân’. Nhóm gồm những người sau đây : Cha Trần Thanh Giản, Cha Bùi Ðức Tín, Sư Huynh Trần Văn Nghiêm, Bác Sĩ Hoàn, Bs Tạ Thanh Minh, Gs Tạ Thanh Minh Khánh, Giáo sư Trần Văn Cảnh, Bà Lan Bằng.

Tong các tháng chạp 1980 và giêng 1981, nhiều buổi gặo gỡ trao đổi đã diễn ra trong văn phòng cha Mai Ðức Vinh, mà mục tiêu là tìm ra một cách làm việc thoả đáng cho mỗi người và đáp ứng nhu cầu mục vụ của cộng đoàn.

Nhu cầu mục vụ trong những năm này rất bao la và rộng lớn và bao gồm nhiều khía cạnh. Về kinh tế xã hội, nhu cầu giúp 60.000 đồng bào Việt Nam mới đến Pháp từ những năm 1975 giải quyết được những vấn đề vật chất hàng ngày hầu ổn định tinh thần sau bao nhiêu gian truân lữ hành, tìm được công ăn việc làm và chỗ ở hầu an cư lạc nghiệp và hội nhập vào xã hội Pháp có lẽ là nhu cầu khẩn thiết và thực tế nhất. Về phương diện văn hoá xã hội, giúp đồng bào học hỏi ngôn ngữ và văn minh người pháp hầu giao tiếp và hội nhập được với họ mà vẫn giữ được tinh thần và văn hoá việt nam công giáo, qua những gặp gỡ việt nam, ăn uống việt nam, lễ hội việt nam, ngôn ngữ việt nam, sách báo việt nam, giáo dục việt nam,… đều là những nhu cầu mà nhiều đồng bào rõ rệt đòi hỏi. Về tôn giáo thiêng liêng, sau nhiều khốn khó trên đường đi, hai thái độ trái ngược đã rõ rệt biểu lộ nơi nhiều tín hữu công giáo. Ða số đến nơi bình an, thấy có bổn phận phải cám ơn Chúa, cám ơn Ðức Mẹ, trở nên sốt sắng và sùng đạo hơn. Một số người, trước những chia li, mất mát, khổ cực của đường đi, đã thành ra chán nản, thất vọng, giảm niềm tin. Làm thế nào giúp cả hai lớp tín hữu này có hoàn cảnh thuận tiện tham dự thánh lễ, lãnh chịu các bí tích, lui tới với cộng đoàn, đó cũng là những nhu cầu mà Ban Giám Ðốc, và cha Mai Ðức Vinh rất lưu tâm. Ðó là những nhận định làm nền tảng cho đường hướng hoạt động mục vụ mà Cha Mai Ðức Vinh và Ban Giám Ðốc đã chia sẽ với nhóm mục vụ, tạo thành một chính sách mục vụ ba chân kiềng : mục vụ văn hoá, mục vụ xã hội và mục vụ thiêng liêng. Chính sách mục vụ này vẫn còn được áp dụng cho đến ngày nay.

Từ những nhận định trên, một chương trình làm việc ngắn hạn 2 năm đã được đưa ra nhằm một mục tiêu là phát triển và qui tụ các hoạt động mục vụ thành một tổ chức trong hội đồng mục vụ. Chương trình này sẽ phải được thực hiện trong những hoạt động chính yếu sau đây :

• Thành lập ban đại diện cho mỗi địa điểm mục vụ. Các cha tuyên úy trách nhiệm.
• Thành lập các nhóm công giáo tiến hành và bầu ban đại diện. Các cha và nữ tu trong Ban Giám Ðốc trách nhiệm.
• Tổ chức các buổi hội họp thảo luận về những vấn đề thiêng liêng, văn hoá, xã hội. Nhóm ‘Thần học Giáo dân’ đảm nhiệm.

Hai năm sau, ngày 30.10.1983, một Hội Ðồng Mục Vụ tiên khởi đã được thành lập, mà các thành phần đã được ấn định theo đúng chính sách mục vu đã được đưa ra vào năm 1980, với một chủ tịch, một phó chủ tịch đặc trách tôn giáo, một phó chủ tịch đặc trách xã hội và một phó chủ tịch đặc trách văn hoá và tuổi trẻ. Trước đó, năm địa điểm mục vụ và khoảng mười đơn vị công giáo tiến hành đã được cải tiến hoặc thiết lập, tất cả đều có một ban đại diện. Tiếp tục chiều hướng mục vụ này, hiện nay, 2007, Giáo xứ có 7 địa điểm mục vụ và 36 hội đoàn, nhóm, ban công giáo tiến hành.

Những sinh hoạt mục vụ trong ba lãnh vực thiêng liêng, xã hội và văn hoá, nhờ 5 địa điểm mục vụ và 10 đơn vị công giáo tiến hành vừa được cải tiến hoặc thiết lập, nhờ sự lãnh đạo có tổ chức của Ban Giám Ðốc qua Ban Thường Vụ và Hội Ðồng Mục vụ, nhờ sụ cộng tác nhiệt tình của nhiều giáo dân, đã như tìm lại được một luồng khí mới, lấy thêm được một sinh lực mới.

Về lãnh vực thiêng liêng, các thành quả tăng thêm. Trong 4 năm 76-79, có 156 rửa tội trẻ em, 29 rửa tội người lớn, 97 thêm sức trẻ em, 24 thêm sức người lớn, 67 hôn phối ; trong 4 năm 80-83, có 210 rửa tội trẻ em, 127 rửa tội người lớn, 36 thêm sức trẻ em, 126 thêm sức người lớn, và 74 hôn phối. Những sinh hoạt thiêng liêng này hiện nay vẫn tiếp tục được cải tiến và phát triển theo đường hướng trên.

Về các sinh hoạt xã hội, phòng xã hội tiếp tục những công việc đã được bắt đầu từ những năm 1975-1979 : đón tiếp người việt nam, tiếp tế cấp thời những nhu cầu căn bản sinh tồn, giúp làm giấy tờ và thủ tục, giúp kiếm nhà ở, việc làm, thăm viếng ủy lạo, mở các lớp tiếng pháp, tổ chức nghỉ hè cho trẻ em, tặng quà vào các dịp lễ như giáng sinh, tết, liên hệ với các cơ quan công quyền để hỗ trợ đồng bào tiến hành các công việc, cho tá túc và cho mượn địa chỉ, trực hàng ngày ở giáo xứ để tiếp tân và chỉ dẫn,.. Trong chiều hướng xã hội này, từ những năm 1990, đời sống đồng bào việt nam đã ổn định hơn tại nước Pháp, một số sinh hoạt xã hội khác đã được thiết kế, như các lễ hội, như tương thợ cộng đoàn, liên đới nghề nghiệp, tiến giúp Giáo Hội,…

 

2. DỰ ÁN MỤC VỤ VĂN HOÁ 1980 ÐẶC BIỆT CHÚ TRỌNG ÐẾN THUYẾT TRÌNH

Hiện nay, các sinh hoạt văn hoá giáo dục tại giáo xứ, phát triển trên nền tảng dự án 1980, tương đối sầm uất. Giáo xứ có 8 lớp học pháp văn lập từ 1979, có nhiều buổi thuyết trình hội họp khai trương từ 1981, có 5-6 tờ báo của giáo xứ và của các địa điểm mục vụ hay hội đoàn phát hành từ 1984, có một nhà in và xuất bản từ 1984, có một thư viện dồi dào với khoảng 10000 sách vở khai trương năm 1990, có 259 trẻ em đến học giáo lý, tiếng việt và sinh hoạt Thiếu Nhi Thánh Thể lập năm 1986, có một ban tu thư đã ấn hành 20 cuốn sách từ 1997, có một Mạng lưới tin học từ năm 2002,… Ðó là công trình của nhièu cố gắng liên tục.

Vào năm 1980, Giáo Xứ không được như vậy. Song song với những sinh hoạt thiêng liêng và xã hội, một loại sinh hoạt giáo dục văn hoá đã được thiết kế. Trong tình trạng nhân tâm phân hoá vì những chính kiến khác biệt, Ban Giám Ðốc đặc biệt nghĩ đến vấn đề giáo dục quần chúng và đã trao cho nhóm ‘Thần Học Giáo Dân’ thực hiện qua những cuộc thuyết trình hội học. Gọi là Thần Học Giáo Dân, vì cách trình bày có tầm vóc khoa học, nội dung có cái nhìn thần học, và mở ra cho mọi người và cho hết các giáo dân. Mỗi buổi hội họp gồm ba phần :

• Tóm tắt tin tức thế giới và giáo hội và trao đổi, do Gs Trần văn Cảnh dảm trách.
• Thuyết trính về một đề tài chuyên biệt do một chuyên gia đảm trách
• Thảo luận về đề tài trình bày do chuyên gia hướng dẫn.

Những đề tài thảo luận đã được chọn lựa theo tiêu chuẩn ích lợi thực tế và thường được thực tế thăm dò nơi giáo dân. Những đề tài này xoay quanh những vấn đề thời cuộc và thực tế, từ tôn giáo, niềm tin, qua văn chương văn hoá việt nam, đến gia đình, học nghề, tổ chức cộng đoàn, sinh hoạt mục vụ…Những cuộc diễn thuyết hội học này trung bình tổ chức hai tháng một lần, qui tụ trung bình mỗi lần từ 20 đến 50 người, một đôi lần số người tham dự đông hơn, nhất là những lần bàn về qui chế hội đồng mục vụ. Những buổi hội học này đã là dịp cho các giáo dân gặp gỡ, quen biết và hiểu nhau hơn, đặc biệt tạo được một nhóm nhân lõi căn bản cho các sinh hoạt mục vụ của cộng đoàn. Chính nhờ đó mà hội đồng mục vụ đã được thành hình một cách tốt đẹp và bền vững cho đến ngày nay.

Năm 1997, khi biên soạn cuốn kỷ yếu kỷ niệm 50 năm thành lập nhật giáo xứ, tìm tòi các tài liệu, nhiều người mới khám phá ra rằng phương thức thuyết trình đã được xử dụng từ thời Liên đoàn Công Giáo Việt Nam. Nhóm Thần Học Giáo Dân đã khởi xướng và đảm nhiệm công việc thuyết trình cho dự án mục vụ 1980, nhưng sau đó công việc này đã được các nhóm khác tiếp tay, đặc biệt là các nhóm sau đây : Nhóm Mục Vụ Hôn Nhân, Nhóm Emmau, Nhóm Thư Viện và Nhóm Chuyên Gia.

Một số đề tài thuyết trình vì lý do này hay lý do khác đã thất lạc, không tìm lại được. Sau đây là những đề tài đã được tìm thấy và được ghi vào sổ.

Trước năm 1954, theo một số tài liệu còn tìm lại được, có 8 buổi thuyết trình đã được đoàn sinh viên công giáo tổ chức.

1. 19.11.1949 ‘Cộng sản Việt Nam công kích người công giáo Việt Nam ở những điểm lý thuyết nào ?’ do anh Bùi Thúc Duyên trình bày (Báo Thông Tin, số 56, 12.1949, trang 22-23)
2. 19.04.1950 ‘Công giáo và tư bản’ do anh Trần Quang Ngọc trình bày.
3. 18.05.1950 ‘Công giáo tiến hành là gì ?’ do anh Nguyễn Huy Bảo và Mai Văn Hàm trình bày (Báo Thông Tin, số 60, 1950, trang 13).
4. 27.03.1954 ‘Đời sống thôn quê Việt Nam với vấn đề điền địa’ do anh Ngô Đình Luyện trình bày.
5. 03.04.1954 ‘Sứ mệnh người thanh niên trong xã hội Việt Nam’ do anh Nguyễn Văn Ái trình bày.
6. 10.04.1954 ‘Tai nạn các chứng bệnh nguy hiểm cho dân tộc Việt Nam’ do anh Bửu Hội trình bày.
7. 30.04.1954 ‘Đời sống tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam" do anh Trương Công Cừu trình bày.
8. 29.05.1954 ‘Thi ca dân tộc’ do anh Lê Doãn Kim trình bày.

Được thành lập vào năm 1980, nhóm Thần học Giáo dân đã đảm nhiệm sinh hoạt thuyết trình và hội thảo. Qua sáu năm sinh hoạt, trung bình mỗi năm từ ba đến bốn buổi thuyết trình hội thảo đã được tổ chức. Sau đây là 19 đề tài đã được thuyết trình do nhóm Thần học Giáo dân tổ chức từ năm 1981 đến 1986.
9. 22.02.1981 ‘Hội Đồng Thượng Đỉnh các Giám Mục 1980 với đời sống gia đình’ do Sư huynh Pierre Trần Văn Nghiêm và giáo sư Trần Văn Cảnh trình bày.
10. 20.04.1981 ‘Giáo dục gia đình Việt Nam tại Pháp’ do cha Bùi Đức Tín (P. Gastine) trình bày.
11. 15.10.1981 ‘Hiện tượng giáo phái’ do cha Mai Đức Vinh trình bày.
12. 15.02.1982 ‘Thảm cảnh người Việt Nam tại Pháp’ do sư huynh Trần Văn Nghiêm trình bày.
13. 14.05.1982 ‘Hôn nhân dị giáo’ do cha Hoàng Quang Lượng trình bày.
14. 17.10.1982 ‘Hôn nhân xưa và nay’ do ông Nguyễn Văn Hộ trình bày.
15. 23.03.1983 ‘Quan niệm về Trời’ do cha Vũ Dư Khánh trình bày.
16. 24.05.1983 ‘Thánh Kinh trong gia đình’ do cha Nguyễn Chí Thiết trình bày.
17. 16.10.1983 ‘Vấn đề điều hòa sinh sản’ do bác sĩ Vũ Ngọc Hoàn trình bày.
18. 25.02.1984 ‘Giáo dục Việt Nam qua tác phẩm đoạn tuyệt’ do cha Trần Định trình bày.
19. 17.05.1984 ‘Đi học được trả lương’ do giáo sư Trần Văn Cảnh, luật sư Nguyễn Tấn Thọ và cán sự xã hội Huỳnh Thị Na trình bày.
20. 23.11.1984 ‘Khác biệt giữa Do Thái giáo, Công giáo và Hồi giáo’ do cha Trần Định trình bày.
21. 07.03.1985 ‘Những chứng bịnh nguy hiểm của xứ Tây’ do hai bác sĩ Tạ Thanh Minh và Trương Quân Vương trình bày.
22. 12.05.1985 ‘Tâm trạng tuổi trẻ Việt Nam tại Pháp’ do sư huynh Trần Văn Nghiêm trình bày.
23. 23.11.1985 ‘Sức khỏe tiền hôn nhân’ do hai bác sĩ Tạ Thanh Minh và Phạm Văn Anh trình bày.
24. 16.02.1986 ‘An ninh xã hội liên quan đến người trẻ’ quý anh Nguyễn Hữu Bản, Đoàn Ngọc Hùng, nữ tu Têrêsa Na.
25. 17.04.1986 ‘Đạo nào cũng giống nhau’ do ba cha Bùi Đức Tín, Mai Đức Vinh, Dương Như Hoan trình bày.
26. 26.06.1986 ‘Thờ cúng Tổ tiên’ do ông Nguyễn Văn Hộ và ông Phạm Bá Nha trình bày.
27. 10.11.1986 ‘Mê tín, dị đoan của người Việt Nam’ do cha Bùi Duy Nghiệp và ông Trần Louis trình bày.

Từ năm 1989 sinh hoạt thuyết trình hội thảo đã được bốn nhóm Emmau, Thư viện, Mục vụ hôn nhân và Chuyên gia tiếp tay. 19 buổi thuyết trình hội thảo và văn nghệ khác đã được tổ chức với những đề tài sau đây :
28. 16.04.1989 ‘Việt Nam văn hóa, văn hiến, văn minh và văn chương’ do học giả Thái Văn Kiểm trình bày
29. 11.11.1990 ‘Thi sĩ Hàn Mặc Tử’ do học giả Thái Văn Kiểm trình bày.
30. 15.05.1992 ‘Vua Quang Trung, nhân dịp kỷ niệm 120 năm trận Đống Đa’ do Cư sĩ Trần Đại Sỹ trình bày. Nữ nghệ sĩ Bích Thuận và thi sĩ Hồ Trọng Khôi : ‘Bình và ngâm thơ Nguyễn Công Trứ. Đinh Hùng và Hồ Trọng Khôi’
31. 15.03.1993 ‘Alexandres de Rhodes, 400 năm sinh nhật’ do giáo sư Nguyễn Khắc Xuyên trình bày.
32. 17.10.1993 ‘Văn Sỹ Gheoghiu qua tác phẩm : Từ giờ thứ 25 đến giờ vĩnh cửu’ do giáo sư Nguyễn Thị Hảo trình bày.
33. 09.07.1995 ‘Gia đình và luật tài sản’ do luật sư Lê Đình Thông trình bày.
34. 04.08.1996 ‘Sự nghiệp văn hóa và kiến trúc của cụ sáu Trần Lục’ do các ông Trần Trung Lương và Phạm Bá Nha trình bày.
35. 22.12.1996 ‘Hôn nhân và gia đình’ do giáo sư Trần Văn Cảnh trình bày.
36. 1997 ‘Xã hội học gia đình công giáo Việt Nam’ do luật sư Lê Đình Thông.
37. 1998 ‘Mạn đàm về hạnh phúc gia đình’ do giáo sư Tạ Thanh Minh Khánh.
38. 1999 ‘Chữ tình và chữ yêu’ do bác sĩ Nguyễn Văn Ái.
39. 05.04.1999 ‘Mạn đàm về thơ’ với sự hiện diện của nhà thơ Vân Uyên, Minh Châu, Phương Du và ba người giới thiệu : luật sư Lê Đình Thông, giáo sư Tạ Thanh Minh Khánh và ông Đỗ Bình
40. 07.05.2000 ‘Đức cố giám mục Hồ Ngọc Cẩn’ do giáo sư Thái Văn Kiểm, thầy Phạm Bá Nha và luật sư Lê Đình Thông.
41. 29.04.2001 ‘Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng’ do thầy Phạm bá Nha và luật sư Lê Đình Thông.
42. 07.04.2002 ‘Nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký’ với giáo sư Tạ Thanh Minh Khánh và tân tiến sĩ Trương Thị Liễu.
43. 04.05.2003 ‘Nhà văn hóa Paulus Huỳnh Tịnh Của’ do giáo sư Trần Văn Cảnh.
44. 18.04.2004 nữ nghệ sĩ Bích Thuận nói truyện và ra mắt cuốn hồi ký « Từ làng Vân hồ đến Unesco ».
45. 17.04.2005 là ngày sinh nhật thứ 15 của Thư Viện. Luật Sư Lê Trọng Quát và Giáo sư Vũ Quốc Thúc đã thuyết trình về Quận Công Nguyễn Hữu Bài
46. 23.04.2006, Gs Lê Đình Thông thuyết trình về đề tài ‘Thầy Lazarô Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản (1865-1911)’. Phần hai nhóm thư viện giới thiệu Cuốn Hồi ký của nhạc sĩ Phạm Xuân Lôi
47. Ngày 15.04.2007, Bs Nguyễn Văn Ái thuyết trình về đề tài « Cố linh mục Sảng Ðình Nguyễn Văn Thích (1891-1978), một nhà thơ, một nhà báo, một nhạc sĩ, một họa sĩ, một giáo sư »

Không kể 47 buổi thuyềt trình đã được tổ chức một cách trọng thể và to lớn, từ vài năm nay, nghĩa là từ năm 2002, nhóm chuyên gia đã đặc biệt khởi sắc và rầm rộ với một sinh hoạt mới : nói chuyện và tư vấn chuyên môn. Bốn lãnh vực tư vấn đã dần dà thành hình và chia nhau hoạt động : nha y dược, tâm sinh lý, giáo dục đào tạo, luật. Mỗi chủ nhật đầu tháng, tại văn phòng thường trực xã hội, một ban tư vấn chuyên môn, hiện diện từ 13 đến 15 giờ, để giúp giải đáp những thắc mắc của bất cứ ai có vấn đề.

 

LỜI KẾT

Qua 47 đề tài thuyết trình trên đây, nếu lưu ý, ta sẽ nhận ra hai chiều hướng và 5 nhóm hành động. Những đề tài được trình bày do các nhóm Sinh Viên Công Giáo, Thần Học Giáo Dân, Mục vụ Gia Ðình và Liên Ðới Chuyên gia liên hệ đến văn hoá theo nghĩa rộng, nhằm chiều hướng hội nhập văn hoá để bảo trì và canh tân văn hoá truyền thống. Những đề tài được trình bày do các nhóm Emmau và Thư viện liên hệ đến văn hoá theo nghĩa hẹp, nhằm chiều hướng tìm hiểu văn học công giáo. Dẫu theo chiều hướng nào mặc lòng thì ít nhiều những buổi thuyết trình trên đây đều qui về năm nhóm hành động sau đây :

1- Ý thức và giữ gìn nguồn gốc văn hoá,
2- Bảo trì và canh tân những thói tục xã hội,
3- Giáo dục và chuyển trao những giá trị văn hoá truyền thống cho các thế hệ trẻ,
4- Nghiên cứu và phổ biến văn học công giáo và
5- Sáng tác góp phần xây dựng một nền văn học việt nam công giáo

 

 

Paris, ngày 06.04.2007
Trần Văn Cảnh

 


Ghi Chú

23- Trần Văn Cảnh ; Cây Văn Hoá Việt Nam trồng tại Giáo Xứ Paris ; trong Văn hoá và Ðức Tin ; Paris : Giáo Xứ Việt Nam Paris ; 2004, tr. 505-563

 


Mời đọc tiếp các bài :

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13

Xem các bài viết khác trong Trần Văn Cảnh , Khoá 6 GHHV Đà Lạt Việt Nam.