Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC (12)          -2011-

  THAO THỨC (13)          -2012-

 THAO THỨC (14) -2013-
 

CON ƠI, HÃY TRỞ VỀ

 

1.

Đầu năm là thời gian bề bộn. Bề bộn nhất đối với tôi là vì thấy qúa nhiều vấn đề của Hội Thánh và của Đất Nước. Tình hình chuyên chở vào Năm Nhâm Thìn một đống vấn đề cao ngất. Những vấn đề đó gởi tới mọi người thiện chí như một mời gọi thân tình.

Các vấn đề đó đều phức tạp. Chính bản thân tôi cũng đã có sẵn bao nhiêu phức tạp. Nên, khi nhìn thấy những vấn đề phức tạp của tình hình Đời Đạo, tôi bối rối tự hỏi: Phải bắt đầu suy nghĩ từ đâu?

Trong băn khoăn thao thức, tôi cầu nguyện với Chúa một cách tha thiết, xin Chúa ban cho tôi một lời an ủi. Chúa thương trả lời tôi. Tôi nghe tiếng Chúa phán trong lòng tôi rằng: “Con ơi, hãy trở về”.

Với lời gọi trên đây, Chúa cho tôi nhớ lại những gì là căn bản Chúa đã dạy trong Phúc Âm.

2.

Trước hết, Chúa gọi tôi hãy trở về với Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh trên thập giá.

Đức Giêsu Kitô đã quả quyết: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).

Tôi hiểu: Người là con đường tôi phải đi, là sự thực tôi phải tin, là sự sống tôi phải chia sẻ. Tất cả sẽ được thực thi, khi tôi gặp được chính Người.

Khi gặp được chính Người, tôi nhận thấy Người dùng con đường của Người, sự thực của Người, sự sống của Người, để cứu chuộc tôi. Công việc cứu chuộc được Người thực hiện trên thánh giá. Thánh giá là nơi Người biểu lộ tình yêu ở mức độ cao nhất.

Vì thế, gặp gỡ Chúa Giêsu cũng phải gặp gỡ thánh giá của Người. Trở về với Chúa Giêsu cũng là trở về với thánh giá của Người. Để rồi, như thánh Phaolô quả quyết: “Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cr 2,2).

Khi thực sự trở về gặp gỡ Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh trên thánh giá, tôi cảm nghiệm được phần nào sự xác tín nồng cháy của thánh Phaolô, Đấng đã quả quyết: “Thánh giá của Đức Giêsu Kitô chính là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (x. 1 Cr 1,17-25). Tôi hiểu sức mạnh và sự khôn ngoan của tình yêu mà chúng ta cần có trong mình để làm chứng cho Chúa qua tu đức, mục vụ và truyền giáo sẽ không thể xa rời hy sinh tự hạ, tự nguyện từ bỏ mình.

Thế nhưng, thực tế sống đạo hiện nay có vẻ lại rất khác. Tuy còn nói tới việc trở về, nhưng là trở về với một thứ giáo lý như một hệ thống tư tưởng, chứ không nhấn mạnh đủ đến việc gặp gỡ chính Chúa Giêsu. Hoặc có nói đến việc gặp gỡ Chúa Giêsu, nhưng lại không quan tâm đủ đến thánh giá của Người. Thực tế sống đạo hôm nay xem ra đang tìm sự cứu độ ở sức mạnh và sự khôn ngoan của những giá trị nào đó, rất xa lạ với giá trị của thánh giá. Thánh giá là tình yêu hy sinh tự hạ xuống chỗ khó nghèo khổ đau để cứu chuộc.

Chúa thấy cảnh bi đát đó. Nên Chúa khuyên: Con ơi, hãy trở về. Nghĩa là hãy trở về với Đức Giêsu Kitô chịu đựng trên thánh giá.

3.

Điều thứ hai, Chúa gọi tôi trở về là hãy trở về đời sống nội tâm.

Chúa Giêsu Kitô nhắn nhủ: “Các con hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong các con” (Ga 15,4).

Ở lại và ở trong”, mà Chúa nói đây chính là đời sống nội tâm. Đời sống nội tâm được hiểu là đời sống kết hợp mật thiết với Chúa. Kết hợp mật thiết như cành nho gắn kết chặt chẽ với thân cây nho.

Sự kết hợp mật thiết này là nguồn mạch mọi thành công trong tu đức, mục vụ và truyền giáo. Chúa khẳng định: “Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, các con chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ bị khô héo” (Ga 15,5-6).

Để gắn kết mật thiết với Chúa, chúng ta cần một đời sống nội tâm, biết nhìn, biết lắng nghe và biết khám phá dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Chúng ta sẽ nhìn thấy Chúa hiện diện một cách kín đáo và khiêm nhường trong mọi sự xảy ra xung quanh ta.

Chúng ta sẽ nghe được tiếng Chúa nhẹ nhàng gọi ta hãy vượt qua những ảo tưởng và những yếu đuối của ta.

Chúng ta sẽ khám phá được những dấu chỉ của Chúa lặng lẽ ẩn mình ở những gì rất bé mọn, như một chút men, một hạt cải, mà Chúa đã nói xưa.

Chúng ta sẽ chỉ nhìn được như thế, lắng nghe được như thế, khám phá được như thế, nếu chúng ta có được bầu khí tương đối thinh lặng, cả bên trong lẫn bên ngoài, ngọt ngào tâm tình cầu nguyện, và đậm đà ý chí tìm một chiều kích thiêng liêng sâu sắc.

Thế nhưng, thực tế tôn giáo hiện nay xem ra đang có vẻ đi xa hướng đó. Đời sống nội tâm bị coi nhẹ. Không những thế, đời sống nội tâm còn bị cản trở.

Tôn giáo của tôi có vẻ đang biến thành tôn giáo lễ hội và tôn giáo lễ nghi. Khổ tâm hơn cả là vì sự biến chất đó được coi là bình thường, hơn nữa lại được coi là một thành công do những hoành tráng bên ngoài, đang khi bên trong thì trống rỗng.

Tình hình như thế là một bi đát. Chúa gọi tôi: “Con ơi, hãy trở về”. Trở về ở đây có nghĩa là trở về đời sống nội tâm.

4.

Điều thứ ba, Chúa gọi tôi trở về là hãy trở về giới răn yêu thương.

Chúa Giêsu Kitô phán: “Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau. Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34).

Yêu thương là điều căn bản của đạo Chúa. Thánh Gioan quả quyết: “Phàm ai ghét anh em mình, thì là kẻ sát nhân. Và anh em biết: Không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở trong nó” (1 Ga 3,15).

Trong ngày phán xét, Chúa sẽ căn cứ vào các việc yêu thương làm cho những người đau khổ để phân định kẻ lành kẻ dữ. Kẻ làm việc yêu thương cho người khốn khổ sẽ được xếp vào số người được chọn, để được hưởng phúc thiên đàng. Kẻ không làm việc yêu thương cho người cùng khổ sẽ bị liệt vào số tội nhân bị kết án, phải ném vào lửa hoả ngục đời đời (x. Mt 25,31-46).

Yêu thương là căn tính của người tin Chúa. Hơn nữa, đó còn là dấu chỉ, để người ta nhận biết ai thuộc về Chúa Kitô: “Người ta cứ dấu này, mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con có lòng thương yêu nhau” (Ga 13,35).

Chúa dạy yêu thương là như vậy. Thế nhưng, giữa những lời Chúa dạy và thực tế sống đạo hôm nay xem ra đang có một khoảng cách lớn. Khoảng cách đó được nhận thấy trong các cá nhân, trong các gia đình, trong các cộng đoàn tôn giáo. Điều đáng buồn là nhiều người đang dùng chiêu bài đạo đức để gieo rắc hận thù.

Tại nhiều nơi, thực tế đó đang trở thành bi đát. Trước cảnh đáng thương đó, Chúa gọi tôi: “Con ơi, hãy trở về”. Trở về ở đây có nghĩa là trở về với giới răn yêu thương của Chúa.

5.

Tôi hiểu lời Chúa gọi tôi trở về cũng gởi tới mọi con cái Chúa.

Tôi cũng hiểu việc trở về mà Chúa muốn không phải việc dễ dàng. Nhất là khi chúng ta đã đi quá xa. Sức cản ngăn ở trong chính ta. Sức cản ngăn cũng ở trong những người xung quanh ta.

Nhưng, nếu chúng ta khiêm nhường khao khát trở về, và thực tình cầu xin ơn trở về, thì chắc chắn Chúa sẽ giúp chúng ta trở về.

Với lời Chúa gọi trở về, tôi xác tín việc trở về là việc quan trọng nhất cần phải thực hiện. Trở về là vấn đề ưu tiên. Giải quyết được vấn đề ưu tiên đó, chúng ta sẽ biết giải quyết các vấn đề khác của tu đức, mục vụ và truyền giáo. Tôi vui mừng tin tưởng sự trở về đó là cách tốt nhất chuẩn bị cho chúng ta trở về Nhà Cha ở cuối đời mình.

Nói một cách đơn giản, trở về nói đây chính là trở về với yêu thương đích thực. Yêu thương chính là mùa Xuân. Mùa Xuân yêu thương đem lại hạnh phúc cho ta ở đời này và đặc biệt là ở đời sau, bên cạnh “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8).

Nếu không còn yêu thương, Hội Thánh sẽ rơi vào nguy cơ không còn là Hội Thánh của Chúa Giêsu nữa. Lúc đó, trách nhiệm thuộc về ai?

Cập nhật ngày 30 tháng 1 năm 2012.