Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC (12)          -2011-

  THAO THỨC (13)          -2012-

 THAO THỨC (14) -2013-
 

CHÚA GIÊSU VIẾT

 

1.

Thời nay, người ta viết rất nhiều. Tuy có bị lợi dụng, văn hoá viết vẫn là một phương tiện hữu ích để bảo tồn và truyền bá những giá trị xây dựng con người. Đức Thánh Cha Beneđictô XVI là một người nổi tiếng viết khoẻ. Nhiều thánh tông đồ cũng đã viết. Các thánh giáo phụ đã để lại nhiều tác phẩm như những kho tàng quý báu cho Hội Thánh mọi thời mọi nơi.

Còn Chúa Giêsu thì sao? Chúa có viết không? Thưa có. Phúc Âm thánh Gioan kể lại việc Chúa Giêsu viết trong hoàn cảnh sau đây.

2.

Vừa tảng sáng, Chúa Giêsu trở lại Đền thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ.

Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa rồi nói với Người: ‘Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Moisen truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?’. Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.

Nhưng Đức Giêsu cúi xuống, lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: ‘Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi’. Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất.

Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn một mình Đức Giêsu và người phụ nữ đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: ‘Này chị, họ đâu cả rồi. Không ai lên án chị sao?’. Người đàn bà đáp: ‘Thưa ông, không có ai cả’. Đức Giêsu nói: ‘Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu. Thôi, chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa’” (Ga 8,2-11).

3.

Đoạn Phúc Âm trên đây cho thấy Chúa Giêsu có viết. Nhưng, “Người lấy ngón tay mà viết trên đất”. Tôi tự hỏi: Chúa viết như thế có ý nghĩa gì? Suy đi nghĩ lại trong cầu nguyện, tôi thấy đại khái thế này: Chúa lấy chính ngón tay của Chúa mà viết trên trái tim người phụ nữ tội lỗi đang sám hối coi mình xấu xa như mảnh đất hèn bị người ta giày đạp, khinh khi.

Thực vậy, lúc đó, người phụ nữ bị lôi vào đền thờ như một phạm nhân bị bắt. Chị thấy mình hèn hạ, bần cùng, khổ sở, mất hết danh dự, mất hết hy vọng. Hơn nữa, chị thấy: Chỉ còn ít phút nữa, chị sẽ bị trói vào cột, sẽ bị trăm ngàn hòn đá thi nhau ném vào chị. Chị sẽ chết trong đau đớn nhục nhã. Có thể, lúc đó chị đã được ơn Chúa ban, để sám hối và cầu nguyện.

Chúa Giêsu thấy tâm hồn chị bắt đầu chuyển biến, nên Người cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Thời gian viết khá dài, đủ để cho người phụ nữ cảm thấy trong trái tim mình một hy vọng của tình thương cứu độ đến từ Chúa. Khi mọi chuẩn bị đã được sắp xếp xong, Chúa Giêsu mới nói với chị: “Tôi cũng không kết án chị. Chị hãy về bình an, và đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Nghe những lời đó, người phụ nữ như đọc được cũng những lời đó đã được Chúa Giêsu viết trên trái tim mình vài phút trước.

4.

Những suy nghĩ trên đây của tôi không phải chỉ là những tư tưởng rút ra từ tu đức nội tâm, nhưng cũng còn là những sự thực tôi đã gặp được trên con đường mục vụ.

Thực vậy, tôi đã gặp nhiều người như chị phụ nữ tội lỗi vừa kể trong Phúc Âm. Họ đã lỡ lầm. Họ bị luật đời luật đạo kết án. Họ bị dư luận loại trừ. Chính họ cũng ghê tởm họ. Họ như mảnh đất bị chúc dữ. Đời họ tan nát. Lòng họ cô đơn thất vọng. Trong tình trạng thê thảm đó, họ được gặp Chúa Giêsu. Họ đã cầu xin Chúa với lòng khiêm nhường sám hối. Và Chúa Giêsu đã lấy ngón tay viết trên trái tim họ những lời an ủi. Họ được cứu. Họ gửi cho tôi sứ điệp của tình yêu thương xót Chúa.

Chính tôi cũng vậy. Chúa đã viết trên trái tim tôi những lời ủi an có sức cứu độ tôi trong những hoàn cảnh bi đát nhất.

5.

Từ những kinh nghiệm như trên, tôi nhận ra rằng: Những người tội lỗi, mà khiêm nhường, đã gặp được Chúa cứu độ. Xem ra Chúa cứu độ ưa thích đi vào lịch sử nhân loại qua ngả khiêm nhường, cho dù khiêm nhường đó lại ở nơi những người tội lỗi.

Cảm nghiệm của tôi trên đây được rõ nét hơn, khi tôi đọc Phúc Âm thánh Luca, đoạn Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn về hai người cầu nguyện.

Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Phariêsu. Còn người kia làm nghề thu thuế.

Người Phariêsu đứng riêng một mình, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác. Họ tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần. Con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con’.

Còn người thu thuế, thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực, vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con, là kẻ tội lỗi’.

Tôi nói cho biết: Người thu thuế này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi. Còn người Pharisêu kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống. Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,10-14).

6.

Như thế đã rõ rồi. Người tội lỗi mà khiêm nhường sẽ được Chúa cứu. Người đạo đức mà kiêu căng sẽ bị Chúa loại bỏ.

Lời Chúa và kinh nghiệm dạy tôi là phải rất tỉnh thức trong việc đón nhận Chúa cứu độ. Nếu Chúa chỉ đến với những người khiêm tốn, thì tôi phải hết sức cảnh giác trước những việc dễ làm cho tôi trở nên tự đắc.

Có nhiều thứ tự đắc và do nhiều lý do khác nhau. Thậm chí có những tự đắc vì thực hiện được tội ác ghê tởm. Thực là khủng khiếp, khi các thượng tế, kinh sư, luật sĩ trong đạo xưa đã tự đắc vì giết được Chúa Giêsu.

Nói chung, tự đắc nào cũng có thể là cơ hội thuận lợi để thần dữ Luciphe lôi người ta vào bẫy. Bẫy của nó là nọc độc kiêu ngạo. Nó hay gieo rắc nọc độc đó vào các thái độ sống và các việc đạo đức ẩn tàng khuynh hướng phô trương, thích tìm cho mình cái danh cái lợi.

Với tâm tình trên đây tôi đến với Đức Mẹ Maria. Tôi cầu nguyện với Mẹ bằng lời kinh đơn sơ, mà cha mẹ tôi đã viết trên trái tim tôi, hồi tôi còn thơ ấu: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội”. Khi tôi thành thực nhìn nhận tôi là kẻ có tội, tôi cảm thấy tràn vào trong tâm hồn tôi một làn gió thiêng đầy bình an, sự sống và hy vọng. Xin cảm tạ Mẹ nhân lành.

Đăng ngày 24 tháng 05 năm 2012