Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC (12)          -2011-

  THAO THỨC (13)          -2012-

 THAO THỨC (14) -2013-
 

YÊU THƯƠNG TRONG ĐỨC TIN

 

1.

Chúa Giêsu đã trối lại cho các môn đệ điều răn yêu thương: “Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34). Tôi tuyệt đối tin vào Chúa Giêsu, nên tôi tin nhận điều răn yêu thương, mà Chúa Giêsu trối lại, phải là lẽ sống của đời tôi.

Để hiểu: “như Thầy đã yêu thương các con”, tôi nhìn Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá. Từ thánh giá, Chúa Giêsu soi vào lòng tôi lời tâm sự của Người: “Con ơi, yêu thương như Thầy yêu thương các con là phải chấp nhận những khổ đau như thế này đây”.

2.

Lời tâm sự của Chúa Giêsu trên thánh giá dẫn đưa tôi vào một chân lý mới, đó là yêu thương như Chúa yêu thương luôn đi kèm với khổ đau. Khổ đau vì yêu thương sẽ làm cho yêu thương có giá trị, nhất là giá trị cứu rỗi.

Để nhận ra những khổ đau có giá trị cho yêu thương, tôi đi theo Chúa Giêsu, hiệp thông vào tâm tình của Người. Sau một hành trình khá dài, tôi cảm nghiệm được phần nào. Xin được phép chia sẻ một cách chân thành như sau:

3.

Yêu thương như Chúa yêu thương là muốn thăng tiến những người mình yêu thương. Nhưng nhiều khi họ không chấp nhận thăng tiến, đó là một nguyên do gây nên nỗi đau cay đắng nhất cho Chúa Giêsu.

Thực vậy, Chúa Giêsu đến trong thế gian, là để thăng tiến con người. Thăng tiến của Chúa Giêsu là muốn mọi người được trở nên con Thiên Chúa. Thiên Chúa mà Người giới thiệu là Thiên Chúa Tình Yêu giàu lòng thương xót. Thiên Chúa ấy muốn yêu thương phải là dấu chỉ của người làm con Chúa.

Nhưng rất nhiều người đã từ chối sự thăng tiến như thế. Chính trong nội bộ cộng đoàn tin Chúa hồi đó cũng không thiếu người đứng lên chống đối. Phúc Âm còn ghi rõ: Các tư tế, các luật sĩ, các người biệt phái đã cấu kết với nhau thành một khối đối lập. Họ nại đến các thứ luật lệ của cơ chế, để cản luật yêu thương của Chúa. Chính Thượng Hội Đồng các vị đứng đầu trong đạo đã căn cứ vào luật của đạo, để kết án Chúa Giêsu là Đấng giới thiệu Thiên Chúa là Tình Yêu.

Ý muốn thăng tiến con người lên chức làm con Thiên Chúa Tình Yêu đã bị chống phá dữ dội, do chính các người đứng đầu cơ chế tôn giáo. Nỗi đau khổ do sự kiện đó gây nên cho Chúa Giêsu, xem ra vẫn còn tái diễn nhiều ít trong lịch sử mọi thời mọi nơi.

Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng thế gian lại không nhận biết Người. Người đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,9). Tôi nghe tiếng than đó của thánh Gioan vang lên trong lòng tôi, mỗi khi tôi thấy nơi nọ nơi kia tình yêu Chúa bị chối từ và kết án, do chính những người nói là mình tin Chúa.

4.

Một nguyên do nữa làm cho tình yêu Chúa phải đau đớn là những bỏ lỡ dịp may mà nhiều người đã để xảy ra.

Thực vậy, có lần Chúa Giêsu đã khóc thương thành Giêrusalem và nói: “Nơi đây, sẽ không hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm” (Lc 19,44).

Tình thương Chúa đã đến thăm loài người nói chung và từng người nói riêng, cách này hay cách khác. Nhưng bao lần người ta đã không nắm bắt dịp may hiếm có ấy. Hơn nữa, bao lần tình thương Chúa còn mời gọi con người đến với Chúa, nhưng người ta lại lỡ hẹn với điểm khác. Dụ ngôn Tiệc Cưới nói rõ điều đó (x. Mt 22,1-6). Sự kiện phũ phàng đó vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi trong suốt lịch sử cho đến hôm nay. Đó là nỗi đau thê thảm của Chúa. “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mc 14,34). Tôi nghe lời than trên đây của Chúa Giêsu dội vào trái tim tôi, mỗi khi tôi thấy xảy ra những sụp đổ, vì người ta đã bỏ lỡ dịp may được tình yêu Chúa tới thăm. Những bỏ lỡ đó nếu lại do đã trót hẹn với những gì phản nghịch với Chúa, sẽ là những xúc phạm tự đưa mình vào cõi diệt vong. Đó là nỗi đau ghê gớm gây nên cho tình yêu Chúa.

5.

Một nguyên do nữa gây đau khổ cho Tình Yêu Chúa là nỗi cô đơn Chúa phải chịu.

Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã trải qua một nỗi cô đơn khủng khiếp. Khi vác thánh giá lên núi Calvariô, Chúa Giêsu càng cảm thấy cô đơn rợn rùng. Càng giữa đông người, Chúa Giêsu càng cảm thấy cô đơn. Bởi vì đám đông ấy đa phần là vô ơn, cơ hội, dửng dưng, bị xách động, dễ đổi dạ thay lòng. Chính Chúa Cha xem như cũng bỏ Người. “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con” (Mc 15,34). Lời than cô đơn của một tình yêu cô đơn ấy vẫn còn như rỉ máu trong suốt chiều dài lịch sử, cho tới hôm nay. Lời than cô đơn ấy như những giọt nước mắt của Chúa rơi xuống lòng tôi, khiến lòng tôi phải hối hận vô vàn, vì chính tôi cũng có một phần làm nên nỗi cô đơn của Chúa Giêsu.

6.

Một nguyên do nữa gây đau khổ cho Chúa Giêsu, là vì mọi tội lỗi nhân loại đều đổ trên đầu Người. Chúa Cha muốn Người hãy là Con chiên gánh tội trần gian. Do vậy chính bản thân Người sẽ phải chịu đóng đinh trên cây thánh giá. Người chịu chết đau đớn để đền tội cho loài người. “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Biết bao lần, lời sau cùng đó của Chúa Giêsu đã giúp tôi trở thành của lễ đền tội cho mình và cho kẻ khác, theo gương Chúa Giêsu và hiệp thông với của lễ của Chúa Giêsu. Làm của lễ là như chết đi, là như từ biệt, nhưng chính là để gặp lại nhau trong một tình yêu mới tốt đẹp hơn và vững bền hơn.

7.

Kinh nghiệm mà tôi chia sẻ trên đây quả là yếu ớt đối với bao người. Nhưng nó đã cho tôi xác tín điều này là: Yêu thương như Chúa yêu thương bao giờ cũng có khổ đau. Vô số khổ đau phải coi là vô ích và có hại. Còn những khổ đau do yêu thương theo Chúa đều có giá trị thiêng liêng vô vàn.

Tất cả những lời kêu than thảm thiết trên đây do khổ đau của Chúa Giêsu trên đường yêu thương đã giúp tôi bớt mặc cảm, khi tôi không nén được lòng mình, nên đã kêu than đau đớn trong hành trình yêu thương đầy phức tạp. Thực sự, những kêu than đau đớn đó cũng chính là những lời cầu nguyện hết sức đơn sơ chân thành của một người hèn mọn nhận mình yếu đuối, chỉ còn biết bám vào Chúa mà thôi.

Để kết, tôi xin mượn lời Hội Thánh dựa theo ý của thánh Phaolô mà ca tụng thánh giá. “Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô”.

Thiết thưởng thánh giá là biểu tượng cho tình yêu cứu độ đang rất cần được nhấn mạnh và đề cao tại Việt Nam trong Năm Đức Tin này. Bởi vì chấn hưng nền đạo đức tình yêu sẽ giúp bảo vệ và phát triển đời sống đức tin.

Lạy Mẹ Maria, vì yêu thương chúng con, trái tim Mẹ đã như bị một lưỡi gươm đâm thâu suốt cả cuộc đời. Xin Mẹ thương giúp con được nên của lễ như thế theo gương Mẹ và trong tay Mẹ. Con thuộc về Mẹ, xin Mẹ thương đỡ nâng con. Con cảm thấy mình thực sự hạnh phúc, vì được là của lễ tình yêu theo ý Chúa.

Long Xuyên, ngày 20 tháng 11 năm 2012