Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2012-
 

NIỀM VUI TIN MỪNG

 

1.

Lễ Giáng Sinh, Đầu Năm 2012, Tết Nhâm Thìn đang cùng nhau làm nên một mùa mừng chúc.

Mùa này, tôi nhận được rất nhiều lời chúc. Lời chúc gợi nên trong tôi nhiều hình ảnh nhất là: Chúc sống vui. Có nhiều thứ vui. Tôi tự hỏi: Niềm vui nào cần cho tôi hơn cả?

Suy đi nghĩ lại, tôi sợ chọn lựa của tôi có thể sai. Nên, để an tâm, tôi hỏi Đức Mẹ Maria. Trong thinh lặng nội tâm, tôi nghe Mẹ trả lời: “Niềm vui cần nhất và quý nhất là niềm vui có Chúa là Tin Mừng trong lòng mình”. Tôi tin câu trả lời của Mẹ là một chân lý mà chính Mẹ đã cảm nghiệm.

2.

Từ câu soi sáng trên đây, Mẹ dẫn tôi đến những hình ảnh về Chúa là niềm vui được tả trong Phúc Âm, mà Mẹ đã được đón nhận. Đặc biệt là những hình ảnh sau đây.

Hình ảnh Chúa Giêsu hạ mình xuống trong thân phận hài nhi bé mọn, yếu đuối, khó nghèo, nằm trong máng cỏ. Người hạ mình xuống, để được vui ở với nhân loại, nhất là được vui chia sẻ thân phận những người nghèo khổ.

Hình ảnh Chúa Giêsu hạ mình xuống trong thân phận kẻ bị loại trừ, bị đóng đinh trên thánh giá. Người hạ mình xuống, để được vui làm của lễ đền tội cho nhân loại.

Hai hình ảnh đó đều diễn tả tình yêu. Đó là tình yêu cứu độ ở điểm khiêm tốn, hy sinh, tự hạ mình xuống chỗ thấp hèn, yếu đuối, nghèo khó để cứu chuộc.

Chính tình yêu cứu độ bằng hy sinh tự hạ đến tận cùng như thế đã làm vinh danh Chúa.

Mẹ Maria đã thấy sự khiêm nhường tự hạ của Chúa Giêsu chính là giá trị cứu chuộc loài người, và cũng chính là giá trị làm cho Thiên Chúa được vinh quang.

Không những Mẹ Maria đã thấy đó chính là Tin Mừng, mà Mẹ còn cảm nhận được đó chính là một niềm vui thiêng liêng cao quý làm chứng cho tình yêu cứu độ.

3.

Mẹ Maria vừa cắt nghĩa cho tôi niềm vui Tin Mừng bằng Phúc Âm, vừa chia sẻ cho tôi chính niềm vui Tin Mừng, bằng sự Mẹ cho tôi nếm được phần nào niềm vui Tin Mừng ấy.

Được hiểu niềm vui Tin Mừng, lại được nếm niềm vui Tin Mừng, tôi nhận ra là Chúa Giêsu đang ở trong tôi. Chính Người là Tin Mừng của tôi.

Tôi đón nhận Người là Tin Mừng, bằng đức tin và bằng cảm nghiệm. Tin Mừng ấy đổ vào hồn tôi niềm vui chan hoà. Trong niềm vui đó, tôi cảm thấy mình được cứu chuộc, được tự do, được thoát khỏi mọi sự sợ hãi và mọi thứ trói buộc.

Có niềm vui Tin Mừng đó, không có nghĩa là tôi sẽ khinh chê các niềm vui khác. Thực sự, tôi vẫn trân trọng mọi thứ niềm vui chính đáng. Nhưng tôi sẽ phân định giá trị của chúng theo đúng cái nhìn của Phúc Âm.

4.

Qua những cảm nghiệm vắn tắt vừa kể, tôi có vài nhận xét sau đây.

Nhận xét thứ nhất là niềm vui Tin Mừng không đến từ học và nghe Lời Chúa, nhưng đến từ chính Chúa Giêsu khiêm nhường tự hạ trong thân phận hài nhi nghèo khó nằm trong máng cỏ và trong thân phận tội nhân bị đóng đinh vào thánh giá.

Chính Chúa Giêsu khiêm nhường tự hạ đã chia sẻ cho tôi tình yêu của Người. Tình yêu của Người đã và đang yêu thương tôi, đã và đang cứu chuộc tôi, mặc dầu tôi vô cùng bất xứng.

Tôi đón nhận Chúa Giêsu là Tin Mừng chủ yếu bằng tấm lòng khao khát và khó nghèo. Đức Mẹ Maria giúp tôi điều quan trọng đó.

Khi niềm vui Tin Mừng là chính Chúa Giêsu khiêm nhường tự hạ đang ngự trong tôi, tôi không thể không thấy rõ niềm vui ấy là vô cùng quý giá, không gì sánh được.

5.

Nhận xét thứ hai là khi có niềm vui Tin Mừng là chính Chúa trong lòng, tôi sẽ dễ phân định thế nào là làm chứng cho Chúa và thế nào là làm cho Chúa được vinh quang. Mẹ Têrêsa Calcutta đã làm chứng một cách cụ thể rõ ràng. Ngài sống khó nghèo, khiêm nhường tự hạ, luôn gắn bó mật thiết với Chúa bằng cầu nguyện. Ngài dấn thân phục vụ những người nghèo khó, bệnh tật, khổ đau. Ngài chia sẻ gần gũi với những kẻ bị loại trừ.

Tại Việt Nam hôm nay, những chứng nhân của Chúa như Mẹ Têrêsa Calcutta vẫn hiện diện ở nhiều nơi.

6.

Nhận xét thứ ba là, khi chứng nhân Tin Mừng có niềm vui Tin Mừng là chính Chúa Giêsu trong lòng, họ sẽ làm việc truyền giáo bằng những việc tế nhị nhẹ nhàng. Họ truyền giáo bằng đời sống chứng nhân, chứ không chủ yếu bằng những hoạt động rầm rộ, và ban bố những luật lệ này nọ. Đời sống chứng nhân của họ dọn lòng những người họ tiếp xúc. Những người họ tiếp xúc dần dần khao khát Chúa, rồi đi tới việc cầu nguyện hồn nhiên với Chúa. Một lúc nào đó, họ đón nhận được chính Chúa là niềm vui Tin Mừng.

7.

Tới đây, với tất cả lòng kính trọng, tôi xin phép được nói lên ý kiến sau đây của tôi: Cái thiếu nhất nơi nhiều người làm mục vụ và truyền giáo tại Việt Nam hôm nay là thiếu một niềm vui Tin Mừng thực sự nồng nàn thực chất.

Niềm vui Tin Mừng không phải là niềm vui của những thành công, của những thanh thế, của những hoạt động. Càng không phải là niềm vui do có nhiều phương tiện vật chất và được nâng đỡ của xã hội. Nhưng, như đã nói ở trên, niềm vui Tin Mừng là có trong lòng mình chính Chúa Giêsu khiêm nhường tự hạ và yêu thương để cứu chuộc loài người. Niềm vui Tin Mừng ấy là động lực chính khiến chúng ta can đảm làm chứng cho Chúa qua chính con người và cuộc sống của chúng ta. Con người chúng ta sẽ là con người hiền lành khiêm nhường đầy yêu thương tự hạ. Cuộc sống của chúng ta sẽ là cuộc sống hy sinh, phấn đấu, để được phục vụ như Chúa Hài nhi Giêsu và như Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá.

8.

Nguyên do gây nên sự thiếu niềm vui Tin Mừng nơi nhiều người chúng ta, chính là sự nguội lạnh, dửng dưng, không quan tâm đến niềm vui Tin Mừng. Nhiều khi chúng ta không muốn nghe, không muốn hiểu. Cho dù có nghe, có hiểu, chúng ta lại không muốn phấn đấu để đón nhận niềm vui Tin Mừng. Bởi vì, nhận rồi, thì sẽ phải bắt chước Chúa mà sống khiêm nhường, tự hạ, nhưng sống như thế chính là điều ta không ưa thích. Thái độ tránh né này là điều rất bi đát. Điều bi đát này đã được Chúa Giêsu nói tới trong dụ ngôn “Khách được mời xin kiếu” (x. Lc 14,15-24).

Vì không có kinh nghiệm nội tâm về niềm vui Tin Mừng, nhiều người rao giảng Tin Mừng đã nhiễm nặng tinh thần thế tục, vô tình trở thành những kẻ, mà thánh Gioan tông đồ gọi là “những tên phản Kitô” (1 Ga 2,18). Hiện tượng đó lại là một bi đát rất nguy hiểm cho Hội Thánh.

Khi một Hội Thánh được nhận thấy như là nơi có nhiều niềm vui, nhưng trong đó không có niềm vui Tin Mừng, thì Hội Thánh đó bị nghi ngờ không còn là Hội Thánh đích thực của Đức Kitô, mặc dù bề ngoài đông đảo, hoành tráng.

Với những suy nghĩ và tâm trình chân thành trên đây, tôi xin được cùng với anh chị em cầu nguyện. Chúng ta tha thiết cầu xin Đức Mẹ Maria ban cho mọi người và mỗi người chúng ta biết khiêm tốn đón nhận niềm vui Tin Mừng. Khi niềm vui Tin Mừng là chính Chúa ở trong chúng ta, chúng ta sẽ tìm được hy vọng và hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh, kể cả khi lịch sử đưa chúng ta vào những quãng trắc trở, thê thảm, tăm tối, cam go.

Bản đánh máy ngày 27 tháng 12 năm 2011.

Đăng ngày 5 tháng 1 năm 2012.