Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC (12)          -2011-

  THAO THỨC (13)          -2012-

 THAO THỨC (14) -2013-
 

“HÃY Ở LẠI TRONG TÌNH THƯƠNG CỦA THẦY”

 

1.

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu trao cho các tông đồ một lời sai đi. Lời sai đi đó rất vắn gọn, rất thân tình, rất dễ hiểu.

Theo Phúc Âm thánh Matthêu, lời sai đi của Chúa Phục Sinh là thế này: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy” (Mt 28,19).

Phúc Âm thánh Marcô diễn tả lời sai đi của Chúa Phục Sinh như việc loan báo Tin Mừng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).

Phúc Âm thánh Luca kết lời Chúa Phục Sinh sai đi bằng việc phải làm chứng: “Chính anh em là chứng nhân của những điều này” (Lc 24,48).

Phúc Âm thánh Gioan khẳng định chính Gioan là chứng nhân đích thực: “Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực” (Ga 21,24).

2.

Với những lời dặn dò trên đây được ghi trong Phúc Âm, Chúa Phục Sinh muốn việc rao giảng về Chúa phải đi kèm với việc làm chứng. Làm chứng, mà Chúa muốn, không phải là bằng lý thuyết, mà bằng kinh nghiệm của chính những người rao giảng.

Nhận thức trên đây giúp tôi rao giảng về Chúa. Điều tôi muốn rao giảng chính là một Tin Mừng. Tin Mừng mà tôi muốn chia sẻ, đó là Chúa Giêsu Phục Sinh không chỉ là một biến cố trong lịch sử, nhưng chính Người đang sống động bên tôi và trong tôi. Tôi làm chứng sự thực Tin Mừng đó bằng chính kinh nghiệm của tôi.

Một trong những kinh nghiệm, mà tôi cho là rõ nhất về sự Chúa Phục Sinh ở bên tôi, đó là kinh nghiệm về lời Chúa căn dặn sau đây: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 16,9).

Lời căn dặn trên đây đối với tôi, vừa là một kêu gọi, vừa là một trả lời. Sống lời căn dặn đó, tôi đã đón nhận được tình thương cứu độ, để rồi cùng với Chúa, tôi góp phần vào chương trình cứu độ của Chúa.

3.

Tôi xin được phép đi vào vài chi tiết.

Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. Tôi đọc lời đó trong Phúc Âm. Nhưng hằng ngày, Chúa nhắc lại với tôi lời đó một cách thân tình: “Con hãy ở lại trong tình thương của Thầy”.

Chúa nói nhỏ nhẹ vào trái tim tôi. Lời nói đó đến từ tận bên trong sâu thẳm của tâm hồn tôi. Lời nói đó không có chút gì áp đặt. Mà chỉ là một mời gọi tự do. Lời nói đó cũng không có chút gì là trả giá và mặc cả. Mà đó chỉ là một tình yêu nhưng không, hết sức trân trọng.

Với một sự hiểu biết thô sơ như thế, tôi nói với Chúa một cách hồn nhiên thế này: “Chúa bảo con hãy ở lại trong tình thương của Chúa, nhưng đâu là tình thương của Chúa, để con biết nơi đó mà ở lại?”.

Chúa trả lời tôi cũng một cách nhỏ nhẹ và từ từ. Thú thực là Chúa cắt nghĩa cho tôi không bằng những lý luận, những lý thuyết, những tư tưởng trừu tượng, nhưng bằng những gì cụ thể, dễ hiểu, thích hợp với trình độ thấp của những con người bé mọn.

4.

Thực vậy, Chúa cho tôi nhận ra tình thương của Chúa là rất sống động, và tình thương ấy đã và đang cứu độ tôi bằng nhiều ngả khác nhau, với nhiều cách khác nhau. Dưới đây là một vài thí dụ.

Tôi nhận ra tình thương cứu độ của Chúa qua nhiều biến cố. Có nhiều biến cố xảy ra cho riêng tôi, có nhiều biến cố xảy ra cho chung Hội Thánh và dân tộc. Nhiều biến cố đó rất khắc nghiệt. Nhưng tôi đã được cứu, nhờ tình thương của Chúa.

Tôi nhận ra tình thương cứu độ của Chúa qua nhiều người gần xa. Họ có thể là những người tôi quen biết. Họ cũng có thể là những người tôi không quen biết. Họ đã cứu độ tôi khỏi những hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo. Việc họ làm để cứu tôi, nhiều khi rất âm thầm, nhỏ bé. Âm thầm mà hữu hiệu. Nhỏ bé mà chứa đầy hy sinh. Qua những người ấy, tôi đã nhận ra tình thương của Chúa dành cho tôi.

Tôi nhận ra tình thương của Chúa cứu độ tôi chính trong những yếu đuối của tôi. Tôi cảm thấy mình yếu đuối. Và thực sự tôi yếu đuối hơn tôi tưởng. Yếu đuối của tôi là những tội lỗi và nghèo nàn sức thiêng, thêm vào đó là những tự mãn và ảo tưởng. Nhưng Chúa đã cứu tôi. Người vẫn chọn tôi, vẫn sai tôi đi, vẫn dắt đưa tôi vào chính lộ là Đức Giêsu Kitô. Tôi nhận thấy Chúa Giêsu là con đường tôi phải đi. Con đường đó có một trái tim.

Tôi nhận ra tình thương của Chúa cứu độ tôi, khi tôi cảm thương những đau khổ của người khác, và dấn thân cứu giúp họ. Tình thương tôi cho đi lúc ấy đến từ Chúa, bởi vì nó phản chiếu tình yêu hiến thân của Chúa Giêsu để cứu nhân loại.

Tôi nhận ra tình thương của Chúa cứu độ tôi, nhất là khi tôi suy gẫm Lời Chúa, cầu nguyện, tham dự các bí tích, và hiệp thông với Hội Thánh.

5.

Trên đây là một số những cách khác nhau và những ngả đường khác nhau Chúa đã dùng, để giúp tôi nhận ra tình thương của Chúa. Nếu phải tìm một nét chung cho những cảm nghiệm về tình thương đó, thì theo tôi, nét chung đó là sự xót thương.

Sự xót thương ấy có tính cách cứu độ. Bởi vì nó mang trong mình sự khiêm hạ, sự tha thứ và từ bỏ mình, sẵn sàng hy sinh cả đến mạng sống, để cứu người khác, trong tinh thần hiệp nhất với sự hy sinh cao cả của Chúa Giêsu.

6.

Với sự xót thương như vậy, tình thương của Chúa, mà tôi được đón nhận có ba chiều kích.

Một là chiều kích nội tâm. Nội tâm của tôi nhiều khi đầy đau khổ, nhưng chính trong tình trạng đó, khi tôi cầu nguyện, tôi đã gặp được Chúa. Chúa mà tôi gặp lúc đó không nhất định phải ở một nơi nào, một nhà thờ nào. Nhưng Người là Cha giàu tình xót thương sẵn sàng đến với những ai thiếu thốn nhất.

Hai là chiều kích tha nhân. Tôi đã gặp Chúa trên mọi ngả đường của con người. Bất cứ chỗ nào con người chịu đau khổ, phải lầm than, phải nhọc nhằn vất vả, tôi đều thấy ở đó có Chúa đồng hành với họ. Chia sẻ khổ đau của họ là tôi gặp được Chúa. Tôi nghe Chúa nói “Bất cứ sự gì các con làm cho một kẻ bé mọn này, là làm cho chính Thầy” (Mt 25,40).

Ba là chiều kích siêu nhiên của ơn thánh. Nhờ ơn thánh, tôi biết phân định tình yêu nào thực sự có sức cứu độ mình phải gắn bó. Và để thực hiện tình yêu đó, tôi phải phân định đúng những cách được dùng theo ý Chúa. Nhất là tôi phải nhờ ơn thánh để đổi mới trái tim tôi, hầu tôi có thể yêu thương như Chúa yêu thương.

7.

Với một chút kinh nghiệm trên đây về tình thương của Chúa, tôi hiểu phần nào lời Chúa căn dặn tôi: “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. Ở lại đó là biết đón nhận sự xót thương của Chúa. Ở lại đó là biết xót thương người khác, như Chúa xót thương tôi.

Tôi dâng lên Chúa sự hiểu biết sơ sài đó cùng với lời cầu nguyện: “Xin Chúa giúp con biết đón nhận. Xin Chúa giúp con biết cho đi. Con xin ở lại trong tình thương của Chúa. Nhưng xin Chúa luôn mãi ở lại với con, cho dù có lúc con dại dột như không ở lại với Chúa”.

Tôi không nghe tiếng Chúa trả lời. Nhưng tôi thấy lòng tôi lắng xuống trong biển cả bình an sâu thẳm. Đột nhiên, tôi hiểu Chúa đang hiện diện trong tôi. Chúa Phục Sinh vẫn là Đấng khiêm nhường và tế nhị. Người ở lại trong tôi. Tôi ở lại trong Người. Đời tôi sẽ là một bài ca cảm tạ và phó thác đi về với Chúa. Tôi coi đó là Tin Mừng được làm chứng bằng kinh nghiệm chính bản thân tôi. Tôi gieo rắc Tin Mừng đó bằng mọi cách có thể. Cho dù chỉ có vậy, tôi vẫn hy vọng việc gieo rắc Tin Mừng như thế sẽ được Chúa thương chấp nhận như một việc thi hành lời Chúa sai đi.

Đăng ngày 13 tháng 04 năm 2012