Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC (12)          -2011-

  THAO THỨC (13)          -2012-

 THAO THỨC (14) -2013-
 

NHỮNG KHOẢNG CÁCH ĐÁNG SỢ

 

1.

Cậy trông phó thác vào lòng thương xót Chúa là điều rất tốt. Nhưng để sự cậy trông phó thác ấy được Chúa chấp nhận, tôi phải rất khiêm nhường. Khiêm nhường nhất là ở sự nhận biết mình đứng trước những vực thẳm hết sức nguy hiểm. Với sức riêng mình, tôi không vượt qua được. Chỉ Chúa xót thương mới cứu được tôi.

Ở đây, tôi xin nêu lên một số khoảng cách đầy khó khăn, ví như những vực thẳm tôi gặp trong đời sống đạo.

2.

Khoảng cách giữa lý thuyết về bác ái và thực tế về bác ái.

Phúc Âm thánh Luca đề cập đến khoảng cách này, khi ghi lại dụ ngôn Chúa Giêsu nói về người Samaria tốt lành (x. Lc 20,29-37).

Một người bị kẻ cướp trấn lột và bị đánh trọng thương, nằm bên vệ đường. Một thầy tư tế và một thầy Lêvi trong đạo đi qua. Cả hai đều nhìn thấy người bị thương khốn khổ, nhưng cả hai đều bỏ đi. Chỉ có một người Samaria vô đạo đã dừng lại, chăm sóc người bị thương đến nơi đến chốn. Thầy tư tế và thầy Lêvi là những người có địa vị trong đạo, biết nhiều về đạo, chuyên giảng dạy về từ bi bác ái. Thế nhưng, họ không giữ điều họ nói. Từ lý thuyết đến thực tế nơi họ là cả một khoảng cách rất đáng sợ. Nếu không được Chúa giúp, tôi cũng thế thôi.

3.

Khoảng cách chủ quan giữa mình và người khác.

Khoảng cách này được Phúc Âm thánh Luca nhắc tới, trong dụ ngôn Chúa nói về hai người lên đền thờ cầu nguyện (x. Lc 18,9-14).

Người Pharisêu là người đạo đức tự hào nói: “Xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác”. Còn người thu thuế là người tội lỗi thì khiêm nhường van xin: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”.

Kết quả là người thu thế thì được Chúa thương, còn người Pharisêu thì bị Chúa ruồng bỏ. Rõ ràng là khoảng cách, mà người Pharisêu tự tạo ra giữa mình với người thu thuế, tưởng là một tự hào mạnh, nhưng thực sự lại quá yếu. Cái yếu nguy hiểm nhất là sự tự hào đó đã đưa họ đi xa Chúa, đến chỗ bị Chúa ruồng bỏ. Nếu không tỉnh thức, tôi cũng sẽ như người Pharisêu đó.

4.

Khoảng cách giữa các việc đạo đức bề ngoài với việc thi hành thánh ý Chúa.

Tưởng cứ làm các việc đạo đức bề ngoài là đủ, đang khi Chúa lại đánh giá mỗi người theo sự thi hành thánh ý Chúa.

Điểm nguy hiểm này được thánh sử Matthêu nhắc tới, khi ghi lại những lời rất quyết liệt của Chúa Giêsu.

Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao? Và bấy giờ, Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi. Hãy xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác” (Mt 7,21-23).

Rõ ràng là giữa những việc đạo đức bề ngoài và việc thi hành thánh ý Chúa nhiều khi có một khoảng cách rất xa. Nếu thánh ý Chúa muốn chúng ta làm chứng cho Chúa trong thời điểm này bằng sự thực hành Lời Chúa: “Hãy đi qua cửa hẹp và đi vào đường hẹp” (Mt 7,13-14), tức là đề cao việc tu thân, nhưng chúng ta lại chỉ thích phát triển cuộc sống tự do theo ý riêng mình, thì đó là một sai lầm nguy hiểm. Sai lầm đó rất có thể đang phát triển nơi tôi, nếu tôi không được Chúa cứu.

5.

Khoảng cách giữa phần thưởng trước mắt do thế gian cho và phần thưởng sau này do chính Chúa ban.

Khoảng cách này được Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Với kẻ làm việc từ thiện, mà phô trương, Chúa nói: “Chúng đã được phần thưởng rồi” (Mt 6,2).

Với kẻ cầu nguyện với hình thức khoe khoang, Chúa cũng nói: “Chúng đã được phần thưởng rồi” (Mt 6,5).

Với kẻ ăn chay, mà kể công để kéo chú ý, Chúa cũng nói: “Chúng đã được phần thưởng rồi” (Mt 6,16).

Chúa nhấn mạnh đến phần thưởng mà, “Cha Ta trên trời, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho” (Mt 6,4.6.18). Phần thưởng đó sẽ cao quý vô cùng và bền vững đời đời.

Tìm phần thưởng trước mắt là những tiếng khen và những bổng lộc, đó là một nguy hiểm rất dễ xảy ra. Nguy hiểm đó không xa lạ đối với tôi, nếu tôi không tỉnh thức nhờ ơn Chúa.

6.

Khoảng cách giữa chức danh đạo đức và thực chất đạo đức.

Khoảng cách này được Chúa Giêsu cảnh báo nghiêm khắc trong một loại “Khốn cho các ngươi” (Mt 23,13-29). Chúa nhắm vào những người mang chức danh đạo đức, nhưng thực chất đạo đức thì lại không có. Họ chỉ lo tìm danh lợi. Nguy hiểm đó là trầm trọng. Thế mà lại được coi là bình thường trong đạo. Hiện tượng đó như một vực thẳm, tôi chỉ tránh được nhờ ơn Chúa.

7.

Những nguy hiểm trên đây là có thực trong Hội Thánh Việt Nam hôm nay. Chúng đang xuất hiện rải rác, với những mức độ khác nhau. Thế nhưng, bao người đang ở trong các nguy hiểm, mà vẫn ung dung. Nếu là cố tình, thì đó là một sự vô cảm đáng gọi là một sự cứng lòng cực kỳ nguy hiểm. Biết đâu tôi cũng trong số những người vô cảm đó.

Vì thế, sự cảm thấy lo âu trước những nguy hiểm, và sự cảm thấy đau đớn trước những hậu quả của chúng đang xảy ra trong Hội Thánh, nên được coi là một ân huệ Chúa ban.

Tôi nhớ lại lời Chúa Giêsu phán: “Anh em hãy sợ Đấng có thể ném cả xác cả hồn vào trong hoả ngục” (Mt 10,38). Từ hình phạt hoả ngục đến hạnh phúc thiên đàng là cả một khoảng cách vô tận rất đáng sợ. Như lời Chúa phán: “Được mọi sự thế gian, mà mất linh hồn, nào được ích gì” (Mt 16,26).

Những lo âu đó, và những nỗi đau đó, khi kết hợp với trái tim Mẹ Maria, sẽ trở thành của lễ đền tạ. Của lễ đền tạ không những không làm cho chúng ta khinh khi và kết án ai, trái lại sẽ làm cho chúng ta biết nhạy bén hơn với những mất mát ghê sợ đang xảy ra cho bao người anh em chúng ta, do sự họ xa lìa Lời Chúa.

Những lo âu và những nỗi đau ấy cũng làm cho chúng ta thêm khiêm nhường cầu xin ơn trở về cho chính mình và cho người khác. Nơi chúng ta được mời gọi trở về chính là Chúa Giêsu trên thánh giá. Sự trở về này là rất khó. Trong nhiều trường hợp, phải có một biến cố đau đớn xảy ra mới làm cho người ta tỉnh giấc. Lúc đó với ơn Chúa, người ta mới chịu trở về.

Lạy Mẹ nhân lành, có thể con biết nhiều, nhưng thực hành lại ít. Bởi vì con rất yếu đuối. Rất nhiều khi, sự hiểu biết của con lại sai lầm, rồi thực hành lại sai lầm thêm. Bởi vì con ngu dại. Bao nhiêu khoảng cách hiểm nguy, bấy nhiêu vực thẳm. Xin Mẹ thương ra tay cứu giúp con. Con hết lòng cậy trông ở tình xót thương của Mẹ.

Đăng ngày 26 tháng 7 năm 2012.