Tinh Hoa VĂN HÓA VIỆT:
CUỘC SỐNG CON NGƯỜI và XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 HolyFamily

  

TIÊU CHUẨN ĐỂ SỐNG BÌNH ĐẲNG
Theo Văn Hóa Việt

TRUYỀN KỲ CHỬ ĐỒNG

 

2104. TIÊU CHUẨN ĐỂ SỐNG BÌNH ĐẲNG Theo Văn Hóa Việt

        TRUYỀN KỲ CHỬ ĐỒNG

1. DẪN NHẬP

2. TRUYỀN KỲ CHỬ ĐỒNG

3. TIÊN DUNG VÀ CHỬ ĐỒNG

4. BÀI HỌC BÌNH ĐẲNG

5. BÌNH ĐẲNG CĂN CƠ Trong VĂN HÓA VIỆT

6. CÁC BÀI HỌC KHÁC

7. TRUYỀN KỲ CHỬ ĐỒNG và Một Số VẤN ĐỀ LIÊN Q UAN

8. TÓM LƯỢC và SƠ ĐỒ

 

1. DẪN NHẬP

Truyền kỳ CHỬ ĐỒNG kể chuyện nàng công chúa Tiên Dung và chàng Chử Đồng không khố. Hai người gặp nhau trong khi tắm. Họ kết duyên, rồi đem của cải và tài năng giúp người dân phát triển, rồi hóa phép đem mọi người và phố xá về trời.

Truyền Kỳ về một nàng công chúa và một chàng không khố cũng đặt tiêu chuẩn cho việc gặp gỡ giữa hai con người ở hai thái cực của xã hội. Đây là hình ảnh căn cội về quan niệm sống Bình Đẳng Xã Hội của Văn hóa Việt.

Truyền kỳ Chử Đồng là Nền Tảng Sinh Hoạt Chung giữa Con Người, là mẫu mực của một cuộc sống hoàn hảo, hàm chứa những bài học Phát Triển Xã Hội Loài Người Hạnh Phúc.*1

    *1 - Theo nghĩa gốc : - Chử Đồng : Chử có nghĩa là bờ sông, đồng là đứa bé. Chử Đồng là : Cậu Bé ở bờ sông. - Tiên Dung : tướng mạo đẹp như Tiên. - Chử Đồng Tiên Dung là chuyện ‘Cậu Bé ở bờ sông và Nàng đẹp như Tiên’. Tựa truyện thành tên riêng, thành biểu tượng.

*     *     *     *

2. TRUYỀN KỲ CHỬ ĐỒNG

Thời Vua Hùng, có nàng công chúa Tiên Dung, dầu tới tuổi cập kê, nhưng chỉ thích dùng thuyền dạo chơi. Thời ấy, cũng có chàng Chử Đồng sống quanh quẩn bên bờ sông, nghèo đến nỗi không có cái khố che thân.

Một hôm, Chử Đồng thấy thuyền của công chúa ghé vào, chàng sợ hãi vùi mình dưới cát. Không ngờ đó lại là nơi Tiên Dung lên bờ, và vây màn để tắm. Khi nước làm trôi cát, Tiên Dung phát giác ra Chử Đồng. Rồi hai người kết duyên.

Từ đó Tiên Dung đem tiền của để lập phố xá. Chử Đồng ra biển đi buôn, rồi dạy dân phép biến hóa. Nhờ vậy, đời sống trong vùng trở nên sung túc khác thường.

Nhưng cuộc sống phồn thịnh đó làm vua quan nghi ngại. Do đó, Chử Đồng và Tiên Dung hóa phép đem cả dân chúng và phố xá về trời.

*     *     *     *

DIỄN TRUYỆN

3. TIÊN DUNG VÀ CHỬ ĐỒNG

3.1 Truyền Kỳ.

Trong kho tàng cổ tích của nhân loại, khi đề cập tới tình duyên, chúng ta thường gặp thấy những chuyện xứng đôi vừa lứa.

Nếu có chuyện hoàng tử hoặc công chúa lấy người bình dân, thì người bình dân đó phải là một cô gái tuyệt đẹp, được tiên thánh phù phép, hoặc là một chàng trai khôi ngô, tài ba xuất chúng. Câu chuyện lại thường kết thúc bằng việc người bình dân trở thành vua chúa hoặc hoàng hậu, và tận hưởng sự giàu sang quyền thế của người yêu.

Nhưng thực hiếm hoi, nếu không nói là độc nhất, cái câu chuyện kết duyên giữa một nàng công chúa được nuông chiều như Tiên Dung, với một chàng cùng khổ ngây ngô như Chử Đồng. Chử Đồng chẳng những nghèo đói đến cả không có khố, mà lại còn chậm chạp luống cuống đến nỗi chỉ biết vùi thân dưới cát. Vậy mà lại nên duyên.

Cuộc tình đó cũng không kết thúc bằng cách cho Chử Đồng được hưởng giàu sang vương giả, mà lại đưa nàng công chúa cành vàng lá ngọc vào sống với đại chúng.

Ngoài ra, Truyền kỳ Chử Đồng còn tô thêm những nét đặc biệt khác, như Chử Đồng học phép thần thông và đem cả dân chúng và phố xá về trời.

Tất cả những nét độc đáo đó chứng tỏ Truyền kỳ Chử Đồng không phải là một cổ tích bình thường, mà chứa đựng những đặc sáng kỳ diệuhàm ẩn nhiều bài học sâu xa của Tổ Tiên.*2

    *2 - Theo Lĩnh Nam Chích Quái thì Chử Đồng gặp một vị sư ở hải đảo. Tuy nhiên, nếu thực sự sống vào đời Vua Hùng thứ Ba như ở Lĩnh Nam Chích Quái, thì Chử Đồng đã sống trước Đức Phật Thích Ca cả ngàn năm. Đọc Lĩnh Nam Chích Quái, do Trần thế Pháp, bàn dịch Lê Hữu Mục, xb Huế 1960, tr 51-54.

*     *

3.2 Tiên Dung và Chử Đồng : Tiên và Rồng Trong Cuộc Sống.

Trước hết, ngay ở phần giới thiệu, Truyền kỳ Chử Đồng đã làm nổi bật hình ảnh Tiên và Rồng, hai biểu tượng nền tảng của Văn hóa Việt.

Công chúa Tiên DungTiên. Ngoài chữ Tiên trong tên, nàng còn là một người sống trong lâu đài, ở trên đỉnh chót vót của xã hội. Cũng như nàng tiên, công chúa là hình ảnh của những gì cao sang nhất mà con tim loài người có thể ước mơ.

Chử Đồng lại là hình ảnh rõ ràng của Rồng. Chàng sống bên bờ nước, sống nhờ nước, sống trong nước.

Hình ảnh Tiên Dung và Chử Đồng hiển nhiên nhắc nhớ Truyền kỳ Tiên Rồng. Như chúng ta đã biết, ngoài phần đặt nền tảng Nhận Diện Con Người với biểu tượng Tiên Rồng Song Hiệp, Truyền kỳ Tiên Rồng còn đặt nền tảng cho Xã Hội Loài Người, với biểu tượng Một Bọc Trăm Con và với hai nguyên lý nền tảng của xã hội là Bình Đẳng Căn cơ và Thân Thương Toàn tâm.

Giờ đây, với Tiên Dung và Chử Đồng, với cuộc sống của hai con người hiện thực và sống động trong không gian và thời gian, Truyền kỳ Chử Đồng lặp lại hình ảnh Tiên và Rồng để ứng dụng cụ thể hơn, chi tiết hơn.*3

    *3 - Đọc bài 2102. Nền Tảng Cuộc Sống Con Người và Xã Hội, đb đoạn 4.1 và 5.2.

*     *     *     *

4. BÀI HỌC BÌNH ĐẲNG

4.1 Nhận Thực Chính Mình.

a. Dùng thuyền dạo chơi, quanh quẩn bên bờ sông : Tìm Nhau.

Tiên Dung là công chúa, nên nàng ở cung điện cao sang và được mọi người yêu quý. Dầu tới tuổi lấy chồng, nàng cũng chỉ thích dùng thuyền dạo chơi.

Tiên ở trên đất, ở núi; Rồng ở dưới nước, ở sông biển. Vì vậy, hình ảnh nàng Tiên ngồi thuyền dong ruổi trên sóng nước chứng tỏ nàng Tiên của chúng ta đang đi tìm chàng Rồng của nàng.

Đang khi đó, thay vì ở dưới nước, chàng Rồng Chử Đồng lại quanh quẩn bên bờ sông. Chàng cũng chờ nàng Tiên duyên số.

b. Vùi mình dưới cát, lên bờ : Trở lại Chính Mình.

Tuy nhiên, khi vừa thấy nàng Tiên, để bộc lộ trọn vẹn bản chất Rồng của chàng, Chử Đồng đã vội vàng vùi mình dưới cát, như Rồng quay về thủy phủ.

Chính giây phút Rồng Chử Đồng về thủy phủ, thì nàng Tiên Tiên Dung cũng bước lên bờ, trở lại đất liền, như Tiên trở về với núi.

c. Tiêu chuẩn 1 : Nhận Thực Chính Mình.

Chàng và nàng tìm nhau. Trong khi đi tìm thì Tiên bỏ đất xuống nước, và Rồng bỏ nước lên bờ. Nhưng khi sắp chạm mặt thì Rồng lại xuống nước, mà Tiên thì lên bờ. Mỗi người trở về lại với chính mình một cách trọn vẹn.

Đây là tiêu chuẩn đầu tiên cho việc gặp gỡ giữa hai Con Người. Để thực sự gặp Con Người khác, trước hết chính mình phải đi tìm. Nhưng điều quan trọng lại là chính mình phải thực sự là mình, phải ý thức trọn vẹn về chính mình, phải biết rõ mình là ai.

Biết bao người cứ tưởng mình là con thần con thánh, là xuất chúng siêu phàm, để rồi đối xử với người khác một cách ngông cuồng, bất nhân. Trái lại, nhiều chủ trương coi con người là thú vật, học theo cách sống dã thú, nên tạo ra một xã hội khỉ đột man rợ.

Như thế, bất cứ ai để mình bị tha hóa, không còn trọn vẹn là chính mình, thì mối tương quan giữa họ với người khác cũng không còn hoàn hảo, không còn toàn vẹn là giữa Con Người với Con Người.

Để đối xử với người khác như là Con Người, trước hết mình phải NHẬN THỰC trọn vẹn về CHÍNH MÌNH.

*     *

4.2 Chỉ Thấy Con Người.

a. Công chúa chưa chồng, chàng không khố : Thân phận cách biệt.

Việc ý thức trọn vẹn về chính mình không phải là để khép kín, mà trái lại, để bộc lộ chính Con Người của mình cho Con Người khác một cách đầy đủ và tinh tuyền.

Trong xã hội, có ai được quý mến bằng nàng công chúa chưa chồng ? Được mẹ cha chiều chuộng, Tiên Dung sống trong giàu sang dư dật. Chưa chồng, xinh đẹp, nàng được mọi con tim ước mơ trìu mến. Vua cha còn có người ghét, chứ nàng thì chỉ có người thương. Không còn hình ảnh nào diễn tả sự đầy đủ và cao sang một cách trọn vẹn như thế.

Ngược lại, xã hội không có người nào bơ vơ khốn cùng bằng anh chàng Chử Đồng : không mẹ không cha, không anh em họ hàng, không bạn bè lối xóm, mà lại cũng không nhà cửa, không của cải, không áo quần, cái khố cũng không.

Mỗi người ở một cực điểm, thân phận cách biệt, tưởng chừng xa nhau hơn đất xa trời.

b. Vây màn Tắm gội, Rửa sạch cát bùn.

Thế nhưng, Tiên Dung đã lên bờ, đã vây màn ngăn cách với đám người xung quanh, với giàu sang quyền tước. Nàng lại còn cởi bỏ xiêm y, và lấy nước gội sạch son phấn trên người nàng.

Kinh dị thay, chính dòng nước gội son phấn của Nàng cũng là dòng nước rửa hết cát bùn trên con người Chàng. Vốn đã không có gì, giờ đây Chử Đồng lại càng tinh vẹn hơn.

Ở giây phút linh thiêng đó, khi hai người không còn bị phân cách bởi ngoại vật, bởi quần áo, bởi cát bùn hay son phấn, khi không còn bị bất cứ gì làm sai lạc hình ảnh của chính mình cũng như của người kia, khi chỉ còn là hai Con Người toàn vẹn và tinh tuyền, khi đó, họ gặp nhau.

c. Họ kết duyên.

Truyền kỳ nhấn mạnh : họ không chỉ gặp nhau, mà còn kết duyên.

Khi đã gặp nhau như hai con người toàn vẹn và tinh tuyền, không để bất cứ ngoại vật hay quyền thế nào xen vào, họ kết duyên, chung nhau thành một cuộc sống.

d. Tiêu chuẩn 2 : Chỉ Thấy Con Người.

Đây là tiêu chuẩn thứ hai của việc đối xử giữa Con Người với Con Người.

Ai cao sang đầy đủ hơn Tiên Dung ? Ai nghèo khổ cô quạnh bằng Chử Đồng ? Vậy mà hai người đã biết gặp nhau trong bình đẳng, không chút cách biệt.

Hai người đã gặp nhau, đã kết duyên thành vợ chồng, thì xã hội còn kẽ hở nào để phân chia giai cấp ? Khi Mẹ Tiên từ đỉnh núi đã song hiệp với Cha Rồng tận đáy thủy phủ, thì con cháu lấy gì mà tính kẻ cao người thấp ?

Đây chính là hình ảnh căn cội về quan niệm sống Bình Đẳng Xã Hội. Giữa hai con người với nhau, khi đối xử với nhau, phải như Tiên Dung và Chử Đồng, không để bất cứ ngoại vật, hoàn cảnh, hay tâm trạng nào chi phối, mà phải CHỈ THẤY CON NGƯỜI, Con Người toàn vẹn và tinh tuyền.

*     *

4.3 Tài Của Giúp Người.

a. Tiên Dung đem Của cải lập phố xá.

Tuy nhiên, trong cuộc sống thực tế, dầu quyết tâm không để ngoại vật chi phối, chúng ta vẫn có khuynh hướng căn cứ vào của cải và tài năng mà khen chê, khinh trọng, hay phân ngôi chia cấp.

Vì vậy, Truyền kỳ Chử Đồng tiếp tục chỉ dạy chúng ta qua việc Tiên Dung đem của cải phát triển làng thôn phố xá.

Tiên Dung là công chúa nên có của cải. Nhưng đây cũng thuộc đặc tính của Tiên. Tiên ở núi nên có vàng bạc ngọc ngà. Nàng đem hết tình mẹ Tiên ra dưỡng nuôi bảo bọc, lập phố xá, buôn bán, canh tác... giúp tăng triển cuộc sống.

b. Chử Đồng trổ Tài dạy biến hóa.

Phần Chử Đồng, vì là Rồng, nên chàng ra biển vẫy vùng, thi thố tài năng, thiên biến vạn hóa. Chàng trổ hết tài Rồng truyền dạy cách biến hóa, vẫy vùng mây nước, nhiều phương thức mới mẻ, nhiều sáng kiến sáng tạo... để cải tiến cuộc sống...

c. Sung túc khác thường.

Được Mẹ dùng Của dưỡng nuôi, được Cha đem Tài chỉ dạy, cuộc sống dân chúng trở thành sung túc khác thường. Mọi người sống trong yêu thương đùm bọc, tài năng được phát triển tột cùng.

Cuộc sống không chỉ no ấm, mà còn phát triển, tăng trưởng, thanh bình, hạnh phúc.

d. Tiêu chuẩn 3 : Tài Của giúp Người.

Đó là gương Mẹ gương Cha. Mẹ Cha đã không phân chia giàu nghèo sang hèn, mà chỉ thấy nhau là Con Người tinh vẹn. Nhờ đó Mẹ Cha đã gặp nhau và đã song hiệp hai cuộc sống. Vì vậy, Mẹ Cha cũng không dùng của cải tài năng để phân chia hay thống trị, mà trái lại, đem tất cả ra giúp đỡ mọi người.

Đây là bài học thứ ba về cách cư xử trong xã hội. Để Xã Hội Con Người được Bình Đẳng và Phát Triển, tài năngcủa cải phải được dùng để giúp đỡ người khác, chứ không phải để làm phương tiện đàn áp lừa lọc, hoặc phân ngôi chia cấp. TÀI CỦA GIÚP NGƯỜI.

*     *

4.4 Mọi Người Cùng Hưởng.

Truyền kỳ Chử Đồng còn đoạn kết : vì vua quan nghi ngại, nên Chử Đồng và Tiên Dung đem dân chúng và phố xá về trời.

a. Vua quan nghi ngại.

Vua quan nghi ngại chứng tỏ công việc của Tiên Dung Chử Đồng không chỉ hạn hẹp trong ‘phố xá’, mà ảnh hưởng còn lan rộng tới dân tới nước.

Đây là cuộc sống đụng chạm tới quyền chức, nhưng được mọi người mong đợi, khát khao.

b. Đem dân chúng và phố xá về trời.

Về trời, được sống trên trời, ở miền cực lạc, chính là hình ảnh của cảnh sống sung sướng hạnh phúc toàn vẹn.

Không có hình ảnh nào đầy đủ hơn để diễn tả thành quả của xã hội trong đó mọi người đều nhận thức đích xác về chính mình, đối xử với nhau trọn vẹn giữa Con Người với Con Người, và mọi người đều đem hết của cải tài năng của mình mà giúp đỡ nhau.

Cuộc sống thanh bình hạnh phúc tuyệt vời đó không những bàng bạc trong xã hội con người, mà còn tỏa lan ra cho cả thú vật cỏ cây. Không những Tiên Dung và Chử Đồng đã đem toàn thể dân chúng về trời, mà cả phố xá cũng được về theo.

Khi Con Người yên vui hạnh phúc thì chim muông cỏ nội cũng được hưởng nhờ.

c. Tiêu chuẩn 4 : Mọi Người Cùng Hưởng.

Thực vậy, xã hội chưa thể thực sự hạnh phúc khi chỉ mới có một nhóm được hưởng nhờ, khi còn có người bị bỏ sót. Con Người chỉ được hạnh phúc trọn vẹn khi mà tất cả mọi người, và cả khung cảnh sống, cùng được chung hưởng.

Đây cũng là yếu tố nền tảng của Cuộc Sống Xã Hội. Xã hội chỉ thực sự Bình Đẳng, Con Người chỉ thực sự sống trọn chính mình, đối xử với nhau chỉ thực sự bằng Con Người tinh vẹn, tài năng và của cải chỉ thực sự được xử dụng để thăng tiến Con Người, khi mà MỌI NGƯỜI CÙNG HƯỞNG.

*     *

4.5 Cuộc Sống Bình Đẳng, Tiêu chuẩn Sinh Hoạt giữa Người và Người.

Với cuộc tương giao giữa nàng công chúa Tiên Dung và chàng không khố Chử Đồng, việc Sinh Hoạt Chung, nếp sống Bình Đẳng giữa con người và con người, đã bộc lộ qua bốn tiêu chuẩn :

a. Hai tiêu chuẩn Nền tảng.

Trước hết, tự bản thân mỗi người, phải Nhận Thực Chính Mình, thấy rõ mình một cách trọn vẹn, với mọi khả năng và giới hạn của một con người. Đây là phẩm cách cần thiết để mỗi người có thể khởi sự Sinh Hoạt Chung.

Từ nền tảng đó, đối với người khác, cũng Chỉ Thấy Con Người, tinh tuyền và trọn vẹn, không để bất cứ ngoại vật nào làm sai lạc hình ảnh đích thực của nhau. Tâm trạng nầy bảo đảm Sinh Hoạt Chung được trung thực và xác đáng.

* Đây cũng chính là ứng dụng thực tại của hai biểu tượng Tiên Rồng, và của tương quan sóng đôi, song hiệp, 50-50, giữa Tiên Rồng.

b. Hai tiêu chuẩn Thực Hành.

Từ nền tảng tương quan Tiên Rồng đó, Truyền kỳ Chử Đồng đặt tiêu chuẩn sinh hoạt chung với những người chung quanh, tức là với Trăm Anh Em Một Bọc.

Để thực hiện Sinh Hoạt Chung, mỗi người và mọi người đều chung góp Tài sức Của cải để Giúp Nhau tăng trưởng. Đây là phương thức của tất cả mọi sinh hoạt thực tiễn từng ngày.

Chủ đích, cũng là động cơ, là mục tiêu, là tiêu chuẩn xác định của Sinh Hoạt Chung, là Mọi Người Cùng Hưởng, mọi người cùng chung hưởng mọi lợi ích chung, không trừ ai.

c. Thể hiện Xã Hội Bình Đẳng.

Khi đặt nền tảng bình đẳng trên giao tiếp Tiên Rồng Song Hiệp, để thể hiện bình đẳng vào cuộc sống Anh Em Một Bọc, Truyền kỳ Chử Đồng đã khai triển thực dụng Truyền kỳ Tiên Rồng, và đã nêu lên những tiêu chuẩn đích thực và chính đáng cho một Xã hội Loài người thực sự BÌNH ĐẲNG tận CĂN CƠ, tới tột cùng.

Với những tiêu chuẩn nầy, Sinh Hoạt Chung của con người mới thực sự bộc lộ và thể hiện Con Người toàn vẹn, trong một Xã Hội cũng đích thực là Người.

*     *     *     *

5. BÌNH ĐẲNG CĂN CƠ Trong VĂN HÓA VIỆT

5.1 Nghĩa : Nền Tảng Sinh Hoạt Chung.

Nếp sống dân Việt đã thấm nhuần những nguyên tắc nền tảng Sinh Hoạt Chung được kết tinh trong Truyền kỳ Chử Đồng, và gồm tóm tất cả vào một chữ NGHĨA. ‘Nghĩa’ phổ biến rộng rãi đến nổi đã theo địa phương mà biến âm thành Ngãi, Ngỡi.

Sinh Hoạt Chung lớn nhất là mọi người chung góp tài sức của cải để lo cho Dân cho Nước, và được gọi là Nghĩa Cả, Đại Nghĩa.

Cũng vậy, khi cùng nhau lo việc Dân an Nước thịnh thì được gọi là Chính Nghĩa, Vì Nghĩa, khởi nghĩa, nghĩa quân, nghĩa dũng, nghĩa sĩ, nghĩa khí...

Ở tầm độ nhỏ hơn, có nghĩa cha con, nghĩa vợ chồng, nghĩa thầy trò, nghĩa bạn hữu...

Tất cả đều nói lên mục đích của Sinh Hoạt Chung là tạo lợi ích cho nhau, cho mọi người. Mọi Người Cùng Hưởng.

*     *

5.2 Vài Nét Lịch Sử.

a. Ngăn chận Lạm Quyền.

Những người nhắm mắt nói theo đã không ngớt lặp đi lặp lại rằng lịch sử Việt Nam đầy dẫy những vua quan chuyên chế áp bức.

Bất cứ ở đâu, bất cứ thời nào, cũng có những người tham quyền lạm chức. Nhưng nhìn chung, chúng ta không khỏi hãnh diện rằng Văn hóa Việt, khác những văn hóa khác, đã không dung túng bọn lạm dụng quyền chức.

Cũng có những thời suy thoái, nhiều người ác lộng hành. Nhưng hơn bất cứ lịch sử dân tộc nào khác, dân tộc Việt không có những chuỗi ngày bị bạo chúa thống trị. Suốt dòng lịch sử mấy ngàn năm, chỉ có Lê Long Đỉnh bị coi là bạo chúa, nhưng cũng không sống được bốn năm. Cứ so sánh với lịch sử các nước thì rõ.*4

    *4 - Trường hợp Lê Long Đỉnh cần được xét lại. Sử còn ghi chính Lê Long Đỉnh đã cho em ông dẫn phái đoàn qua Trung quốc thỉnh Kinh Phật. Ngoài ra, sau Lê Long Đỉnh, nhà sư Lý Công Uẩn lên ngôi. Do đó, những bạo hành của Lê Long Đỉnh đối với các nhà sư không thể thiếu yếu tố chính trị, âm mưu, tranh giành... Việc ông rủi ro bị bịnh, không thể ngồi, thì không thể coi là một tội.

b. Đóng góp Tài Đức.

Nhan nhản qua mọi thời đại, người Việt Nam làm quan với quan niệm rõ ràng là đóng góp tài đức cho dân nước. Sau ba bốn mươi năm quyền chức, họ vui vẻ trở về sống lại nếp sống người dân lam lũ, gia cảnh thanh bạch

Gặp thời không thuận tiện, họ không ngần ngại treo ấn từ quan, không sợ trở về nếp sống dân dã mà giữ được khí tiết.

Bất cứ ai nhờ quan chức mà làm giàu, đều bị mọi người ra mặt khinh chê.*5

    *5 - So sánh với nếp sống của giới quyền chức nho sĩ Trung Hoa, để thấy sự khác biệt. Phú gia địch quốc.

*     *

5.3 Định chế Phép Vua Lệ Làng.

Việc bảo tồn và đưa phép vua lệ làng trở thành định chế, cũng là một đặc điểm xã hội của Văn hóa Việt. Định chế nầy là một nét đặc thù quan trọng, và được quảng diễn ở Nếp Sống Làng Thôn, kết tinh thành Truyền kỳ An Tiêm.*6

    *6 - Đọc bài 2106. Nếp Sống Làng Thôn, đb phần 7.

Ở các văn hóa khác, vua quan đã xử dụng quyền hành và can thiệp tới cả đời sống gia đình và bản thân của từng người dân.

Ngay cả hiện nay, các chủ nghĩa hiện thời cũng đang làm đủ cách để kéo con người ra khỏi tổ ấm gia đình. Khi con người chỉ còn là một cá nhân đơn độc bơ vơ, những thế lực thống trị, quyền chức và tiền của, sẽ dễ dàng khuynh đảo.

Nhưng trong xã hội Việt, quyền vua quan dừng lại ở cổng làng. Trong làng, nếp sống tương thân và dân chủ vẫn tồn tại suốt mấy ngàn năm.

Dầu bọn vọng ngoại có cố thổi phồng những tệ đoan của thời suy thoái, chúng cũng không thể đánh tan được niềm tin, sự hãnh diện cũng như truyền thống, đã ăn sâu vào lòng dân tộc.*7

    *7 - Trung Hoa và phương Tây không có thể chế Làng - Nước.

*     *

5.4 Các Tục Lệ Quý trọng Con Người.

a. Trọng Thiên tước hơn Nhân tước.

Định chế thiên tước nhân tước lại là một đặc tính quan trọng và nổi bật khác của nền văn hóa dựa trên Truyền kỳ Chử Đồng.

Chúng ta kính quý người lớn tuổi, coi tuổi thọ là tước Trời ban, tức là coi trọng năm sống, trọng kinh nghiệm sống, nghĩa là trọng chính bản thân của Con Người.

Còn nhân tước, tức là quyền, chức, địa vị, giàu sang... thì chỉ là do con người, và căn cứ trên tài năng của cải... nên Văn hóa Việt coi thấp hơn thiên tước.

Dầu làm quan lớn, nhưng khi không thi hành chức vụ thì các vị nhiều tuổi vẫn được kính trọng hơn. Khi làm quan thì không được hành sự tại vùng mình sinh trưởng, và hễ về làng thì vẫn phải giữ đúng địa vị con cháu trong làng.

b. Mới sinh tính Một Tuổi : quý trọng từ khi Thành Thai.

Một số tục lệ có vẻ đơn sơ nhưng thực sự đã nói lên được sự quý trọng Con Người đến tột cùng. Chỉ Thấy Con Người.

Nhiều người ngạc nhiên vì sao em bé mới chào đời đã được tính một tuổi. Thực ra thì chỉ có chín tháng mười ngày, trong bụng mẹ. Nhưng, cũng như việc để tang, Tổ Tiên tính đó là một năm.

Văn hóa Việt đã kể ta là một Con Người trọn vẹn, một phần tử của gia đìnhcủa xã hội, ngay từ lúc ta thành thai trong lòng mẹ.

Quý trọng, trìu mến, và đích xác biết bao !*8

    *8 - Gọi là ‘năm thai nhi’. Chín tháng 10 ngày, trong bụng mẹ, được kể là một năm. Cũng vì vậy, khi để tang ‘3 năm’ cũng có nghĩa là 27 tháng và 30 ngày. Thực tế, chỉ tính 27 tháng theo lịch, vì trong 27 tháng, khi nào cũng có ít nhất một tháng, 30 ngày, nhuận.

c. Gọi cha mẹ bằng Tên Con.

Phong tục khác cũng dễ thương và ý nghĩa không kém. Đó là việc dùng tên con để gọi cha mẹ.

Từ khi có con, hai vợ chồng được quý mến và kính trọng thêm, đến nỗi tên của riêng họ cũng trở thành húy kị. Người thân sẽ dùng tên đứa con mà kêu cha mẹ nó, còn vợ chồng thì lấy đứa con làm chuẩn mà gọi nhau : mẹ nó, bố nó, tía nó, má sắp nhỏ... Tất cả đều nhắc nhớ đứa béđề cao cái vinh dự của hai người đã tạo sinh một Con Người.

Mà có gì quý trọng bằng Con Người ?

*     *

5.5 Chế Độ Nô Lệ.

Không có dấu vết nào trong lịch sử cho thấy xã hội Việt có những giai cấp bẩm sinh.

Xã hội Việt cũng không hề có chế độ nô lệ. Cũng như mọi xã hội khác, xã hội ta cũng có kẻ giàu người nghèo, cũng có người nầy giúp việc cho người nọ. Nhưng Văn hóa Việt không bao giờ chấp nhận, cũng như không bao giờ tin rằng có những Con Người được sinh ra để làm nô lệ cho những Con Người khác.

*     *     *     *

6. CÁC BÀI HỌC KHÁC

Truyền kỳ Chử Đồng khai triển Truyền kỳ Tiên Rồng, đặt nền tảng trên biểu tượng Tiên và Rồng, để dạy cách sống thực tế giữa Tiên Rồng và Anh Em Một Bọc. Do đó, tự nó, Truyền kỳ Chử Đồng là mẫu mực của một cuộc sống hoàn hảo, và hàm chứa nhiều bài học Làm Người Hạnh Phúc và Phát Triển Xã Hội.

Những Bài Học hàm súc nầy lại được khai triển nơi các Truyền kỳ kế tiếp của Bộ Truyền Kỳ.

Truyền kỳ Tiết LiêuAn Tiêm cùng nhau khai triển bài học Sinh Hoạt Phát Triển.

Truyền kỳ Vọng PhuTrương Chi thì khai triển những bài học Tương Thân... để mọi người có thể thực sự sống cuộc sống trọn vẹn và hạnh phúc.

*     *     *     *

7. TRUYỀN KỲ CHỬ ĐỒNG và Một Số VẤN ĐỀ LIÊN QUAN

7.1 Vấn đề BÌNH ĐẲNG.

a. Bình Đẳng và Đồng Đẳng.

Không nên lẫn lộn bình đẳng với đồng đẳng.

Bình Đẳng không có nghĩa là con cái cũng ngang hàng với cha mẹ, người già người trẻ bằng nhau.

Khi nói bình đẳng, ta lấy Con Người làm tiêu chuẩn. Hễ ai là Con Người, thì mọi người, ai cũng như ai, đều có quyền hưởng Hạnh Phúc Làm Người như nhau. Nhưng công tác và nhiệm vụ của tổ chức xã hội luôn đòi buộc phẩm trật. Có cha thì mới có con, có anh trước có em, có cộng đoàn thì có nguời điều hợp, chỉ huy...

b. Bình Đẳng và Quyền Hành.

Bình Đẳng không có nghĩa là loại bỏ quyền hành.

Tuy nhiên, phải quan niệm quyền hành đúng nghĩa. Quyền hành không do bẩm sinh, cũng không do dòng họ hay đặc ân.

Quyền hành là phép được sử dụng phương tiện cần thiết để chu toàn nhiệm vụ. Hễ có nhiệm vụ, có Việc Chung phải đảm trách, thì cũng được quyền tương xứng để chu toàn nhiệm vụ. Khi không thi hành nhiệm vụ thì không có quyền. Hết nhiệm vụ, quyền cũng hết theo.

Khi tấn công đồn địch, mọi người đều phải theo lịnh vị chỉ huy, dù đó là lịnh vào chỗ chết. Có như thế thì mọi người tham dự mới có thể cùng nhau chu toàn nhiệm vụ chiếm đồn.

Quyền hành là để phục vụ hữu hiệu. Phục vụ hữu hiệu là nguồn gốc của mọi quyền hành.

c. Bình Đẳng và Đặc Quyền.

Dấu chỉ rõ ràng nhất của bất công xã hội là sự hiện diện của Nhóm Đặc Quyền, tức là những người được hưởng quyền lợi vượt quá nhiệm vụ của mình. Bất cứ ở đâu, bất cứ ở chế độ nào, dầu với nhiệm vụ gì, dầu dưới danh xưng nào, hễ có Nhóm Đặc Quyền thì có bất công.

Đặc quyền càng nhiều, càng lâu dài, nhóm hưởng đặc quyền càng đông, thì bất công càng khủng khiếp.

*     *

7.2 Vấn đề Diệt trừ Bất công.

Các chủ nghĩa và chế độ hôm nay đã thất bại trong cố gắng diệt trừ bất công, vì chúng đã tạo ra những áp chế mới ! Chúng áp đặt ảo tưởng chúng đã giải phóng Con Người. Nhưng trên thực tế, dưới một hình thức khác, chúng lại nô lệ hóa Con Người khủng khiếp hơn.

Chúng thống trị con người bằng việc hạn chế cơm ăn áo mặc, hoặc ngược lại, bằng việc tạo thêm thực nhiều nhu cầu không cần thiết... Chúng thi hành chính sách ngu dân bằng cách vô hiệu hóa việc giáo dục, bưng bít thông tin, hoặc bằng việc trút đổ tràn ngập thông tin hỗn loạn và ca nhạc nghệ thuật kích động, kích dục... để dân chúng không còn thời gian suy tư, trầm tĩnh, nhận định...

Đang khi đó, Truyền kỳ Chử Đồng của Văn hoá Việt, với chàng Chử Đồng không khố và nàng công chúa Tiên Dung, đã đưa ra không chỉ những quan niệm xác đáng, mà còn những tiêu chuẩnphương thức hành động, để xã hội được thực sự bình đẳng, loại trừ giai cấp, loại trừ đặc quyền, loại trừ lạm dụng quyền thế, kỳ thị chủng tộc... ! Tất cả !*9

     *9 - Đọc thêm những khai triển vào đời sống thực tế : bài 2105. Tiêu Chuẩn Làm Việc Nước, và bài 2106. Nếp Sống Làng Thôn. 

*     *

7.3 Luật cung cầu và Luật Phần Trăm.

Luật cung cầu đang được coi là động cơ phát triển kinh tế hiện nay.

Thực ra, Luật Cung Cầu đã trở thành phương thức bóc lột của chế độ Tư Bản. Luật cung cầu ngày càng tạo ra những quảng cáo, những vật dụng phung phí, những nhu cầu không cần thiết cho người tiêu thụ.

Nhu cầu không cần thiết càng nhiều, phương thức hoàn trả càng ‘dễ dãi’, thì giới sản xuất, giới chuyên môn, giới thu góp tiền của, càng được lợi... Cuộc sống của đại đa số dân chúng trở thành chật vật hơn. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng xa cách.

* Để bảo đảm cuộc sống phát triển chung không quá chênh lệch, cần thay lợi tức dựa trên cung cầu bằng Lợi tức Phần Trăm dựa trên chi phí. Nhà cung cấp hưởng lợi tức dựa trên phần trăm của chi phí dịch vụ. Dĩ nhiên, số phần trăm nầy có thể được ấn định khác nhau, tùy theo loại dịch vụ.

Đang khi đó, giữa các nhà cung cấp, Luật Cạnh Tranh vẫn cũng là động cơ phát triển chính.

*     *

7.4 Văn hóa Phương Tây với Công Lý.

a. Mạnh được Yếu thua.

Từ thời xa xưa, người phương Tây đã có nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng cách đấu kiếm hoặc đấu súng.

Cuộc thách đấu nhiều khi chỉ do một câu nói chạm danh dự. Nhiều bạn hữu làm trọng tài (!)... Có thời, dùng tài sức giết chết một người khác được coi là phương thức biểu lộ công lý nơi tôn giáo (!).

Ngày nay, không những ta còn thấy nguyên tắc nầy tràn ngập trong phim ảnh, mà cả trong phản ứng hằng ngày.

Bất cứ ở đâu, khi có hai người đánh nhau, là tất cả những người khác vây lại cổ võ. Không ai nghĩ tới chuyện can gián, hoặc đem tình đem lý để giải hòa. Người ta hùa nhau khuyến khích, hò hét, đánh cá, mà không cần biết hai người đánh nhau vì lý do gì, cũng không cần biết ai đúng ai sai... Họ chỉ cần coi ai mạnh ai yếu, họ chỉ chờ để hoan hô người thắng !

b. Ai Thắng thì có Công Lý.

Tất cả đều nói lên một nét nền tảng của văn hóa phương Tây : Ai Thắng Thì Có Công Lý.

Hai người đấu nhau, ai giết được người khác thì được hoan hô, được công nhận là đúng, là hợp lý, là ngay thật, là thanh liêm, là đạo đức... Ai mạnh hơn, ai rút súng nhanh, ai giết người giỏi, thì công lý đứng về phe người đó.

Đây không phải là chuyện xa xưa, mà hiện nay lại còn được nâng lên thành nền tảng của các chủ nghĩa, thành nguyên tắc đối xử giữa hai con người, cũng như giữa hai nhóm người, hai công ty, hai đảng phái, hai quốc gia, hai khối.

c. Thân phận Đại chúng.

Khi mạnh sức, đâm giỏi, bắn nhanh, thủ đoạn, là biểu lộ của công lý, thì thân phận của những người bình thường, không có tấc sắt trong tay, sẽ ra sao ?

Khi tài và sức là công lý, thì thân phận của hơn 99% nhân loại kém tài yếu sức sẽ ra sao ?

Nếu chỉ biết tranh sức tranh tài, thì có khác gì ác thú ?

*     *

7.5 Văn hóa Phương Tây với Mạng Người.

a. Coi thường Mạng Người.

Coi thường mạng sống Con Người là một trong những nét nổi bật của văn hóa phương Tây.

Không ai có thể liệt kê hết những khủng khiếp của lịch sử người phương Tây đối xử với nhau, và với những giống dân khác trên thế giới... mà nhiều khi họ coi là ơn ích văn minh của họ. Những đại anh hùng của họ thường là những tên tội đồ tàn ác nhất nơi các dân tộc khác. Lịch sử càng cận đại thì tai họa càng khủng khiếp.

b. Giải trí giết Người.

Vết tích của quan niệm nầy được ghi rõ trong những cuộc vui giải trí để coi các đao phủ song đấu hoặc coi sư tử xé xác người.

Họ vui chơi bằng cách coi hai người giết nhau, coi đoàn người khiếp sợ la hét trước khi bị thú dữ xé xác. Họ hoan hô và kính phục kẻ nào giết chết được người khác. Họ chê bai những con sư tử giết người quá mau, không cho họ kịp thưởng thức những kinh hoàng của nạn nhân trước khi bị xé xác. Họ hả hê ra về khi vận động trường ướt đẩm máu người.

Họ còn được dạy thêm những gương thánh là phải tận diệt những giống dân cản trở họ, dầu súc vật cũng không tha... phải thi nhau cầm đá ném chết người khác để chứng tỏ mình mộ mến thuần phong mỹ tục.

c. Hiện nay tệ hại.

Ở thời ‘văn minh’, họ đi coi đấu bò, coi những con thú bị đâm từng lát, máu chảy thành vòi. Họ hả hê thưởng thức cảnh kéo dài nỗi đau xé ruột của con vật bị thương, họ vổ tay reo vui khi con thú vô tội quằn quại hấp hối.

Trò giải trí nổi danh của họ là mua vé thưởng thức cảnh một người đánh cho người kia ngất xỉu... đánh cho một người ngất lịm càng sớm, thì càng được kính phục, càng được nhiều người ngưỡng mộ, càng giàu sang quyền thế.

Phim ảnh, sách vở, và trò chơi điện tử hiện nay lại càng khủng khiếp hơn. Họ lấy việc giết người làm trò chơi phổ thông.

Ôi văn hóa ! Mạng người còn không trọng, nói chi tới Bình Đẳng.

*     *

7.6 Phương Tây với Vấn đề Nô Lệ.

a. Trước đây.

Trước đây, phương Tây đã tạo ra những nhà cai trị, những nhà tư tưởng, những triết gia và cả những giáo phẩm, đã ngụy chứng rằng những sắc dân khác được sinh ra là để phục vụ họ. Họ có cả những chính sách, những trào lưu, những bộ luật, những triết thuyết, cổ võ chế độ nô lệ là đúng lẽ tự nhiên.

* Văn hóa Việt làm gì có những chuyện khủng khiếp đó.

b. Hiện nay.

* Nô lệ không chỉ là chuyện của quá khứ. Nhiều chế độ thịnh hành hiện nay cũng là con đẻ của chủ trương nô lệ hóa Con Người, coi Con Người chỉ là phương tiện, là máy móc, là súc vật.

Tàn tích của chế độ nô lệ, dưới nhiều hình thức, cũng đang dẫy đầy lịch sử các nước và đang được ca tụng như những kỳ quan thế giới. Cuộc chinh phục của Thành Cát Tư Hản, các cuộc buôn bán nô lệ thời La Hy, các tổ chức Tây Âu bắt cóc và bán hàng triệu người da đen mới đây...

Vạn Lý Trường Thành, Coliseum, Versailles... kể cả những vệ tinh nhân tạo của Liên sô, hệ thống dẫn dầu ở Đông Âu... tất cả đều đã và đang được xây dựng trong tinh thần phung phí mạng sống Con Người.

Những cung điện đồ sộ khắp nơi, những mỹ thuật kịch nghệ thượng lưu, nhạc thính phòng... sở dĩ có là để phục vụ tính hoang phí của bọn người chuyên sống trên mồ hôi nước mắt của những Con Người khác.

* Những thứ đó, Văn hóa Việt hãnh diện vì không có. Ta không có chứ không phải thiếu, vì chúng vừa không cần thiết, lại vừa nguy hại cho nếp sống mà tất cả mọi người đều được tôn quý, không ai áp chế ai... Tiền của tài năng là để giúp cho tất cả mọi người, mọi người cùng hưởng, không trừ ai.

*     *     *     *

8. TÓM LƯỢC VÀ SƠ ĐỒ

8.1 Tóm Lược.

Truyền kỳ CHỬ ĐỒNG : Tiêu chuẩn để Sống Bình Đẳng.

1. DẪN NHẬP

2. TRUYỀN KỲ CHỬ ĐỒNG

3. TIÊN DUNG Và CHỬ ĐỒNG

     3.1 Truyền kỳ : tiềm ẩn nhiều bài học.

     3.2 Tiên Dung và Chử Đồng : Tiên và Rồng trong cuộc sống.

4. BÀI HỌC BÌNH ĐẲNG

     4.1 Nhận Thực Chính Mình.

           a. Dùng thuyền dạo chơi, quanh quẩn bên bờ sông : Tìm Nhau.

           b. Vùi mình dưới cát, lên bờ : Trở lại Chính Mình.

           c. Tiêu chuẩn 1 : Nhận Thực Chính Mình, ý thức trọn vẹn về chính mình.

     4.2 Chỉ Thấy Con Người.

           a. Công chúa chưa chồng, chàng không khố : thân phận cách biệt.

           b. Vây màn Tắm gội, Rửa sạch cát bùn : hai Con Người toàn vẹn và tinh tuyền.

           c. Họ kết duyên : chung nhau thành một cuộc sống.

           d. Tiêu chuẩn 2 : Chỉ Thấy Con Người, gặp nhau trong bình đẳng.

     4.3 Tài Của Giúp Người.

           a. Tiên Dung lập phố xá : dùng Của cải, tăng triển cuộc sống.

           b. Chử Đồng dạy thần thông : trổ Tài năng, cải tiến cuộc sống.

           c. Sung túc khác thường : thanh bình, hạnh phúc.

           d. Tiêu chuẩn 3 : Tài Của Giúp Người, bình đẳng và phát triển.

     4.4 Mọi Người Cùng Hưởng.

           a. Vua quan nghi ngại : ảnh hưởng tới dân nước.

           b. Đem dân chúng và phố xá về trời : cảnh sống sung sướng hạnh phúc toàn vẹn.

           c. Tiêu chuẩn 4 : Mọi Người Cùng Hưởng, yếu tố nền tảng của cuộc sống xã hội.

     4.5 Cuộc Sống Bình Đẳng, Tiêu chuẩn Sinh Hoạt Chung.

           a. Hai tiêu chuẩn Nền tảng : Nhận Thực Chính Mình, Chỉ Thấy Con Người

           b. Hai tiêu chuẩn Thực Hành : Tài Của Giúp Người, Mọi Người Cùng Hưởng.

           c. Thể hiện Xã Hội Bình Đẳng căn cơ : nền tảng trên Tiên Rồng song hiệp, thực

               hành nơi Anh Em Một Bọc.

5. BÌNH ĐẲNG CĂN CƠ Trong VĂN HÓA VIỆT

     5.1 Nghĩa : Nền Tảng Sinh Hoạt Chung.

     5.2 Vài Nét Lịch Sử.

           a. Ngăn chận Lạm Quyền : không dung túng lạm dụng.

           b. Đóng góp Tài Đức : làm quan.

     5.3 Định chế Phép Vua Lệ Làng : tương thân và dân chủ.

     5.4 Các Tục Lệ quý trọng Con Người.

           a. Trọng Thiên tước hơn Nhân tước : quý trọng chính con người.

           b. Mới sinh tính một tuổi : quý trọng từ khi Thành Thai.

           c. Gọi cha mẹ bằng Tên Con : nhắc nhớ đứa bé, đề cao vinh dự làm Mẹ, Cha.

     5.5 Chế Độ Nô Lệ : xã hội Việt không hề có.

6. CÁC BÀI HỌC KHÁC

     Bài học Sinh Hoạt Phát Triển : khai triển ở Truyền kỳ Tiết Liêu và An Tiêm.

     Bài học Tương Thân : khai triển ở Truyền kỳ Vọng Phu và Trương Chi.

7. TRUYỀN KỲ CHỬ ĐỒNG và Một Số VẤN ĐỀ LIÊN QUAN

     7.1 Vấn đề Bình Đẳng.

     7.2 Vấn đề Diệt trừ Bất công.

     7.3 Luật cung cầu và Luật Phần Trăm.

     7.4 Văn hóa Phương Tây với Công Lý.

     7.5 Văn hóa Phương Tây với Mạng Người.

     7.6 Phương Tây với chế độ Nô Lệ.

8. TÓM LƯỢC VÀ SƠ ĐỒ

8.1 Tóm Lược.

*     *

 

 

Nguyễn Thanh Đức 2013.

Trở về Đầu Bài

 


Mời đọc tiếp các bài :

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15

Xem các bài viết khác trong Paul Nguyễn Đức Sách , Khoá 7 GHHV Đà Lạt Việt Nam.