Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 THAO THỨC (14) -2013-

 THAO THỨC (15) -2014-
 

ĐÔI CHÚT TÂM SỰ VỀ NHỮNG NỖI SỢ

 

1.

Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình có lần đã nói với tôi về một nỗi sợ của Ngài. Ngài nói: “Tôi sợ loại linh mục không biết sợ. Họ không sợ giáo dân, không sợ giám mục của mình, không sợ chính quyền, không sợ cả Chúa”.

Tôi nghĩ Đức Tổng có vẻ nói chơi, mà cũng nói thực.

2.

Phần tôi, tôi còn sợ hơn Ngài, ở điểm này là tôi sợ chính bản thân tôi. Bởi vì như thánh Phaolô nói: “Điều thiện tôi muốn thì tôi lại làm. Còn điều ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Nơi tôi đúng là như vậy. Có những điều thiện chắc là điều thiện. Có những điều ác rõ là điều ác. Thế mà tính yếu đuối của tôi vẫn cứ làm sai. Chỉ ơn Chúa mới cứu tôi được. Nhưng tôi cũng phải phấn đấu hết mình.

3.

Khi về già, lại thêm đau bệnh, tôi thấy nhiều nỗi sợ mới đã phát sinh trong tôi. Ở đây, tôi chỉ xin kể mấy loại người tự nhiên tôi sợ. Không biết họ có sức thực sự gây sợ hãi cho tôi, hay chính bản thân tôi quá yếu nên sợ. Dù sao, nỗi sợ hãi nơi tôi là rất lớn và rất thực.

Thứ nhất là những người quen sống lừa dối.

Thứ hai là những người quen tự mình nâng mình lên.

Thứ ba là những người quen nói xấu người khác.

Thứ bốn là những người quen coi thường trách nhiệm.

Tôi không ghét họ, không kết án họ, không nguyền rủa họ. Nhưng tôi đau đớn và sợ vì tôi nhìn thấy nơi họ có một sức phá hoại của hoả ngục. Nỗi sợ của tôi đôi khi làm tôi mất sự bình an.

4.

Trong nỗi sợ ấy, tôi cầu nguyện Trái Tim Chúa Giêsu. Tôi hay thầm thĩ lời cầu vắn tắt này: “Lạy Trái Tim Chúa Giêsu, hiền lành và khiêm nhường, xin thương xót con”. Kết quả là dần dần tôi cảm thấy Trái Tim Chúa Giêsu xót thương tôi. Có một cách tôi được cảm thấy rõ ràng và nhẹ nhàng, đó là Chúa gởi đến cho tôi những con người chân thực, khiêm nhường, bác ái và trách nhiệm. Tôi xin phép kể ra một vài trường hợp đã ảnh hưởng lớn đến đời tôi.

5.

Tôi được hạnh phúc gặp gỡ riêng tư nhiều lần Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Có những lần đứng bên Ngài, quỳ bên Ngài, cùng với Ngài cầu nguyện, tôi nghe Ngài thở dài và khe khẽ kêu: “Lạy Chúa tôi” bằng tiếng Đức. Có lần tôi mạnh dạn hỏi Ngài: “Đức Thánh Cha có đau khổ lắm không?”. Ngài trả lời một cách tự nhiên: “Có chứ. Nhưng tôi quen rồi”. Thái độ chân thực và khiêm nhường của Ngài trước vấn đề đau khổ đã đi vào lòng tôi như một món quà sống động của Trái Tim Chúa Giêsu. Thái độ đó đã an ủi tôi rất nhiều. Tôi không còn mặc cảm nghĩ rằng những than khổ của tôi là xấu và đáng trách. Tôi nói thế, là vì nhiều khi tôi đau khổ, thì có những người đã dạy tôi là cho dù khổ, cũng không nên than, và theo họ, người có đức tin thì mọi đau khổ đều cảm nhận như những niềm vui. Tôi không dám bình luận gì. Nhưng thú thực là thái độ của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đem lại cho tôi sự bình an. Thái độ ấy cũng giúp tôi cảm thương sâu sắc với những người khổ đau.

6.

Một trường hợp khác, đó là thái độ của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp. Tình hình lúc đó bỗng trở nên khó khăn bi đát. Giáo dân sợ hãi, chạy trốn vào nhà thờ. Cha Diệp hiền từ khiêm tốn, không trách giáo dân, không khích động họ. Cha cũng không lên án, chửi bới những người bắt bớ giáo dân. Trái lại, Cha luôn ở giữa giáo dân. Và sau cùng, Cha sẵn sàng chết thay cho giáo dân. Thái độ khiêm nhường, bác ái, chân thực của Cha đã giúp tôi rất nhiều trong những năm sau 1975. Tình hình giáo phận của tôi hồi đó tuy không đến nỗi như vậy, nhưng có những khó khăn nhất định.

Tôi đã theo gương Cha Diệp. Kết quả là Chúa đã làm cho tình hình được thay đổi: Đức tin được vững vàng và lan rộng. Hoà giải được xây dựng tốt đẹp. Chúa được ca tụng mến yêu.

7.

Tới đây, tôi có thể thấy: Những nỗi sợ của tôi trước một số loại người nói trên chính là những phản ứng lành mạnh Chúa ban, để tôi biết tỉnh thức. Tất nhiên không được sợ tràn lan, nhưng không biết sợ chính là điều rất đáng sợ.

Có người nói với tôi: Sợ gì tội! Sợ gì hoả ngục! Chúa lòng lành giàu lòng thương xót sẽ cứu chúng ta. Việc gì mà sợ.

Thú thực, tôi coi những thái độ như thế chính là mưu ma chước quỷ. Không biết sợ, chính là một cái nghèo kinh khủng nhất, dẫn tới sa đoạ và diệt vong.

8.

Hiện giờ, những nỗi sợ của tôi đang giúp tôi trở nên bé nhỏ trước mặt Chúa. Bé nhỏ như một cành nho ẩn giấu mình ở một chỗ nào kín đáo nhất, miễn là được sát nhập vào thân cây nho là Chúa Giêsu. Tôi nhớ tới lời Chúa Giêsu phán xưa với các môn đệ của Người: “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, các con không làm gì được” (Ga 15,5).

9.

Xét cho cùng, nỗi sợ quan trọng nhất của tôi chính là sợ mình không thuộc về Chúa, không kết hợp mật thiết với Chúa, không đón nhận tất cả từ Chúa.

10.

Chuyến đi đời tôi có lúc sẽ kết thúc. Với tinh thần đức tin, tôi hy vọng tất cả mọi nỗi sợ của tôi trong chuyến đi dài này sẽ nở hoa Phục Sinh, nhờ kết hợp với Trái Tim Chúa Giêsu đầy yêu thương, khiêm nhường và vâng phục.

11.

Tôi chân thành sám hối về mọi lỗi lầm của tôi, không chỉ trong lãnh vực những nỗi sợ, mà trong tất cả mọi lãnh vực của con người tôi.

Tôi chấp nhận mọi đau đớn, như những sứ giả để thanh luyện tôi theo lòng từ bi Chúa.

Sám hối của tôi không phải chỉ là đau đớn, hối hận, mà cũng còn là ca tụng Chúa và phó thác mình cho Chúa, để thực hiện những gì Chúa muốn về tôi. Tôi tin Chúa rất thương tôi.

Khi nghĩ đến sự Chúa muốn tôi sẽ được về bên Chúa trên thiên đàng, tôi cảm thấy hân hoan vui sướng.

Tôi tha thiết xin Chúa cho mọi người thân yêu của tôi cũng được về bên Chúa như tôi. Tôi cầu xin cho Hội Thánh của tôi, cho Quê Hương của tôi, cho mọi đồng bào của tôi, không phân biệt ai.

Lạy Chúa, con sẽ trở về với Chúa tay không, vì con quá bé nhỏ và nghèo hèn. Nhưng con tin Chúa sẽ đón con. Bởi vì Chúa là Cha của con.

Long Xuyên, ngày 9.6.2014.