Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 THAO THỨC (14) -2013-

 THAO THỨC (15) -2014-
 

Một ngày với Đức Mẹ

XIN VÂNG

 

1.

Suốt đêm vọng lễ Đức Mẹ lên trời, tôi dọn mình bằng cầu nguyện một cách đơn sơ, đó là lần chuỗi Mân côi.

Tôi ngủ, mà cũng chiêm bao về Đức Mẹ. Tôi mơ ngồi trên một toa xe nhỏ đi về cõi sau. Trong xe có một phụ nữ dáng người mẹ và một số tín hữu nam nữ. Người phụ nữ ấy lần chuỗi và khuyên chúng tôi lần chuỗi.

Tôi cầu nguyện trong tâm tình yêu thương nhau và mến yêu Chúa một cách đơn sơ khiêm nhường. Lòng tôi cảm thấy đầy bình an vui mừng và hân hoan lạ lùng.

2.

Tôi thức rất sớm. Trước khi dâng thánh lễ, tôi thầm nói với Chúa rằng: Hiện nay con già yếu bệnh tật, con chẳng làm được gì đáng kể để mừng kính Đức Mẹ. Xin Chúa dạy con nên làm gì. Tôi ra sân, bất ngờ tôi thấy một bông hoa mai trái mùa mới nở. Chúa thầm bảo tôi: Con hãy là một bông hoa nhỏ. Dù trong đêm tối, hoa vẫn là hoa. Đó là một của lễ. Hoa thiêng liêng ấy đẹp thơm, vì vâng phục thánh ý Chúa. Như Đức Mẹ xưa. Mẹ đã “Xin vâng” trong ngày truyền tin. Mẹ đã sống “Xin vâng” suốt cả cuộc đời.

3.

Tôi dâng thánh lễ, với tâm tình xin Chúa cho tôi biết sống xin vâng, theo gương Đức Mẹ. Chúa đã nhậm lời tôi nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ. Trong thánh lễ, Chúa dạy tôi ba điều Đức Mẹ đã sống “Xin vâng” một cách sâu sắc nhất.

4.

Điều thứ nhất của Xin Vâng là sống khiêm nhường.

Ngay đầu thánh lễ, Chúa dạy tôi hãy xin vâng, mà thú nhận mình hèn mọn, tội lỗi. Hãy theo gương Mẹ.

Đức Mẹ rất khiêm nhường trước Chúa và trước mọi người. Khi được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Mẹ đã lặng lẽ âm thầm sống ơn gọi đặc biệt đó. Không phô trương, không loan báo cho ai, không tổ chức ăn mừng. Mẹ hạ mình xuống, nhận mình chỉ là người đầy tớ bất xứng của Chúa.

Với nhận thức như thế về Mẹ, tôi đọc kinh “Cáo mình” đầu thánh lễ. “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót”. Tôi thực tình sám hối. Chỉ trách tội mình, chứ không trách tội người khác. Tôi tin Chúa cứu tôi khỏi tội. Mãi mãi tôi vẫn là một kẻ yếu đuối tội lỗi, nhưng được Chúa thứ tha, giải cứu.

Khiêm nhường như thế chính là sống theo sự thực, đúng thánh ý Chúa.

5.

Điều thứ hai của Xin Vâng là sống thân mật với Chúa, tức vâng phục ý Chúa.

Trong thánh lễ, Hội Thánh luôn nhắc tôi về sự được tham dự vào sự sống của Chúa, được nên giống Đức Kitô, cần phải ở lại trong Chúa và trong Lời Chúa. Đức Mẹ xưa đã triệt để sống như vậy. Xin vâng của Mẹ là ưu tiên sống mật thiết với Chúa. Sống mật thiết này không hệ tại tình cảm, mà là vâng phục ý Chúa Cha một cách trọn vẹn.

Chúa Giêsu đã phán: “Của ăn của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta” (Ga 4,34). Đức Mẹ cũng đã coi sự vâng phục ý Chúa như lương thực của mình. Thánh lễ dạy tôi điều đó. Thực thi đúng ý Chúa mới chính là sống thân mật với Chúa. Nhưng biết được đúng ý Chúa và thực thi đúng ý Chúa là điều không dễ chút nào.

Nhiều khi tôi nghĩ cứ làm theo thiện chí là làm theo ý Chúa. Nhưng Phúc Âm dạy tôi nghĩ thế là sai.

Khi nghe Chúa Giêsu nói Người sẽ bị nhiều đau khổ và sẽ bị giết, thánh Phêrô đã phản ứng: “Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy! Nghe vậy Chúa Giêsu đã mắng thánh Phêrô: ‘Satan, lui lại đàng sau’. Anh cản Thầy, tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của con người” (Mt 16,21-23).

Rồi, khi Chúa Giêsu vào nhà chị em Marta và Maria, Marta lo dọn nhiều món ăn và vất vả nhiều chuẩn bị để đãi Chúa. Nhưng Chúa lại nói: “Marta, sao con lo lắng nhiều chuyện quá. Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi” (Lc 10,41). Rõ ràng thiện chí của con người không luôn đúng với điều Chúa muốn. Hiểu được như vậy đã giúp tôi tỉnh táo hơn trong việc sống thân mật tình cảm với Chúa và sống theo thiện chí. Tưởng sống như thế luôn là ý Chúa, sẽ có thể rất sai.

6.

Tại Việt Nam hôm nay đang nở rộ nhiều phong trào đạo đức, nhiều khuynh hướng làm sáng danh Chúa, nhiều hình thức làm chứng cho Chúa. Nhưng, tất cả những thứ đó có thực sự là đúng ý Chúa không? Hay chỉ là thiện chí, cạnh tranh, tục lệ, ý kiến phô trương, xây dựng uy tín, kiếm tìm lợi lộc vật chất? Tôi dám nghĩ rằng: Ma quỷ sẽ khôn khéo dùng chính những việc đạo không phải ý Chúa, để mà phá đạo. Vì thế, phải rất tỉnh thức trong thời buổi này. Ý Chúa chỉ được tỏ ra cho những ai khiêm nhường, quyết tâm đi vào cửa hẹp và đường nhỏ hẹp, từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Chúa.

7.

Điều thứ ba của Xin Vâng là yêu thương bác ái.

Xưa, Đức Mẹ đã biết lãnh nhận và đã biết cho đi. Dù lãnh nhận, dù cho đi, Đức Mẹ đã luôn khiêm nhường, tế nhị, và biết ơn.

Điều Đức Mẹ dạy tôi rõ ràng nhất về yêu thương bác ái là sự Đức Mẹ đồng công cứu chuộc loài người. Cứu người dù phải hy sinh đến mấy, đó là điều xin vâng cao quý nhất.

Đức Mẹ luôn nhắc bảo tôi về yêu thương bác ái, với hình ảnh Mẹ đứng dưới chân thánh giá.

Trong giờ phút cám ơn cuối thánh lễ, tôi nói với Đức Mẹ rằng: Con chẳng có gì để cho đi. Hiện giờ con già yếu bệnh tật, nghèo nàn về mọi phương diện. Con xin Mẹ, cho con được là viên gạch nhỏ lát nền, để mọi người bước qua, mà đến với Chúa. Đức Mẹ cho tôi biết: Ý kiến đó của tôi chưa hẳn là đúng ý Chúa. Ý Chúa chắc chắn nhất về tôi lúc này là hãy cảm tạ ngợi khen Chúa về muôn vàn người tốt, sự thiện tốt và hy vọng tốt, mà Hội Thánh và Quê Hương Việt Nam yêu dấu của tôi hiện đang có một cách đặc biệt.

8.

Thế là một ngày mừng kính Đức Mẹ đã qua đi, để lại trong tôi rất nhiều hồng phúc. Tôi thầm đọc đi đọc lại kinh “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”, mà Đức Mẹ đã thốt lên tại nhà bà thánh Elisabét.

Tôi vừa đọc kinh đó, vừa bước từng bước nhỏ, để về phòng. Bước nhỏ, mà cũng phải chống gậy. Tôi nói với Đức Mẹ: “Con yếu đuối lắm. Xin Mẹ thương dắt con đi từng bước nhỏ trên đường xin vâng. Cùng với Mẹ, con tin Cha trên trời luôn có những chương trình thương xót đối với con. Con xin vâng với hết lòng cảm tạ.”

Long Xuyên, ngày 18.8.2014.