GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11

12 13 14 15 16 17 18 19 20 21

MichelAnge

 

BÀI BA

 

GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO LÀ THỂ HIỆN
NIỀM TIN KITÔ GIÁO CỦA GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO

 

VÀO ĐỀ

Những giá trị và truyền thống về văn hóa và tôn giáo của gia đình Á châu được xem như là tiền đề của Kitô giáo. Có người ví von những thứ ấy như là Cựu Ước đối với người Công giáo Việt Nam. Thật ra không phải như vậy vì Cựu Ước đâu phải chỉ là của riêng của những người Do Thái mà là của chung của cả thế giới Kitô giáo. Còn những giá trị văn hóa và truyền thống tôn giáo ngàn đời của Á Châu là những bước dọn đường cho người Á Châu nói chung và cho người Việt Nam nói riêng dễ dàng đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô hơn. Vì thế gia đình công giáo sống đạo cốt yếu nhất vẫn là gia đình thể hiện nội dung Đức Tin và sống cách sống của người Kitô hữu. Trong bài này và trong bài kế tiếp chúng ta sẽ nói đến cách gia đình tin và thể hiện Niềm Tin Kitô giáo.

 

TRÌNH BÀY

 

Kinh Tin Kính là bản tóm tắt nội dung niềm tin Kitô giáo mà người Công giáo nào cũng tin và tuyên xưng. Nhưng mức độ tin và tuyên xưng sẽ rất khác nhau nếu đi từ người này sang người khác, từ gia đình này sang gia đình khác, từ cộng đoàn này sang cộng đoàn khác. Có người / gia đình / cộng đoàn tin mạnh mẽ thì cũng có người / gia đình / cộng đoàn chỉ tin cách mập mờ. Có người / gia đình / cộng đoàn tin cách sáng suốt, hiểu biết thì cũng có người / gia đình / cộng đoàn tin cách mù mờ, chẳng hiểu biết là bao. Có người / gia đình / cộng đoàn chỉ tuyên xưng ngoài miệng mà không tuyên xưng bằng hành động. Nhưng có người / gia đình / cộng đoàn không chỉ tuyên xưng trong lòng và ngoài miệng mà còn tuyên xưng bằng việc làm cụ thể nữa. Hiển nhiên là Thiên Chúa và Giáo Hội mong muốn mọi người / gia đình / cộng đoàn chúng ta tin một cách mãnh mẽ và thông tuệ cũng như tuyên xưng một cách công khai, dũng cảm và cụ thể. Trong phần trình bày này, chúng ta sẽ đề cập đến nội dung và cách tuyên xưng niềm tin Kitô giáo và nhất là cách thể hiện niềm tin ấy trong đời sống gia đình.

 

1. Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất

 

a)- Tin và tuyên xưng niềm tin:

Trong Kinh Tin Kính điều người công giáo tin và tuyên xưng trước tiên là “Thiên Chúa là Cha phép tắc vô cùng, dựng nên trời đất.” Tuyên xưng như thế có nghĩa là tuyên xưng Thiên Chúa là Cha và là Đấng Tạo Dựng và Quan Phòng của vũ trụ, thế giới và loài người. Thiên Chúa tạo dựng chỉ bằng “lời” mà từ (hư) không mà có mọi sự (St 1,1—2,4a). Thiên Chúa luôn duy trì và kiện toàn công trình để vạn vật tồn tại, phát triển và hoàn thiện. Vì thế chúng ta tin và tuyên xưng Tình Yêu và Quyền Năng của Thiên Chúa trong Tạo Dựng cũng như trong Quan Phòng của Thiên Chúa.

 

b)- Sống và thể hiện niềm tin:

Tin và tuyên xưng Thiên Chúa là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất thì chúng ta phải sống tâm tình hiếu thảo, biết ơn, yêu mến, tôn thờ, tin tưởng và phó thác mọi sự cho Thiên Chúa là Cha quyền năng và yêu thương. Và chúng ta phải tích cực cộng tác với Thiên Chúa trong việc bảo vệ muôn loài muôn vật và thiên nhiên để phát triển thế giới ngày càng tốt đẹp hơn theo định hướng và ý muốn của Thiên Chúa.

Nhưng trên thực tế, không ít khi chúng ta chỉ tuyên xưng ‘xuông’ bằng lời mà không có hành động thích hợp đi kèm, thậm chí có hành động đi ngược lại niềm Tin và lời tuyên xưng ấy nữa. Không ít người /gia đình công giáo không có tấm lòng biết ơn đối với Thiên Chúa là Đấng ban mọi ân huệ hồn xác cho họ. Không ít người / gia đình công giáo không nhìn nhận Vương Quyền của Thiên Chúa, trong đời mình và trong gia đình mình. Không ít người /gia đình công giáo tìm đến thầy bói, bà đồng bà cốt hơn là lắng nghe tham khảo ý Chúa khi đụng chuyện vượt ngoài tầm tay của mình! Không ít người / gia đình công giáo phá hoại môi trường sinh thái và hủy hoại sự sống tự nhiên. Nói vắn gọn lại là có nhiều người / gia đình công giáo chưa sống và thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa là Cha Tạo Dựng và Quan Phòng như lời họ tuyên xưng. Như vậy thì chúng ta có thể đặt câu hỏi họ có thật sự tin như họ tuyên xưng không?

 

c)- Một vài đề nghị cụ thể:

* Trước bữa ăn chính mỗi ngày của gia đình, cha hoặc mẹ hoặc một người trong gia đình nói lên lời cảm tạ Thiên Chúa Cha và Thiên Chúa Ngôi Hai về bữa ăn, nhà ở, sức khỏe, công việc, tài năng, chức vụ, hoàn cảnh xã hội mà Thiên Chúa đã ban cho cả gia đình và từng người trong gia đình.

* Vào những dịp đặc biệt (Lễ Giáng Sinh, Năm Mới, Kỷ niệm Ngày Thành Hôn…) gia đình thực hiện một việc bác ái để cảm tạ Thiên Chúa và cam kết sống theo ơn gọi của người tín hữu Kitô.

* Lợi dụng những cơ hội đặc biệt gia đình tự hiến mọi thành viên, mọi của cải, tài sản cho Thiên Chúa và nhận Người làm Chúa, làm Vua gia đình (tương tự như tôn vương gia đình).

 

2. Tôi tin kính Đức Giêsu Kitô là Con Một Thiên Chúa và là Thiên Chúa nhập thể làm người và là Chúa Cứu Chuộc nhân loại

 

a)- Tin và tuyên xưng niềm tin:

Sau khi tuyên xưng Thiên Chúa là Cha phép tắc vô cùng, dựng nên trời đất, người công giáo tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa Ngôi Hai, là Con Một Thiên Chúa, xuống thế làm người, sinh ra và lớn lên tại miền đất Palestin, chịu nạn chịu chết dưới thời tổng trấn Ponxiô Pilatô, và đã phục sinh và lên trời, để cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết. Trong nội dung niềm tin và lời tuyên xưng về Chúa Giêsu Kitô, chúng ta tuyên xưng bản tính thần linh và bản tính loài người của Người. Chúa Giêsu do bản tính Thiên Chúa là Đấng được sinh ra (tự đời đời) mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Thiên Chúa Cha và nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Vì Chúa Giêsu là Thiên Chúa nên Người cũng là Thiên Chúa Tạo Dựng như Chúa Cha. Nhưng sứ mạng riêng của Người là cứu chuộc nhân loại bằng sự nhập thể làm người và bằng cuộc Khổ Nạn Phục Sinh của Người. Chúa Giêsu do bản tính nhân loại giống hệt như mọi người chúng ta, trừ tội lỗi. Người là con của Đức Trinh Nữ Maria, thuộc dòng dõi Đavít. Chúa Giêsu mặc lấy thân xác và thân phận con người để thể hiện tình yêu thương liên đối với loài người và để phục hồi giá trị cao cả của con người, giá trị đã bị mất đi hay giảm sút sau tội Nguyên Tổ Ađam - Evà.

 

b)- Sống và thể hiện niềm tin:

Tin và tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa, đã vì yêu thương con người mà xuống thế làm người rao giảng Tin Mừng cho mọi người và chịu nạn chịu chết cứu chuộc mọi người khỏi tội lỗi và sự chết thì người / gia đình công giáo phải sống tâm tình yêu mến, biết ơn, quy phục, tin tưởng và phó thác mọi sự cho Chúa Giêsu Kitô như một người con, một người anh em, một người được cứu được chuộc.

Nhưng trên thực tế, không ít khi chúng ta (cá nhân / gia đình) chỉ tuyên xưng “xuông” bằng lời mà không có hành động thích hợp hoặc thậm chí có hành động đi ngược lại niềm Tin và lời tuyên xưng ấy. Không ít người công giáo chỉ biết mù mờ về Chúa Giêsu Kitô, chỉ có mối tương quan hời hợt và nhạt nhẽo với Người, chẳng quan tâm đến việc học hỏi và tiếp cận Người, chẳng biết chạy đến với Người sáng trưa chiều tối để tạo nên cuộc đối thoại thân tình, mật thiết với Người, để đón nhận sự sống thần linh và ánh sáng soi đường từ Người. Mang tiếng là môn đệ (cá nhân / cộng đoàn) Chúa Kitô, là người / gia đình thuộc về Chúa Kitô nhưng không ít người / gia đình Kitô hữu sống theo tinh thần và cung cách thế gian, chạy theo danh vọng hão huyền, của cải chóng qua, lợi nhuận vật chất và sắc dục v.v… Không ít người / gia đình công giáo không đón rước Chúa Giêsu Kitô vào tâm hồn / gia đình mình và không nhìn nhận Vương Quyền của Người trong tâm hồn / gia đình mình. Nên Chúa Giêsu Kitô không phải là Chúa, là quân sư, là bạn đồng hành của nhiều người và gia đình công giáo.

 

c)- Một vài đề nghị cụ thể:

* Danh Giêsu được gia đình chúc tụng, ngượi khen, cảm tạ và cầu xin mỗi khi có dịp thuận tiện.

* Trong đời sống cầu nguyện, gia đình dành ưu tiên và thời gian cho việc lắng nghe và suy niệm Lời Chúa trong Phúc Âm.

* Giúp con cái yêu mến và dũng cảm sống theo Chúa Giêsu Kitô bằng chính gương sáng của cha mẹ.

 

KẾT LUẬN

Gia đình công giáo sống đạo là thể hiện lòng tin của mình vào Thiên Chúa Cha, vào Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa Con bằng cách sống xứng hợp. Cách sống xứng hợp là phụng thờ, yêu mến, biết ơn, tin tưởng và trông cậy phó thác trọn vẹn vào Đấng là Cha đã dựng nên chúng ta và vũ trụ, vào Đấng đã cứu độ chúng ta bằng máu cực thánh của Người. Thiên Chúa còn là Đấng đã mời gọi chúng ta (từng cá nhân và cả gia đình) trở thành những người con hiếu thảo trong gia đình Thiên Chúa, đồng thời trở nên người và cộng đoàn môn đệ Chúa Giêsu Kitô.

Những nội dung của lòng tin và của lời tuyên xưng ấy, các bậc làm cha làm mẹ phải sống và thể hiện trước đã. Rồi cha mẹ có trách nhiệm và vinh dự truyền tải nội dung của lòng tin và của lời tuyên xưng ấy cho con cái trong nhà. Nhất là cha mẹ có trách nhiệm và vinh dự giúp đỡ con cái biết cách sống và thể hiện nội dung của niềm tin và của lời tuyên xưng ấy. Chỉ như thế thì lời tuyên xưng và cách sống mới ăn khớp với nhau và gia đình ấy mới trở thành chứng tá thât sự có đủ sức thuyết phục và lôi cuốn người khác. Chứng tá ấy nhân loại ngày nay rất cần đến để thế giới này khỏi hư mất vì vô tín và sa đọa.

(Sẽ có bài tiếp theo bài này)

 

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

Ngày 31 tháng 01 năm 2006
Trùng ngày Mồng 3 Xuân Bính Tuất.


Mời đọc tiếp

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11

12 13 14 15 16 17 18 19 20 21

Xem các bài viết khác trong Bài Viết của Anh Nguyễn văn Nội, khóa 6 GHHV, niên khoá 1963.