Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2012-
 

BÊN ĐỨC MẸ DƯỚI CHÂN THÁNH GIÁ

 

Năm Thánh Việt Nam đã kết thúc ở La Vang. Lễ Bế mạc được tổ chức rất trọng thể hoành tráng. Toàn thể Hội Thánh Việt Nam hướng về Đức Mẹ ở La Vang.

Trong thời gian linh thiêng ấy, tôi ở Long Xuyên, cũng bên Đức Mẹ. Ảnh Đức Mẹ mà tôi ưa nhìn ngắm nhất khi tôi đau yếu, là Đức Mẹ đứng dưới chân thánh giá.

Những giờ phút bế mạc Năm Thánh được tôi cảm nhận như một chuẩn bị đi vào một tương lai có nhiều thử thách. Vì đang mang sẵn trong mình nhiều đau đớn và nhiều lo âu, tôi nhìn những thử thách đó là tất cả những gì gây nên đổ vỡ, làm nên hoang tàn, với mưu đồ kéo tôi và những người khác xa rời Phúc Âm.

Trong giây lát, tất cả những thử thách đó hiện lên như một cơn lũ lụt gồm đủ thứ thảm khốc. Bị vùi dập, tôi thấy mình cô đơn tăm tối. Tôi nhìn vào Đức Mẹ đứng dưới chân thánh giá Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Đức Mẹ như đắm chìm trong đau khổ, nhưng trung tín vững vàng trong đức tin.

Tôi nhận được từ Mẹ sầu bi những chỉ dẫn ủi an. Đại khái như sau:

 1. Thánh giá mang giá trị cứu chuộc

Đức Mẹ cho tôi nhớ lại lời thánh Phêrô sau đây: "Anh em hãy biết rằng: Không phải nhờ những của chóng hư nát, như vàng hay bạc, mà anh em đã được cứu thoát khỏi đời sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em được cứu chuộc nhờ máu châu báu của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô" (1 Pr 1,18-19).

Với lời dạy trên đây của thánh Phêrô, Đức Mẹ cho tôi hiểu: Tôi và bao người đã phạm tội hoặc trong nguy cơ phạm tội. Tội lỗi trói con người vào ách sự ác, lôi con người vào chốn diệt vong. Để cứu con người khỏi vực thẳm tăm tối ấy, Chúa Giêsu đã dâng mình chịu khổ nạn và sau cùng chịu chết trên thánh giá. Máu châu báu Người đã đổ ra, để cứu chuộc. Đau khổ của Người có giá thiêng liêng cao quý, đó là cứu khỏi nguy cơ phạm tội, xoá tội, tha tội, đền tội thay cho nhân loại.

Đức Mẹ đứng dưới chân thánh giá phải đau đớn vô vàn. Mẹ kết hợp những đau đớn của Mẹ với những đau đớn của Chúa Giêsu. Nhờ vậy, những đau đớn của Mẹ có giá trị góp phần vào công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu.

Mẹ sầu bi khuyên tôi cũng hãy kết hợp những khổ đau của tôi với thánh giá Chúa Giêsu. Nhờ vậy, những khổ đau của tôi sẽ được chia sẻ giá trị cứu chuộc. Tôi và nhiều người sẽ được đón nhận ơn cứu độ của Chúa.

Khi nhìn công cuộc cứu chuộc là như thế, tôi không dám nghĩ rằng con người tội lỗi sẽ được cứu chuộc nhờ những việc đạo đức tưng bừng, những khẩu hiệu đạo đức hô vang. Đức Mẹ khuyên hãy theo gương Đức Mẹ đứng dưới chân thánh giá, nếu thử thách tới.

 2. Cái chết sinh ra sự sống

Khi nói tới thử thách, tôi đặc biệt nghĩ tới những sa sút đạo đức cá nhân và tập thể, những rạn nứt trong các gia đình, những khuynh hướng ham danh lợi, những chủ nghĩa cực đoan. Một phần không nhỏ các thử thách đến từ nội bộ những người trong Hội Thánh. Là người môn đệ Chúa, tôi nhìn những sự kiện đó như những loại thuốc độc đưa con người và xã hội đến sự huỷ diệt về phần linh hồn. Người môn đệ Chúa có bổn phận bảo vệ và phát triển sự sống thiêng liêng.

Trước cảnh đó, Đức Mẹ đưa lòng trí tôi nhìn vào cái chết của Chúa Giêsu trên thánh giá, đồng thời giúp tôi nhớ lại lời Chúa Giêsu phán xưa: "Thật, Thầy bảo thật anh em: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không thối đi, nó sẽ trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác" (Ga 12,24).

Khi nhớ lại lời trên đây của Chúa Giêsu, tôi nhìn cái chết khổ đau của Người trên thánh giá chính là nguồn mang lại sự sống thiêng liêng cho biết bao người. Phải nói ngay là cái chết của Chúa Giêsu trên thánh giá là một dấn thân cao cả vì yêu thương. Người vui lòng chịu chết để nhiều người được sống.

Đức Mẹ sầu bi đứng dưới chân thánh giá cũng như chết đi cùng với Chúa Giêsu. Cái chết như thế của Mẹ được kết hợp với cái chết của Chúa Giêsu đã là một sự sản sinh. Thực sự, Đức Mẹ đã sinh ra nhiều tín hữu cho Chúa, từ cái chết đau đớn dưới chân thánh giá. Đó chính là truyền giáo.

Như vậy, đời người môn đệ Chúa cũng sẽ theo gương Đức Mẹ. Phải chấp nhận dấn thân vì yêu thương, cho dù phải chết. Cái chết đó sẽ được thực hiện hằng ngày, bằng sự từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Chúa. Cái chết đó sẽ góp phần rất lớn cho việc mở rộng Nước Trời.

Được Đức Mẹ nhắc nhở về giá trị của cái chết trong đời mình, tôi thấy người môn đệ Chúa phải rất tỉnh thức. Nếu đức tin chỉ được nuôi sống và phát triển bằng những sùng kính ngọt ngào và những tổ chức ồn ào, thì rất dễ sụp đổ trước những bất ngờ tàn phá. Phải đi sâu vào mầu nhiệm thánh giá một cách can đảm, rồi đón nhận thánh giá như một chọn lựa, và sống dấn thân cho chọn lựa đó, thì không những đức tin sẽ sống mạnh, mà còn giúp cho sự sống đức tin sinh sản.

Khi thực sự sống mầu nhiệm thánh giá, người môn đệ Chúa sẽ biết an ủi những người sẵn sàng chết đi cho người khác.

 3. Niềm tin ủi an trong mọi thử thách

Chìa khoá mở nguồn an ủi cho Đức Mẹ sầu bi là sự trung tín trong đức tin.

Đức Mẹ tin vào chương trình cứu độ của Chúa: "Nào Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?" (Lc 24,26).

Đức Mẹ tin lời thiên thần nói: "Đấng mà bà sắp sinh ra, sẽ gọi là Con Thiên Chúa" (Lc 1,35).

Niềm tin của Đức Mẹ cũng giống như niềm tin của tổ phụ Abraham. "Ông đã chẳng bao giờ mất niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa. Vì ông hoàn toàn xác tín rằng: Điều gì Thiên Chúa đã hứa, thì Người cũng đủ quyền năng thực hiện" (Rm 4,20).

Đức Mẹ tin một cách khiêm nhường, với lòng vâng phục triệt để thánh ý Chúa và tuyệt đối phó thác ở Chúa giàu tình yêu thương xót.

Chính niềm tin trung tín đã an ủi Đức Mẹ trong mọi thử thách. Niềm tin đó cũng đã an ủi các con cái Mẹ, để rồi họ cũng sẽ biết an ủi những người khác. Họ có thể nói với những người bị thử thách như thánh Phaolô xưa: "Chúa là Cha giàu lòng từ bi nhân ái, vì Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi được Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng sẽ biết an ủi những kẻ lâm cảnh gian nan khốn khó" (2 Cr 1,4).

ù

Với chia sẻ trên đây, tôi có cảm tưởng là sau Năm Thánh sẽ là Năm Thánh giá. Nhiều thử thách sẽ tới. Chúng ta tin: Hy vọng của chúng ta là thập giá Đức Kitô. Nơi Người, ơn cứu độ của ta, sức sống của ta và là sự phục sinh của ta.

Xin Mẹ sầu bi đứng dưới chân thánh giá luôn ở bên chúng con trong mọi thử thách. Chúng con là những đứa con yếu đuối hèn mọn. Xin Mẹ thương chỉ dạy, an ủi nâng đỡ chúng con trong suốt cuộc đời gian truân khổ ải này.

Long Xuyên, ngày 7 tháng 1 năm 2011