Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2012-
 

CẢM NGHIỆM VỀ TÌNH YÊU
CỦA ĐỨC MẸ MARIA

 

 1.

Đức Mẹ Maria yêu thương tôi. Đó là một sự thực hết sức đáng mừng. Tôi biết sự thực đó nhờ đức tin, khi tôi tin Đức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu, Đấng Cứu chuộc loài người.

Thêm vào đức tin, còn có những cảm nghiệm. Tôi trải qua những kinh nghiệm về tình Mẹ Maria. Tôi cảm thấy tình yêu thương của Mẹ trào ra những cảm xúc trong trái tim tôi. Có thể nói là cả ruột gan trong tôi nhiều khi cũng như hớn hở, khi cảm xúc dâng lên, vì gặp được tình yêu của Mẹ.

Cảm nghiệm về tình yêu của Mẹ đã không đến với tôi từ những suy luận và học hỏi, nhưng đến từ những biến cố. Biến cố là những gì xảy ra.

Có những việc đã xảy ra trong đời tôi làm tôi xác tín là bàn tay vô hình của Mẹ Maria đã sắp xếp và can thiệp.

Không phải chỉ những biến cố lớn mới làm chứng về tình yêu Mẹ dành cho tôi, mà cả đến cuộc sống thường ngày cũng phảng phất sự dịu hiền vô hình của Mẹ. Mẹ hiện diện kín đáo nhưng đầy yêu thương.

Tôi cảm thấy Mẹ thương tôi, trước khi tôi biết Mẹ. Tôi nghiệm thấy Mẹ tìm tôi, trước khi tôi tìm Mẹ. Tôi nhận thấy Mẹ gọi tôi, trước khi tôi gọi Mẹ.

Tình yêu của Mẹ lắng đọng trong tôi, trở thành động lực hướng dẫn tôi. Ở đây, tôi xin được chia sẻ về hai lãnh vực mà Mẹ thường hướng dẫn tôi.

 2.

Lãnh vực thứ nhất Đức Mẹ hướng dẫn tôi là lãnh vực cầu nguyện.

Bằng một cách nhẹ nhàng, Mẹ dạy tôi hãy cầu nguyện. Bất cứ lúc nào cũng hãy cầu nguyện. Cầu nguyện đơn giản nhất là kêu van.

Khi tôi kêu van Chúa, tôi nhận mình bé nhỏ, yếu đuối, hèn mọn, tội lỗi, thiếu thốn, đồng thời tôi tin Chúa là Cha quyền năng giàu lòng thương xót.

Dù việc kêu van được thực hiện bằng một câu kinh, hay bằng một lời nói, một tiếng kêu, một tâm tình, và dù nội dung kêu van có thể rất khác nhau, thì Đức Mẹ cũng vẫn giúp tôi dùng việc kêu van đó để gặp Chúa.

Gặp Chúa là dâng việc kêu van lên Chúa. Mẹ giúp tôi dâng kêu van lên Chúa với tất cả lòng cậy tin phó thác. Cậy tin phó thác của tôi không dựa chút nào vào tôi, nhưng chỉ dựa vào công phúc của Chúa Giêsu, Đấng đã lập công cứu chuộc tôi, và nhất là dựa vào tình xót thương vô biên của Chúa.

 3.

Khi gặp Chúa, tôi đón nhận được tin mừng, đó là tôi thuộc về Chúa, Chúa yêu thương tôi. Do đó Chúa muốn tôi luôn trở về với Chúa, để mỗi ngày mỗi thuộc về Chúa hơn.

Trở về với Chúa không chỉ là bỏ đàng tội, mà còn là gắn bó với Chúa Giêsu.

Trở về với Chúa không chỉ là tuân giữ các luật Chúa, mà còn là biết đón nhận chính Chúa là tình yêu.

Trở về với Chúa không chỉ là nhận ra Chúa đến theo lịch trình phụng vụ, mà còn là biết nhận ra Chúa trong những bất ngờ.

Trở về với Chúa không chỉ là làm những việc lành, mà còn biết hít vào mình thần khí là Chúa Thánh Thần.

Trở về với Chúa không chỉ là đền tội lập công, mà còn là biết đón nhận những ơn Chúa ban cho nhưng không.

Trở về với Chúa không chỉ là tránh tội, mà còn là bỏ lối sống nguội lạnh.

Trở về với Chúa không chỉ là dâng lên Chúa những ước vọng của mình, mà còn là biết vâng phục thánh ý Chúa.

Trở về với Chúa không chỉ là một chi tiết của Phúc Âm, mà chính là trung tâm của Phúc Âm.

Trong lãnh vực cầu nguyện, Đức Mẹ dạy tôi một điều mà tôi cho là rất quan trọng, đó là phải rất khiêm nhường. Khiêm nhường nên sẽ liên lỉ kiên trì.

 4.

Lãnh vực thứ hai Đức Mẹ hướng dẫn tôi là lãnh vực hoạt động.

Hoạt động gồm nhiều thứ việc, nhưng Đức Mẹ dạy tôi hãy ưu tiên đến việc đào tạo. Đào tạo cũng gồm nhiều việc, nhưng Đức Mẹ khuyên tôi nên nhấn mạnh hơn đến việc uốn nắn cái tâm.

Đức Mẹ đưa trí khôn tôi lắng nghe Bài giảng trên núi (x. Mt 5,1-12). Bài giảng này quen được gọi là Hiến Chương Nước Trời. Trong bài giảng này, Chúa Giêsu coi những đức tính tốt của cái tâm chính là những tiêu chuẩn để vào Nước Trời. Những đức tính tốt đó là: Nghèo khó, hiền lành, nhẫn nhục, khao khát điều công chính, xót thương, trong sạch, yêu hoà bình, vui chịu bách hại vì sống công chính.

Để có những đức tính tốt đẹp đó, cái tâm cần được uốn nắn, rèn luyện, biến đổi. Không luật nào sẽ làm được những việc đó cho cái tâm. Cái tâm sẽ được biến đổi do một sức thiêng từ trong và từ trên, đó là Thần Khí Chúa. Nhưng con người có tự do đón nhận hay từ chối. Đó là thảm hoạ về những cái tâm thoái hoá.

Đức Mẹ cho tôi nhìn thấy nhiều loại cái tâm thoái hoá. Cái nhìn của tôi được mượn từ dụ ngôn Chúa Giêsu nói về việc người gieo giống (x. Mt 13,4-9). Có hạt gieo vào đất vệ đường. Có hạt gieo vào đất pha nhiều sỏi đá. Có hạt gieo vào đất bị bụi gai che phủ. Những thứ đất mà dụ ngôn nói trên đây ám chỉ các loại lòng người bị thoái hoá, không đón nhận được Lời Chúa.

Như vậy, sự hướng dẫn của Đức Mẹ luôn đưa tôi đến Lời Chúa, để rồi Lời Chúa giúp tôi đi vào cuộc đời và con người.

 5.

Đức Mẹ cho tôi thấy việc biến đổi lòng người theo như Chúa muốn là việc rất khó. Khó do xã hội. Khó cũng do tôn giáo, khi tôn giáo đã biến chất.

Dù sao đi nữa, việc đào tạo cái tâm vẫn được Chúa Giêsu theo đuổi. Trong bữa tiệc ly, khi trối lại điều răn yêu thương, Chúa Giêsu nhắm vào cái tâm. Trên thánh giá, khi dâng mình chịu chết để cứu chuộc nhân loại vì yêu thương, Chúa Giêsu cũng nhắm vào cái tâm.

Những cảm nghiệm trên đây trong tôi làm nên một bầu khí thiêng liêng thuận lợi, để ánh sáng và tình yêu Chúa lôi cuốn lòng tôi vào việc đào tạo con người, nhất là cái tâm.

Khi tập trung vào hướng đó, tôi gặp vô vàn cản trở. Bởi vì chính tôi phải là đối tượng thứ nhất cần được đào tạo. Mà chính tôi lại là con người rất tội lỗi, yếu đuối. Nhận thức đó khiến tôi cầu nguyện nhiều hơn. Nhiều hơn cả về lượng, cả về phẩm.

Nhờ ơn Mẹ, cầu nguyện của tôi dần dần trở thành một sự đón nhận ơn được kết hợp tâm tình của tôi vào tâm tình của Chúa Giêsu, của Chúa Thánh Linh, của Đức Mẹ Maria và của Hội Thánh Chúa.

Suốt hành trình về Nhà Cha trên trời, tôi sẽ vừa bước đi vừa cầu nguyện như thế. Và cứ như thế, cảm nghiệm về tình yêu Mẹ đem lại cho tôi sự bình an và một hạnh phúc nhiệm mầu ngay ở đời này.

Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

Long Xuyên, ngày 11 tháng 7 năm 2011