Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2012-
 

Bài chia sẻ trong Thánh lễ Kính Thánh Gioan Baotixita
ngày 24/6/2011
tại nhà nguyện TGM Long Xuyên

NGƯỜI TÔI TỚ NGHÈO KHÓ
CỦA THIÊN CHÚA

 

 1.

Bài Phúc Âm thánh lễ mừng sinh nhật thánh Gioan Baotixita (x. Lc 1,57-66.80) kết thúc bằng câu sau đây: "Con trẻ lớn lên, mạnh mẽ trong lòng. Nó ở trong hoang địa cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Israel".

Với câu nói trên đây, Phúc Âm giới thiệu thánh Gioan Tiền Hô là con người mạnh mẽ trong lòng. Mạnh mẽ trong lòng có nghĩa là mạnh mẽ nội tâm, mạnh mẽ do "bàn tay Chúa ở với mình" (Lc 1,66).

Tuy đã được mạnh mẽ, thánh Gioan Tiền Hô vẫn còn được Chúa huấn luyện thêm.

 2.

Chúa đưa Ngài vào hoang địa. Trong hoang địa hoang vu, hoang vắng, Ngài thấy mình cô đơn, mỏng manh, chẳng có gì để bám víu. Ngài thực sự nghèo khó, một sự nghèo khó cùng cực. Chính cảnh nghèo khó cùng cực đó đã huấn luyện Ngài. Đúng như tiên tri Isaia đã nói, Ngài nhận thức mình là "tôi tớ Chúa" (Is 49,5). Ngài là người tôi tớ rất hèn hạ, như chính Ngài đã xưng "Tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Đấng Cứu Thế" (Ga 1,27). Tất cả sức mạnh nơi Ngài là nhờ Thiên Chúa. "Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi" (Is 49,5).

Thời gian thánh Gioan Tiền Hô được huấn luyện trong hoang địa không rõ về ngày đầu ngày cuối, nhưng chắc chắn đã kéo dài nhiều năm. Cuộc huấn luyện trong hoang địa càng lâu thì thánh Gioan Tiền Hô càng cảm nhận được sự nghèo khó của mình, đồng thời niềm cậy tin của Ngài vào Chúa càng mạnh. Nhờ đó, Ngài càng trở thành dụng cụ ngoan ngoãn trong tay Chúa.

Chính ở sự Ngài được biến đổi sâu sắc nhờ ơn Chúa như vậy, mà chiều kích siêu nhiên nơi Ngài được sáng tỏ rạng ngời. Chiều kích siêu nhiên đó đem lại cho Ngài một hạnh phúc linh thiêng, không hạnh phúc nào nơi trần gian sánh kịp. Ngài được thêm mạnh mẽ trong lòng.

 3.

Sau khi thánh Gioan Tiền Hô được huấn luyện trong hoang địa, để trở thành người tôi tớ nghèo khó của Chúa, Ngài được sai đến cùng dân Israel với mục đích dọn đường cho Chúa Cứu Thế.

Ngài thi hành trách nhiệm được trao cũng với tinh thần nghèo khó. Không tiền của, không trụ sở, không lễ phục, không hộ tống. Hơn nữa, Ngài mặc áo da thú, sống giản dị đến mức khắc khổ. Ngài chỉ là "một tiếng hô trong hoang địa" (Lc 3,4).

Đề tài Ngài rao giảng là mọi người hãy bỏ đàng tội lỗi, nhờ sám hối và tin vào Chúa Giêsu. Đề tài đó rất khó được người ta hưởng ứng. Ngài gặp nhiều chống đối. Nhưng Ngài vẫn kiên trì rao giảng. Ngài chia sẻ những gì Ngài xác tín. Ngài nói về những sự vô hình một cách tự nhiên như mình đã được thấy, đã được nghe, đã được gặp, đã được cảm nhận. Sức mạnh trong lời Ngài là từ Chúa. Ngài luôn được mạnh mẽ trong lòng. Ngài có thể nói như thánh Phaolô sau này: "Chính khi tôi yếu lại là lúc tôi mạnh" (2 Cr 12,10).

 4.

Một thoáng nhìn trên đây cho thấy thánh Gioan Tiền Hô được huấn luyện thành người tôi tớ nghèo khó, để rồi ra đi rao giảng Tin Mừng với những phương tiện nghèo khó.

Những gì Chúa đã làm cho thánh Gioan Tiền Hô thuở xưa, thì Chúa cũng vẫn làm cho Hội Thánh sau này suốt 20 thế kỷ qua. Cách Chúa làm được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, tuỳ nơi tuỳ lúc.

Chính Hội Thánh Việt Nam cũng đã được Chúa huấn luyện như thế. Có nơi có lúc tình hình rất cam go. Nhiều người công giáo Việt Nam đã từng trải qua những thời điểm rất khó khăn. Họ đã được huấn luyện, trong hoàn cảnh có thể gọi là hoang địa hoang tàn. Họ trở thành những dụng cụ nghèo khó của Chúa, để rồi họ loan báo Tin Mừng với những phương tiện hết sức nghèo khó. Họ được mạnh mẽ trong lòng nhờ ơn Chúa.

 5.

Tiện đây, tôi xin phép chia sẻ thêm đôi chút về một điều mà chúng tôi đã được hưởng trong những thời điểm khó khăn nhất. Đó là chúng tôi được hạnh phúc, rất hạnh phúc trong lòng. Hạnh phúc do nhiều lý do. Tôi xin nói vắn tắt vài lý do.

Lý do thứ nhất là chúng tôi được gắn bó mật thiết hơn với Chúa. Khi bị thử thách tư bề, chúng tôi cảm thấy mình được gỡ bỏ khỏi mọi chi phối không cần thiết, để chỉ tập trung vào Chúa. Sự tập trung đó có thể gọi tắt là luôn "đi trước mặt Chúa" như lời ông Dacaria đã nói về thánh Gioan Tiền Hô (x. Lc 1,76). Luôn luôn đi trước mặt Chúa được chúng tôi cảm nghiệm như một hạnh phúc nhẹ nhàng cao quý.

Lý do thứ hai là chúng tôi tập trung cho đi những gì Chúa đã ban cho chúng tôi. Trong thử thách khốn khó, chúng tôi được Chúa cho xác tín: Chúa chính là Đấng Cứu Độ. Xác tín đó được chúng tôi chia sẻ. Thánh Gioan Tiền Hô đã: "Bảo cho dân Chúa biết: Chúa sẽ cứu độ và tha cho họ hết mọi tội khiên" (Lc 1,77). Chúng tôi cũng nói cho dân Chúa điều căn bản đó. Nói bằng những phương tiện nhỏ và bằng sự nắm bắt những cơ may nhỏ. Được loan báo Tin Mừng đó, chúng tôi cảm nhận đây là một hạnh phúc đậm đà tình yêu chân thành đối với mọi người.

Lý do thứ ba là chúng tôi làm chứng về Chúa Giêsu bằng cách dâng chính mình làm của lễ. Thánh sử Gioan Tông đồ gọi thánh Gioan Tiền Hô là "người làm chứng về Chúa Giêsu" (Ga 1,15). Ngài làm chứng bằng đời sống thánh thiện. Còn chúng tôi là những kẻ tội lỗi yếu hèn, chúng tôi làm chứng bằng sự chúng tôi tội lỗi mà được Chúa cứu và tha thứ. Chúng tôi dâng chính đời sống ấy làm của lễ đền tội và tạ ơn. Chúa xót thương chấp nhận của lễ hèn mọn chúng tôi dâng. Chúng tôi cảm nhận đó là một hạnh phúc của sự phục sinh vô cùng quý giá.

Với những cảm nghiệm vừa kể, chúng tôi sống trong cơn thử thách một cách bình thản, như thánh Gioan Tiền hô mạnh mẽ trong lòng và hạnh phúc trong lòng.

Để kết, chúng ta khiêm tốn cầu nguyện cho nhau và cho Hội Thánh Việt Nam của chúng ta luôn được thuộc về Chúa. Trong thử thách vẫn mạnh mẽ trong lòng, và vẫn hạnh phúc trong lòng.

Xin hết lòng cảm tạ Chúa giàu lòng thương xót. Amen.

Long Xuyên, ngày 18 tháng 6 năm 2011