Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2012-
 

SỐNG ƠN GỌI MỚI

 

 1.

Suốt đời, tôi để ý lắng nghe tiếng Chúa. Chúa gọi tên tôi. Chúa dạy riêng tôi. Những gì Chúa dạy riêng tôi vẫn là những gì có sẵn trong Phúc Âm, nhưng luôn mang màu sắc mới.

Màu sắc mới là cách áp dụng Phúc Âm. Áp dụng sao cho đạt được hai hướng cần thiết. Vừa trung thành với truyền thống, vừa mở ra việc thích nghi theo nhu cầu hoàn cảnh thực tế.

Thực tế hoàn cảnh Hội Thánh Việt Nam hôm nay rất khác xưa. Thực tế hoàn cảnh của riêng tôi hiện nay cũng không còn như bao năm trước. Có lẽ vì thế, mà Chúa nhắn gởi tôi một ơn gọi mới.

Chúa nhắn gởi đã từ lâu. Nhưng về cuối đời, tiếng Chúa gọi mỗi ngày mỗi tha thiết hơn. Thiết tưởng, ơn gọi này cũng sẽ giúp ích cho nhiều người. Vì thế mà tôi xin được chia sẻ.

 2.

Chúa gọi tôi thế này:

- Thay vì cho mình là người thánh thiện, con hãy nhận biết mình là kẻ tội lỗi, cần được Chúa thứ tha.

- Thay vì cho mình là người sáng suốt, con hãy nhận biết mình là kẻ yếu đuối, cần được Chúa dẫn đường chỉ lối.

- Thay vì cho mình là kẻ hơn người, con hãy nhận biết mình là kẻ rốt hết, cần được Chúa nhận như một của lễ mọn hèn..

Tôi nghe được những tiếng Chúa gọi trên đây trong những lúc hồi tâm, cầu nguyện, suy gẫm. Những thời gian đó, Chúa giúp tôi đọc lại Phúc Âm và đọc lại đời mình. Đọc nhiều lần, đọc sâu mãi.

Trong thinh lặng, tôi nghe tiếng Chúa. Chúa gọi từ thẳm sâu cõi lòng.

Dần dần, tiếng Chúa dẫn tôi đến với chính Chúa. Được gặp Chúa, tôi thấy Chúa không còn nói bằng lời, bằng tiếng, mà bằng những tâm tình của Chúa chia sẻ cho tôi. Chia sẻ nhẹ nhàng, thấm sâu vào tâm tư. Chúa chia sẻ như một mời gọi thân thương. Chúa đợi tôi trả lời một cách tự do. Chúa không hề áp đặt.

Tôi trả lời Chúa. Trả lời của tôi không bằng lời, mà bằng tình mến. Tình mến của tôi là, tôi xin thuộc về Chúa, gắn bó với Chúa. Chúa muốn sao, tôi xin vâng như vậy.

Với tất cả tình mến chân thành, tôi xin Chúa giúp tôi sống ơn gọi mới. Tôi sống ơn gọi mới bắt đầu bằng tâm tình cầu nguyện và đặt nặng tâm tình cầu nguyện.

 3.

Lời nguyện của ơn gọi mới là: “Lạy Chúa, xin tha thứ cho con”.

Khi nói lời trên đây với Chúa, tôi nhận thấy trong tôi biết bao thất trung thất tín. Thêm vào đó là vô số những nhận thức ảo về mình. Tưởng mình lành thánh nhưng thực sự là tội lỗi. Thay vì dâng lên Chúa những việc lành phúc đức, tôi thấy mình tay không, và còn tệ hơn là tay không, bởi vì tôi mang nhiều sai phạm: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”.

Sự chân thành nhận biết mình tội lỗi giúp tôi khám phá thấy tình yêu xót thương của Chúa. Tôi chẳng đáng Chúa thứ tha. Nhưng Chúa vẫn tha thứ. Trong ơn tha thứ có tình yêu nhưng không. Tôi được tha thứ và được yêu thương.

Cảm nhận được ơn Chúa tha thứ và yêu thương, tôi được Chúa nhắn nhủ tôi cũng hãy tha thứ và yêu thương những người khác. Chúa đối xử với tôi thế nào, tôi cũng phải đối xử với những người khác như vậy.

Cảm nhận quý báu ấy cũng đã dẫn đưa tôi vào sự yêu mến Hội Thánh. Tôi yêu Hội Thánh với những nét thánh thiện của Hội Thánh. Tôi vẫn yêu Hội Thánh cả với bao lỗi lầm của những thành phần trong Hội Thánh.

 4.

Lời cầu của ơn gọi mới còn là: “Lạy Chúa, xin thương soi đường chỉ lối cho con”.

Khi cầu nguyện với Chúa như trên, tôi được Chúa nhắc tới sự tỉnh thức. Biết phân định, biết chọn lựa là điều Chúa căn dặn cách riêng trong Phúc Âm. Và đó cũng là điều rất cần cho cuộc sống tu đức, mục vụ và truyền giáo tại Việt Nam hôm nay.

Khi nhắc tới điều cần thiết đó, Chúa cho tôi thấy Chúa đòi tôi phải rất tỉnh thức trong lãnh vực bổn phận mà Chúa trao phó cho tôi.

Là người kế vị các thánh tông đồ, tôi được Chúa trao trách nhiệm phải làm chứng cho Chúa về điều răn mới: “Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương các con” (Ga 14,34).

Trong lãnh vực bác ái yêu thương, Chúa giúp tôi có những chọn lựa. Tất nhiên giữa thiện và ác, thì dễ chọn lựa. Nhưng giữa các việc thiện, vẫn có những việc ưu tiên cần chọn. Cũng như để phục vụ, tôi cần xem nhu cầu nào là cấp bách hơn. Để đáp ứng nhu cầu đó, tôi phải chọn việc nào là việc tốt hơn. Để thực hiện việc đó, tôi phải chọn cách nào là cách tốt hơn. Biết bao điều phải chọn lựa.

Kinh nghiệm cho tôi thấy những chọn lựa như thế không thể thực hiện được, nếu thiếu ơn Chúa. Nhưng nếu quả quyết là mình luôn có Chúa Thánh Thần soi sáng trong mọi chọn lựa, thì e rằng sẽ tự dối mình. Vì thế, sự khiêm nhường thận trọng luôn luôn tìm hiểu thánh ý Chúa trong từng chọn lựa, đó là điều Chúa dạy tôi hãy cầu nguyện hằng ngày.

Thánh Phaolô tự thú: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Thánh Phaolô còn thế. Phương chi tôi. Nhưng tôi thấy Chúa có quyền năng và tình thương để biến những thất bại của tôi thành những thành công trong sự giúp tôi biết mình và biết Chúa.

Sự yếu đuối là một thánh giá. Tôi vác nó với tất cả tâm tình khiêm tốn và lòng cậy trông.

 5.

Lời cầu của ơn gọi mới cũng còn là:

Lạy Chúa, xin thương nhận con như một của lễ mọn hèn.

Khi tôi nói với Chúa lời nguyện trên đây, tôi được Chúa cho thấy sự khiêm nhường là điều căn bản của tu đức. “Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5,5). Thế mà sống khiêm nhường đâu phải dễ.

Sự khiêm nhường, mà Chúa dạy tôi phải cầu xin đặc biệt lúc này, là thái độ dè dặt khôn ngoan trước những chuyển biến hiện nay của thời đại.

Trong lãnh vực khoa học có những chuyển biến đang đi tới chỗ khẳng định tính độc lập, không cần đến tiếng nói của Hội Thánh.

Trong lãnh vực kỹ thuật sản xuất cũng có những chuyển biến đang đi tới chỗ phát triển độc lập, không cần ý kiến nào của Hội Thánh.

Trong lãnh vực chính trị cũng có những chuyển biến đang đi tới chỗ khẳng định chọn lựa là quyền độc lập của dân, không chấp nhận phán quyết nào của Hội Thánh.

Trong lãnh vực văn hoá cũng có những chuyển biến đang đi tới chỗ khẳng định mọi chọn lựa là độc lập theo tính hợp lý, không chấp nhận can thiệp nào của Hội Thánh.

Trong lãnh vực từ thiện xã hội đang có những chuyển biến đi tới chỗ nhiều tổ chức ngoài công giáo khẳng định vị trí ưu tiên đối với người nghèo, xem ra không cần đến Hội Thánh Công giáo.

Như thế, nhiều chuyển biến trong xã hội xem ra đang đi tới kết luận không cần đến Công giáo. Kết luận đó làm tôi rất buồn. Bởi vì Công giáo có ích cho nhân loại, đó là một sự thực được chứng minh trên lý thuyết và trên thực tế.

Chẳng may, trong nội bộ Hội Thánh cũng đang có những sự kiện phân hoá, làm cớ cho xã hội bớt tin vào Hội Thánh.

Đang khi đó, không thiếu thành phần công giáo cũng đang tha hoá, tự đánh mất giá trị người con của Chúa, không còn đáng tin.

 6.

Những chuyển biến trên đây là một thực tế đáng ngại, nhưng không đáng sợ. Tuy nhiên, tôi không thể không đau đớn thấy mình như bất lực.

Trước một thực tế như trên, tôi thấy rất cần phải khiêm tốn. Sống bé mọn cậy trông Chúa, rồi Chúa sẽ giúp.

Chúa giúp tôi bằng cách chia sẻ với Đức Kitô chịu đóng đinh trên thánh giá. Đức Kitô dạy tôi hãy trở nên của lễ như Người và với Người. Từ đó tôi hiểu lời Đức Kitô: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).

Trong niềm tin mạnh mẽ vào Của lễ Đức Kitô trên thánh giá chắc chắn đưa tới cứu độ và Phục sinh, tôi sống ơn gọi mới với tâm tình phó thác và lòng vâng phục.

Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa.

Long Xuyên, ngày 26 tháng 8 năm 2011