Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2012-
 

Để kỷ niệm ngày qua đời của
ĐHY. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
(+ 16/9/2002)

ĐƯỢC ĐỠ NÂNG ĐỂ HIẾN DÂNG

 

 1.

Đời tôi là một chuyến đi. Tôi đi về với Cha trên trời.

Trong chuyến đi dài, tôi đã băng qua nhiều chặng đường lịch sử khó khăn. Trong trí óc tôi hiện giờ còn lưu trữ rất nhiều hoài niệm để nhớ để thương. Ở đó có khổ đau, cô đơn và kinh hoàng sợ hãi, nhưng rồi đã gặp được tình thương ấp ủ, giúp tôi phấn đấu.

Tôi vác trên vai những gánh nặng. Mà tôi thì nhiều khi rất mệt mỏi. Bởi vì tôi thân phận yếu đuối mỏng manh.

Làm sao giữ được niềm hy vọng vào lòng thương xót Chúa? Làm sao tiếp tục yêu thương được mãi những người bội bạc ghen ghét? Làm sao cứu giúp được bao người nghèo khổ? Tôi gởi cho Chúa Giêsu những ưu tư như thế. Tôi gởi bằng tâm tình cầu nguyện, khát mong và đợi chờ.

 2.

Chúa Giêsu trả lời tôi bằng lời Chúa được ghi trong Phúc Âm: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

Tôi đón nhận lời Chúa với lòng tin tưởng. Chúa đến với tôi qua lời Chúa. Cùng với lời Chúa là những con người bằng xương bằng thịt. Họ đến nâng đỡ tôi lúc tôi không ngờ.

Có trường hợp, lúc được họ đỡ nâng, tôi nhớ lại lời Phúc Âm kể về Chúa Giêsu, khi Người vác thánh giá lên núi Calvariô: “Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Simon, gốc Kyrinê... Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Chúa Giêsu” (Mc 15,21).

Có trường hợp, lúc được họ đỡ nâng, tôi nhớ tới Chúa Giêsu, khi Người phải chịu đóng đinh, có một nhóm nhỏ đứng dưới chân thánh giá: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của bà thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôphát, cùng với bà Maria Madalena” (Ga 19,25).

Họ đến với tôi, không mang chứng từ gì. Nhưng tôi tin chắc họ được Chúa sai đến với tôi, để nâng đỡ tôi, bởi vì họ khiêm tốn quên mình.

 3.

Nâng đỡ của họ là sự hiện diện của họ. Một hiện diện thân thương. Một hiện diện chia sẻ. Một hiện diện cùng đau khổ với tôi. Hiện diện ấy cốt ở tình thương. Cho dù xa mà vẫn gần.

Không những thế, đằng sau họ lại có Chúa Giêsu. Tình thương vô hình của Chúa được thể hiện phần nào bằng tình thương hữu hình của những con người dấn thân quên mình.

Dần dần, tôi thấy ứng nghiệm trong tôi lời Chúa hứa: “Anh em hãy mang lấy ách của Ta và hãy học với Ta, vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng” (Mt 11,29-30).

 4.

Tôi thấy gánh nặng của tôi vẫn còn đó. Nhưng nó được biến đổi. Thay vì nó làm cho tôi chỉ nghĩ về mình, thì nó làm cho tôi nghĩ về Chúa và về những người khác.

Khi nghĩ về Chúa Giêsu, tôi đem đau đớn của tôi hoà vào sự thương khó của Người làm của lễ, mà dâng lên Chúa Cha, để cứu độ nhân loại.

Khi nghĩ về những người khác, tôi cầu xin cho họ được Chúa yêu thương, được Chúa viếng thăm, được Chúa cứu độ.

Thế là đời tôi, từ một cuộc đời giữ lại cho mình đã trở thành cuộc đời dâng hiến. Sự hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giêsu được chia sẻ cho tôi. Nhờ đó, tôi cảm thấy được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Ách Chúa ban thì êm ái, gánh Chúa ban thì nhẹ nhàng. Đúng như lời Chúa hứa (x. Mt 11,29-30). Chúa thương nên tôi đã gặp được nhiều cuộc đời dâng hiến. Những cuộc đời ấy đã dạy tôi làm chứng cho Chúa bằng những việc dâng hiến nhỏ hằng ngày.

 5.

Kinh nghiệm trên đây cho phép tôi xác tín điều này: Những người đau khổ chính là những chứng nhân hùng hồn về Chúa. Thương tích họ mang chứa đầy ơn thánh. Trong đau khổ, họ mời gọi chúng ta hãy nhận ra sự mong manh của thân phận con người, để tìm về những gì là căn bản. Căn bản nhất là gặp được Chúa, được đón nhận nơi Chúa lòng thương xót và ơn cứu độ.

Như vậy, đau khổ, khi biết sống với đức tin, sẽ dẫn đưa con người vào một chiều kích thiêng liêng cao đẹp.

Chiều kích thiêng liêng, mà nhiều người đã được cảm nghiệm, đó là thấy được dung mạo của Chúa Giêsu, Đấng đã trở nên khó nghèo và đau khổ, để đồng hành với mọi đau khổ và khó nghèo của con người, hầu giúp con người trở thành của lễ đáng được vào Nước Trời.

 6.

Nếu những người đau khổ là chứng nhân hùng hồn về Chúa, thì mục vụ dành cho những người đau khổ phải được kể là một trách nhiệm đặc biệt của mọi người làm mục vụ.

Bộ mặt của một cộng đoàn, một giáo xứ, một giáo phận sẽ đẹp nhờ chiều kích thiêng liêng. Chiều kích này ít hệ tại ở những hào nhoáng vui nhộn, mà tuỳ thuộc rất nhiều vào tình thương dành cho những người nghèo khổ, bệnh tật, cô đơn, hèn mọn.

Thánh Phaolô viết: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Gl 6,14).

Trong tinh thần đó, phụng vụ thánh lễ “Suy tôn Thánh Giá” được mở đầu bằng lời sau đây:

Chúng ta phải hãnh diện về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nơi Người, ta được giải thoát, được sống và được sống lại. Chính Người giải thoát và cứu độ ta” (Sách Lễ Rôma).

Nếu vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô, thì chúng ta phải tôn trọng và yêu thương những người sống thập giá Đức Kitô một cách sống động và cụ thể.

Khi mục vụ dành cho những người đau khổ được thực hiện đầy đủ, những người đau khổ sẽ trở thành một nguồn trợ lực thiêng liêng phong phú cho cộng đoàn nói riêng và cho Hội Thánh nói chung.

Riêng tại Việt Nam hôm nay, những người đau khổ còn rất đông. Họ đau khổ dưới nhiều hình thức. Hãy cùng với Chúa Giêsu đến với họ. Hãy cùng với Chúa Giêsu đồng hành với họ. Hãy cùng với Chúa Giêsu chia sẻ với họ. Hãy cùng với Chúa Giêsu đau khổ với họ. Hãy cùng với Chúa Giêsu nâng đỡ họ.

Làm được như vậy, chúng ta sẽ cảm thấy mình được đón nhận tình Chúa xót thương, như lời Chúa hứa: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7). Mục vụ và truyền giáo của chúng ta sẽ đẹp lòng Chúa.

Chúa đã phán: “Một khi được giương cao lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,32).

Lời Chúa phán trên đây cho phép tôi nghĩ rằng: Một khi chúng ta cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu trên thánh giá, chúng ta cũng được cùng với Chúa Giêsu sẽ kéo nhiều người lên với Chúa. Sức mạnh lôi kéo người ta lên với Chúa chính là tình yêu hy sinh của thánh giá.

Đời con như của lễ không hề ngưng”.

Long Xuyên, ngày 16 tháng 9 năm 2011