Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2012-
 

CHÚA PHỤC SINH ĐÀO TẠO
CÁC CHỨNG NHÂN
LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

 

Chúa Cứu Thế là chứng nhân về Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Từ hang đá Bêlem, nơi Người sinh ra, đến hang đá Calvariô, nơi Người được an táng, đời Chúa Giêsu suốt 33 năm là hành trình làm chứng cho tình yêu cứu độ. Một tình yêu chấp nhận hạ mình xuống cảnh khó nghèo. Một tình yêu tình nguyện chịu khổ nạn đến chết trên thập giá. Tất cả đều làm chứng Thiên Chúa xót thương cứu chuộc loài người.

Để tiếp nối việc làm chứng quan trọng ấy, Chúa Giêsu đã chọn một số người, đặc biệt là nhóm 12 tông đồ. Người đã đào tạo họ cách riêng. Sau khi sống lại, trước khi lên trời, Chúa Giêsu đã hiện ra với các tông đồ nhiều lần. Có thể nói: Những gặp gỡ đó đều nhắm vào việc đào tạo các tông đồ, để họ trở nên những chứng nhân thích hợp của Thiên Chúa giàu lòng thương xót.

Trong cái nhìn trên đây, tôi xin được phép rút ra những điểm nổi bật từ những cuộc Chúa Phục Sinh đến gặp các môn đệ của Người. Những điểm nổi bật đó đã giúp các môn đệ cảm nhận được tình yêu thương xót Chúa.

 1. Những cảm nhận của các môn đệ Chúa Phục Sinh, khi được Người hiện ra gặp gỡ

a) Sau khi Chúa Giêsu bị giết, các môn đệ của Người đã rất hoảng sợ và lo âu. Họ sợ các người giết Chúa cũng sẽ truy lùng họ. Họ lo âu không biết Chúa có trở lại như đã hứa hay không. Họ hoang mang về tin Chúa sống lại là thực hay giả. Tình hình như thế đâu có làm chứng được gì cho Chúa.

Nhưng Chúa Phục Sinh đã hiện ra với họ. Chúa Phục Sinh đã mang đến cho họ sự bình an.

Sự bình an nói đây là ơn giải cứu họ khỏi sợ hãi, lo âu, nghi ngờ. Thay vào đó là niềm tin dạt dào tình yêu vui sướng.

Sự bình an Chúa Phục Sinh ban cho họ cũng được họ cảm nhận như một sự tha thứ. Chúa Phục Sinh không có một lời nhắc đến những lỗi lầm yếu đuối của họ. Họ cảm thấy lòng mình như được tình yêu cứu độ của Chúa xoá sạch mọi tội lỗi.

b) Cùng với cảm nhận về sự bình an, mang ơn tha thứ, các môn đệ Chúa cảm nhận được sự thân mật Chúa dành cho mình.

Trước mồ trống, Chúa gọi tên các bà đang khóc. Trong phòng họp, Chúa gọi ông Tôma đang hồ nghi hãy đến gần. Trên bờ biển hồ Tibêria, Người nói chuyện với mấy ông đang bắt cá. Sau bữa ăn chung, Chúa hỏi ông Simon có mến Thầy không, và Chúa đã trao quyền cho ông.

Mỗi môn đệ đều cảm nhận được tình Chúa dành cho mình có một cái gì là riêng tư thân mật. Cái riêng tư thân mật ấy khiến họ cảm thấy Chúa gần gũi họ, giúp họ phó thác.

Chính Chúa Phục Sinh chủ động đến với họ trong những lúc bất ngờ và ở những nơi tưởng là không xứng đáng, như trên bãi biển, trong phòng đóng kín, trên đường đi Emmau. Chúa Phục Sinh cho họ cảm thấy tình xót thương Chúa dành cho mỗi người là một quà tặng nhưng không.

c) Một cảm nhận khác mà Chúa in vào lòng các môn đệ là phải vâng lời Kinh Thánh mà vượt qua cuộc khổ nạn, thì mới được phục sinh.

Cảm nhận đó có vẻ không dễ dàng. Khi hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau, Chúa Phục Sinh đã phải cắt nghĩa lâu, rồi phải mở trí mở lòng họ ra, thì họ mới hiểu. Khi hiện ra với các môn đệ đang họp cùng ông Tôma, Chúa Giêsu cũng đã nhắm đến sự phải vâng lời Kinh Thánh mà đi vào cuộc khổ nạn, rồi Người cũng đã mở trí mở lòng họ ra, thì họ mới hiểu.

Chúa ban cho họ cảm nhận về thánh giá, để từ đó, Chúa kêu gọi họ phải sám hối.

d) Cảm nhận sau cùng của các môn đệ Chúa, khi được gặp Chúa Phục Sinh, là sự tin chắc chắn mình được Chúa yêu thương, được Chúa cứu độ và được Chúa sai đi.

Cùng với cảm nhận này là sự tin chắc mình được ơn yêu mến Chúa và yêu thương những kẻ khác.

Sự tin chắc chắn trên đây có thể được coi là dấu chỉ mạnh mẽ nhất về tình yêu thương xót Chúa. Niềm tin ấy trở thành dấu chỉ, khi phát xuất từ tiến trình khám phá ra cái tôi đích thực.

 2. Tiến trình khám phá ra cái tôi đích thực

Thánh Phêrô và các môn đệ khác đã dần dần khám phá thấy cái tôi đích thực của mình qua những đổ vỡ.

Các ngài tưởng mình luôn trung tín với Chúa. Nhưng các ngài đã không như mình tưởng. Người thì chối Chúa, người thì bỏ trốn, khi Chúa bị bắt. Cái tôi mình tưởng là luôn vững, đã sụp đổ vì yếu đuối.

Các ngài tưởng Thầy mình sẽ cứu dân mình về mặt chính trị bằng sự thiết lập một vương quốc trần thế hùng mạnh, trong đó các ngài sẽ được những địa vị cao sang. Nhưng Chúa đã không làm như vậy. Những ảo tưởng của các ngài sụp đổ.

Các ngài tưởng đời các ngài sẽ là những chuỗi thành công, những chuỗi niềm vui. Nhưng các ngài đã nếm mùi thất bại và những nỗi buồn cay đắng.

Các ngài tưởng mình có thể tự hào về những việc trừ quỷ, và làm nhiều phép lạ. Nhưng Chúa đã cho các ngài thấy những việc coi như đạo đức lẫy lừng đó sẽ không giúp gì cho họ, nếu họ không thực hiện đúng theo thánh ý Chúa. Tự hào của họ nhiều khi tan vỡ.

Tan vỡ tiếp theo tan vỡ. Sụp đổ kéo theo sụp đổ. Tiến trình đó là một thực tế đắng cay. Nhờ ơn Chúa, các môn đệ Chúa nhìn thấy rõ cái tôi của mình.

Cái tôi của các ngài là như vậy. Thế mà Chúa đã đoái nhìn đến. Chúa đã yêu thương họ. Yêu thương bằng ơn cứu độ, ơn tha thứ, ơn bình an, ơn được khả năng yêu mến Chúa và yêu thương những kẻ khác. Một tình yêu thương dạt dào lòng thương xót.

Dần dần họ cảm nhận được các ơn đó là Tin Mừng cứu độ đối với họ. Và sau cùng họ xác tín chính Chúa Giêsu là Tin Mừng cứu độ của họ.

Cùng với sự xác tín mình được yêu thương, họ cảm nhận được mình được sai đi làm chứng cho Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô. Họ sẽ làm chứng không phải chỉ bằng lời nói, mà nhất là bằng đời sống thường ngày của họ. Một đời sống sẽ là yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương họ.

Yêu thương người khác như Chúa đã yêu thương họ, đó là chỉ tiêu họ theo đuổi.

Đến đây, tôi tự hỏi: Tại Việt Nam hôm nay các môn đệ Chúa Giêsu, trong đó có tôi, đang làm chứng cho Tin Mừng thế nào?

Chắc chắn là không thiếu người đang làm chứng cho Tin Mừng bằng chính đời sống yêu thương như Chúa đã yêu thương. Tuy nhiên sẽ không sai nếu nói rằng nhiều người chỉ làm chứng bằng lý thuyết và trong nhà thờ, chứ không bằng đời sống. Rất có thể là họ chưa bao giờ cảm nghiệm được Đức Giêsu Kitô là Tin Mừng của họ. Nên lòng họ trống vắng, dửng dưng lạnh lùng với Chúa Giêsu.

Chúng ta khiêm nhường tha thiết cầu xin cho họ. Cầu xin cho họ cũng là cầu xin cho chúng ta. Bởi vì biết đâu chúng ta cũng giống như họ hay còn tệ hơn họ.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết đón nhận Chúa là Tin Mừng cứu độ, để chính Chúa ở trong con sẽ giúp con làm chứng cho Thiên Chúa giàu lòng thương xót tại Việt Nam hôm nay.

Long Xuyên, ngày 12 tháng 4 năm 2011