Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2012-
 

GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO
THEO GƯƠNG THÁNH GIA,
PHỤC VỤ ĐỨC TIN

 

 1.

Một trong những mong muốn hàng đầu của gia đình công giáo là phục vụ đức tin. Mong muốn đó rất đáng khen ngợi.

Phục vụ đức tin là sống đức tin một cách sốt sắng, là làm chứng cho đức tin một cách cụ thể, là truyền bá đức tin một cách nhiệt thành. Tất cả đều được thực hiện theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Để phục vụ đức tin như thế, gia đình công giáo tìm kiếm một gương mẫu. Gương mẫu đáng tin cậy nhất là Thánh Gia.

 2.

Trước hết, chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu.

Trong công trình cứu chuộc nhân loại, Chúa Giêsu đã ưu tiên chọn những phương tiện nghèo khó, khiêm nhường.

Chúa Giêsu sinh vào đời một cách hết sức nghèo khó. Không một chút quyền lực. Người đến như một trẻ thơ, hoàn toàn tuỳ thuộc vào những người xung quanh. Người không chống lại ai, Người không áp đặt lên ai bất cứ điều gì. Người được nhận ra ở nét yếu đuối, nét khiêm nhường, nét nghèo khó.

Những nét đó càng sâu đậm hơn nữa nơi Chúa Giêsu, khi Người tắt thở trên thánh giá.

Nói thế không có nghĩa là Chúa Giêsu đã không dùng những phương tiện sang giàu. Thực sự Người đã vào thành Giêrusalem một cách trọng thể, ngày lễ Lá. Dân chúng đã trải áo mình trên đường Người đi. Họ đã nhiệt liệt hoan hô Người. Nhưng ngay sau cuộc đón rước linh đình đó, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: "Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, nó sẽ trơ trọi một mình, còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác" (Ga 12,24). Người nói điều đó, để các môn đệ đừng bám vào biến cố vinh quang mới xảy ra, kẻo sẽ lầm lớn.

Trong vườn Cây Dầu, khi quân quốc kéo đến, toan bắt Chúa Giêsu, Người xưng mình là kẻ họ muốn tìm bắt. Nghe vậy, "Bọn họ lùi lại và ngã xuống đất" (Ga 18,6). Người tỏ ra quyền phép của Người. Nhưng sau đó, Người để mình bị trói, bị nhục mạ, bị nhổ vào mặt, bị đem đi giết. Người nhịn nhục, khiêm tốn.

Trên thánh giá, Người nghe lời thách thức: "Hắn đã cứu nhiều người mà chẳng cứu được mình. Ông Kitô vua Israel, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin" (Mc 15,31-32). Nhưng Người làm thinh, như một kẻ yếu hèn.

Sự nghèo khó, khiêm nhường của Chúa Giêsu đã gây cho Người những nhục nhã, những đớn đau. Nhưng Người đã muốn như thế. Chọn lựa của Người được thánh Phaolô gọi là "một sự điên rồ" (1 Cr 1,25). Nhưng đó là điên rồ của tình yêu.

 3.

Bây giờ chúng ta nhìn vào Đức Mẹ và thánh Giuse.

Mẹ Maria tham gia vào công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu cũng bằng những phương tiện khó nghèo. Phương tiện khó nghèo của Mẹ là lời "Xin vâng" ngày truyền tin. Đức Mẹ xin vâng suốt cả cuộc đời. Xin vâng đau đớn nhất là dưới chân thánh giá Chúa Giêsu. Xin vâng của Mẹ nói lên tinh thần nghèo khó.

Sự nghèo khó của Mẹ là sự thinh lặng, đời sống ẩn dật, sự vâng phục, sự cầu nguyện, sự khiêm tốn, sự hy sinh hãm mình, sự phó thác trọn vẹn nơi Chúa.

Còn thánh Giuse được chọn để bênh vực Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Ngài cũng thực hiện trách nhiệm đó bằng những phương tiện nghèo khó. Nghèo lương thực, nghèo phương tiện đi lại, nghèo địa vị. Suốt đời Ngài chỉ là lắng nghe ý Chúa và thực thi ý Chúa trong thầm lặng. Ngài nhận biết mình nghèo khó, chỉ biết cậy trông vào Chúa mà thôi. Ngài sống tinh thần thơ ấu như lời Chúa Giêsu dạy: "Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, anh em sẽ chẳng được vào Nước Trời" (Mt 18,3).

 4.

Nhìn vào Ba Đấng của Thánh Gia, chúng ta có thể nói: Một đặc điểm chung của Ba Đấng là "Xin vâng cho thánh ý Chúa được nên trọn". Thiết tưởng đặc điểm đó cũng sẽ là cách sống phục vụ đức tin của chúng ta.

Thánh ý Chúa về chúng ta là chúng ta hãy phục vụ đức tin theo gương mẫu Chúa Giêsu Đức Mẹ và thánh Giuse theo hướng phát triển.

Với ý hướng đó, chúng ta phát triển khả năng dũng cảm của chúng ta bằng những việc dù rất nhỏ, để ưu tiên chọn Chúa và lo cho phần rỗi. Vì "Nếu được cả thế gian mà mất linh hồn mình, thì nào được ích gì" (Mt 16,26).

Chúng ta phát triển khả năng yêu thương của chúng ta bằng những việc dù rất nhỏ, nhắm mục đích chu toàn bổn phận, nhất là bổn phận phục vụ và nâng đỡ nhau sống theo ý Chúa.

Chúng ta phát triển khả năng hiểu biết của chúng ta bằng những việc dù rất nhỏ, nhất là năng đọc Kinh Thánh, học hỏi và suy gẫm Lời Chúa.

Chúng ta phát triển khả năng tiếp cận của chúng ta với Chúa bằng những việc dù rất nhỏ, như trung thành với thánh lễ Misa và cầu nguyện tạ ơn, cầu nguyện sám hối, cầu nguyện xin ơn, cầu nguyện dâng hiến.

Chúng ta phát triển khả năng tin cậy Chúa nơi chúng ta bằng những việc dù rất nhỏ, mang tính cách phó thác, nhất là trong những trường hợp khó khăn và bị thử thách.

Chúng ta phát triển tinh thần Yêu Nước bằng những việc dù rất nhỏ, mang giá trị liên đới với đồng bào và trách nhiệm trung thành với Tổ Quốc.

 5.

Chúng ta thành thực nhận thức rằng: Đức tin của gia đình chúng ta hiện nay đang bị đe doạ bởi nhiều bão tố, như bão tố thông tin, bão tố phong trào, bão tố dư luận.

Chúng ta rất cần tỉnh thức, nhất là rất cần có khả năng phân định và lựa chọn. Bởi vì không phải tất cả đều tốt, không phải tất cả đều thực, không phải tất cả đều khả thi, không phải tất cả đều có tính cách xây dựng. Để biết chọn lựa, chúng ta rất cần ơn Chúa. Chúng ta khiêm tốn nhìn nhận rằng: Chúng ta rất yếu đuối và tối tăm. Chúng ta chỉ có thể vượt qua sóng gió nhờ ơn Chúa. Vì thế, chúng ta tha thiết cầu xin Thánh Gia, xin Thánh gia giúp đỡ.

Nhìn vào Đức Giêsu Kitô Đức Mẹ và thánh Giuse, chúng ta thấy Ba Đấng rất dễ gần gũi. Chúng ta xin ở lại bên Ba Đấng, để được đào tạo, để được đỡ nâng, để được trung thành bền vững.

Giêsu, Maria, Giuse, chúng con xin phó thác hồn xác chúng con trong tay Ba Đấng. Amen.

Long Xuyên, ngày 13 tháng 6 năm 2011