Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2012-
 

HIẾN TẾ MÌNH
LÀM CỦA LỄ ĐỀN TỘI

 

Chúa Giêsu phán: "Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên" (Ga 10,15). Sau đó, Người còn khẳng định: "Chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình" (Ga 10,18).

Sự Chúa Giêsu tự ý hy sinh mạng sống mình đã được thực hiện trong cuộc thương khó của Người. Cuộc thương khó ấy nhắm mục đích chứng tỏ tình yêu Chúa đối với con người. Thánh Phaolô viết: "Theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta... Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta" (Rm 5,6-8).

Chúa Giêsu chịu chết vì yêu thương chúng ta có nghĩa là "để cứu chúng ta khỏi án chết của tội" (kinh trong Phụng vụ thứ sáu Tuần Thánh).

Ý đó đã được tiên tri Isaia diễn tả bằng những câu sau: "Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành" (Is 53,5). "Đức Chúa đã muốn Người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu Người hiến thân làm lễ vật đền tội, Người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ Người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu" (Is 53,10).

Như vậy, khi Chúa Giêsu dâng mình làm của lễ đền tội cho nhân loại, Người đã nghĩ đến mỗi người chúng ta. Nghĩ đến trong tình yêu thương cứu độ. Chúng ta hết lòng cảm tạ Chúa. Tâm tình cảm tạ của chúng ta sẽ tha thiết hơn, khi chúng ta nhìn lâu vào của lễ đền tội đó.

 1. Của lễ đền tội

Chúa Giêsu trở thành của lễ đền tội thay cho chúng ta trước hết bằng những đau đớn.

Đau đớn phần xác thì coi như đến tận cùng của làn sóng hận thù. Tất cả mọi độc ác đều trút lên thân Người. Bị trói, bị đánh đòn, bị đội mão gai, bị nhổ vào mặt, bị lột trần, bị xỉ vả, bị đóng đinh vào thập giá. Trong giờ phút sau cùng, Người kêu khát. Người ta đáp lại bằng chút giấm chua. Chết rồi, Người vẫn bị người ta đâm vào trái tim.

Đau đớn phần tâm trí thì coi như bị ném sâu vào vực thẳm buồn phiền cô đơn. Phúc Âm kể: "Người cảm thấy hãi hùng xao xuyến. Người nói với các môn đệ: Tâm hồn Thầy buồn đến chết được... Người đi xa một chút, quỳ xuống đất mà cầu xin cho giờ ấy rời khỏi mình, nếu có thể được. Người nói: Abba, Cha ơi, Cha có thể làm được mọi sự, xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha" (Mc 14,34-35).

Tâm hồn Chúa Giêsu khổ đau nhất là vì tình yêu bị chối từ, hơn nữa bị đáp trả bằng những vô ơn và độc ác. Người cảm thấy cô đơn. Thử thách về cô đơn càng trở nên trầm trọng, khi Người cảm thấy như chính Chúa Cha cũng bỏ Người. Trên thánh giá, Người than: "Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Cha nỡ bỏ con" (Mc 15,33).

Đau đớn phần xác đến tận cùng, đau khổ tâm hồn đến cực độ. Tất cả đều chịu trong tinh thần hiền lành khiêm tốn. Những yếu tố trên đây chưa phải đã là của lễ đền tội. Một yếu tố cần phải nhắc tới, đó là tình yêu vẫn trọn vẹn. Trên thánh giá, Chúa Giêsu tha thứ và xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ làm khổ Người: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23,34). Và lời sau cùng nữa trước khi tắt thở trên thánh giá là: "Lạy Cha, con xin phó thác con trong tay Cha" (Lc 23,46). Người nói những lời yêu thương đối với những kẻ làm khổ Người và những lời phó thác đối với Đức Chúa Cha, trong một tình trạng bi đát nhất, với một thân phận tiều tuỵ, tàn tạ và bị loại bỏ.

Những đau khổ xác hồn Chúa Giêsu phải chịu cùng với tình yêu vô biên của Người làm nên của lễ đền tội thay cho chúng ta. Cùng với của lễ đền tội đó, Chúa Giêsu đi về với Chúa Cha.

Sự Chúa Giêsu hiến tế mình làm của lễ đền tội thay cho nhân loại là việc của tình yêu. Tình yêu luôn là một tiếng gọi. Chúa Giêsu gọi các môn đệ Chúa hãy bắt chước Người. Người đã yêu thương thế nào, thì các môn đệ hãy yêu thương như vậy.

Thực sự, các môn đệ Chúa trong mọi thời mọi nơi vẫn vâng theo tiếng gọi ấy. Hiện nay, họ đang sống sự hiến tế mình làm của lễ đền tội thế nào?

 2. Các môn đệ Chúa hôm nay sống tình trạng hiến tế

Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, các môn đệ Chúa Giêsu hiện nay vẫn sống tinh thần hiến tế. Cuộc sống đó được thực hiện dưới nhiều hình thức như: Đền tạ trước Thánh Thể hoặc trước thánh giá, đền tạ trong đời sống cộng đoàn, đền tạ trong khuôn khổ chu toàn bổn phận, đền tạ trong tình trạng đau yếu, đền tạ trong dấn thân phục vụ người nghèo túng, khổ đau...

Trong bất cứ hình thức đền tạ nào, họ luôn luôn khát khao Chúa. Chúa đã kêu gọi họ hãy khao khát Người. Phúc Âm ghi: "Đức Giêsu đứng trong Đền Thờ và lớn tiếng nói rằng: Ai khát, hãy đến với tôi. Ai tin vào tôi, hãy đến mà uống. Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống" (Ga 7,37-38).

Thực sự, những ai khao khát Chúa với lòng tin, đã được Chúa đến trong lòng họ. Chúa tuôn đổ vào lòng họ nước hằng sống là tình yêu của chính Người. Một tình yêu cảm thương, một tình yêu dâng mình làm lễ vật đền tội.

Chính Chúa Giêsu biến đổi họ thành lễ vật đền tội thay cho người khác. Sự biến đổi ấy được thực hiện từ cõi lòng sâu thẳm. Nhờ vậy, họ biết yêu thương như Chúa đã yêu thương. Tình yêu đó không dừng lại ở ranh giới nội bộ, mà còn tràn sang những người khác, kể cả những người chống đối và ghen ghét họ.

Tình yêu ấy luôn kèm theo hy sinh. Hy sinh gây nên đau đớn. Đau đớn nào cũng vẫn là đau đớn. Hy sinh đau đớn làm chứng cho tình yêu dâng hiến.

Sáng sớm Chúa nhật vừa qua (03.4.2011), lúc 04 giờ, tôi mở đài Rai, Italia. Một bất ngờ đã thu hút tôi. Đài đang chiếu một cuộc toạ đàm mang tên: "Cuộc thương khó của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II". Toạ đàm gồm tường thuật và bình luận về những hình ảnh đau đớn của Đức Thánh Cha. Ngài đau đớn trước những đau đớn của người khác. Ngài đau đớn vì cảnh khổ đau của nơi này nơi nọ trên thế giới. Ngài đau đớn do những bệnh tật xảy đến cho Ngài. Những đau đớn hiện lên trên nét mặt của Ngài, trên những bước đi của Ngài, trong giọng nói của Ngài, trên thân hình của Ngài, trên hai tay run rẩy của Ngài. Sự thương khó của Ngài có một sức linh thiêng kỳ diệu. Nó đầy khiêm tốn, yêu thương và đời sống nội tâm. Chính cuộc thương khó đó đã lôi kéo từng triệu người đến với Ngài và đến với Chúa.

Qua cuộc toạ đàm trên đây, Chúa cho tôi hiểu rằng: Sự thương khó của Chúa Giêsu là một dấu ấn Chúa đóng vào những người Chúa thương yêu.

Chúa cũng cho tôi thấy rằng: Chúa đang kêu gọi các môn đệ Chúa hãy khiêm nhường phó thác đón nhận vào đời mình một phần sự thương khó của Đấng Cứu Thế. Chính bằng cách đó, họ sẽ tham gia vào công cuộc cứu độ nhân loại một cách hữu hiệu theo thánh ý Chúa.

Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa.

Long Xuyên, ngày 8 tháng 3 năm 2011