Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2012-
 

Nhân cuộc đón tiếp vị Đại Diện Toà Thánh

ĐÔI CHÚT TÂM TÌNH

 

 1.

Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện Toà Thánh, sẽ đến Long Xuyên đầu tháng Mười (02/10/2011). Giữa mùa lũ lụt, giáo phận Long Xuyên sẽ đón tiếp Ngài với tâm tình trào dâng.

Tôi đón nhận biến cố như một sứ điệp của Chúa. Sứ điệp có thể là riêng tư. Sứ điệp gởi đến tôi qua những tâm tình, mà Chúa gợi lên trong tôi.

Những tâm tình này là những tình cảm gắn bó với Chúa và biết ơn Hội Thánh. Những tâm tình này phát sinh từ Lời Chúa vững bền và lịch sử biến chuyển, cùng với kinh nghiệm yếu đuối của bản thân tôi.

Dòng tâm tình như bản nhạc dài. Lúc vui như hoan ca toàn thắng. Lúc buồn như tưởng niệm tiếc thương. Lúc hồi hộp như có báo động. Lúc hy vọng như bình mình tươi sáng.

Dòng tâm tình nâng linh hồn tôi lên với Chúa. Gặp Chúa, Chúa giúp cho những tâm tình của tôi trở nên rõ nét.

 2.

Tâm tình thứ nhất là sống cảm tạ.

Tôi cảm tạ Chúa đã nhận tôi vào Hội Thánh Chúa. Trong Hội Thánh và nhờ Hội Thánh, tôi được gặp Chúa là Đấng cứu độ tôi.

Chúa cứu tôi khỏi thân phận cuộc đời có vô vàn giới hạn, để tôi được hiệp thông với sự sống đời đời, tuyệt đối hạnh phúc của chính Chúa.

Chúa cứu tôi khỏi thân phận con người tội lỗi với biết bao tính mê nết xấu và cạm bẫy lôi kéo sự tự do của tôi vào đàng xấu, để tôi được hoà giải với Chúa.

Chúa cứu tôi bằng cách ban cho tôi ơn thánh như một quà tặng nhưng không, đồng thời cũng khuyên tôi hãy biết đón nhận ơn thánh Chúa.

Chúa cứu tôi như thế nhờ những đỡ nâng của Hội Thánh. Tôi còn được rất nhiều ơn hồn xác nhờ Hội Thánh. Tôi hết lòng biết ơn Hội Thánh và cảm tạ Chúa đến muôn đời.

 3.

Tâm tình thứ hai là sống tin tưởng.

Tôi tin Hội Thánh Chúa sẽ mãi mãi tồn tại. Tin tưởng của tôi dựa trên nền tảng Lời Chúa. Chúa phán: “Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Lịch sử mấy ngàn năm cho thấy sự tồn tại của Hội Thánh không luôn dễ dàng. Phải nói là Hội Thánh tồn tại trong vô vàn khó khăn. Nhưng cho dù khó khăn tới mức độ nào, Chúa vẫn dùng Hội Thánh như một dụng cụ và một dấu chỉ để cải hoá con người và mọi thực tại trần thế. Để tất cả, với một cách nào đó, đều trở về với Đấng Tạo Thành. Để tất cả, với một cách nào đó, đều yêu thương nhau. Để tất cả, với một cách nào đó, đều hướng tìm về cõi Phục Sinh.

Với dung mạo phản ánh tình yêu Thiên Chúa, Hội Thánh đi qua mọi chặng đường lịch sử. Hội Thánh ban ơn mà không áp đặt. Cũng như Chúa cứu độ mà không cưỡng ép. Chúa cho con người được tự do. Mỗi người có tự do đón nhận hay từ chối Chúa và Hội Thánh Chúa.

Chúa biết trước nhiều người sẽ đón nhận. Chúa cũng biết trước nhiều người sẽ chống đối. Số người từ chối và chống đối có lúc sẽ rất đông. Vì thế, có lần Chúa đã nói: “Khi Con Người lại đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất này không?” (Lc 18,8).

Lời Chúa trên đây nhuộm màu bi quan. Thế mà, bi quan đó đã xảy ra trên thực tế lịch sử. Nhiều người đã bỏ đạo. Nhiều nơi đã không chấp nhận Hội Thánh.

Những sự thực đó cho phép tôi nghĩ rằng: Lời Chúa hứa Hội Thánh sẽ tồn tại chỉ được áp dụng cho Hội Thánh toàn cầu, chứ không áp dụng cho từng Hội Thánh địa phương. Sự thực đó dạy tôi tin tưởng trong khiêm tốn.

 4.

Tâm tình thứ ba là sống thức tỉnh.

Chúa dạy tôi hãy thức tỉnh. Thức tỉnh là nên biết những gì bi quan đã xảy ra nơi này nơi nọ cũng rất có thể xảy ra cho Hội Thánh địa phương của tôi.

Đất Thánh, xưa là nơi Chúa Giêsu đã sinh ra, đã giảng dạy, đã chịu tử nạn và đã sống lại. Xưa nơi đó đã có thời Công giáo phát triển mạnh. Nhưng nay Công giáo chỉ còn là một cộng đoàn bé nhỏ. Do Thái giáo và Hồi giáo bao trùm khắp Đất Thánh.

Tiểu Á, xưa là nơi hoạt động truyền giáo của thánh Phaolô, là nơi sản sinh ra nhiều thánh giáo phụ, là đất đã chứng kiến những Công đồng đầu tiên quan trọng. Nay Công giáo bị lu mờ trước cảnh phồn vinh của Hồi giáo.

Bắc Phi, xưa nổi tiếng vì có nhiều giáo phận, và vì có nhiều nhà thần học lừng danh, như thánh Augutinh, Tertuliêng và Cyprianô. Nay, bộ mặt quang vinh đã thuộc về quá khứ.

Châu Âu, trước đây phần đông là Công giáo, nhiều thánh, nhiều người đi tu, dân chúng sùng đạo. Nay tình hình đạo nhiều nước đang chuyển biến theo chiều hướng giảm.

Nói chung, nhiều nơi trước đây Công giáo tự hào khẳng định mình là mạnh về nhiều mặt. Nay những thế mạnh hầu như đã và đang chìm xuống.

Những sự thực trên đây khiến tôi phải thức tỉnh. Tôi không nên vội vàng đánh giá Hội Thánh địa phương của tôi dựa theo những thế mạnh bề ngoài. Tôi càng không nên căn cứ vào vài thế mạnh quá khứ, để dám khẳng Hội Thánh địa phương của tôi sẽ tồn tại và phát triển với tương lai huy hoàng bền vững.

Đối với đức tin, thế mạnh thực chất là nhờ ơn Chúa. Thánh Phaolô quả quyết Chúa đã nói với Ngài: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 11,9).

Thánh Phaolô nói tiếp: “Thế nên, tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui mừng, khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bị bắt bớ ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 11,10).

Vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của mình, đó là điều an ủi cho thánh Phaolô. Đó càng là điều an ủi cho tôi. Đó cũng là điều an ủi cho những người bé mọn trong Hội Thánh địa phương của tôi.

Tư tưởng trên đây dẫn tôi đến một tâm tình mới.

 5.

Tâm tình thứ bốn là sống bé mọn.

Tôi thấy những người bé mọn là nhân tố quan trọng góp phần cho Hội Thánh được vững bền. Đến đây, Lời Chúa hiện lên trong tôi: “Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21).

Riêng đối với tôi, những người mà tôi gọi là bé mọn, thường thuộc loại đơn sơ khiêm tốn. Điều làm tôi cảm động nhất nơi họ là sự tha thứ và lòng xót thương. Đó là điều cao cả, khiến tôi nhận ra Chúa ở trong họ. Họ bị sỉ nhục và loại trừ, mà vẫn tha thứ. Họ túng thiếu và khốn khổ, mà vẫn xót thương lo cho người khác.

Trong số những người bé mọn ấy, có những người đã có thời lầm lỗi, nhưng họ đã hối cải. Họ được kể vào số những người, mà Chúa Giêsu đã khen xưa: “Tôi nói thật với các ông, nhiều người thu thuế và đĩ điếm sẽ được vào Nước Trời trước các ông” (Mt 21,31). Lý do là vì họ đã khiêm nhường hối cải.

 6.

Với những tâm tình trên đây, tôi đón mừng vị Đại Diện Toà Thánh. Tôi cầu chúc Ngài luôn là dấu chỉ hữu hình của Đấng thiêng liêng vô hình. Đấng thiêng liêng vô hình nói đây là Thiên Chúa.

Trong biến cố Truyền Tin, Sứ Thần Gabriel đã nói với Đức Mẹ Maria rằng: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Lời quả quyết trên đây của Sứ Thần Thiên Chúa như được nhắc lại trong cuộc viếng thăm của vị Đại Diện Toà Thánh.

Tôi tin vào Lời Chúa, vì Chúa ta là Đấng toàn năng và là Đấng giàu lòng thương xót. Chúa sẽ ban muôn phước lành cho mọi kẻ tin vào Người. Không gì cản trở được Chúa, kể cả những tội lỗi của chúng ta.

Lạy Chúa, con hết lòng xin Chúa thương làm cho mọi người Chúa sai đi được trở nên dấu chỉ sống động của tình yêu Chúa, mang đến cho mọi người sự bình an và niềm hy vọng cứu độ. Amen.

Long Xuyên, ngày 26 tháng 9 năm 2011