Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2012-
 

THEO MẸ LÊN TRỜI

 

1.

Đức Mẹ đã lên Trời. Từ Trời, Đức Mẹ gọi tôi: "Con hãy lên Trời với Mẹ".

Đức Mẹ gọi nhiều lần, nhiều cách, nhiều lúc khác nhau. Tiếng gọi đầy yêu thương của Mẹ hối thúc tôi, qua những Lời Chúa, những kinh đọc, những lễ nghi tôn giáo, những người sống đức tin, và nhiều biến cố. Đôi khi một người nào đó đi sâu vào đời tôi, đã cùng với Đức Mẹ, nâng tâm hồn tôi lên.

Tôi nhìn lên Trời, nơi Đức Mẹ đang hưởng phúc trường sinh. Tôi thấy từ trần gian này tới thiên đàng là một khoảng cách mênh mông. Xa thăm thẳm, cao vời vợi. Hơn nữa, hai cõi đời lại rất khác nhau. Chỗ này là vật chất, trên kia là thiêng liêng. Tôi ái ngại và khiếp sợ. Vì tôi thấy tôi nặng nề, không sao băng qua được khoảng cách bao la ấy.

Nhưng tiếng gọi của Mẹ vẫn kiên trì. Dần dần tiếng gọi đó thấm vào lòng tôi. Tình thương trong tiếng gọi ấy đốt lên trong tôi một niềm khao khát. Từ niềm khao khát ấy đã bốc lên những lời kêu van khẩn nguyện: "Xin Mẹ dạy con đường lối về Trời".

2.

Đức Mẹ trả lời tôi.

Bỗng chốc, tôi nhận ra Đức Mẹ là Mẹ của tôi. Mẹ không dạy tôi bằng lý thuyết, nhưng bằng tình người mẹ. Với tình yêu thương thắm thiết, Mẹ in vào lòng tôi con đường Mẹ đã đi để lên Trời.

Con đường đó được ghi khắc vào tôi bằng những cảm nhận sống động. Xưa Mẹ đã có những cảm nhận nào trên đường về Trời, thì nay Mẹ cũng chia sẻ phần nào những cảm nhận đó vào con người của tôi.

Con người của tôi là cả hồn cả xác. Cho nên mọi cảm nhận Mẹ chia sẻ cho tôi cũng được tôi đón nhận cả nơi tâm hồn cả nơi thân xác. Tâm hồn là trí khôn, ý chí. Thân xác là cảm xúc, tình cảm, giác quan. Tất cả trộn vào đức tin, làm cho con người của tôi thành một tạo vật mới.

Tôi cảm được trong tôi có những gì rất mới. Những cái mới quan trọng trong tôi đã làm nên con đường về Trời là mấy cảm nhận sau đây:

3.

Trước hết, tôi cảm nhận được mình thấy rõ đích điểm phải tới.

Tôi sống trên đời như đi trên khoảng rộng có nhiều hướng. Hướng nào cũng mời gọi. Tôi phải chọn. Hướng mà tôi muốn chọn là hướng về Trời. Tôi chọn, vì Mẹ dạy tôi. Khi tôi chọn hướng về Trời như Mẹ muốn, tôi đã nhận ra Chúa. Chúa ngự trên thiên đàng. Chúa đang chờ đợi tôi ở đó.

Tôi xác tín Chúa là đích điểm của chuyến đi đời tôi. Chúa là hạnh phúc của tôi. Chúa là gia nghiệp của tôi. Chúa là thiên đàng của tôi.

Xưa Mẹ đã nhận thấy Chúa là đích điểm đời mình qua đức tin và nhiều dấu chỉ, nay tôi cũng nhận thấy đích điểm đó nhờ đức tin và nhiều mời gọi hữu hình. Mời gọi hữu hình thường lôi cuốn tôi là những người thương tôi và tôi thương.

Một khi đã nhận định Chúa là đích điểm đời mình, tôi cương quyết đi về với Chúa. Càng đi, tôi càng nhận thấy Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Người là Đấng, mà Mẹ đã ca ngợi trong bài ca "Linh hồn tôi tung hô Chúa" (Lc 1,46). Tôi được yêu thương.

Được Chúa yêu thương, tôi coi đó là một hạnh phúc ví như được thiên đàng ngay ở trần gian.

4.

Con đường đi lên với Chúa đã được Mẹ đặt tên, đó là con đường

"Xin vâng" (Lc 1,38). Lời xin vâng của Mẹ ngày Truyền Tin cho tôi thấy các con cái Mẹ phải rất khiêm nhường vâng phục thánh ý Chúa.

"Xin vâng" trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong hoàn cảnh bị thử thách. Mẹ đã khiêm tốn xin vâng, khi Mẹ thấy Con mình bị quần chúng loại trừ. Mẹ đã xin vâng, khi thấy Con mình như bị chính Đức Chúa Cha bỏ quên. "Cha ơi, sao Cha nỡ bỏ con" (Mc 15,34), lời kêu đó của Chúa Giêsu trên thánh giá đã đâm thâu qua trái tim Mẹ. Nhưng Mẹ đã xin vâng. Đau khổ ấy là của lễ đền tội thay cho bao người.

Tôi cảm nhận được sự thực của con đường "xin vâng" qua Đức Mẹ. Cuộc đời "xin vâng" sẽ không nghĩ về mình. Cuộc đời đó muốn cho mọi người đều được cứu rỗi. Họ lấy tình yêu và hy sinh che phủ những người đau khổ. Họ sẵn sàng nhận vào mình hình phạt thay cho kẻ có tội.

5.

Tôi cảm tạ Mẹ đã cho tôi những cảm nhận nâng tâm hồn tôi lên với Chúa. Một cảm nhận khác Mẹ đã in vào lòng tôi, để tôi theo đó mà đi lên Trời, đó là cảm nhận mình có khả năng yêu thương.

"Xin vâng" quan trọng nhất là biết yêu thương như Chúa Giêsu đã dạy và đã làm gương.

Chúa Giêsu đã dạy nhiều về yêu thương.

Yêu thương là "đến để cứu những gì đã hư mất" (Mt 18,11).

Yêu thương là "ai vả má mình bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin thì thì hãy cho. Ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy" (Lc 6,29-31).

Yêu thương là "hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em" (Lc 6,28).

Chúa Giêsu cũng đã làm gương rất nhiều về yêu thương.

Gương yêu thương trải qua suốt cuộc đời của Chúa. "Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá" (Pl 2,6-8). Tất cả là vì yêu thương con người.

Ngay trước khi tắt thở trên thánh giá, Chúa Giêsu còn cầu nguyện với Chúa Cha cho chính những kẻ làm khổ mình: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23,34).

Đức Mẹ đã suốt đời yêu thương theo lời dạy và gương sáng của Chúa Giêsu. Cuộc đời yêu thương đó không có gì là khác thường, ồn ào. Chỉ là cuộc đời đi theo Chúa, trong đời thường, với những việc thường, nhưng mang nội dung khác thường.

Những người con Đức Mẹ cũng vậy. Ở đây, xin được phép nhắc lại một câu của các giáo phụ trong sa mạc:

"Kẻ nào nhìn nhận tội lỗi của mình và không xét đoán tội lỗi của anh em mình, kẻ đó cao trọng hơn người làm cho kẻ chết sống lại" (trích Enzo Bianchi, Những mâu thuẫn của thánh giá). Nhận xét trên đây cho thấy yêu thương theo Chúa Giêsu và Đức Mẹ là việc âm thầm, không gây nổi tiếng. Nhưng âm thầm mà rất thánh. Tôi thấy nhiều con cái Đức Mẹ đã và đang thực hiện yêu thương đó trên đường về với Cha trên Trời. Khả năng yêu thương đó nơi họ là do Chúa ban cho.

6.

Cảm nhận sau cùng Đức Mẹ in vào lòng tôi để tôi an tâm đi trên đường về Trời là cảm nhận về sự an toàn.

Tôi cảm nhận mình được an toàn trên đường về Trời theo Đức Mẹ.

An toàn, mà tôi cảm nhận được không phải là sự tôi sẽ tránh được những khó khăn trắc trở, nhưng là tôi có sức Chúa ban để phấn đấu dưới sự che chở của Đức Mẹ.

Cảm nhận này được chứng minh qua thực tế. Thực tế là các con cái Đức Mẹ trong đó có tôi, đã và vẫn phải sống trong những hoàn cảnh không thiếu khó khăn. Có thể nói là khó khăn tư bề. Khó khăn nào cũng đòi phải phấn đấu. Phấn đấu nào cũng có rủi ro. Chúng tôi cảm thấy những sự thực đó một cách thấm thía. Nhưng bên cạnh những cảm nghiệm đó, chúng tôi vẫn cảm thấy mình được an toàn, nhờ ơn thánh. Đó là điều khiến tôi luôn cảm tạ Chúa và Mẹ.

7.

Với những cảm nhận trên đây, tôi xin nhắc lại lần nữa là: Con đường lên Trời được Đức Mẹ in vào lòng tôi.

Nói cho cùng, con đường này chỉ là một sự phát triển con người trong tình yêu. "Chúa là tình yêu" (1 Ga 4,8). Người tạo dựng chúng ta do tình yêu, để chúng ta trở về với Người qua con đường tình yêu. Người mời gọi và ban ơn, nhưng chúng ta phải biết lắng nghe, đón nhận và cộng tác vào tình yêu của Người. Đức Mẹ đã sống như vậy. Như vậy nghĩa là sẽ rất xót thương, như một nhân chứng của lòng thương xót Chúa.

"Lạy Chúa, con xin phó thác con trong tay Chúa" (Lc 23,46).

Long Xuyên, ngày 5 tháng 8 năm 2011