Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2012-
 

HÀNH TRÌNH CỦA MỘT KHẨU HIỆU

 

Nhân dịp kỷ niệm 36 năm thụ phong Giám mục (30.4.1975/30.4.2011), tôi nhớ tới muôn vàn ơn tôi đã nhận được từ Thiên Chúa, từ Hội Thánh, từ giáo phận, từ Tổ quốc, đồng bào.

Trong tâm tình biết ơn, tôi viết bài sau đây. Xin được gửi gấm nơi đây lời cầu chúc bình an và hạnh phúc trong Thiên Chúa là Tình Yêu.

 1.

Ngày 17 tháng 4 năm 1975, Đức Cha Cố Micae Nguyễn Khắc Ngữ cho tôi biết một tin bất ngờ, đó là Toà Thánh chọn tôi làm Giám mục phó Long Xuyên. Nghe tin đó, tôi rụng rời. Tôi trình với Đức Cha Micae ý kiến của tôi là nếu được phép từ chối, thì tôi xin từ chối. Nghe vậy, Đức Cha Cố khuyên tôi không nên làm như thế. Vì tình hình đang hết sức rối ren, lựa chọn của Toà Thánh đã được chuẩn bị từ rất lâu một cách kỹ lưỡng, nên coi đây là thánh ý Chúa. Tôi cúi đầu xin vâng trong tinh thần sám hối và phó thác.

Ngay tối hôm đó, tôi chọn khẩu hiệu cho cuộc đời mà tôi mới được sai vào, đó là "Giới răn mới".

"Giới răn mới" trích từ Lời Chúa được ghi trong Phúc Âm thánh Gioan: "Thầy ban cho các con một giới răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương các con" (Ga 13,34).

Thực sự, chính Chúa chọn cho tôi khẩu hiệu đó. Bởi vì Lời Chúa trên đây đã hiện lên trong tôi đúng lúc tôi muốn tìm. Tôi có cảm tưởng là chính Chúa Giêsu đến với tôi. Người dạy tôi hãy đi theo hướng yêu thương. Người hứa sẽ ở lại trong tôi, và sẽ chia sẻ tình yêu của Người cho tôi. Yêu thương ở đây là một ơn gọi.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, thánh lễ thụ phong Giám mục được diễn tiến một cách rất đơn sơ trong nhà nguyện của chủng viện Tôma, Long Xuyên. Tôi chính thức bước vào cuộc đời Giám mục. Yêu thương của Lời Chúa và nhờ Chúa đồng hành với tôi.

 2.

Lúc đó, lịch sử sang trang.

Tắt tiếng súng, nhưng chưa hẳn đã tắt được hận thù. Có hoà bình, nhưng chưa hẳn đã có yêu thương. Những thành kiến lâu năm đâu dễ gỡ bỏ. Tình hình như thế diễn biến rất phức tạp. Thêm vào đó là cảnh nghèo do mất của mất người.

Trong cảnh khổ, chúng tôi không cô đơn. Chúng tôi sống yêu thương hơn bao giờ hết. Các giám mục, các linh mục, các tu sĩ, các giáo dân, đều gần gũi nhau. Không có vấn đề kẻ giàu người nghèo. Cũng không có cảnh đề cao quyền chức. Người nọ nương tựa vào người kia để mà sống. Tất cả đều bám chặt vào Chúa một cách tuyệt đối. Tất cả đều tập trung vào Đức Kitô, với lòng khao khát thuộc trọn về Chúa.

Sống giữa một tình hình còn nhiều hận thù và nghi kỵ ẩn khuất do chiến tranh để lại, những người sống Điều Răn Mới đã cố gắng góp phần vào việc làm chứng cho Chúa. Không phải là họ không gặp những thử thách cam go, nhưng họ cùng với Chúa "đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm". Yêu thương như thế phải kết hợp với yêu thương của Chúa Giêsu. Yêu thương trong khiêm nhường, hiền từ và chấp nhận hy sinh quên mình. Yêu thương ở đây là một ân sủng của Chúa mang theo khả năng nhạy bén.

Yêu thương như thế là một đấu tranh không ngơi nghỉ. Đấu tranh chủ yếu là với chính mình. Từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo chân Đức Kitô. Đấu tranh đó không dễ dàng. Đau khổ trở nên lương thực hằng ngày. Nhưng Đức Kitô ở giữa chúng tôi. Chúng tôi luôn hồi tâm trở về với Chúa và phó thác nơi Người.

Yêu thương như thế đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong việc hoà giải dân tộc và loan báo Tin Mừng cứu độ nơi nhiều lãnh vực ngoài Hội Thánh Công giáo.

Như thế, có thể nói: Trong một tình hình rất khó khăn, Chúa vẫn dùng những dụng cụ bé nhỏ của Chúa, để lấy ra được những hiệu quả tốt lành.

 3.

Bước sang thời kỳ xã hội mở ra với nhiều tự do, Hội Thánh Việt Nam chịu ảnh hưởng của nhiều phong trào văn minh và tư tưởng. Nhờ Thánh Thần chân lý soi sáng, nhiều người đã có những chọn lựa đáp ứng Điều Răn Mới của Chúa một cách phong phú hơn.

Họ dùng những phương tiện mở ra, để dấn thân phục vụ nhiều hơn cho kẻ nghèo khó, cô đơn, bệnh tật, già yếu. Họ có nhiều tự do hơn, để xa tránh tội lỗi, giúp cho yêu thương được luôn vâng phục thánh ý Chúa. Họ được thoải mái hơn trong việc tự nguyện hiến thân làm của lễ đền tội cho người khác. Họ đi vào mọi hướng mở ra, để phục vụ Quê Hương bằng tất cả mọi khả năng có thể.

Họ cũng gặp những thử thách. Không thử thách nào là thử thách cuối cùng. Nhưng sau đường hầm vẫn có ánh sáng.

 4.

Tuy nhiên, trong xã hội, phong trào phát triển vật chất theo hướng tự do lên mạnh và mau, đang khi phát triển đạo đức lại yếu và chậm. Tình hình đó đã gây nên nhiều hậu quả xấu. Nhiều nơi trong Hội Thánh cũng xảy ra như vậy. Đạo chạy theo thành tích, ùa theo đám đông, dựa vào tiền bạc, trọng hình thức bề ngoài, tìm địa vị, đi với người giàu, xa tránh người nghèo. Hoạt động bề ngoài thì lên, nhưng đạo đức bên trong thì xuống.

Hiện tượng phân hoá là có thật. Giữa giàu và nghèo, giữa chủ trương đối thoại và chủ trương đối đầu, giữa khuynh hướng đồng hành và khuynh hướng bất cần.

Nếu phân hoá chỉ là hiện tượng xa cách nhau thì chưa đến nỗi. Nhưng khi Satan lợi dụng, dùng thủ đoạn kích động làm cho nội bộ nghi ngờ nhau, không còn tin nhau, thậm chí còn muốn loại trừ nhau, thì phân hoá trở nên trầm trọng.

 5.

Trong một tình hình như vậy, những người được Chúa gọi sống Điều Răn Mới đã gặp nhiều khó khăn trong chính bộ bộ. Họ chỉ có thể vượt qua những khó khăn đó bằng tăng cường đời sống nội tâm, và trở về với tinh thần khó nghèo Phúc Âm.

Sự luôn luôn gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu đã cho họ nghị lực và bình an để trung thành "yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương", dù họ có nhiều giới hạn.

Khi thực sự kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, họ không những được nghị lực và bình an, mà nhiều khi còn được an ủi và nâng đỡ.

 6.

Những an ủi và nâng đỡ họ nhận được cho phép họ khám phá ra điều này, đó là: Yêu thương mà Chúa muốn không phải chỉ là biết cho đi, mà còn là biết đón nhận.

Tôi xin phép được nói lên kinh nghiệm của riêng tôi. Rất nhiều trường hợp, tôi không thể đứng dậy được, nếu không có người đỡ tôi đứng lên. Rất nhiều trường hợp, tôi không thể bước đi, nếu không có ai dắt tôi đi. Trường hợp như thế là chính thời gian này tôi đang bị chi phối bởi tuổi già và bệnh tật. Trường hợp như thế cũng là những hoàn cảnh khó khăn đau đớn khác về tinh thần và thể xác. Đón nhận sự giúp đỡ của người khác giúp cho yêu thương được khiêm nhường, biết ơn và tế nhị.

Những người đỡ nâng có thể ở gần và cũng có thể ở xa. Có thể họ ở trong Hội Thánh, và cũng có thể họ ở ngoài Hội Thánh. Chứng tỏ yêu thương vẫn là một ân sủng. Phải nói thêm một điều: Yêu thương cũng là biết đón nhận sự tha thứ. Tha thứ từ Thiên Chúa, tha thứ từ những con người.

Sẽ là rất sai lầm, nếu yêu thương của người môn đệ Chúa dám chủ trương không cần đến người khác, cho dù người khác là người ngoài Hội Thánh.

Trên con đường sống ơn gọi yêu thương, Chúa luôn giáo dục tôi bằng nhiều cách. Nhiều người cũng đã góp phần vào việc đào tạo tôi. Đặc biệt Hội Thánh luôn là điểm tựa và là nguồn ủi an rất lớn cho tôi. Đời tôi là một bài ca cảm tạ.

 7.

Nói một cách đơn sơ vắn tắt, yêu thương của Điều Răn Mới trong đời tôi được tôi cảm nhận như một quá trình nhiều tác động:

Tôi phải đón nhận thực nhiều tình yêu của Chúa Giêsu. Tình yêu ấy thấm sâu vào mọi cơ năng trong tôi.

Với tình yêu Chúa Giêsu, tôi phải hội nhập vào thực tại của Quê Hương và Hội Thánh Việt Nam một cách thiết tha gắn bó.

Từ những tiếp cận đó đã trào ra trong tôi những cảm xúc sống động vừa có hồn Phúc Âm vừa có hồn Dân Tộc. Nhờ vậy, Nước Thiên Chúa là tình thương và ân sủng đã đi vào lòng nhiều người trong Hội Thánh và ngoài Hội Thánh.

 8.

Trên đây là một thoáng nhìn về hành trình của một khẩu hiệu. Hành trình dài với nhiều cảm nhận qua nhiều trắc trở và nhiều đỡ nâng. Hành trình này đã giúp tôi hiểu thấm thía Hội Thánh là mầu nhiệm, là hiệp thông và là sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Đối với tôi, cảm nhận rõ nhất là về tầm quan trọng của Lời Chúa. Tôi cảm nhận Điều Răn Mới là một Lời Chúa hết sức linh thiêng. Lời quan trọng ấy luôn bị Satan tìm cách loại trừ. Thiên Chúa là tình yêu, còn Satan là ghen ghét, hận thù. Satan không loại trừ được Lời Chúa. Nhưng chúng tìm mọi cách để Lời Chúa không được thực hiện đúng. Chỉ cần người thực hiện làm sai một chút thôi, cũng đủ cho chúng mừng. Sai một li đi một dặm. Phương chi sai nhiều. Thậm chí sai hẳn.

Tình hình sẽ trở nên trầm trọng, nếu chúng ta chỉ lo đối phó mà không lo đào tạo, nhất là đào tạo về bổn phận phải yêu thương nhau như Chúa yêu thương.

Chúng ta rất cần tạ ơn Chúa. Cũng rất cần sám hối và phó thác. Nhờ đó, chúng ta được thanh thản. Yêu thương của Điều Răn Mới được cảm nhận như một hành trình của người con bé nhỏ đi về với Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót.

Long Xuyên, ngày 30 tháng 3 năm 2011