Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2012-
 

ĐI TÌM NHỮNG CON ĐƯỜNG

 

 1.

Rất nhiều người Việt Nam đang sống trên Đất Nước Việt Nam hôm nay là những kẻ đi tìm.

Theo tôi, họ không đi tìm niềm tin.

Bởi vì đời họ đã trải qua nhiều niềm tin. Người thì bảo họ hãy tin bên này, thì được hạnh phúc. Họ tin, nhưng tin hoài mà không tìm được hạnh phúc. Rồi người kia lại bảo họ hãy tin bên kia, thì được hạnh phúc. Họ cũng tin, nhưng tin mãi mà cũng chẳng thấy hạnh phúc.

Họ có cảm tưởng nhiều niềm tin là quá xa vời. Họ thất vọng vì nhiều niềm tin. Lỗi tại họ, hay lỗi tại ai, thì họ không đặt thành vấn đề.

Vấn đề họ đặt ra bây giờ là họ đi tìm những con đường, chứ không đi tìm những niềm tin.

 2.

Những con đường họ tìm không bắt đầu từ niềm tin, mà từ cảm nghiệm là mình được yêu thương, được kính trọng. Bắt đầu con đường đó không phải là gặp được một lý thuyết, mà là gặp được những con người yêu thương. Những con người yêu thương không phải là những người nói thay cho họ, nhưng là những người đau khổ với họ, hơn nữa còn dám chịu khổ thay cho họ và cũng dám chịu chết thay cho họ.

Con người yêu thương không phải là con đường, mà chỉ là một gợi ý cho một con đường. Mỗi người sẽ dần dần khám phá thấy con đường do cảm nghiệm mình được yêu thương, được kính trọng từ người khác. Họ với người đó cùng nhau dấn thân vào đời. Họ coi nhau là bạn đồng hành thân thương.

Trên đường dấn thân vào đời, người bạn đồng hành sẽ dần dần giúp họ khám phá ra những giá trị làm cho đời mình được hạnh phúc, được có ý nghĩa.

Có những giá trị mình phải phấn đấu học hành mới có được. Như những giá trị trong lãnh vực khoa học, kỹ thuật, kinh tế, sản xuất.

Có những giá trị mình phải phấn đấu khôn khéo chọn lựa mới có được. Như những giá trị trong lãnh vực văn hoá, chính trị.

Có những giá trị mình phải phấn đấu với niềm tin vào sự giúp đỡ của thần thánh mới có được. Như sống tốt giữa những sa đoạ xung quanh.

Có những giá trị mình phải phấn đấu với niềm tin vào Đấng Tối Cao mới có được. Như sự Đấng Tối Cao sẽ thứ tha, để có thể về với Người trên cõi phúc.

 3.

Tâm lý con người Việt Nam hôm nay xem ra đang diễn biến như vậy. Một tâm lý không tìm niềm tin, nhưng tìm những người thực sự yêu thương họ, để cùng với họ đi tìm con đường dẫn tới hạnh phúc.

Những ai đi tìm như thế, đã gặp được Chúa. Chúa gọi họ một cách tự do. Họ trả lời Chúa một cách tự do. Đức tin của họ là một giao ước.

Kinh nghiệm trên đây cho tôi thấy vai trò của người truyền giáo tại Việt Nam hôm nay phải rất tế nhị.

 4.

Tế nhị thứ nhất là khi nói về đức tin phải rất kính trọng và khiêm tốn, càng không nên ép ai phải chấp nhận đức tin của mình.

Bước đầu cần thiết của truyền giáo là yêu thương kính trọng những người mình muốn chia sẻ Tin Mừng.

Tế nhị thứ hai là phải đồng hành với những người mình muốn truyền giáo. Đồng hành là luôn yêu thương, chia sẻ vui buồn, lo âu và hy vọng. Nhất là phải làm gương sáng.

Gương sáng mà tâm lý người Việt Nam rất coi trọng là chữ hiếu. Hiếu với ông bà, cha mẹ đã qua đời. Hiếu với những bậc sinh thành còn đang sống. Hiếu với mọi ân nhân xa gần, với xóm làng hay cộng đoàn mà mình là thành phần. Xúc phạm những người mình phải hiếu thảo là rất phản chứng.

Tế nhị thứ ba là bén nhạy với thánh ý Chúa. Thánh ý Chúa rất khác với ý riêng chúng ta. Nhiều khi người ta tự ý đặt ra nhiều thứ luật lệ, coi đó là hợp thánh ý Chúa, rồi áp đặt, buộc người khác phải tuân giữ. Thực sự Chúa không muốn thế.

Nhiều khi người ta có những lựa chọn riêng, coi là hợp thánh ý Chúa, rồi muốn loại trừ những ai không chọn lựa như mình. Thực sự Chúa đâu muốn thế.

 5.

Thiết nghĩ tế nhị với thánh ý Chúa là làm chứng về Chúa trong các chiều kích thiêng liêng.

Người truyền giáo nhận ra Chúa hiện diện ở chiều kích thiêng liêng thường có trong đời thường. Nghĩa là trong những quan hệ tình nghĩa, trong cách ứng xử nhã nhặn khiêm nhường, trong cách làm việc có lương tâm, trong lối sống có kỷ luật, trong thái độ giữ được khoảng cách trước tiền bạc, quyền lực và các cám dỗ hưởng thụ.

Chiều kích thiêng liêng rất cần trong lúc này, chính là người truyền giáo giữ được tâm hồn yêu thương dũng cảm khi bị người ta phản bội, và khi coi như bị Chúa bỏ rơi. Chính những trường hợp tăm tối ấy mới chứng tỏ được lòng mình tin yêu trung tín. Nếu người ta không nhận ra hay chưa nhận ra đó là một giá trị thiêng liêng cao cả, thì ít là Chúa biết. Chúa sẽ nhận đó là của lễ ta dâng, có sức tham gia vào công cuộc cứu độ của Chúa. Đang khi đó, nhiều khi những hoành tráng, hùng hồn không những trống vắng chiều kích thiêng liêng, mà còn phản chứng trầm trọng.

Chiều kích thiêng liêng mà tôi cho là quan trọng nhất nơi người truyền giáo tại Việt Nam hôm nay là họ thuộc về Chúa.

Người được sai có đức tin và sống đức tin. Nhưng họ không bắt đầu phục vụ bằng cách ép người ta phải tin như mình. Họ làm chứng đức tin bằng đời sống yêu thương khiêm nhường đúng như người của Chúa. Trong yêu thương khiêm nhường có chiều kích thiêng liêng. Chiều kích thiêng liêng ấy là điểm mở ra, để gặp gỡ con người và Thiên Chúa.

 6.

Cách họ truyền giáo như thế không có gì mới. Bởi vì cách đó chính là lặp lại con đường cứu độ của Chúa Giêsu, mà thánh Phaolô đã mô tả như sau:

Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa.

Nhưng Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá” (Pl 2,6-8).

Và như thế, người truyền giáo là người sống yêu thương khiêm nhường như Chúa Giêsu, để giới thiệu niềm tin vào chính Chúa Giêsu, Người “là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).

Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người” (Kinh Hoà Bình).

Long Xuyên, ngày 22 tháng 8 năm 2011