Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2012-
 

SỐNG GIỮA NHỮNG MONG MANH

 

Thời sự hiện nay là những chuỗi sự kiện bất ngờ choáng váng.

Có những quyền lực hưởng thụ, được đủ thứ mình muốn, như chức cao quyền cả, tiền của dư đầy, tự do vô hạn, tưởng là bền vững đời đời. Nhưng đã sụp đổ mau chóng.

Có những phát minh khoa học gồm đủ mọi bảo đảm, tưởng là mãi mãi an toàn. Nhưng đã bị hư hỏng mau chóng.

Có những công trình kinh tế gồm đủ mọi phát minh tân tiến, tưởng là vô địch trước mọi thách đố. Nhưng đã trở thành hoang tàn trong giây lát.

Có những biện pháp giải cứu, gồm đủ mọi phương tiện hùng mạnh, tưởng là thành công chắc chắn. Nhưng đang đưa tới những hậu quả nặng nề, nhất là về mặt đạo đức.

Tất cả những sự kiện trên đây, tuy khác nhau về hình thức, nhưng cùng chung một kết luận, đó là tính chất mong manh.

Xem ra mọi sự trên đời đều mong manh. Niềm tin giữa những con người cũng trở thành mong manh. Chính cuộc sống con người cũng rất mong manh.

Những mong manh ấy gây nên bất an, bất ổn. Có vẻ như nguy hiểm không còn xa.

Vì thế, tình hình hiện nay đang là một báo động. Sống trong một tình hình như thế bằng cách nào đây.

Những người sống đức tin chạy đến với Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse. Hai Đấng này là những người Chúa đã chọn đặc biệt để tham gia vào chương trình cứu độ của Chúa. Hai Đấng dạy chúng ta mấy điều sau đây:

1. Con người không được cứu độ chỉ bằng những giá trị vật chất và tinh thần, nhưng chủ yếu phải bằng những giá trị đạo đức.

2. Những giá trị đạo đức giải cứu con người không phải chỉ trong lãnh vực nhân bản, mà còn phải trong lãnh vực siêu nhiên.

3. Những người cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa phải kết hợp mật thiết với Đức Giêsu Kitô và thánh giá của Người.

 1/ Những giá trị đạo đức trong lãnh vực tự nhiên

Để được gọi là đạo đức, dù trong lãnh vực tự nhiên, người ta phải giữ mấy điều kiện sau đây:

- Không được phạm tội nghịch với đạo đức, nhất là đối với người khác.

- Nếu lỡ phạm tội thì phải sám hối.

- Trường hợp đã làm hại ai thì phải đền bù.

- Hơn nữa, phải tích cực làm điều lành.

- Tất cả đều phải thực hiện trong ý hướng chân thành, với thực tâm hướng về sự hiện. Chứ không đạo đức chỉ ở cái vỏ bề ngoài.

Phải chỉnh đốn cái tâm như một điều kiện tiên quyết. Chúa Giêsu phán: "Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: Tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng" (Mc 7,20-22).

Trong nhiều hoàn cảnh như hiện nay, cái tâm sẽ được gọi là đạo đức, khi bén nhạy trước những khổ đau của đồng bào.

Trong những bùng nổ xung đột hiện nay tại một số nơi trên thế giới, có những đạo đức thuộc về cá nhân, có những đạo đức thuộc về tập thể, và có những đạo đức thuộc về cơ chế.

Nhìn qua, người ta dễ thấy đạo đức do lời nói rất nhiều, đạo đức do việc làm cũng không ít, đạo đức do tư tưởng thì vô vàn.

Một thoáng nhìn trên đây hy vọng cho chúng ta có một nhận thức tương đối tốt về sự sống đạo đức ngay trong lãnh vực tự nhiên. Sự sống đạo đức ấy đòi một nền giáo dục tốt, một cố gắng đào tạo kiên trì.

 2. Những giá trị đạo đức trong lãnh vực siêu nhiên

Đạo đức trong lãnh vực siêu nhiên luôn quy chiếu về Chúa. Quy chiếu bằng niềm tin tưởng, lòng cậy trông, tình yêu mến, thái độ lắng nghe Lời Chúa và ý chí thực thí ý Chúa. Tất cả đều trong thái độ khiêm tốn vâng phục.

Chúa thấu suốt mọi sự. Người thương xót những kẻ khổ đau. Người cứu chuộc những ai tội lỗi. Người tha thứ cho mọi kẻ sám hối trở về.

Điều Chúa muốn nhiều nhất là mọi người hãy yêu thương nhau. Người muốn đổi mới con người, thánh hoá con người, đưa con người vào cõi phúc trường sinh. Người muốn chúng ta hãy đón nhận Người.

Về một phương diện nào đó, người sống đạo đức trong lãnh vực siêu nhiên chính là một nhân chứng của Đấng vô hình. Đấng vô hình đó là tuyệt đối. Khi Đấng vô hình ấy là tình yêu thương xót, sống động, thì niềm tin vào Người chính là một đặc ân vô cùng quý giá.

Với niềm tin đó, biết bao người sống đạo đức trong lãnh vực siêu nhiên đã có thể nói như thánh Phaolô: "Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh" (2 Cr 12,9-10).

 3/ Người cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa

Riêng những người được Chúa gọi cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa sẽ sống theo gương Đức Mẹ và Thánh Giuse. Họ đi vào cửa hẹp (x. Mt 7,13).

Họ từ bỏ mình, vác thánh giá mình, mà theo Chúa (x. Mt 16,24).

Họ sống thân phận hạt lúa gieo vào lòng đất, chịu thối đi, để sinh được nhiều hạt khác (x. Ga 12,24).

Họ đặt trọng tâm đời sống của họ vào Đức Giêsu Kitô, một Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thánh giá (x. 1 Cr 2,2).

Họ kết hợp với Chúa một cách mật thiết như cành nho với cây nho, vì họ tin: Nếu không có ơn Chúa, họ chẳng làm được gì (x. Ga 15,5).

Họ cố gắng chu toàn bổn phận, nhưng cho dù thành công, họ vẫn kể mình như người đầy tớ vô dụng (x. Lc 17,10).

Họ sống một bầu khí tự do tâm hồn hết sức căn bản, đầy sự thật. Sự thật dựa trên Lời Chúa. "Nếu anh em ở lại trong lời của Thầy, thì anh em thật là môn đệ của Thầy. Anh em sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải cứu anh em" (Ga 8, 31-32). Sự thật được ban cho những ai sống trong Thần Khí. "Chúa là Thần Khí, đâu có Thần Khí của Chúa, ở đấy có tự do" (2 Cr 3,17).

Họ tin và cảm nhận được họ được Chúa yêu thương, được Chúa cứu độ, được Chúa chọn và được Chúa sai đi. Đó là hạnh phúc vô cùng lớn lao của họ. Họ tạ ơn Đức Mẹ và Thánh Giuse. Họ ca ngợi tình yêu Chúa đến muôn thuở muôn đời.

Suy nghĩ đến đây, tôi nhìn thấy những gì mình nên và cần phải chọn lựa, để cuộc sống mình trở nên có ý nghĩa, giữa muôn vàn cái mong manh. Mình sẽ được cứu, và mình cũng sẽ góp phần vào việc cứu giúp những kẻ khác.

Xã hội Việt Nam hôm nay đang rất cần những người đạo đức. Vì thế sống đạo đức thánh thiện là một bổn phận khẩn thiết, mà những người của Hội Thánh Việt Nam hôm nay cần phải thực hiện một cách rõ ràng và can đảm.

Long Xuyên, ngày 20 tháng 3 năm 2011