Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC (13)          -2012-

 THAO THỨC (14) -2013-
 

CẦU NGUYỆN
MỘT CÁCH RIÊNG BIỆT

 

1.

Ngày 8-7-2013 vừa qua, tôi hân hậnh nhận được lá thư của Quốc Vụ Khanh Toà Thánh đề ngày 24-6-2013.

Với nội dung thân tình, lá thư nói về Đức Thánh Cha Phanxicô có đoạn như sau: “Khi cuộc sống đã xế chiều, việc cầu nguyện một cách riêng biệt trở thành ‘sự duy nhất cần thiết’ cho việc thánh hoá bản thân, và cho việc xây dựng thân thể Đức Kitô, là Hội Thánh”.

2.

Câu tâm sự trên đây đến với tôi rất đúng lúc. Bởi vì đời sống của tôi đang xế chiều. Tôi đang đi vào bóng đêm. Đêm nói đây không chỉ là sự xuống dốc của sức khoẻ, mà chủ yếu là những cơn đau. Đau thân xác vẫn nhiều. Đau tâm hồn lại nhiều hơn. Đau xác khổ hồn làm nên những cơ cực, tự mình như muốn xa tránh và loại trừ mình.

Thêm vào những khổ đau của bản thân, lại gánh thêm những khổ đau của bao người khác. Một cách nào đó, khổ đau của Hội Thánh và của Quê Hương luôn dằn vật lương tâm tôi.

Cho dù có phần chủ quan, đau khổ nào cũng là một thực tại nặng nề.

Tôi không phải là đứng trước một đêm tối khủng khiếp, mà là đứng trong đêm hãi hùng. Tôi không trốn đâu được.

3.

Nhưng chính trong sâu thẳm hãi hùng đó đã phát sinh một đời sống đức tin đặc biệt.

Tôi tin Đấng có thể cứu chúng tôi là Chúa.

Với niềm tin ấy, tôi cầu xin Chúa thương cứu tôi, cứu những người khác, cứu Hội Thánh và cứu Quê Hương. Cầu nguyện của tôi là rất riêng biệt.

4.

Tôi nhận mình tội lỗi, yếu đuối, hèn hạ. Tôi năn nỉ. Tôi nài van. Tôi xin Chúa Thánh Thần thương cầu nguyện trong tôi và với tôi. Đôi khi tôi nại đến Lời Chúa để cầu xin với Chúa. Như: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, lại lấy con rắn thay vì cá mà cho nó? Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó con bọ cạp? Vậy, nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người” (Lc 11,9-13).

5.

Và, thực sự, Chúa đã ban Thánh Thần cho tôi, khi Người gởi đến cho tôi những trái tim nhân ái. Họ cứu tôi bằng những việc cụ thể, quảng đại, và tế nhị. Qua tình thương của họ, tôi tin Nước Thiên Chúa đang đến với tôi, với những người thuộc về tôi, và đến với Quê Hương tôi. Chúa dùng họ để làm những phép lạ cứu tôi.

6.

Thế là, từ đức tin, việc cầu nguyện của tôi chuyển dần sang bác ái. Tôi cầu xin Chúa cho Hội Thánh của tôi được nhiều trái tim biết thương người theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã làm chứng rằng: Chỉ tình yêu mới cứu được loài người. Một tình yêu dám chấp nhận hy sinh mình trên thánh giá.

Từ đó, cầu nguyện của tôi được xác định theo hướng đức tin phải được chứng minh bằng bác ái thương người.

- Thương người một cách cụ thể, như làm các việc thương người mà Chúa sẽ căn cứ vào để cho được đứng bên hữu Chúa trong ngày phán xét (x. Mt 25,31-40).

- Thương người một cách quảng đại, như người Samaritanô tốt lành, mà Chúa đã nêu gương cho những người tin Chúa (x. Lc 10,29-32).

- Thương người một cách ưu tiên, như dấu chỉ chính thức của người môn đệ Chúa Giêsu (x. Ga 13,36).

7.

Mới rồi, tôi được may mắn đọc thư mục vụ Mùa Chay 2012 của Đức Hồng Y Jorge Bergoglio, nay là Đức Giáo Hoàng Phanxicô, gởi cho Tổng giáo phận Buenos Airs, trong đó Ngài quả quyết: “Không là đức tin thực sự nếu đức tin ấy không được diễn tả ra tình yêu. Tình yêu không quảng đại và cụ thể, sẽ không là tình yêu Kitô hữu”.

8.

Như vậy, cái nhìn của người có đức tin phải là cái nhìn của tình yêu. Một tình yêu thương xót, biết kiên trì đi từng bước nhỏ. Một tình yêu đón nhận, biết kính trọng những khác biệt, để xây dựng tình nghĩa. Một tình yêu sáng tạo, biết biến đổi cái xấu thành cái tốt. Một tình yêu phân định, biết chọn cái nên làm, bỏ cái không nên làm tuỳ thời điểm.

Chính vì thế, mà cầu nguyện hằng ngày của tôi là xin Chúa giúp tôi chấn chỉnh lại cái nhìn về người khác.

Bỏ đi những cái nhìn kết án.

Bỏ đi những cái nhìn xoi bói.

Bỏ đi những cái nhìn dửng dưng.

Bỏ đi những cái nhìn đại gia, quý tộc như người phú hộ bị chúc dữ trong Phúc Âm (x. Lc 16,19-31).

Nhưng hãy có những cái nhìn dấn thân hơn cho Chúa trong mọi người thiếu thốn khổ đau, theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

9.

Đổi cái nhìn là rất khó. Có thể nói, đổi cái nhìn là đổi mới chính mình trở thành một tạo vật mới.

Việc đổi mới này không thể thực hiện được chỉ nhờ học hỏi các tài liệu, nhờ tham gia các khoá hội thảo, nhờ đưa ra những khẩu hiệu, những nghị quyết, những tuyên hứa. Nhưng nhất quyết phải nhờ ơn Chúa, qua hoán cải chính mình, qua tập luyện kiên trì, nhất là qua cầu nguyện.

10.

Cầu nguyện một cách riêng biệt” đó là việc Đức Thánh Cha Phanxicô đang làm. Đó cũng là việc Toà Thánh gợi ý cho tôi.

Tôi đang cầu nguyện như một người già nua đau yếu.

Tôi đang cầu nguyện như một người tội lỗi sám hối trở về.

Tôi đang cầu nguyện như một trẻ nhỏ ngây thơ.

Tôi đang cầu nguyện như người kẻ trộm bị đóng đinh bên hữu Chúa.

Tôi đang cầu nguyện như một người sắp ra đi.

Tôi đang cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và cùng với Đức Thánh Cha.

Tôi đang cầu nguyện rất nhiều cho các mục tử tại Quê Hương tôi biết đọc được ý Chúa trong các dấu chỉ của thời đại, để biết thương xót đoàn chiên một cách cụ thể và quảng đại, nhất là bớt cho con cái mình những gánh nặng không cần thiết trong tình hình khó khăn và phức tạp hiện nay.

Tôi cầu nguyện và xin mọi người cầu nguyện cho tôi.

Long Xuyên, ngày 10 tháng 7 năm 2013