Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC (13)          -2012-

 THAO THỨC (14) -2013-
 

HỘI THÁNH ĐƯỢC THANH LUYỆN

 

1.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô xuất hiện như một dấu chỉ của thời đại. Thời đại hôm nay đang quan tâm đến Ngài một cách đặc biệt. Đặc điểm nơi Ngài được thế giới để ý hơn cả là tinh thần nghèo khó, khiêm nhường và yêu thương kẻ nghèo.

Với đặc điểm đó Chúa dùng Đức Thánh Cha Phanxicô như một dấu chỉ. Dấu chỉ này vạch ra một hướng, mà Chúa sẽ thanh luyện Hội Thánh.

2.

Cuộc thanh luyện hôm nay mới chỉ bắt đầu một giai đoạn mới. Sẽ tới nhiều giai đoạn khác đôi khi gay gắt. Những giai đoạn gay gắt đó sẽ xảy ra nhiều biến cố bất ngờ gây đau đớn bàng hoàng.

Để hiểu rõ hơn về những thanh luyện sắp tới, tôi xin được phép phân tích Hội Thánh hiện nay một cách vắn tắt.

3.

Có nơi Hội Thánh như tập trung vào giáo sĩ. Có thể nói Hội Thánh là hàng giáo sĩ.

Hàng giáo sĩ được đề cao một cách quá đáng. Với chức tước, địa vị, quyền bính, lợi lộc tinh thần và vật chất, hàng giáo sĩ như nắm tất cả mọi quyền, mọi danh dự đều như quy về hàng giáo sĩ, mọi sự thánh thiện đều như được dành riêng cho hàng giáo sĩ, mọi vất vả của cộng đoàn đều như để bảo vệ và phát triển hàng giáo sĩ.

Thực sự, chức thánh là một món quà quý giá Chúa tặng cho Hội Thánh. Hàng giáo sĩ thực sự là một nhân tố cần thiết cho Hội Thánh. Nhưng không vì thế mà hàng giáo sĩ được miễn trừ khỏi những tác động của Satan, thế gian và xác thịt. Rất nhiều khi, tác động xấu cũng đến từ phía giáo dân. Nhiều giáo dân cũng đã muốn giáo sĩ của mình phải sống quyền cao chức cả như ngoài đời hay hơn ngoài đời. Coi đó là để sáng danh Hội Thánh. Họ nghĩ thế do não trạng cạnh tranh quyền lực giữa đạo và đời. Do vậy, mà sự quá đề cao hàng giáo sĩ theo hướng tục hoá đã xảy ra dần dần, trở thành nguy hiểm cho Tin Mừng và cho chính Hội Thánh. Đến lúc Hội Thánh cần được thanh luyện về mặt đó một cách thận trọng nhưng hữu hiệu.

4.

Có nơi Hội Thánh nổi về mặt tôn giáo, mà tôn giáo lại là tổ chức cơ chế. Có thể nói Hội Thánh là cơ chế tôn giáo.

Cơ chế tôn giáo là đất đai, nhà cửa, của cải, các ban bệ, các hội đoàn, các phong trào, các luật lệ riêng của từng giáo phận, của từng giáo xứ, của từng giáo họ, của từng nhóm, của từng khu. Hội Thánh cần cơ chế. Nhưng cơ chế kiểu đó trở nên nặng nề và dễ bị thu thẹp, trái với ý muốn của Chúa Giêsu. Người muốn Hội Thánh mở ra về một Nước Thiên Chúa rộng bao la hiện lên như một Nước tình yêu, ân sủng và bình an. Chứ Hội Thánh không được phép cản trở Nước Thiên Chúa, bằng cách quá lo phát triển một thứ cơ chế riêng.

5.

Có nơi Hội Thánh nổi về mặt đức tin. Có thể nói Hội Thánh là cộng đoàn đức tin.

Cộng đoàn ấy tin mọi điều trong kinh Tin Kính, mọi điều trong Kinh Thánh, mọi điều Hội Thánh dạy tin. Nhưng rất nhiều khi, họ tin các điều đó như chấp nhận một lý thuyết, chứ không phải tin là gặp gỡ thân mật với Chúa, đang khi thực sự gặp gỡ thân mật với Chúa mới là căn bản của đức tin. Hơn nữa, tin là một chuyện. Còn thực hành điều mình tin lại là chuyện khác. Tin mà không thực hành hiện nay đang khá phổ biến.

6.

Có nơi Hội Thánh nổi về mặt yêu thương. Có thể nói Hội Thánh là cộng đoàn bác ái.

Cộng đoàn ấy để ý đến bác ái, làm việc từ thiện. Nhưng rất nhiều khi, họ không yêu thương như Chúa đã yêu thương. Thành thử, yêu thương mà vẫn loại trừ. Miệng thì tuyên xưng: Yêu thương mọi người mà chẳng trừ ai, nhưng trên thực tế, lại trừ hết người nọ đến người kia. Yêu thương hiện nay đang sa sút một cách đau lòng ở nhiều nơi, ngay trong nội bộ những người môn đệ Chúa.

7.

Có nơi Hội Thánh nổi về về mặt tám mối phúc. Có thể nói Hội Thánh là cộng đoàn nghèo khó và khiêm nhường.

Cộng đoàn ấy chủ trương sống nghèo khó, khiêm nhường. Nhưng rất nhiều khi lại quá để ý đến hình thức, để rồi lúc phải đụng chạm đến thử thách, thì mới lộ ra thực chất lại quá xa khó nghèo và khiêm nhường của Chúa Giêsu. Đến nỗi, dám đấu tranh để khẳng định mình là khiêm nhường và khó nghèo hơn kẻ khác.

8.

Trên đây là sơ lược các hình ảnh thực tế về Hội Thánh:

Hội Thánh là hàng giáo sĩ.

Hội Thánh là cơ chế tôn giáo.

Hội Thánh là cộng đoàn đức tin.

Hội Thánh là cộng đoàn bác ái.

Hội Thánh là cộng đoàn nghèo khó, khiêm nhường theo tám mối phúc.

Tại Việt Nam, Hội Thánh có đủ 5 hình ảnh đó. Mỗi nơi mang một hình ảnh riêng, với nét nổi bật của mình. Nhưng phải khiêm tốn nhận rằng: Nơi nào tốt xấu cũng chen lẫn nhau. Điều đó không lạ. Nên phải chấp nhận thanh luyện.

9.

Thanh luyện sẽ được thực hiện do gương sáng, lời khuyên và các phong trào đạo đức. Nhưng thường là không đủ. Có thể sẽ xảy đến những biến cố bắt buộc ta phải bỏ những cái ta không thể tình nguyện bỏ, để thôi thúc ta đón nhận chỉ ý Chúa mà thôi.

10.

Nhưng tôi chắc chắn điều này là: Thanh luyện dù do gương sáng và lời khuyên răn, dù sẽ kèm theo biến cố gây nên mất mát và đớn đau, thì luôn phải có sự cộng tác tự do của chúng ta. Sự cộng tác ấy gồm mấy điều sau đây:

Điều thứ nhất là chúng ta phải nhìn nhận việc Chúa thanh luyện chúng ta và Hội Thánh chúng ta là điều cần thiết và là một hồng ân. Bí tích Giải tội là một nguồn thanh luyện cao quý.

Điều thứ hai là chúng ta xin vâng với tâm hồn phó thác khiêm cung. Chúa thanh luyện ta cách nào, lúc nào, thì xin vâng. Chúa muốn ta từ bỏ những gì cũ và phải có những gì mới, thì ta đều xin vâng. Thanh luyện nào cũng cần được đón nhận với nhiều yêu thương. Nhưng xin vâng với rất nhiều yêu thương là chuyện không dễ. Bởi vì những lúc bị thanh luyện, nhiều khi chúng ta cảm thấy mình rất bần cùng, hèn hạ, trong một bầu khí âm u sợ hãi tư bề. Nên xin vâng với rất nhiều yêu thương thường là việc của một đức tin trần trụi, chỉ nhờ ơn Chúa mà thôi.

Điều thứ ba là chúng ta sẽ không lấy làm lạ, nếu chúng ta thấy cản trở đáng ngại nhất trong chương trình Chúa thanh luyện ta, lại xuất hiện từ chính nội bộ Hội Thánh, và có thể là từ chính bản thân ta. Sự không lấy làm lạ nhiều lúc sẽ kèm theo những đau đớn bàng hoàng, khi nhận thấy sức mạnh của ác thần là kinh khủng ngay trong Hội Thánh. Phải rất khiêm nhường, để chấp nhận sự thật.

Điều thứ bốn là chúng ta luôn phải vững tin vào quyền năng của Chúa. Rất nhiều cám dỗ xúi chúng ta nản lòng. Nhưng hãy tin rằng: Chúa Thánh Thần sẽ dẫn Hội Thánh của Chúa đến một tình trạng rực rỡ. Hội Thánh được thanh luyện sẽ có những sáng kiến tốt đẹp cho xã hội, đồng bào và Quê Hương chúng ta. Hội Thánh được thanh luyện đôi khi coi như bị thua, nhưng Chúa thắng, đưa nhiều người về Cõi Phúc. Thế là thua mà thắng.

11.

Tới đây, tôi nhớ về Mẹ Maria trong ngày Truyền Tin. Năm nay, lễ Truyền Tin được dời vào ngày 8 tháng 4 năm 2013.

Mẹ Maria đã cộng tác với Chúa bằng lời “Xin vâng”. “Xin vâng” của Mẹ được thực hiện từng ngày, từng giờ, từng phút, bằng những đón nhận và những cho đi luôn hợp thánh ý Chúa. Được như vậy, là vỉ Mẹ luôn để Chúa Thánh Thần biến đổi Mẹ, để Mẹ nên đền thờ sống động có Chúa ngự bên trong, để Mẹ âm thầm thông phần vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu, và để Mẹ cùng với Chúa Giêsu được gần gũi và chia sẻ thân phận những người nghèo khó khổ đau.

Xin Mẹ thương dắt dìu con trên con đường Chúa thanh luyện con và Hội Thánh của con. Con rất yếu đuối. Con vui sướng được phó thác nơi Mẹ. Mẹ là Mẹ yêu dấu của con.

Long Xuyên, ngày 27 tháng 4 năm 2013