Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC (13)          -2012-

 THAO THỨC (14) -2013-
 

Tâm sự nhân kỷ niệm thụ phong Giám Mục
ngày 30 tháng 4 năm 1975

CẢM THÔNG ĐỂ CỨU

 

1.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, tại nhà nguyện nhỏ bé Toà Giám Mục Long Xuyên, tôi đã được thụ phong Giám mục, theo sắc chỉ của Toà Thánh.

Thánh lễ Phong Chức được tổ chức rất đơn sơ, chỉ với vài chục người tham dự. Bầu khi thiêng liêng rất sốt sắng, tập trung vào cầu nguyện, sám hối và tin vào Chúa một cách chân thành sống động như chưa từng có.

Với lễ thụ phong đơn sơ ấy, và với hoàn cảnh đặc biệt ấy, Chúa đã nhắn nhủ tôi một điều. Điều nhắn nhủ ấy đến từ chính Chúa, như một lời tâm huyết, tràn sâu vào lòng tôi những trăn trở và thao thức triền miên. Chúa bảo tôi: “Là mục tử lúc này, ưu tiên con hãy cảm thông với mọi người đau khổ, theo gương mục tử Giêsu”.

2.

Từ giây phút ấy, tôi hiểu cảm thông với những người đau khổ là một cách cụ thể, rất cần thiết, để thực thi điều răn mới của Chúa: “Thầy cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 14,34). Đó sẽ là một hành trình dài, tôi sẽ chỉ thực hiện được nhờ ơn Chúa mà thôi.

Thực vậy, nhờ ơn Chúa, tôi đã cảm nhận được một số nỗi đau ngay trong thánh lễ thụ phong Giám mục của tôi hôm đó.

Tôi cảm nhận thấy mình rất bần cùng, qua một thánh lễ hết sức đơn sơ rất gợi ý về sự bần cùng.

Tôi cảm nhận thấy mình rất khốn khổ, qua nhận thức mình quá bất xứng.

Tôi cảm nhận thấy mình rất cô đơn, qua thấy trước mình sẽ phải một mình chịu trách nhiệm lấy hết mọi chọn lựa sau này của mình.

Tôi cảm nhận thấy mình rất yếu đuối, qua kinh nghiệm về sức khoẻ cả phần xác lẫn phần hồn.

3.

Với những nỗi đau được cảm nhận này, tôi tìm nương tựa ở Chúa và ở cộng đoàn.

Tìm nương tựa ở Chúa là tôi gặp gỡ Chúa Giêsu, ở lại trong Người, và Người ở trong tôi. Nhờ vậy, tôi được Người chia sẻ cho sự sống của Người, tâm tình của Người, tình yêu của Người và cả thánh giá của Người.

4.

Tìm nương tựa ở cộng đoàn là tôi trân trọng bất cứ nâng đỡ nào từ bất cứ ai.

Thú thực là, khi tìm nương tựa ở cộng đoàn, nhiều khi tôi không có ý tìm nương tựa ở những người đau khổ. Nhưng chính Chúa lại đưa họ đến với tôi. Dần dần, tôi thấy nhiều người đau khổ đã nâng đỡ tôi rất tốt, đã dạy tôi nhiều điều hữu ích, đã giúp tôi nên người hơn, nhất là đã giúp tôi nên giống Chúa Giêsu hơn.

5.

Được gần gũi những người đau khổ, tôi hiểu đau khổ là quê hương chung của mọi người, đau khổ là trường đào tạo con người, đau khổ đòi một nền văn hoá của cảm thông, đau khổ kêu gọi một mục vụ của lòng thương xót.

Đau khổ như biển mênh mông, do nhiều nguyên do.

Bệnh tật, nghèo túng, thiếu khả năng, thiếu trình độ, thiếu may mắn, thiếu tình yêu, mất công ăn việc làm, mất người thân, mất điểm tựa, mất danh dự, mất phương hướng, mất niềm tin, nhất là bị tội lỗi khống chế, đi vào bế tắc, thật vọng. Và còn biết bao thứ đau khổ không tên, không chân dung.

Nỗi đau như trăm ngàn dòng chảy mồ hôi, nước mắt và máu nghẹn ngào. Nỗi đau nào cũng là một tiếng kêu cầu cứu. Tôi đáp lại, trước hết bằng sự cùng đau với họ. Nỗi đau của họ như xâm nhập vào tôi.

Tôi đau nỗi đau của họ. Nỗi đau ấy cảm thấy được trong thân xác, trong tâm hồn, nhất là trong trái tim tôi. Tôi thấy, nếu tôi ở trong hoàn cảnh của họ, tôi cũng sẽ bị khổ như họ.

Tôi nhớ lại những lời Kinh Thánh về người mục tử biết cảm thông. Thư gởi Do Thái quả quyết: Người mục tử biết cảm thông, khi chính ngài cũng cảm thấy mình yếu đuối (x. Dt 4,14;5,1-3).

6.

Thực sự, tôi cảm thấy tôi rất yếu đuối, không kém những ai yếu đuối nhất, nên tôi rất cảm thông. Nhìn nhận mình yếu đuối là yếu tố quan trọng, để biết cảm thông với những người yếu đuối.

Cảm nhận đó thúc đẩy tôi chạy lại với Chúa, xin Chúa thương cứu tôi và cứu họ. Họ và tôi cũng trong thân phận chung của kẻ yếu đuối khổ đau khốn cùng.

Tôi đến với Chúa, chỉ với danh nghĩa một người tội lỗi, một kẻ bần cùng.

Tôi đến với Chúa như thế hầu như thường ngày, một cách đơn sơ và bình an. Nhưng không thiếu trường hợp, tôi đến với Chúa, với tâm trạng sợ hãi, xao xuyến, cô đơn khủng khiếp trong tâm hồn.

7.

Lúc đó, tôi nhớ lại hình ảnh Chúa Giêsu cầu nguyện trong vườn Cây Dầu. Người đã sợ hãi, và nài xin Chúa Cha, nếu có thể, thì thương cứu Người khỏi chén đáng sắp phải uống (x. Lc 22,41-44).

Còn tôi, trong sợ hãi cô đơn, tôi nói với Chúa rằng: Chúa đã uống chén đắng, để đền tội thay cho con và để cứu con. Con tin như vậy. Nên xin thương cứu con.

8.

Kết quả là Chúa đã cứu tôi, và với tôi, Chúa cũng đã cứu nhiều người đau khổ như tôi. Chúa cứu chúng tôi, không vì công trạng gì của chúng tôi, nhưng vì công phúc cuộc tử nạn thánh giá, mà Người đã thực hiện, để cứu chúng tôi.

Chúa cứu tôi khỏi bao sự dữ, Chúa cứu tôi khỏi tội lỗi. Chúa cứu tôi khỏi cái tôi cũ thích tìm theo ý riêng, để đưa tôi vào cái tôi mới chỉ tìm thực thi ý Chúa mà thôi. Chúa cứu tôi khỏi lạc đường, dẫn tôi vào chính lộ an toàn cho phần rỗi đời đời.

Khi được cứu, tôi vẫn xin Chúa giúp tôi đừng bao giờ lạm dụng lòng thương xót Chúa.

9.

Khi Chúa cứu tôi, Chúa đã dùng Hội Thánh Chúa. Hội Thánh, mà Chúa dùng để cứu tôi, là một Hội Thánh cởi mở bao dung, hướng về Nước Trời. Hội Thánh này gồm tất cả những ai vâng theo ý Chúa mà biết yêu thương nhau, biết cảm thông với những người đau khổ. Họ làm nên một Hội Thánh cảm thông, mà Chúa Giêsu khen thưởng ngày phán xét chung (x. Mt 25,31-46).

10.

Họ cảm thông, cứu giúp những người đau khổ, không chỉ bàng của cải vật chất, nhưng cũng còn bằng sức thiêng họ gởi tới. Bởi vì bao lần họ đâu có của cải vật chất. Sức thiêng họ gởi tới là lời cầu nguyện, nhất là sự họ vui nhận trở thành hạt lúa gieo vào lòng đất, như Chúa Giêsu xưa (x. Ga 12,24).

Như hạt lúa gieo vào lòng đất, bị thối đi, họ sẽ là của lễ. Khiêm nhường trong yêu thương. Khiêm nhường trong phục vụ. Khiêm nhường trong hy sinh. Đó là sức thiêng có sức góp phần cứu những người đau khổ. Chúa Giêsu là Đấng Cứu độ, sẽ thu lượm những đóng góp đó, dù âm thầm nhỏ bé, để biến thành sức thiêng, kết hợp với thánh giá của Người, mà cứu được rất nhiều người đau khổ.

11.

Giờ đây, nhìn lại quãng đường từ 30 tháng 4 năm 1975 đến hôm nay, tôi thấy quãng đường ấy là một hành trình, mà Chúa dắt tôi đi. Tôi hân hoan cảm tạ Chúa, vì suốt chuyến đi ấy, Chúa đã đồng hành với tôi, để cứu tôi, và cho tôi chứng kiến sự Chúa đã cứu biết bao người khác.

Họ và tôi đều đang nhận ra Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Thế, Người đến không để kết án, nhưng để giải cứu những kẻ tin Người cho khỏi mọi thứ sự ác, nhất là khỏi tội lỗi. Người cứu không phải bằng sức mạnh quyền lực bất cứ dưới hình thức nào, mà chỉ bằng sức mạnh của thánh giá là tình yêu khiêm nhường tự hạ đầy thương xót.

Chúa Giêsu vác thánh giá và chết trên thánh giá vì yêu thương, chính là Đấng tôi tin. Do đó vinh dự của tôi cũng chính là thánh giá Chúa Giêsu.

12.

Những gì Chúa đã làm cho tôi đều là những ơn Chúa ban cho một cách nhưng không. Tôi lãnh nhận rất nhiều mà cho đi thì quá ít.

Vì thế, trong tâm tình cảm tạ của tôi, vẫn phải có tâm tình sám hối vì bao thiếu sót lỗi lầm.

Tôi hết lòng cảm tạ Chúa vì nền văn hoá của cảm thông cũng như mục vụ của lòng thương xót đang được phát triển.

Hiện tại đầy phức tạp. Tương lai đầy thách đố và có thể xảy ra những bất ngờ. Dầu sao, tôi vẫn tin: Chúa sẽ cứu. Kẻ Chúa cứu đầu tiên sẽ là những ai biết cảm thông với những người đau khổ bằng tất cả tấm lòng yêu thương khiêm nhường. Đúng như lời Chúa đã hứa: “Phúc cho ai thương xót người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).

Tôi tin tưởng chắc chắn rất nhiều người trên Quê Hương Việt Nam yêu dấu của tôi sẽ được Chúa xót thương cứu độ, do lời hứa ấy của Chúa chúng ta. Họ sẽ được Chúa đưa họ vào Cõi Phúc trường sinh đời đời.

Tôi xin cảm tạ và ngợi khen Chúa.

Tôi xin cảm tạ và gắn bó với Hội Thánh.

Tôi xin cảm tạ và yêu mến Quê Hương.

Tôi xin cảm tạ mọi bạn bè gần xa đã thương nâng đỡ tôi. Tôi xin thân ái gởi tới mọi người lời cầu chúc bình an yêu thương trong Chúa.

Long Xuyên, ngày 22 tháng 4 năm 2013.