Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC (13)          -2012-

 THAO THỨC (14) -2013-
 

MỘT CHÚT CHỨNG TỪ
VỀ THÔNG ĐIỆP
“ÁNH SÁNG ĐỨC TIN”

 

1.

Trong thông điệp “Ánh Sáng Đức Tin”, do Đức Giáo Hoàng Phanxicô mới ban hành ngày 29.6.2013 vừa qua, tôi thấy có một đoạn lôi cuốn tôi một cách đặc biệt, đó là đoạn: “Đức tin như một thính giác và thị giác” gồm ba số 29, 30, 31.

Đoạn đó lôi cuốn tôi một cách đặc biệt, bởi vì chính tôi đã cảm nghiệm thấy đức tin trong tôi có một khả năng Chúa ban, để nhận ra Chúa. Nhận ra tiếng của Người, nhận ra dung mạo của Người, nhận ra thánh ý của Người. Tất nhiên, những nhận ra đó luôn nhận mình chỉ ở mức độ thấp và chỉ mang tính cách riêng tư.

Cảm nghiệm đó xảy ra trong tôi đã từ rất lâu. Cho đến hôm nay, đức tin trong tôi là một gặp gỡ với Chúa. Gặp gỡ đó rất riêng tư, rất thân mật. Có nghe thấy, có nhìn thấy, có chạm đến.

Một đức tin như thế là một hồng ân siêu nhiên Chúa ban cho tôi. Đức tin như thế đã trở thành ánh sáng hướng dẫn suốt hành trình cuộc đời tôi.

2.

Trong tâm tình tạ ơn Chúa về hồng ân cao cả đó, tôi xin phép nói lên đôi chút về cảm nghiệm đức tin như một thính giác và thị giác, mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập trong thông điệp Ánh Sáng Đức Tin.

Đôi chút cảm nghiệm này xin được chia sẻ những gì rất riêng tư, nhất là trong đời Giám mục của tôi.

Tháng tư, năm 1975, tình hình miền Nam thay đổi từng giờ. Một hôm, tôi được Đức Cha Cố Micae Nguyễn Khắc Ngữ đích thân tới thăm tại phòng riêng của tôi. Ngài hỏi thăm tôi về tình hình sức khoẻ. Rồi với vẻ trân trọng, Ngài cho tôi biết là Toà Thánh quyết định chọn tôi làm Giám mục phó giáo phận Long Xuyên.

Tôi thực sự xấu hổ và hoảng sợ. Tôi xin Ngài thương cứu tôi bằng cách trình với Toà Thánh là tôi xin được phép từ chối.

Ngài bình tĩnh trấn an tôi và quả quyết là sự chọn lựa của Toà Thánh đã được cân nhắc. Tình hình rất nghiêm trọng, cần phải vâng lời. Rồi Ngài ra về với lời ủi an khích lệ.

3.

Đang lúc bối rối, tôi chợt nhớ hôm đó là ngày thứ sáu, và lúc đó là khoảng 3 giờ trưa. Tôi như nhìn thấy Chúa Giêsu trên thánh giá. Chúa cho tôi thấy chỉ có tình yêu Chúa dám hy sinh đến cùng trên thánh giá mới cứu được con người. Tôi như nghe Chúa kêu cầu: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 33,46).

Đức tin của tôi trong giờ phút bất ngờ trên đây là như thính giác và thị giác. Tôi như nhìn thấy Chúa Giêsu. Tôi như nghe thấy những lời Người nói. Hơn nữa, tôi như cảm được những tâm tình của Người.

Tôi nhìn thấy Người yêu thương tôi, mặc dầu tôi hèn hạ yếu đuối. Tôi nhìn thấy trách nhiệm nặng nề và tình hình rất phức tạp. Tôi nhìn thấy rõ chỉ Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ.

4.

Nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy là những gì đi sâu vào trái tim, chứ không là lý thuyết. Trái tim được nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy Chúa Giêsu, có thể coi như trái tim được chạm đến tình yêu Chúa. Đúng là một hồng ân cao cả. Hồng ân cao cả ấy giúp tôi cậy trông phó thác mình cho tình yêu Chúa, hướng về một tương lai được xác tín là tình yêu sẽ thắng.

Nhưng thắng của tình yêu Chúa được thể hiện trên nhục hình thánh giá. Một tình yêu chịu đau khổ, để đền tội thay.

Đền tội thay cho những con người tội lỗi biết sám hối, và cả cho những con người tội lỗi cố chấp.

5.

Cảnh Chúa Giêsu chịu treo trên thánh giá vì yêu thương giữa một đám đông vẫn chọn tội lỗi hơn chọn sự sám hối, là một thực tế làm tôi quá sợ hãi. Tôi cũng sẽ phải như thế sao?

Sự quá sợ hãi đó tôi chỉ thắng vượt được nhờ đức tin, một đức tin là như nhìn thấy Chúa, như nghe thấy Chúa, như cảm được Chúa trên thánh giá đã dấn thân đến cùng cho tình yêu. Qua đó, Chúa ban cho tôi ơn được tin vào tình yêu thương xót Chúa. Tôi thắng vượt được sợ hãi, nhưng sợ hãi vẫn còn, khó khăn vẫn chồng chất.

6.

Trong sợ hãi, tôi cầu nguyện thực nhiều, một cách rất đơn sơ. Đột nhiên, tôi nhớ tới câu chuyện đã xảy ra cho mẹ tôi 48 năm về trước. Chuyện đó vẫn được mẹ kể đi kể lại như một sự lạ lùng.

Đại khái thế này:

Khi mẹ tôi mang thai tôi, bố mẹ tôi vẫn có thói quen lần chuỗi chung trước khi ngủ. Tối hôm đó, đọc kinh xong, mẹ vào mùng ngồi đọc kinh riêng. Bỗng mẹ thấy một cây nến cháy xuất hiện giữa nhà. Mẹ sửng sốt, tiếp tục đọc kinh. Bỡ ngỡ tiếp theo sửng sốt: Mẹ thấy một chiếc ghế trống xuất hiện sau cây nến. Mẹ hết sức hoảng hồn, khi thấy một người không rõ mặt đến ngồi vào ghế. Người đó mặc phẩm phục giám mục. Mẹ chưa hiểu gì, thì thấy Đức Mẹ hiện ra đứng đàng sau vị giám mục đó, một tay để trên vai ngài. Mẹ vui mừng tiếp tục đọc kinh. Một lát sau, tất cả cảnh lạ đó đều biến đi. Mẹ vội gọi bố, và kể lại những gì đã thấy. Nhưng bố không tin. Còn mẹ thì tin là mình đã thấy thực sự. Mẹ bùi ngùi không hiểu những gì mẹ được thấy có ý nghĩa gì.

7.

Bây giờ, trong giờ phút sợ hãi vì được gọi làm giám mục, chuyện đó hiện lên trong tôi như một ánh sáng. Tôi nhìn thấy Chúa nhìn tôi ngay khi tôi còn trong lòng mẹ. Tôi như nghe được tiếng Chúa gọi tên tôi. Tôi cảm thấy bàn tay Mẹ Maria đang đặt trên vai tôi lúc này, để ủi an và che chở tôi. Tôi tin vào Chúa. Đức tin của tôi lúc này là khả năng nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy Chúa Giêsu. Tất cả đều rất riêng tư. Tôi xác tín tôi được Chúa yêu thương, mặc dầu tôi tội lỗi, sẽ bơi lội vụng về trong dòng lịch sử đầy sóng gió.

8.

Trong tâm tình cảm tạ và phó thác, tôi thầm thưa với Chúa là suốt đời tôi sẽ làm chứng cho niềm tin vào Chúa. Niềm tin ấy sẽ như ngọn lửa bé nhỏ. Để chọn biểu tượng, tôi chọn cây nến cháy, như hình ảnh mẹ tôi đã thấy 48 năm về trước. Tôi chỉ mong mình được là ngọn lửa bé nhỏ như thế thôi. Nhưng rồi, đức tin của tôi không ngừng lại ở những gì mình đã được thấy, được nghe, được cảm về Chúa. Do biến cố sau đây:

9.

Mấy ngày sau khi thụ phong Giám mục, một đêm tôi gặp được Chúa Giêsu. Người cầm tay tôi, dẫn vào một bệnh viện rộng lớn. Người đưa tôi qua các phòng bệnh. Bệnh nhân nằm la liệt, quằn quại trong đau khổ. Tôi cảm thấy xót xa. Tôi đau nỗi đau của họ. Và một lúc, lòng tôi như muốn vỡ ra. Tôi bừng tỉnh, tôi thấy lửa đức tin trong tôi đã biến thành lửa tình yêu thương xót dành cho những người đau khổ.

10.

Lửa tin yêu ấy khiến tôi nhiều khi phải cô đơn, như bị loại trừ. Trong cơn đau đớn, tôi kêu kên: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con” (Mc 15,34). Và tôi hiểu lửa tin yêu trong lòng tôi được cảm nghiệm như một sự chia sẻ thân phận những người cùng cực nhất. Họ khổ lắm. Họ lầm than lắm.

11.

Tới đây, tôi xin phép được kết luận thế này: Đức tin trong tôi có một phần rất lớn là khả năng Chúa ban để thấy được, nghe được, chạm tới được và nhận ra được Chúa Giêsu.

Đức tin ấy là một ngọn lửa. Ngọn lửa đó không những soi sáng, mà còn thanh luyện và đốt nóng, thúc đẩy tôi đi ra khỏi cái tôi, để đến với Chúa và đến với con người, nhất là con người cùng khổ. Đức tin đó là một cuộc xuất hành.

12.

Lửa đức tin đó từ đâu? Chúa Giêsu phán: “Thầy đã đem lửa vào thế gian, và Thầy chỉ mong lửa ấy cháy bùng lên” (Lc 12,49). Thế nghĩa là lửa đức tin trong tôi là do Chúa Giêsu đốt lên. Người đốt lên và Người ở trong đó. Nhờ lửa đức tin ấy, tôi biết biến đổi mọi đau đớn tôi chịu thành những việc yêu thương có giá trị cứu độ. Cũng nhờ lửa đức tin ấy, tôi đi về Cõi Sau, từng bước theo Chúa Giêsu, trong niềm phó thác tuyệt đối vào Cha trên trời giàu tình yêu thương xót.

Đức tin của tôi là như thế. Tôi phải biết khiêm nhường đón nhận, tỉnh thức bảo vệ, siêng năng chăm sóc, và chân thành diễn tả. Nhất là trong những thử thách cam go khủng khiếp đang và sẽ đổ xuống lịch sử một cách bất ngờ.

Chúa ơi! Con nay thuộc về Chúa. Xin Chúa thương dắt dìu con.

Đăng ngày 12 tháng 8 năm 2013