Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC (13)          -2012-

 THAO THỨC (14) -2013-
 

TRỞ NÊN GÁNH NẶNG

 

1.

Cuối cuốn “Tự Thuật”, thánh nữ Têrêsa thành Lisieux đã viết: “Lạy Chúa, xin đừng để con trở nên gánh nặng cho Nhà Dòng”.

Lời cầu đó rất chân thành. Chỉ vì yêu mến các chị em, và không muốn Nhà Dòng phải tốn tiền, tốn giờ, tốn sức vì mình, nên Têrêsa đã cầu xin Chúa đừng để mình bao giờ trở nên gánh nặng cho cộng đoàn.

Tôi cũng bắt chước thánh nữ, mà hay cầu xin Chúa như vậy. Kết quả thế này:

2.

Có lúc tôi cảm thấy tôi không là gánh nặng cho ai. Tôi rất vui.

Có lúc tôi thấy một số dấu chỉ làm tôi mất lạc quan, vì được cảnh báo là tôi đã và đang trở thành gánh nặng cho cộng đoàn, hoặc cho những người chăm sóc tôi. Tôi rất nghĩ ngợi và sợ hãi.

Có lúc tôi được nghe những lời cứng cỏi và được thấy những thái độ tránh né khiến tôi hiểu chắc chắn tôi đang là gánh nặng cho một số người. Tôi đau buồn, xấu hổ và xin lỗi họ với tình yêu thương chân thành.

3.

Tôi nài van Chúa giúp tôi sống trong nỗi đau buồn ấy một cách hữu ích.

Chúa cho tôi nhìn thấy Chúa Giêsu đội mão gai bị người ta khạc nhổ vào mặt, bị đấm đá, bị trói vào cột, bị đánh đòn, bị xỉ nhục. Người chịu đau đớn hồn xác quá sức tưởng tượng, mà không oán trách. Sau cùng Người bị đóng đinh vào thánh giá, và chết như một kẻ tội lỗi ghê tởm.

Đức Mẹ Maria giúp tôi cùng với Đức Mẹ, âm thầm cũng chịu đau khổ với Chúa, để đền tội mình, cứu nhân loại khỏi sa hoả ngục, nhưng được vào thiên đàng với Chúa.

4.

Rất có thể tôi đã có nhiều yếu đuối và lỗi lầm, làm phiền người khác, nên tôi sám hối, cầu nguyện trong đau đớn vì bị loại trừ. Tôi nghĩ đến nhiều người cũng đang bị rơi vào hoàn cảnh hơn kém như tôi, nghĩa là hoàn cảnh già nua, bệnh tật, hết quyền hết tiền, thói hư tật xấu. Họ cảm thấy mình là gánh nặng cho người khác. Họ có thể đã được nghe những lời nặng nhẹ nhắm vào họ. Họ đau lắm. Họ khổ lắm.

5.

Tôi nhớ tới những gì, mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô, lúc còn là Hồng Y, đã nói về tuổi già: “Người ta chế nhạo tuổi già, người ta hạ giá sự kiện cao niên, người ta tôn vinh một tuổi trẻ đời đời. Trong nhiều nước Nam Mỹ, những luật liên hệ đến người già, hầu hết đều chỉ là nguyên tắc, chứ trên thực tế, người ta đang thấy một hệ thống loại trừ người già ra khỏi đời sống xã hội... Chỉ vì họ không còn khả năng sản xuất.

Trong đối xử với người già, hãy có một cái nhìn nhân ái, một cử chỉ gần gũi, một việc làm có sức làm vơi đi những phiền muộn lo âu của họ...” (Bài giảng trong thánh lễ ngày 02.02.2008, tại thủ đô nước Achentina).

6.

Lo âu của những người già thường mang nặng bề sâu ý nghĩa cuộc đời, nên họ thường cầu nguyện rất nhiều.

Tôi nhớ tới những lời Đức Mẹ đã nhắn nhủ ở Fatima. Hãy cầu nguyện nhiều. Hãy sám hối nhiều. Hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi. Hãy tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ. Tất cả những điều Đức Mẹ nhắn nhủ ở Fatima đều rất xưa. Rất xưa, nhưng rất phù hợp với tinh thần Phúc Âm, và đang được phần lớn những người già thực hiện một cách sốt sắng, để lo cho gia đình, Hội Thánh và Đất Nước. Nhiều người già đang thực sự mang gánh nặng của bao người thân yêu và của cả dân tộc.

7.

Tôi nhớ lại lời thánh Phaolô khuyên dạy về gánh nặng: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô. Thực vậy, ai tưởng mình là gì, mà kỳ thực không là gì hết, thì là lừa gạt chính mình. Mỗi người hãy xem xét việc làm của mình, và bấy giờ sẽ có lý do để hãnh diện vì chính mình, chứ không phải vì so sánh với người khác. Quả thực, mỗi người phải mang gánh nặng của riêng mình” (Gl 6,2-5).

8.

Thực vậy, gánh nặng nhất của tôi là chính tôi. Mang gánh nặng bản thân đã là mệt rồi. Bây giờ, Chúa bảo còn phải mang thêm gánh nặng của người khác, như thế là rất mệt. Nhưng Chúa an ủi. Mang gánh nặng là chu toàn luật của Đức Kitô.

Với kinh nghiệm cuộc đời dài, tôi thấy mang gánh nặng với tinh thần bác ái khiêm nhường của Phúc Âm như thế, đòi phải cầu nguyện nhiều, ngoài ra cũng đòi một nền đào tạo đạo đức thường xuyên.

9.

Kinh nghiệm, mà tôi chia sẻ về tương quan giữa bản thân tôi là người già với những gánh nặng được tóm tắt như sau:

Tôi muốn tôi đừng trở nên gánh nặng cho cộng đồng và cho bất cứ ai. Nhưng trên thực tế, tôi biết tôi vẫn là gánh nặng cho bao người. Nhận ra sự thực đó là một nỗi đau.

Tôi muốn tôi phải quảng đại chia sẻ phần nào gánh nặng của những người khác. Nhưng trên thực tế, tôi nhiều khi vẫn hẹp hòi. Nhận ra sự thực đó là một nỗi xót xa.

Tôi muốn tôi mang gánh nặng chính bản thân mình một cách thanh thản. Nhưng trên thực tế, tôi nhiều khi vẫn bị căng thẳng. Nhận ra sự thực đó là một lời xin cầu cứu.

Tôi thấy gánh nặng nào cũng làm cho tôi khiêm tốn hơn, để biết mình yếu đuối.

Tôi phó thác tất cả nơi Thiên Chúa giàu tình yêu thương xót.

Tôi cậy tin vững vàng ở lòng nhân lành bao la của Đức Mẹ.

10.

Từ những kinh nghiệm trên đây về gánh nặng, tôi cầu xin Chúa tha thiết, đừng để lịch sử dân tộc Việt Nam coi Hội Thánh Công giáo là một gánh nặng cho Đất Nước, do lỗi lầm của một số người tin theo Chúa. Một cái nhìn như thế sẽ không đúng và rất hại cho việc truyền bá đức tin và tình đoàn kết dân tộc.

11.

Tuy nhiên, tôi rất được an ủi, khi thấy Hội Thánh tại Việt Nam đã và đang quan tâm chăm sóc nhiều người bị xã hội coi là gánh nặng. Nếu không có một Hội Thánh Công giáo giàu tình bác ái, thì bao người bị xã hội coi là gánh nặng ấy, đã chẳng bao giờ nếm được tình thương chân thành vị tha. Xin hết lòng cảm tạ Chúa giàu lòng thương xót.

Long Xuyên, ngày 02 tháng 10 năm 2013.