Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 THAO THỨC (16) -2015-

 THAO THỨC (17) -2016-
 

ĐỨC MẸ NHÂN LÀNH GIÚP TÔI VUI SỐNG

 

1.

Trong kinh Lạy Nữ Vương, lời Mẹ nhân lành tự nhiên đưa hồn tôi vào một tư thế gần gũi thân mật. Chính vì vậy, mà tôi hay dừng lại, để kể lể.

Thí dụ tôi hay tỉ tê:

- Xưa, Mẹ đã sống giữa nhóm các môn đệ yếu đuối. Người thì chối Chúa. Người thì bán Chúa. Người thì bỏ Chúa để trốn thoát thân. Nhưng Mẹ đã rất nhân lành với họ.

Nay, con và bao môn đệ còn yếu đuối hơn họ. Xin Mẹ nhân lành thương đến chúng con, nhất là con.

- Xưa, Mẹ đã chứng kiến cảnh bao người tội lỗi đủ mọi giai cấp đạo đời, đã góp phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu. Nhưng Mẹ đã rất nhân lành lặng lẽ đau khổ đứng bên chân thánh giá, để lập công cứu họ khỏi án phạt đời đời. Nay, bao người đủ mọi giai cấp đạo đời cũng lỗi lầm không kém. Cả con nữa. Xin Mẹ nhân lành thương đến chúng con.

- Xưa, Mẹ đã sống giữa những người nghèo hèn, cô đơn, túng thiếu. Mẹ đã tỏ ra rất nhân lành, bằng thương cảm và chia sẻ cuộc sống nghèo của họ. Nay, con cũng đang sống bên những người dân nghèo, bệnh nạn, cô đơn. Xin Mẹ nhân lành thương đến thăm họ. Xin giúp con và các người thiện chí biết theo gương Mẹ mà biết thương cảm và chia sẻ phần nào số phận của họ.

- Xưa, Mẹ đã trải qua cảnh bị loại trừ, bị xua đuổi, phải trốn tránh. Nhưng Mẹ luôn giữ được tâm hồn nhân hậu và thái độ ôn tồn lặng lẽ. Nay, con và bao môn đệ Chúa nhiều khi bị loại trừ, bị nghi ngờ, phải nhục nhã. Xin Mẹ nhân lành thương giúp sức cho chúng con, kẻo chúng con vấp phạm.

Tôi kể lể với Mẹ nhân lành, cho lòng mình vơi đi những trăn trở ưu sầu.

2.

Một lúc nào đó, thường là bất ngờ, Mẹ nhân lành cho tôi nếm được chút tình yêu nhân lành của Mẹ.

Khi sự nếm được đó đến độ cao, nó trở thành tình yêu toả sáng. Nhờ ánh sáng ấy, tôi thấy tình yêu nhân lành của Mẹ gồm ba yếu tố:

Một là tình yêu của Chúa dành cho Mẹ. Hai là tình yêu của Mẹ dâng lên Chúa. Ba là tình yêu của Mẹ dành cho tôi và cho mỗi người. Cả ba yếu tố đó làm nên một thực tại. Thực tại này giống như một khối lửa tình yêu. Có phần mang tính chất tự nhiên. Có phần mang tính chất siêu nhiên.

3.

Nhiều người cũng nhân lành. Nhưng nếu thiếu ơn siêu nhiên, họ không thể tha thứ được như Mẹ nhân lành.

Tôi có chút kinh nghiệm đó, khi sự nhân lành đòi tha thứ và yêu thương những kẻ ác độc với mình.

Với những kinh nghiệm như thế, tôi được Mẹ nhân lành cho thấy: Nhân lành như Mẹ nhân lành là một dấu chỉ dồi dào ơn Chúa. Đối với con người hôm nay, thái độ nhân lành như thế sẽ là một khí cụ truyền giáo. Dấu chỉ đó sẽ là một mời gọi dịu dàng hướng về Nước Trời.

Nhân lành cũng sẽ được coi là quan trọng cho người mục tử, khi ý thức rằng Chúa Giêsu là mục tử nhân lành (x. Ga 10,14) làm chứng cho Thiên Chúa là Cha nhân lành giàu lòng thương xót (x. Ep 2,4). Chúa Giêsu cũng là con Đức Mẹ nhân lành. Người đề cao cách sống của người Samaria tốt lành (x. Lc 10,30-37).

Tôi sẽ rất lạc lõng, nếu giả sử tôi có trí thức cao, quyền chức lớn, nhưng lại thiếu nhân lành.

Nhân lành ví như một bản nhạc êm đềm. Một bản nhạc hay phải do nhiều yếu tố, như nhạc, lời, nhịp điệu, giọng hát, hồn nhạc. Người nhân lành cũng tương tự như thế. Nhân lành của họ gồm nhiều yếu tố: Tấm lòng, tư cách, việc làm, lời nói, giọng nói vv...

Xin Mẹ dạy con biết sống nhân lành một cách xứng hợp, để làm chứng cho Chúa nhân lành.

4.

Thú thực là, có những ngày thuộc tuổi thơ, khi đọc câu Đức Mẹ làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy, tôi chỉ nghĩ chung chung đến những gì làm cho mình được sống khoẻ mạnh, được vui vẻ, được hy vọng.

Cả đến thời thanh niên, ý nghĩa chung chung đó vẫn tồn tại.

Nhưng, khi đã làm linh mục, tôi hay suy gẫm Phúc Âm về Lời Chúa kêu gọi hãy trở về. Trở về mới thực sự được sống, được vui, được cậy. Tôi dần dần cảm thấy: Trở về mà Chúa muốn nhất là trở về với Đức Kitô. Vì Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14,6).

5.

Những lần dâng lễ ở hang Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, tôi tự nhiên được lôi cuốn đến nội dùng bài lễ dành cho các cuộc hành hương Lộ Đức. Nội dung đó chất chứa tâm tình cầu xin ơn trở về. Ơn trở về, mà tôi cảm nhận được trong những thánh lễ đó là: Chính Đức Mẹ cầu bầu, mà tôi được ơn trở về với Đức Kitô.

Đức Kitô làm cho tôi được sống, được vui, được cậy. Tôi được dẫn đến Đức Kitô nhờ Đức Mẹ. Theo ý nghĩa đó, Đức Mẹ đang là Đấng làm cho tôi được sống, được vui, được cậy.

Với ơn trở về đó, tôi được sống ơn gọi người môn đệ Chúa một cách trưởng thành hơn.

Người ở bên tôi. Hay nói đúng hơn, Người ở trong tôi. Người cho tôi được sự tự do. Nhưng Người ban ơn, để tôi biết dùng sự tự do của tôi, để cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Người.

Càng ngày, tôi càng kinh nghiệm thấy Người là Đấng ban cho tôi sự sống dồi dào, mặc dù trong những hoàn cảnh xem như đã cạn sự sống. Càng ngày, tôi càng kinh nghiệm thấy Người là Đấng đem lại cho tôi nguồn vui thiêng liêng, mặc dầu trong những trường hợp đầy thử thách. Càng ngày, tôi càng kinh nghiệm thấy Người là Đấng đem lại cho tôi nguồn hy vọng, mặc dầu mọi phía đều như những ngõ cụt u tối hãi hùng.

6.

Hôm nay, những ngày cuối đời, khi nhìn lại đời mình, tôi thấy Đức Kitô, mà Đức Mẹ đã dẫn tôi đến, chính là Đấng cứu độ của tôi. Người đã cứu sự sống của tôi. Người đã cứu các niềm vui của tôi. Người đã cứu các hy vọng của tôi. Nhờ đó, tôi khỏi đi lạc. Mà nếu đi lạc, thì biết trở về. Để luôn biết sống trọn vẹn Tin Mừng là chính Đức Kitô, trong hiện tại hôm nay và giây phút bây giờ.

Sự sống, sự vui, sự cậy nhiều khi không đến với tôi vội vã ồn ào, nhưng đến một cách bất ngờ, ngay cả qua những người nghèo khổ, bệnh tật, vô danh.

Sự sống, sự vui, sự cậy cũng nhiều khi ở lại trong tôi, khi tôi bắt chước Đức Mẹ biết âm thầm giữ kỹ các kỷ niệm trong lòng để suy gẫm (x. Lc 2,51).

Lạy Mẹ, xin cho con biết sống, biết vui, biết hy vọng theo gương Mẹ. Sống một cách bình thường mà không tầm thường. Vì luôn có Chúa Giêsu ở cùng con.

Long Xuyên, ngày 25.9.2016