Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 THAO THỨC (16) -2015-

 THAO THỨC (17) -2016-
 

SỐNG HY VỌNG

 

1.

Năm thánh Lòng Thương Xót Chúa là một nguồn đem lại cho tôi niềm hy vọng cao quý.

Đức Mẹ Maria đã và đang hướng dẫn tôi vào nguồn ơn thánh đó. Tôi xin được chia sẻ. Mẹ dạy tôi hãy bắt chước Mẹ, mà làm những việc sau đây:

2.

Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để biết lãnh nhận mọi ơn với lòng cảm tạ biết ơn.

Mỗi ngày, tôi lãnh nhận được rất nhiều ơn Chúa, hoặc trực tiếp từ Chúa, hoặc gián tiếp từ Hội Thánh, từ Quê Hương, từ biết bao người gần xa. Rất nhiều ơn thuộc phần xác. Rất nhiều ơn thuộc phần hồn.

Mẹ dạy tôi là tất cả mọi ơn đó đều do tình yêu thương xót Chúa dành cho tôi.

3.

Tôi hãy tỉnh thức và cầu nguyện để biết lãnh nhận với lòng cảm tạ biết ơn. Lãnh nhận với lòng cảm tạ biết ơn, đó là một cách sống, mà Lòng Thương Xót Chúa muốn nơi tôi, để tôi được nên mới, nên tốt, nên đẹp, nên người hữu ích.

4.

Thế nào là lãnh nhận với lòng cảm tạ biết ơn? Tôi hỏi Mẹ Maria, thì Mẹ đưa lòng trí tôi nhớ lại bài ca Ngợi khen của Mẹ. Trong đó Mẹ xưng mình là kẻ hèn mọn, được Chúa thương cứu độ. Mẹ là kẻ kính sợ Chúa, được Chúa xót thương (x. Lc 1,47-50).

Luôn luôn nhận biết mình hèn mọn, luôn luôn kính sợ Thiên Chúa, luôn luôn cần đến lòng thương xót Chúa, đó là những yếu tố quan trọng của lòng cảm tạ biết ơn đối với Chúa. Đó cũng là những yếu tố rất cần để làm nên lòng biết ơn và lòng cảm tạ đối với người khác.

5.

Phúc Âm thánh Luca kể rằng: Trên đường lên Giêrusalem, Chúa Giêsu đi qua một làng, có 10 người phong cùi đến xin Người cứu chữa. Chúa bảo họ hãy đi trình diện với các tư tế. Đang khi đi, thì họ được sạch. Một trong bọn họ đã trở lại cảm tạ Chúa Giêsu. Chúa Giêsu bỡ ngỡ hỏi: Sao chỉ có một người trở lại cảm ơn Thiên Chúa? Mà người này lại là người ngoại đạo! (x. Lc 17,11-19).

Chuyện trên đây chứng tỏ số người được ơn mà vô ơn trong cộng đoàn dân Chúa là một sự thực rất đau lòng. Nếu xưa là thế, mà nay cũng vẫn như thế, thì đó phải là vấn đề cần được đặt ra.

Do đó, lãnh nhận đòi phải rất tỉnh thức và cầu nguyện. Cho đi cũng vậy.

6.

Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để biết cho đi với lòng thương mến chân thành.

Mỗi ngày, Mẹ Maria vẫn dạy tôi về sự cho đi. Mẹ cho tôi nhìn thấy Mẹ những ngày tháng cuối đời của Mẹ.

Mẹ ở bên thánh Gioan tông đồ. Mẹ cùng với thánh Gioan tông đồ lo cho giáo đoàn. Mẹ cho đi rất nhiều. Cho đi không bằng của cải vật chất, mà là bằng sự hiện diện đầy tình thương. Tình thương của Mẹ là xót thương, là hy sinh, là cầu nguyện, là chia sẻ, là đỡ nâng, là cứu độ. Tình thương của Mẹ là một sự hiện diện toả sáng, âm thầm mà có sức thay đổi lòng người. Một sự hiện diện đầy khiêm tốn, đầy bao dung.

7.

Bây giờ hơn bao giờ hết, khi tôi mang gánh nặng của tuổi tác và bệnh tật, tôi cảm thấy sự hiện diện yêu thương của những người bên cạnh là sự cho đi mà tôi cần hơn cả.

8.

Đức Thánh Cha Phanxicô mới rồi cũng đã nói một điều gây xúc động về Năm Lòng Thương Xót. Đối với Ngài, Năm Lòng Thương Xót Chúa, không cần phải tổ chức hành hương đâu cả, hãy biết cho đi những xót thương ngay tại gia đình mình. Tôi rất tâm đắc với Ngài.

Tôi thấy sự hiện diện đầy yêu thương, với những phục vụ nhỏ, với những thái độ tế nhị, với những cái nhìn gắn bó, với những hy sinh âm thầm, sẽ là một cho đi phong phú, góp phần không nhỏ vào chương trình cứu độ của Chúa giàu lòng thương xót.

9.

Tại Việt Nam hôm nay, phong trào cho đi một cách ồn ào phô trương đang trở thành xa vắng đối với nhiều người già nua bệnh tật. Tôi sợ là cứ như thế, thì niềm tin đối với nhau sẽ giảm. Mà mất niềm tin đối với nhau sẽ là một mất mát lớn.

10.

Tai nạn tăng. Tệ nạn tăng. Tình hình hiện nay tại nhiều nơi là như vậy. Tôi xin lòng thương xót Chúa cứu tôi khỏi những tình hình đó.

Nhưng cứu bằng cách nào, thì Mẹ dạy tôi là hãy cầu với Chúa Cha như Chúa Giêsu xưa trong vườn Cây Dầu: Nếu có thể, xin cứu con khỏi uống chén đắng này, nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha mà thôi (Mc 14,36). Chúa Cha đã cứ để Chúa Giêsu uống chén đắng.

Như thế là tôi hiểu tôi sẽ không tránh được những đớn đau. Do vậy,

11.

Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để biết chịu những đau đớn có thể xảy ra.

Đau đớn do nhiều nguyên do, như: Do bao nhiêu tội người ta xúc phạm đến Chúa. Do bao nhiêu tội người ta gây khổ cho nhau. Do bao nhiêu tội người ta tự đưa mình vào hoả ngục. Và còn bao nhiêu đau đớn khác do mọi thứ thử thách gây nên cho con người yếu đuối.

Đến một lúc nào đó, tôi cũng sẽ nói như thánh Phaolô xưa: Nếu có gì để tự hào, thì tôi chỉ tự hào về những yếu đuối của tôi (2Cr 12,9). Nếu có gì để coi là vinh dự cho tôi, thì vinh dự của tôi chính là thánh giá Đức Kitô (Gl 6,14). Nghĩa là đau đớn đủ loại có thể xảy đến cho tôi. Nhưng đó lại chính là cơ hội để sáng lên niềm hy vọng về ơn cứu độ, mà lòng thương xót Chúa dành cho tôi.

12.

Tôi hy vọng rất nhiều vào Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa. Dấu chỉ sống động nhất về niềm hy vọng của tôi được nhận thấy ở rất nhiều người bình thường. Bình thường là biết nhớ ơn. Bình thường là biết tỉnh thức và cầu nguyện. Bình thương là biết xót thương.

Chắc chắn quỷ Satan sẽ ra sức quấy phá Năm Thánh này. Quấy phá nhất là dụ dỗ người ta đừng tỉnh thức và cầu nguyện, để rồi cứ an tâm và tự hào với những việc đạo đức nặng về hình thức, đề cao ý riêng, thậm chí còn nhân danh Chúa mà chống lại Chúa một cách tinh vi, đầy lừa dối.

Nhưng, cho dù mặt trận của Satan sẽ rất rộng và ác liệt, tôi tin sau cùng Lòng Thương Xót Chúa sẽ thắng.

Ngay bây giờ, Lòng Thương Xót Chúa đã bắt đầu thắng trong tôi. Cho dù tôi hèn mọn, tội lỗi, tôi đang nhận thấy mình được Chúa xót thương. Tôi cảm nhận được điều đó một cách rất rõ. Biết mình được Chúa xót thương là một nguồn đầy hy vọng, đầy bình an, đầy hạnh phúc. Được Chúa xót thương vì được Chúa chia sẻ cho sự sống của Chúa, và vì được tham dự vào công cuộc cứu chuộc loài người của thánh giá Chúa, tôi vui mừng cảm tạ lòng thương xót Chúa.

Long Xuyên, ngày 07.01.2016.