Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 THAO THỨC (18) -2017-

 THAO THỨC (19) -2018-
 

ĐẠO ĐỨC CỦA CHÀO THĂM

 

1.

Càng về già, tôi càng thấy mình bé nhỏ. Nhận thức như vậy, nên tôi xin Chúa thương dạy dỗ tôi như dạy dỗ một trẻ nhỏ. Tôi thấy Chúa đang làm như vậy.

Một trong những điều rất căn bản, mà tôi đang được học như một trẻ nhỏ, đó là chào.

2.

Chúa dạy tôi chào, với những chi tiết nhỏ. Tôi xin trình bày vắn tắt.

Mỗi đêm, khi vừa thức dậy, tôi liền chắp tay chào kính Chúa. Tôi chào kính Chúa Cha. Với niềm tin Người là Cha quyền năng giàu lòng thương xót. Người đã thương nhận tôi làm con, mặc dầu tôi tội lỗi.

Tôi chào kính Chúa Giêsu, là Đấng đã cứu chuộc tôi với tất cả tình thương đầy hy sinh khiêm nhường.

Tôi chào kính Chúa Thánh Thần. Người được Chúa Cha sai đến với tôi, để soi sáng và nhất là để an ủi tôi là kẻ nghèo khó, hèn hạ, tội lỗi.

3.

Mỗi lần chào kính như vậy, tôi lại được nghe đáp lại một cách thân thương: “Chào con yêu dấu. Con hãy nhớ chào những người con của Chúa. Rất nhiều người là con Chúa”.

4.

Rồi, tôi chào kính Đức Mẹ. Mẹ cũng đáp lại một cách rất yêu thương: “Chào con yêu dấu. Con hãy nhớ chào những người con của Mẹ. Rất nhiều người là con của Mẹ”.

5.

Vâng lời Chúa và Đức Mẹ dạy, tôi để ý đến việc Chào, coi đó như một bổn phận đạo đức.

6.

Chào ai? Nếu chào có nghĩa là chào chúc, thì tôi vẫn chào chúc cho mọi người bằng cầu nguyện và hy sinh.

7.

Nếu chào có nghĩa là chào hỏi, chào thăm, thì tôi để ý thực hiện bổn phận chào ưu tiên đối với những người gần gũi mình, do bất cứ hình thức liên đới nào.

8.

Tôi có kinh nghiệm này. Một lời chào thăm đơn giản nhưng chân thành, nhiều khi đem lại cho người ta sự chữa lành và an ủi lạ lùng.

Thời gian tôi nằm trị bệnh ở một nhà thương bên Cộng Hòa Liên Bang Đức, một hôm tôi được một người Đức không quen đến thăm tôi. Họ nói họ mới đi Vatican được gặp Đức Giáo Hoàng Gioan Phalô II. Khi Đức Giáo Hoàng biết tôi đang trị bệnh tại nhà thương họ quen biết, thì Đức Giáo Hoàng nhờ họ, khi về Đức, vui lòng chuyển lời của ngài chào thăm tôi. Cử chỉ đó của Đức Giáo Hoàng đã đem lại cho tôi biết bao an ủi. Tôi học được ở Đức Giáo Hoàng một bài học quí giá về đạo lý chào thăm. Tôi cũng đang học được bài học cần thiết đó nơi hai Đức cha thân yêu của tôi: ĐC Giuse Trần Xuân Tiếu và ĐC Giuse Trần Văn Toản.

9.

Chào là một việc đạo đức sơ đẳng, mà các trẻ nhỏ thường được dạy bảo. Nhưng bây giờ tôi thấy, việc đạo đức sơ đẳng đó cũng nên nhắc lại cho những người lớn. Riêng tôi, tôi rất vui vì được nhắc bảo về đạo đức chào thăm.

10.

Đã lâu rồi, hồi còn khỏe mạnh và tại chức, tôi hay đi Vatican . Hễ có dịp, tôi thường đến chào thăm Đức Hồng Y Roger Etchegaray. Ngài cũng đã mời tôi dùng bữa với ngài nhiều lần. Lần nào cũng vậy, ăn xong, Đức Hồng Y liền dẫn tôi vào nhà bếp, để chào thăm bà bếp. Qua thái độ đó, Đức Hồng Y đã nhắc cho tôi về đạo đức chào thăm.

11.

Việt Nam có câu: Lời chào cao hơn mâm cỗ. Thế mà nhiều khi tôi quên. Xét mình tôi thấy mình đã có nhiều thiếu sót về đạo đức chào thăm. Tiện đây, tôi gửi lời xin lỗi tới những ai tôi đã lỡ lỗi phạm.

12.

Tất nhiên, tôi phải xin lỗi Chúa về những thiếu sót trong đạo đức chào thăm đối với những con người.

Thánh Gioan tông đồ viết: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ. Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi, chót lưỡi, nhưng phải yêu thương chân thật và bằng việc làm”. (1Ga 3, 18)

Tôi quan niệm Chào là một biểu hiện của tình thương. Nên việc đó phải chân thành, và đi kèm theo những việc làm phục vụ cụ thể.

Như xưa, lời chào của Đức Mẹ đã kèm theo phục vụ, khi đến thăm bà dì Isave.

13.

Tôi thấy chào thăm là việc đạo đức sơ đẳng, ai cũng muốn làm, nhưng biết thế mà nhiều khi cũng ngại làm, vì sợ bị hiểu lầm.

Thú thực chuyện bị hiểu lầm là thực sự vẫn xảy ra. Khi chào thăm ai, mà người ta nghĩ mình đến xin xỏ, nên tìm cách xa tránh, thì rất buồn. Mà cho rằng: Chào thăm là cách ăn mày tình thương, thì đâu có tội vạ gì. Nhưng khi bị từ chối một cách tàn nhẫn, thì trong lòng không tránh được tủi nhục tổn thương.

14.

Chào là vấn đề tế nhị. Nhưng thiết tưởng vẫn là một vấn đề cần suy nghĩ. Đó là vấn đề vừa thuộc Phúc âm, vừa thuộc đạo lý dân tộc Việt Nam .

Một việc coi như nhỏ, nhưng mang giá trị lớn.

Long Xuyên, ngày 18.8.2018