Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1975
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1975
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1976
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1977
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1978
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1979
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1980
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 

Con Người Của Ranh Giới

Cho đến hôm nay, tôi vẫn nhớ dòng sông Giôđan trên đất thánh. Quãng sông tôi thấy không lớn lắm. Hai bên bờ là những bãi cỏ và những bụi lau. Người hướng dẫn khách hành hương chỉ quãng sông này mà nói với tôi: Chính tại con sông này và chính tại khúc sông này, thánh Gioan Baotixita đã làm phép rửa cho dân chúng. Và cũng chính tại đây, thánh Gioan Baotixita đã gặp Chúa Giêsu lần đầu tiên, đã giới thiệu Ngài với dân chúng, và đã làm phép rửa cho Ngài theo lời Ngài yêu cầu.

Những hình ảnh lịch sử trên con sông lịch sử ấy gợi ý cho tôi nhìn thánh Gioan Baotixita bằng một nét vắn gọn: Tôi nhìn Ngài như con người của ranh giới. Thánh Gioan Baotixita là con người của ranh giới. Gọi như thế có nghĩa gì?

 1. Thánh Gioan Baotixita là con người của ranh giới: Trước hết có nghĩa: Ngài là nơi gặp gỡ giữa hai ranh giới đạo cũ và đạo mới

Thánh Gioan Baotixita được sinh ra trong đạo cũ, có những quan niệm tôn giáo nhiệm nhặt. Ðọc lại những lời giảng ban đầu của thánh Gioan Baotixita còn ghi lại trong Phúc Âm, ta thấy Gioan Baotixita là con người khe khắt. Kẻ có tội đến xin thanh tẩy, Ngài giáo dục họ bằng những lời trách mắng đe loi khá nặng. Ngài nói: “Nòi rắn độc, ai mách cho các ngươi trốn cuộc thịnh nộ sắp đến. Kìa lưỡi rìu đã đặt sẵn ngay gốc cây rồi. Cây nào không quả sẽ bị chặt ngay mà quăng vào lửa. Người đến sau tôi sẽ thanh tẩy các ngươi bằng Thánh Thần và lửa. Cái rê lúa sẵn trong tay, Ngài sẽ rê sạch lúa. Lúa tốt thì thu vào lẫm. Lúa lép thì cho vô lửa để mà đốt đi”.

Với những lời đó, thánh Gioan Baotixita muốn vẽ ra một hình ảnh nào đó của Ðấng Cứu Thế đến sau Ngài, một Ðấng Cứu Thế nghiêm khắc đến để kết án, đến để luận phạt.

Khi Gioan Baotixita nghe tin Chúa xuất hiện với thái độ hiền hậu, không kết án, không luận phạt, không nghiêm khắc, thì Gioan Baotixita thực sự hoang mang thắc mắc. Gioan liền cho hai môn đệ mình đến với Chúa Giêsu: “Ngài có phải là Ðấng Cứu Thế phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác”. Chúa Giêsu nói với hai môn đệ hãy trở về thưa lại với Gioan rằng: “Kẻ mù được sáng, kẻ què được đi, kẻ phong cùi được khỏi bệnh, kẻ điếc được nghe, kẻ chết sống lại và kẻ nghèo được nghe Tin Mừng. Phúc cho người nào không vấp phạm vì tôi”.

Với những lời đó, Chúa Giêsu đã trả lời Gioan một cách tế nhị, để Gioan thấy Ðấng Cứu Thế không đến để luận phạt, mà chỉ để tha thứ và ban ơn. Mong Gioan đừng vì thế mà buồn. Thật sự, Gioan Baotixita đã không buồn, không vấp phạm, Ngài đã đón nhận sự thực. Ngài thuộc thế hệ cũ, nhưng Ngài không bảo thủ, không cố chấp, không khép kín. Ngài đã có những chuyển biến nội tâm quan trọng, nên khi gặp Chúa Giêsu, Gioan giới thiệu với quan niệm đổi mới: “Ðây Chiên Thiên Chúa đây Ðấng xóa tội trần gian”. Có nghĩa: Ðây là Ðấng Cứu Thế hiền lành như con chiên, không đến để kết án, nhưng đến để xóa tội trần gian. Gioan đã từ ranh giới đạo cũ, bước sang ranh giới đạo mới, giới thiệu đạo mới nhưng với uy tín của nền đạo cũ.

Gioan Baotixita là con người của ranh giới.

 2. Gioan Baotixita là con người của ranh giới còn có nghĩa là: Ngài dứt khoát sống trong ranh giới địa vị chức năng của mình

Ngài biết mình được sinh ra do đặc ân của Thiên Chúa. Ngài biết tên Gioan Ngài mang cũng phát xuất từ một biến cố bởi trời. Ngài biết mình được thánh hóa nhờ sự Ðức Mẹ đến viếng thăm. Ngài biết mình có sứ mạng làm tiền hô cho Ðấng Cứu Thế. Ngài dứt khoát trong phạm vi ranh giới đó.

Có hai sức ép muốn bảo Ngài ra khỏi ranh giới đó. Trước hết là sức ép của quần chúng ái mộ. Họ muốn tôn vinh Ngài còn hơn là vị tiên tri. Nhưng Ngài cương quyết xác định một cách khiêm tốn: “Tôi chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Tôi không đáng cởi dây giày cho Ðấng Cứu Thế”. Ngược lại, lại có sức ép của nhà cầm quyền. Họ muốn Gioan từ bỏ chức năng rao giảng những điều đạo đức không vừa ý họ. Nhưng Gioan khiêm tốn xác định một cách cương quyết: “Tôi phải san phẳng đường đi, để đón Chúa đến”.

Gioan không bước lên quá ranh giới địa vị, cũng không lùi xuống quá ranh giới chức năng. Gioan là con người của ranh giới.

 3. Gioan Baotixita là con người của ranh giới, còn có nghĩa sau chót là Ngài can đảm bênh vực ranh giới đạo đức mà không được quyền xúc phạm

Hồi đó, đạo đời có nhiều lạm dụng. Gioan can đảm cảnh cáo những lạm dụng đó. Với những người thu thuế lạm dụng, Ngài bảo họ chớ đòi gì quá mức đã định. Với binh lính lạm dụng, Ngài bảo họ đừng khảo của người ta, đừng vu oan kiếm lợi. Vua Hêrôđê lạm dụng, Ngài bảo Vua: Nhà Vua không được phép cướp vợ người khác. Với những người chức sắc tôn giáo lạm dụng, Ngài bảo họ: Ðừng bảo mình là con cái Abraham mà tự tôn.

Bảo vệ ranh giới là điều khó tránh được đụng độ. Vì thế, Gioan Baotixita đã bị bắt và sau cùng đã bị nhà vua ra lệnh chém đầu. Chém được đầu Gioan Baotixita nhưng không chém được tinh thần bất khuất của Gioan Baotixita. Vì thế, qua gần 2000 năm, Gioan Baotixita đã trở thành con người sáng chói của lịch sử.

Anh chị em thân mến,

Tôi vừa giới thiệu chân dung của thánh Gioan Baotixita như một người của ranh giới:

- Bởi vì Ngài là nơi gặp gỡ giữa hai ranh giới đạo cũ và đạo mới.

- Bởi vì Ngài dứt khoát sống trong ranh giới địa vị chức năng của Ngài.

- Bởi vì ngài can đảm bênh vực ranh giới đạo đức, không ai được quyền vượt qua.

Ðời mỗi người đều bị chi phối bởi những ranh giới vô hình. Giữ được những ranh giới vô hình ấy là nên người, là nên thánh. Tôn trọng những ranh giới vô hình ấy là có bình an, là có hiệp nhất.

Xin Chúa nhân lành, nhờ lời cầu bầu của Ðức Mẹ và thánh Gioan Baotixita giúp chúng ta luôn biết tôn trọng những ranh giới vô hình chi phối đời ta. Amen.

Lễ thánh Gioan Baotixita, Long Xuyên ngày 24/6/1979