Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1975
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1975
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1976
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1977
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1978
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1979
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1980
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 

Gia Ðình Là Một Con Ðường

Anh chị em tới đây là có mục đích. Mục đích rõ rệt. Nếu ai hỏi đến đây làm gì? Anh chị em không ngần ngại thưa đến đây để Tĩnh Tâm.

Tĩnh tâm không phải là một sự tĩnh mịch cho tâm hồn, để rồi an nghỉ trong đó như một quê hương thanh thản. Ðừng nghĩ như vậy! Tĩnh tâm, đúng là một thời gian tĩnh, nhưng không tĩnh như một mục đích, mà tĩnh như một phương tiện, để có suy nghĩ những vấn đề quan trọng, liên quan đến vận mệnh đời đời.

Vấn đề được chọn để suy nghĩ lần tĩnh tâm này là gia đình. Gia đình là đề tài quá quen. Nhưng quen mà không thừa. Vì gia đình vốn là mối lo âu thường xuyên và nặng nề của xã hội, của Giáo Hội và của chúng ta.

Có người gọi gia đình là tổ ấm. Trên nguyên tắc gọi thế là rất đúng. Nhưng trên thực tế không luôn đúng. Có người gọi gia đình là trường học. Trên nguyên tắc gọi thế cũng rất đúng. Nhưng trên thực tế không luôn đúng. Có người gọi gia đình là kho tàng tình yêu. Trên nguyên tắc gọi thế rất đúng. Nhưng trên thực tế không luôn đúng.

Còn tôi, tôi gọi gia đình là một con đường. Gọi thế đúng hay không đúng. Ðừng vội kết luận. Nhưng nếu đúng, thì cũng không tuyệt đối. Bởi vì đó chỉ là một hình ảnh, tôi chú ý gợi lên, dựa theo kinh nghiệm thông thường, theo phân tích có tính cách xã hội học hơn là thần học.

Bài tôi nói đây không phải là một bài giảng nhưng mà là một bài nói chuyện thân mật. Sẽ xít xoát nửa giờ, đừng mong sớm hơn. Ðừng sợ dài hơn. Bài tôi nói gồm hai phần chính:

1. Gia đình là con đường thế nào?

2. Cái nhìn như thế về gia đình hướng tới những lựa chọn nào?

 I.- Gia đình là con đường thế nào?

 1.- Trước hết, gia đình là con đường Chúa đến gặp ta, và ta đến gặp Chúa.

Thực vậy, nếu tôi nhìn lại đời tôi, tôi thấy rõ điều tôi nói là đúng. Hồi tôi còn là đứa bé sơ sinh, tôi đâu biết gì. Gia đình tôi đã ẵm tôi đến nhà thờ, để tôi lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Phép Rửa Tội làm tôi thuộc về Chúa. Chúa đến với tôi. Chúa ngự trong tôi. Tôi sống trong sự sống của Ngài. Ai là trung gian thực hiện sự gặp gỡ đó. Thưa là gia đình. Gia đình ví như con đường đưa tôi đến với Chúa, và Chúa đến với tôi.

Rồi khi miệng tôi vừa bập bẹ biết nói, gia đình dạy cho tôi đọc kinh Kính Mừng, Lạy Cha. Khi mắt tôi vừa biết phân biệt sự vật, tôi đã nhìn thấy các tượng ảnh được tôn kính ở gian giữa nhà tôi. Khi tay tôi vừa biết làm được những động tác cứng cát, gia đình tôi dạy tôi làm dấu Thánh Giá. Khi tai tôi vừa biết ý nghĩa của lời nói, tối nào tôi cũng nghe gia đình tôi đọc kinh chung, gồm 50 kinh Môi Khôi, kinh Cầu, kinh Ông Thánh Giuse, kinh Quan Thầy, kinh Vực Sâu và kinh Cám Ơn. Khi tôi đã biết dậy sớm, tôi đã thấy sáng nào cũng thế, từ lúc trời còn tối, hoặc cha, hoặc mẹ tôi đi chân không, lặn lội từ nhà tới nhà thờ chánh để xem lễ. Và vừa khi chân tôi biết bước đi vững chãi, mỗi khi có người ăn xin ngoài ngõ, gia đình tôi thường đưa tôi bát cơm lon gạo, để tôi đưa ra cho kẻ ăn mày.

Tất cả những việc đó, nhỏ lắm, thường lắm, nhưng đã tạo nên trong tôi một cái nhìn về Chúa và một nếp sống. Tôi nhìn Chúa là Ðấng cao thiêng, quyền năng yêu thương. Và nếp sống của tôi là nếp sống của tin yêu. Tôi được như thế là nhờ ai? Thưa nhờ gia đình. Gia đình là con đường đưa tôi tới Chúa.

Rồi khi lớn lên, tôi thấy có nhiều Cha, Thầy năng lui tới thăm gia đình tôi. Các ngài quí mến gia đình tôi. Rồi các ngài biết tôi và gọi tôi đi tu. Bước đầu đơn giản có thế thôi! Ðơn giản, có nghĩa là ơn Chúa gọi tôi được thực hiện qua mối liên hệ quen thân của gia đình tôi với các Cha, các Thầy. Gia đình tôi là con đường Chúa đã đến gọi tôi.

Tôi xin lỗi, vì đã nói về mình. Nhưng nói, để gợi ý cho mỗi người cũng nhìn lại chính mình. Nếu nhìn lại đời mình, hầu hết anh chị em cũng phải nhận rằng: Mình được Rửa Tội, Thêm Sức, Rước Lễ Vỡ Lòng, được biết giữ đạo, một phần khá lớn là nhờ gia đình, thường là nhờ gia đình mình, một ít trường hợp là nhờ gia đình khác. Tựu chung cũng là nhờ gia đình, do bàn tay gia đình, do tiếng gọi gia đình.

Rồi nói chung, mỗi khi con người lãnh nhận một chân lý, một tình thương, một nhân đức, một ân huệ nào bất cứ, là chính lúc họ lãnh nhận ơn Chúa viếng thăm. Mà biết bao nhiêu chân lý, tình thương, ân huệ con người lãnh nhận từ gia đình. Do đó, gia đình đúng là con đường chuyển trao ơn Chúa.

Hiện nay, hằng ngày, tôi sống chung với một số người dưới mái một nhà, đó là gia đình với những tên gọi khác nhau. Khi tôi làm việc gì có tính cách bác ái yêu thương, phục vụ, thì là mỗi bước tôi đến với Chúa và Chúa đến với tôi. Một nụ cười, một lời khích lệ, một sự giúp đỡ nho nhỏ, một lời hỏi han, khi tôi làm vì bác ái, thì những việc đó, vẫn có sức làm cho sự sống của Chúa thêm dồi dào hơn trong tôi. Tất cả đều là sinh hoạt bình thường của gia đình. Ai ngờ sinh hoạt bình thường đó lại có thể biểu lộ gia đình thành một con đường dẫn ta lại gần Chúa.

 2.- Ngoài ra, gia đình còn là một con đường để người khác đến với ta, và ta gặp gỡ người khác.

Có người sẽ thắc mắc câu tôi nói đó, bởi vì biết bao nhiêu người đến với ta mà đâu có qua gia đình ta. Ở đây, tôi muốn nói tới những chuyện tìm đến có tính cách nghiêm chỉnh, những chuyện đứng đắn, do những người biết suy nghĩ đắn đo.

Tôi thường nghe có những cha mẹ nói với nhau: Con chúng ta có thể đi lại với nhau được đó, vì gia đình nó đàng hoàng, đạo đức. Ta thường nghe những anh chị khuyên em: Em đừng đi lại với đứa đó, vì gia đình nó không mấy đàng hoàng, không được lương thiện. Khi nói những câu như thế, người cha mẹ, người anh chị đã đánh giá một người qua gia đình họ. Căn cứ vào gia đình mà phán đoán.

Suy nghĩ cách đó là một suy nghĩ cũng rất tự nhiên thôi. Nếu tôi thấy người cha ăn ở lem nhem, rồi lại thấy đứa con lớn ăn ở lèm nhèm, rồi lại thấy đứa em nó nhiều ít lẹm nhẹm, thì tự nhiên tôi dè dặt với nhũng đứa con khác của gia đình đó. Dè dặt là dĩ nhiên.

Người nào cũng mang rất nhiều dấu vết của gia đình mình. Dấu vết thể xác và dấu vết tâm lý. Người nào cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều của nếp sống gia đình mình. Vì thế, người ta nhìn ta trong cái nhìn về gia đình ta. Tình cảm và lựa chọn người ta dành cho ta, thường được quyết định một phần lớn, do ảnh hưởng của cái nhìn của họ đối với gia đình ta.

Con người ví như một cây, cây có nhiều rễ tốt là cây tốt. Con người cũng có rễ, rễ theo nghĩa bóng, rễ là ông bà, cha mẹ, anh chị. Một người có nhiều rễ tốt, thì thường được coi là cây tốt. Người ta đến với mình, vì gia đình mình. Do đó, gia đình là một con đường. Ðường đẹp, đường tốt, tự nó đã là một giới thiệu sáng giá. Cũng thế, gia đình tốt là con đường tốt, có sức lôi cuốn những người muốn tìm đến những giá trị chắc chắn nhiều bảo đảm.

Một khi nhìn gia đình như một con đường người khác đến với ta, cũng như nhìn gia đình như một con đường đưa đến gặp gỡ Chúa, ta tự nhiên thấy ta phải có lựa chọn. Ðó là phần hai của bài nói chuyện.

 II.- Ta phải có những lựa chọn nào?

 1.- Lựa chọn thứ nhất ta nên có là buộc mình làm mọi cách để gia đình mình trở thành con đường tốt.

Làm mọi cách là những cách nào? Ở đây tôi nói một cách mà thôi. Ðó là cố gắng làm cho chính bản thân ta nên tốt hơn. Mà thế nào là nên tốt hơn. Thưa là hãy quảng đại hơn với Chúa và hãy quảng đại hơn với người khác.

Quảng đại hơn với Chúa là dành cho Ngài nhiều tình cảm hơn, nhiều tôn trọng hơn, nhiều thời giờ hơn.

Hôm nọ, tôi đi đường, mặc áo dòng, thấy một người giáo dân. Từ xa, không rõ họ thấy tôi không? Nhưng tới gần họ quay đi. Nếu thực sự đó là một hành động chủ ý, thì có khi vì họ sợ liên lụy. Tôi không buồn chuyện đó. Nhưng lập tức, tôi nghĩ trong lòng: Nếu đối với cha mẹ tôi và đối với Chúa, tôi không dám nhìn nhận, sợ liên lụy, thì chắc là cha mẹ tôi buồn lắm. Chúa tôi cũng buồn lắm và chính tôi cũng sẽ rất buồn vì thấy mình đánh mất nét làm cho mình đáng quí. Ðó là sự quảng đại trong niềm tin trung thành. Quảng đại thời nào cũng cần, nhưng khi hoàn cảnh khó khăn, quảng đại càng cần hơn, càng quí hơn.

Con người tốt là con người quảng đại, không những chỉ làm bổn phận tối thiểu mà còn tự ý làm thêm những gì tốt không bó buộc phải làm. Thí dụ, ngoài lễ Chúa Nhật là bổn phận bó buộc, họ sẽ tự ý đến dự một vài thánh lễ ngày thường, đó là quảng đại. Ai chỉ giữ sự tối thiểu, thì có lúc sự tối thiểu cũng sẽ bị cắt giảm đi, để chỉ còn là hình thức.

Rồi quảng đại hơn với Chúa còn là biết cộng tác với Ngài, chia sẻ niềm tin và hy vọng cho các người chung quanh, đặc biệt là những người trong gia đình mình. Bằng những lời nói, thái độ và hành động yêu thương bác ái, cầu nguyện cá nhân và cầu nguyện tập thể.

Chúa Giêsu đang có mặt trong Giáo Hội hôm nay, trong địa phận Long Xuyên, trong họ đạo chúng ta. Hằng ngày, Ngài vẫn vác thánh giá đi lại qua các con đường đủ loại và qua các gia đình. Xin hãy quảng đại nâng đỡ Ngài trong các người nghèo khổ, trong các vị đại diện Chúa, trong các sinh hoạt họ đạo.

Rồi quảng đại hơn với người khác là hãy yêu thương họ như yêu thương chính mình.

Mình không nghĩ xấu cho mình, thì mình cũng đừng nghĩ xấu cho ai. Mình không muốn mình phải sự dữ, thì mình đừng muốn sự dữ cho ai. Mình không nói xấu mình, thì mình đừng nói xấu kẻ khác. Mình muốn được người khác kính trọng mình, phục vụ mình, thì mình cũng hãy kính trọng và phục vụ kẻ khác. Mình muốn người khác coi mình là người có tư cách, thì mình hãy cố gắng ăn ở lịch sự như một người biết tự trọng.

Một hôm, tôi đến một cơ sở ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi mặc y phục đi đường, người gác cổng có vẻ cứng cỏi, cộc cằn với tôi. Mấy phút sau, ông chủ nhiệm tới, cả cơ sở nhận ra tôi, người gác liền chạy lại xin lỗi tôi vì thái độ lúc nãy, lý do vì không biết tôi là ai. Tôi không buồn chuyện đó. Nhưng tôi tự nghĩ, chính tôi có lẽ sẽ phải xin lỗi nhiều với Chúa, vì nhiều khi không nhận ra Chúa nơi người khác. Do đó, đã không có thái độ quảng đại xứng đáng. Chúng ta dễ quên lời Chúa: Khi con làm cho kẻ khác, là con làm cho Cha.

 2.- Lựa chọn thứ hai là tránh đừng đi vào những con đường gia đình không bảo đảm. Trái lại, lựa chọn những gia đình tốt nhiều bảo đảm.

Mới rồi, tôi đi Chương Thiện. Từ Cần Thơ đến Hòa Long, đường quá tệ: Xe đi chậm, rất ý tứ. Thế mà cũng bị bể bánh hai lần. Sự kiện đó làm tôi liên tưởng đến một số trường hợp lựa chọn về hôn nhân và nghề nghiệp.

Bao người đã khuyên cáo các cô các cậu hãy đắn đo suy nghĩ cho thật kỹ, vì người đó nghề thuộc môi trường không tốt. Nhưng các cô cậu đó không tin, cứ bước vô. Sau cùng, cũng như chiếc xe đi hoài trên đường xấu, cuộc đời họ dễ bị bể. Bể mộng, bể niềm tin, bể lý tưởng, bể lời cam kết.

Gia đình không tốt, là con đường không tốt. Chọn đường không tốt là một mạo hiểm dại dột. Trong việc chọn lựa, đừng quá chủ quan, nhìn qua lăng kính tình cảm và thiện kiến ngây thơ. Cũng đừng quá tin vào khả năng có thể thay đổi tình trạng xấu nên tình trạng tốt. Khoa tâm lý dạy rằng: Con người có hai thứ rất khó đổi, một là tính tình, hai là thói quen. Cả hai thứ đó, con người nhận được do gia đình.

Lát nữa, anh chị em ra về. Từ nhà thờ tới nhà, anh chị em sẽ qua mấy quảng đường. Tới nhà là dừng chân. Dừng chân, chứ không dừng cuộc sống. Cuộc sống sẽ tiếp tục đi hoài dưới mái gia đình. Gia đình lúc đó chính là con đường. Con đường cho cuộc sống bước đi. Con đường đó mang tên anh chị em. Nếu đường tốt, ta sẽ dễ gặp Chúa và những người thiện chí tốt lành. Thánh Gioan Baotixita đã giảng: “Hãy sửa đường cho Chúa đến”. Tôi cũng nhắc lại lời thánh bổn mạng của tôi: Hãy sửa đường cho Chúa đến. Ðường là gia đình. Hãy sửa lại cho Chúa Phục Sinh đến.

Với lời đó của thánh Gioan Baotixita, tôi xin kết thúc lời nói chuyện của tôi.

Tĩnh tâm Mùa Chay cho giới gia trưởng,
Long Xuyên ngày 24/02/1980