Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1975
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1975
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1976
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1977
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1978
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1979
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1980
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 

Rao Giảng Tin Mừng

Nói tới họ đạo Cầu Số Tư là nói tới họ đạo coi như xa lạ đối với rất nhiều người. Giáo phận Long Xuyên có trên 140 Linh mục. Tôi nghĩ có thể tới 140 linh mục không hề bước chân tới họ đạo Cầu Số Tư này. Họ đạo này bé nhỏ, với những người sống đời đơn giản. Họ đạo này xa xôi trên con đường đi về Bảy Núi, nên tự nhiên tới đây, tôi liên tưởng tới Bêlem. Nhưng giống Bêlem ở chỗ đơn nghèo mà lại có Chúa. Ðiều khiến tôi muốn nhìn đây như một Bêlem, đó là khả năng có thể loan báo Tin Mừng cho các nơi chung quanh.

Tin Mừng Chúa Giáng Sinh là Tin Mừng cần phải được loan đi rộng rãi. Tin Mừng Chúa Giáng Sinh không phải là một Tin Mừng chỉ dành riêng cho ta. Chúa đến với ta, và Ngài muốn qua ta, để đến với người khác. Ngài đã mời gọi Ba Vua qua ngôi sao, để rồi Ba Vua lại nói lại tin lạ cho vua Hêrôđê, cho các thầy cả và cho muôn vàn người khác. Chia sẻ Tin Mừng là một trách nhiệm. Thánh Phaolô ý thức trách nhiệm đó, và Ngài đã diễn tả ý thức đó bằng một câu ray rứt: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Trong thời gian qua, trách nhiệm rao giảng Tin Mừng đã được anh chị em lo và có kết quả tốt. Xin anh chị em tiếp tục, với tất cả nhiệt tình và bằng mọi cách thích hợp.

Muốn rao giảng Tin Mừng một cách thích hợp, ta nên học cách Chúa đã làm cho Ba Vua, đó là dùng dấu chỉ. Ngôi sao là dấu chỉ Chúa đã dùng, để hướng dẫn Ba Vua đến Bêlem. Dấu chỉ không nói gì. Nhưng nó gây nên thắc mắc, gây nên suy nghĩ, thúc đẩy tìm kiếm, giục giã lên đường.

Hôm nay, chúng ta cũng cần dùng đến dấu chỉ. Dấu chỉ nào? Chúa nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Cha, là chúng con yêu thương nhau”. Trong bữa Tiệc ly Chúa cũng đã cầu nguyện: “Lạy Cha xin hãy cho mọi người hiệp nhất nên một, như Cha ở trong con, và như con ở trong Cha. Xin Cha cho mọi người nên một trong chúng ta, để cho thế gian tin rằng Cha đã sai con”. Như thế, dấu chỉ Chúa muốn ta dùng, để người khác tin nhận Chúa, là yêu thương, hiệp nhất. Ta hãy yêu thương nhau. Hãy yêu thương đồng bào ta. Hãy yêu Tổ Quốc ta. “Ðâu có tình yêu thương, ở đấy có Ðức Chúa Trời”. Khi ta tỏ ra tế nhị phục vụ kẻ khác với bác ái chân thành, Chúa sẽ ở trong ta và trong hành động của ta. Ngài sẽ tác động tâm hồn kẻ ta yêu thương, phục vụ, để họ nhìn thấy chân lý và tình thương cứu độ của Thiên Chúa.

Ngoài bác ái đối với tha nhân, ta còn một dấu chỉ khác rất tốt, để hướng con người về tin yêu, đó là thái độ sùng mộ của ta đối với Chúa. Sự ta năng đọc kinh sốt sắng tại gia đình và nhà thờ, sự ta chuyên chăm đi dự thánh lễ, sự ta chịu khó học hỏi giáo lý, sự ta chăm sóc ảnh tượng trên bàn thờ đặt tại gia đình. Tất cả đều là những dấu chỉ có thể gây nhiều suy nghĩ cho các tâm hồn thiện chí.

Anh chị em thân mến,

Tôi biết anh chị em là những người nghèo suốt ngày phấn đấu với ruộng đồng, sông rạch để có cơm ăn áo mặc. Cuộc sống anh chị em thật là đơn giản. Nhưng lòng anh chị em quảng đại. Tôi vốn nghĩ rằng: Nguồn lực thiêng liêng làm tươi mát Giáo Hội, thường phát xuất từ những cộng đoàn bé nhỏ, âm thầm, nghèo túng, hơn là từ những nơi giàu có rầm rộ. Tôi tin Chúa ngự giữa anh chị em. Tôi cầu nguyện, xin Chúa luôn ở với anh chị em. Amen.

Lễ Hiển Linh, Cầu Số Tư ngày 6/01/1980