Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1975
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1975
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1976
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1977
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1978
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1979
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1980
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 

Cần Lo Nghĩ Xa Hơn

Chúng ta thấy con em chúng ta hôm nay mặt mày vui vẻ, áo quần sạch sẽ, thái độ thảnh thơi tươi đẹp. Chúng ta mừng cho con em chúng ta. Nhưng chúng ta thừa biết niềm vui của con em ta và của ta lúc này chỉ là giai đoạn. Nó không kéo dài mãi mãi. Bởi vì rồi đây, ta vẫn phải lo lắng nhiều lắm về đạo đức của con em chúng ta. Chúng ta mặc dầu tin tưởng vào hiệu quả muôn vàn của bí tích Thêm Sức, nhưng không vì thế mà chúng ta cho rằng: Phép Thêm Sức hôm nay sẽ làm cho con em chúng ta, từ nay không thể phạm tội, từ nay chắc chắn sẽ sống trong sạch, đạo đức, thánh thiện. Vấn đề đạo đức đâu có được giải quyết đơn giản bằng một bí tích Thêm Sức, hoặc bằng một vài ba việc lành. Ðể giúp cho con người sống đạo đức, Chúa đòi chúng ta phải nghĩ xa hơn. Nhưng thế nào là nghĩ xa hơn?

 1- Nghĩ xa hơn, trước hết là nghĩ tới đời sống vật chất, với những điều kiện tối thiểu, để con người có thể sống đạo, mà không đến nổi quá khó khăn

Tôi biết có những người quá nghèo túng, đêm ngày vất vả làm ăn, không còn thời giờ học giáo lý, đọc kinh xem lễ. Tôi có biết có những người ở xa nhà thờ, không có tiền đi xe, không có sức đi bộ, nên đành phải xa lìa các bí tích. Tôi biết có những người nghèo quá, không có những áo quần lành để đi lễ ban ngày. Tôi biết có những người quá thiếu thốn, nên đâm ra trộm cắp, tham lam, gian dối. Tôi cũng biết có những gia đình đâm ra lục đục, gây gỗ, bất hòa, cũng vì lâm cảnh nghèo túng, chật vật. Lý do không luôn đơn giản, nhưng phải nhận rằng: Ðời sống vật chất thiếu thốn lâu dài, thường là một môi trường gây ảnh hưởng không tốt cho đời sống đạo đức.

 2- Ngoài đời sống vật chất vừa nói, muốn giúp sống đạo đức, ta còn nên nghĩ xa hơn. Ðó là nghĩ tới môi trường xã hội. Môi trường xã hội nói đây là gia đình, là bạn bè, là tất cả nếp sống và tư tưởng chung quanh

Chúng ta biết có một số đông thanh niên giờ đây, sống không bám víu vào một mục tiêu cao thượng nào, không theo đuổi và phấn đấu cho một lý tưởng tốt đẹp nào. Họ sống qua ngày, tới đâu hay tới đó, sống thả nổi, buông xuôi, hời hợt. Thái độ sống đó, phải nói là một phần khá lớn do ảnh hưởng của môi trường ảm đạm, của cuộc sống chung quanh. Do tháng ngày nghe mãi những lời nói chán nản, cay đắng, buồn phiền. Do hằng ngày tiếp xúc với những bạn bè nông nổi, bi quan lừa lọc. Do hằng ngày phải sống qua những quảng đời thiếu công bằng, thiếu yêu thương, thiếu chân thành, thiếu hy vọng và thiếu gương can đảm, lạc quan và đời sống Tin Mừng. Môi trường như thế không thể không ảnh hưởng xấu đến đời sống đạo đức của con người.

Vì thế, hằng ngày Giáo Hội cầu xin: “Xin sai Thánh Thần Chúa đến, và xin canh tân bộ mặt trái đất”. Canh tân bộ mặt trái đất có thể hiểu là: Ðổi mới môi trường sống của con người trên thế giới.

 3- Ngoài môi trường này, để giúp con em ta sống đạo đức, ta cũng còn nên nghĩ xa hơn nữa. Ðó là nghĩ việc xây dựng môi trường tôn giáo của mình, sao cho thích hợp với thực tế hôm nay

Thích hợp không phải là chuyện đọc kinh vắn, đọc kinh dài, làm lễ ngoài nhà thờ hay trong nhà thờ vv... Mà thích hợp là chuyện cần phải mở một con đường mới, mới mà đúng, vừa phù hợp với Tin Mừng, vừa hợp với hoàn cảnh mới của Ðất Nước và của Giáo Hội. Làm sao cho con em ta nhìn nhận ra được sự có mặt của Chúa trong lịch sử bây giờ. Làm sao để con em ta an tâm bước đi với Chúa theo con đường cứu độ trong chính cuộc sống hôm nay nhiều gian khổ. Làm sao để con em ta hăng say làm tông đồ, chia sẻ Tin Mừng cho đồng bào mình một cách tế nhị, dù gặp khó khăn. Làm sao để con người hôm nay, đã mang sẵn nhiều gánh nặng trên vai, sẽ tìm thấy ở tôn giáo ta không phải những gánh nặng khác, nhưng là vô số tự do, yêu thương và an ủi.

Công đồng Vatican II kêu gọi chúng ta phải quan tâm đến việc thích nghi này một cách nghiêm túc, để môi trường tôn giáo được cải thiện sẽ là điều kiện tốt giúp cho việc xây dựng, bảo vệ và phát triển đời sống đạo đức.

Ðể giúp cho con em chúng ta sống đạo đức, tôi vừa nói 3 môi trường: Môi trường vật chất, môi trường xã hội, môi trường tôn giáo. Cải thiện 3 môi trường đó là việc quá lớn, ta khó làm được. Nhưng ta phải cố làm. Mỗi người hãy làm tốt bất cứ sự gì có thể trong phạm vi của mình. Ðược bao nhiêu hay bấy nhiêu. Cải thiện 3 môi trường đó cũng là công việc Chúa Thánh Thần mong muốn ta làm. Phép Thêm Sức sẽ chấm dứt với lễ nghi này, nhưng Chúa Thánh Thần là một công trình kéo dài, đòi ta phải góp phần cộng tác. Tôi làm bí tích Thêm Sức, nhưng anh chị em là những người cộng tác với ơn Thêm Sức của Chúa Thánh Thần. Cộng tác không phải chỉ bằng lời cầu nguyện, mà còn là bằng sự cố gắng, tạo nên những môi trường tốt, thuận lợi cho đời sống đạo đức.

Còn các con thân mến, các con biết: Bao người lo lắng cho các con được nên đạo đức. Chúa Thánh Thần cũng lo cho các con. Ngài thương các con nhiều lắm. Các con hãy xin Ngài tiếp tục thương các con mãi mãi. Thương thật nhiều. Nếu các con xin Ngài, Ngài sẽ nghe và sẽ cho. Hãy nói bây giờ và lát nữa, và sau này.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin thương con mãi mãi, thương con thật nhiều. Amen.

Lễ Thêm Sức, Hòa Bình Thạnh ngày 14/3/1980