Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1975
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1975
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1976
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1977
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1978
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1979
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1980
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 

Giáo Dục Ðức Tin

Một sự kiện rõ rệt nhận thấy nơi giới tín hữu trưởng thành, là sự chênh lệch giữa các cá nhân về trình độ tôn giáo. Có những mức độ khác nhau về lòng mộ đạo, về hiểu biết giáo lý, về thói quen lui tới nhà thờ và lãnh nhận bí tích. Sự chênh lệch được hình thành do nhiều hoàn cảnh khác biệt, như nền giáo dục quá khứ, tập quán, số tuổi, và ảnh hưởng xã hội. Với những chênh lệch, đời sống đức tin của họ có những diễn biến khác nhau và có thể đi theo những chiều hướng khác nhau.

Thêm vào đó, là ảnh hưởng của cuộc sống hôm nay. Trong môi trường văn hoá và chính trị tích cực vô thần, người lớn phải có những lựa chọn về tín ngưỡng. Họ sẽ can đảm, hoặc sẽ sợ sệt trong việc xưng đạo, hành đạo, bênh đạo và truyền đạo. Chính sách kinh tế với kế hoạch phân bố lao động, và với cách làm ăn tập thể, mặc dầu không nhắm vào tôn giáo, nhưng cũng ảnh hưởng nhiều đến việc hành đạo. Khó tránh được những hạn chế về thời giờ, về phương tiện đi lễ đọc kinh. Cuộc sống mới dần dần cũng tạo nên lương tâm mới. Người ta dễ dàng phạm tội.

Tuy nhiên, chính vì gặp khó khăn thử thách, nhiều người lớn đã trở nên tốt hơn khi họ nhận ra chỉ có Chúa là Ðấng cứu độ, đem lại hy vọng và lẽ sống. Nhiều người có suy nghĩ, khi nhìn thấy Giáo Hội Việt Nam hiện nay đang sống thực sự đời sống của mình với tinh thần khó nghèo, với lòng tin bất khuất, với niềm cậy trông trơ trụi, và với nỗ lực vươn lên không ngừng, thì càng lạc quan vững tin vào Chúa hơn nữa.

Chưa bao giờ đạo Công Giáo Việt Nam, được đại chúng chú ý như ngày nay. Ðược chú ý hay bị chú ý cũng vẫn tốt hơn là bị quên lãng trong dửng dưng, lạnh nhạt.

Tình hình tổng quát trên đây cho thấy việc giáo dục đức tin cho giới trưởng thành là việc rất khó, nhưng phải cố gắng thực hiện.

Giáo dục cách nào? Ðó là vấn đề đặt ra để suy nghĩ. Hoàn cảnh rất phức tạp. Ðưa ra một kế hoạch qui mô phức tạp là điều không thực tế. Dưới đây là mấy gợi ý cho hoàn cảnh Việt Nam hôm nay. Áp dụng được nhiều ít là tùy nơi, tùy người.

 1. Tại Việt Nam hôm nay, giáo dục đức tin người lớn, là đưa họ vào một cộng đoàn, để đức tin của họ được nuôi dưỡng nâng đỡ trong cộng đoàn, nhờ cộng đoàn

Mặc dầu sống đức tin là nổ lực của bản thân mỗi người, để gặp gỡ Chúa, chọn lựa Chúa và sống với Chúa. Nhưng nổ lực cá nhân nếu muốn hữu hiệu, cần được hỗ trợ bởi nhiều người. Bình thường là thế. Cộng đoàn môi trường là gầy dựng, là sức mạnh bảo vệ. Cộng đoàn nói đây, cụ thể là một họ đạo, một xóm đạo, một nhóm bạn hữu. Chúa Kitô đã qui tụ những kẻ tin Ngài, để họ nương tựa vào nhau mà sống. Ecclesia là qui tụ, là hội lại. Tông huấn Evangeli Nuntiandi (1975), đề cao vai trò của những cộng đoàn trong việc loan báo Tin Mừng (số 58). Xã hội Việt Nam càng ngày càng đi sâu vào chế độ tập thể. Ðời sống đức tin cũng nên đi sâu vào sức sống cộng đoàn, trong tinh thần hiệp nhất và hiệp thông. Hoàn cảnh càng khó, người Công Giáo càng cần gắn bó với cộng đoàn, nhất là gia đình.

Giáo dục đức tin người lớn là tìm đưa họ vào một điểm tụ. Dù ở nông trường, dù ở cơ quan, dù ở trại lính, dù ở vùng kinh tế mới, đi đâu, họ cũng tìm những người cùng tín ngưỡng, để quen, để biết nhau, để chia sẻ với nhau về cuộc sống, về tư tưởng và những sinh hoạt đạo đức.

 2. Tại Việt Nam hôm nay, giáo dục đức tin người lớn là vun trồng nơi họ một lòng sùng mộ bình dân nào đó

Như mộ mến lần chuỗi Mân Côi, tôn sùng Ðức Mẹ, làm việc Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, mặc áo Ðức Mẹ, tôn kính thánh cả Giuse, thương giúp các linh hồn... Tông huấn Evangeli Nuntiandi khuyến khích điều đó như một phương cách giáo dục đức tin (số 48). Cách này rất có hiệu nghiệm tại nhiều địa phận Việt Nam. Trong những hoàn cảnh khó khăn, nhiều người giữ được đức tin chỉ nhờ có thế.

 3. Tại Việt Nam hôm nay, giáo dục đức tin người lớn là phải dùng lễ Chúa Nhật như một phương tiện thuận lợi nhất

Hiện nay, mọi sinh hoạt tôn giáo, thường thu gọn trong nhà thờ. Tại đây, linh mục gặp được giáo dân. Nhưng phần đông người lớn chỉ đến nhà thờ lễ Chúa Nhật. Vì thế, tất cả chương trình giáo dục tôn giáo cần được tập trung trong lễ đó: Vừa cầu nguyện, học hỏi giáo lý, vừa có phụng vụ Lời Chúa, vừa có bí tích, vừa có chia sẻ bác ái. Ðể được kết quả, thiết tưởng ngày Chúa Nhật:

- Về kinh đọc trước lễ, nên chọn những kinh có nhiều nội dung tín lý, luân lý và dạy cách sống đạo.

- Về giáo lý, nên chọn vắn gọn, rõ ràng trong sáng, hợp thời, để mọi người có thể đọc chung đối đáp thuộc lòng.

- Về giảng huấn, nên vắn gọn trong sáng, để tất cả mọi hạng người: Ngoan đạo, khô đạo, vô đạo và nghịch đạo, đều có thể tiếp thu, và tiếp thu đúng.

- Về phụng vụ, nên tổ chức lễ thật gọn, đẹp và nghiêm trang sốt sắng.

- Về bác ái, nên đem ý hướng xây dựng tinh thần yêu thương đoàn kết vào những gặp gỡ, trò truyện, và các sinh hoạt huynh đệ trước, sau buổi lễ.

 4. Tại Việt Nam hôm nay, giáo dục đức tin người lớn phải chú trọng đến việc giáo dục gia đình

Chương trình có thể nhấn mạnh mấy điểm sau đây:

- Cần chuẩn bị kỹ hơn cho các đôi hôn phối để họ sống tốt và hạnh phúc trong đời sống gia đình.

- Hằng ngày, cần quan tâm đúng mức các buổi kinh tối, kinh sáng. Nên đọc chung với nhau.

- Nên tổ chức những ngày lễ của gia đình: Lễ bổn mạng, ngày sinh nhật, ngày giỗ. Nên chuẩn bị bằng việc xưng tội rước lễ.

 5. Sau hết, tại Việt Nam hôm nay, giáo dục đức tin người lớn là phải quan tâm đến việc phát huy đức ái chân thành, quảng đại đối với dân tộc Quê Hương

Ðảng và chính quyền thường đánh giá đời sống đạo của ta, qua đời sống công dân của ta, tôn trọng lòng mến Chúa của ta qua lòng yêu Tổ Quốc của ta, và áp dụng chính sách tự do tín ngưỡng tùy theo mối liên hệ thực tế giữa đạo và đời. Trong hoàn cảnh như thế, lòng yêu Tổ Quốc chân thành và tích cực xây dựng Quê Hương là ngôn ngữ dễ hiểu nhất và mạnh mẽ nhất của Phúc Âm. Tích cực trong việc làm và xây dựng những liên hệ tốt, đó là một trách nhiệm mục vụ quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến đời sống đức tin của mình và của cộng đoàn.

Trên đây là những gợi ý rút từ kinh nghiệm. Kinh nghiệm nhỏ bé, thì gợi ý cũng hạn hẹp. Hoàn cảnh càng giới hạn, thì việc giáo dục đức tin càng phải là một cố gắng. Còn những thiện chí trung kiên. Nhưng giải đáp sau cùng vẫn trong tay Chúa.

Nói chuyện với giới trưởng thành, Long Xuyên ngày 18/01/1980